Ông Vitali Manski – Phó chủ tịch Hội điện ảnh Nga: Chúng ta đang ở trên con tàu "Titanic" bị rò rỉ!

(TGĐA) - Cuộc trao đổi giữa nhà làm phim tài liệu Nga nổi tiếng, phó chủ tịch Hội Điện ảnh Vitali Manski với biên tập viên tuần báo Văn học của L.B.Nga Leonid Pavljuchik.

Về miền đất lạ, về tiền triệu cho không và về cái giá của việc sơn hàng rào

Thưa Vitali Vsevolodovich, ông gần như là chuyên gia hàng đầu của phim tài liệu Nga. Xin ông cho biết phim tài liệu ở Nga vẫn còn sống hay sắp chết?

Phim tài liệu hiện đang tồn tại trong tình trạng thảm họa. Thảm họa tuyệt đối. Nói một cách hình tượng, chúng ta đang ở trên con tàu Titanic bị rò rỉ. Song thảm họa - điều đó không phải bao giờ cũng là cái chết không tránh khỏi. Còn có những chiếc xuồng, những phao cứu sinh, những khúc gãy của cột buồm và còn có thể cố sức bơi vào bờ...

dienanhngatauchim

Đạo diễn Vitali Manski - Chúng ta đang mất dần khán giả phim tài liệu

Ông thấy tình trạng thảm họa ở chỗ nào?

Những dấu hiệu của nó thấy được trong mọi thứ. Nhưng cái chủ yếu nhất là ở chỗ phim tài liệu không có bất cứ sự giao tiếp ổn định nào với khán giả. Trên thực tế, nó đã biến khỏi đời sống văn hóa - nó không có trong phát hành, trên vô tuyến, trên DVD, trên Internet... Phim tài liệu hiện nay là miền đất lạ.

Nhưng trên vô tuyến có vô khối dự án vốn được mang tên một cách hãnh diện là phim tài liệu. Hàng triệu người đang xem những bộ phim ấy?

Phần lớn thứ sản phẩm ấy chả có liên quan gì đến điện ảnh cả. Truyền hình đã đánh cắp cái tên của phim tài liệu và đem nó đặt cho các buổi truyền hình vốn thường được sản xuất theo một sự rập khuôn nhất định. Và người xem, khi xem những chương trình truyền hình vô tận ấy, thậm chí không đoán ra rằng trong nước ta đang sống và làm việc những Viktor Kosakovski, Sergei Dvorsevoi, Aleksandr Rastorguev, Marina Razbezhkira và những bậc thầy khác của phim tài liệu mà của đáng tội, hoặc đã lần lượt chuyển sang làm phim truyện hoặc đã rời khỏi cõi đời này khi tài năng đang nở rộ như Sasha Malimin hoặc đã đi khỏi nước Nga và đem lại vinh quang cho các nước khác và các nền điện ảnh khác như Sergei Loznitsa, Marina Golodovskaja.

Vị thế của phim tài liệu chúng ta trên bình diện quốc tế là như thế nào?

Vẫn là cái cảm giác về thảm họa mang tính chất toàn cầu. Mới cách đây 10-12 năm, khi chúng tôi đi dự các cuộc Liên hoan phim tài liệu quốc tế chủ yếu, thì chúng tôi đã xuất hiện ở đó trong bầu không khí cuồng nhiệt y hệt như đội tuyển bóng đá Brasil đến dự giải vô địch bóng đá thế giới. Chúng tôi cũng như thế. Chúng tôi mang theo hai ba bộ phim để dự thi (hai bộ - nếu như đó là năm không thành công) dứt khoát cộng thêm mấy bộ phim màn ảnh rộng... Nói tóm lại, những người Nga đã đến! Còn khi về thì chúng tôi bao giờ cũng mang theo những giải thưởng. Việc ăn mừng chiến tích đã trở thành một truyền thống thông thường. Còn hiện nay trong nhiều năm nói chung chúng ta không lọt vào những cuộc Liên hoan lớn về phim tài liệu. Mang lắm thì trong một năm mới xuất hiện một, hai bộ phim được tiếng vang trên trường quốc tế.

Canh_trong_phim_tai_lieu_Trinh_tiet

Cảnh trong phim tài liệu Trinh tiết

Thế Bộ Văn hóa nhìn nhận như thế nào về tình hình khủng hoảng này? Liệu hiện nay có thể nói đến một chính sách khôn ngoan của nhà nước trong lĩnh vực phim tài liệu không?

Hiện nay không hề có bất cứ một chính sách nào của nhà nước đối với phim tài liệu cả. Tuy hằng năm Bộ văn hóa tài trợ cho gần 350 bộ phim không cốt truyện, nhưng khó mà gọi sự hỗ trợ đó là một cái khác ngoài sự dung tục hóa. Cho đến thời gian gần đây, phim không cốt truyện được Bộ văn hóa tài trợ trên cơ sở của những cuộc đấu thầu thương mại. Tức là anh nêu lên số tiền càng ít bao nhiêu thì anh càng có cơ hội đoạt những giải thưởng nhiều bấy nhiêu.

Tất cả những công lao trước đây, sự thành công của những bộ phim tại các cuộc Liên hoan, âm hưởng của xã hội đều không được chú ý tới. Có thể so sánh điều đó với việc đấu thầu sơn hàng rào. Anh nhận viện sơn hàng rào với giá 10 rúp, còn gã Pupkin nào đó với giá 9 rúp. Như vậy là gã Pupkin sẽ được sơn.

Hiện nay tình hình có khác, nhưng nó chỉ khá hơn một chút. Những phần đều nhau nhưng quá nhỏ bé của một cái bánh ngân sách lớn được cắt ra chia cho 350 nhóm. Với số tiền ít ỏi ấy thì chẳng làm được bất cứ một bộ phim nào cho ra hồn và thậm chí cũng không thể cạnh tranh được với những bộ phim tài liệu có quy mô nhỏ của nước ngoài, tỉ như bộ phim Bãi rác.

Tôi xin tiết lộ bí mật nhỏ: số tiền mà nhà nước ta cấp cho một dự án phim tài liệu hiện nay chỉ đủ cho khoản lồng tiếng có chất lượng trong một bộ phim bình thường. Điều đó sẽ dẫn tới hậu quả gì? Hoặc là dẫn tới việc xuất hiện những bộ phim mang tính chất thực nghiệm, may lắm mới có một vài bộ phim đáng xem, hoặc là dẫn tới việc chia chác tiền nong một cách trắng trợn. Bởi lẽ nhà nước cấp cho bộ phim một triệu rúp (bằng số tiền lương một năm của các giáo viên trường làng) nhưng sau đó thậm chí không thèm để mắt đến kết quả.

Chuyện đó thuộc về lương tâm của những người nhận tiền. Nhưng cần phải có lương tâm nào đây để sau khi đã nhận một triệu rúp - số tiền giời ơi đất hỡi, không phải hoàn lại, làm một bộ phim mà sẽ không bao giờ có ai xem, sẽ không bao giờ có ai nhớ tới?

Do tham gia công việc tại Liên hoan phim tài liệu và nằm trong ban xét giải thưởng "Cành nguyệt quế" cho phim không cốt truyện, tôi biết rất rõ rằng ở nước ta hiện nay gom lại được 100 người mà có thể gọi là đạo diễn phim tài liệu. Nhưng còn 250 người khác nhận tiền của nhà nước thì phải chăng đó là những tên mật vụ trong lĩnh vực phim tài liệu? Phim của họ ở đâu, chính bản thân họ đang ở đâu? Hiện nay chúng tôi trong Hội Điện ảnh (Kino Sojuz) đã quyết định làm cho ra nhẽ những vấn đề của phim tài liệu, hy vọng rằng tình hình sẽ thay đổi theo hướng tốt lên.

Ong_Vitali_Manski_-_Ph_ch_tch_Hi_in_nh_Nga

Tình hình khán giả và con người phức tạp

Cứ cho rằng ông sẽ chấn chỉnh được tình hình tài trợ cho phim tài liệu, ông sẽ lập lại được kỷ cương trật tự. Nhưng liệu trong nước có còn khán giả sẵn sàng xem phim tài liệu không? Nếu như khán giả đó cũng chẳng thiết xem lại phim truyện có nội dung súc tích đòi hỏi một sự động não tối thiểu?

Đây là một vấn đề lớn nhất và đau đầu nhất. Mức độ suy thoái của đất nước đã làm kiệt quệ tư duy của đủ loại khán giả. Có những người trước đây từng sở hữu vốn kiến thức văn hóa khá giả thì hiện nay đã rớt lại, đã sa ngã, trở nên bệ rạc. Có những người nói chung đã biến thành động vật nhai lại, chỉ biết xài thứ bỏng ngô. Nếu như bộ phim Dải lụa trắng của Michel Haneke - một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới từng đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan Cannes - ở nước Nga với dân số 145 triệu người chỉ thu hút được dưới 10 ngàn khán giả thì điều đó đã nói lên rất nhiều. Nhưng tuy thế, tôi vẫn không mất hy vọng. Tại LHP Artdocfest, các phòng chiếu những bộ phim tài liệu thuộc chương trình "tư tưởng tự do" trong khuôn khổ LHPQT Moskva bao giờ cũng chất ních khán giả. Ngoài ra, sau gần 20 năm gián đoạn, những bộ phim tài liệu dần dần trở lại với màn ảnh lớn. Những bộ phim của tôi như Trinh tiết, Rạng đông - Hoàng hôn đã được chiếu với sự phát hành hạn chế, còn bây giờ, bộ phim mới của tôi được quay tại Cuba - Tổ quốc hay là chết đang được chiếu rộng rãi. Bảy rạp chiếu phim ở Moskva đã mua bộ phim này để phát hành. Ngoài ra, sáu thành phố ở các tỉnh khác đã quan tâm tới bộ phim. Tất nhiên, đó chỉ là một giọt nước trong đại dương. Ở nước Nga có hơn 30 thành phố lớn gồm hãng triệu dân, chẳng nhẽ ở đó lại không có sinh viên, giới trí thức quan tâm đến loại phim tài liệu sâu sắc, phức tạp (tất nhiên không nhất thiết là của tôi) vốn khơi gợi sự suy nghĩ, so sánh, phân tích?

Tất nhiên là có, nhưng những nhà phát hành của chúng ta và các ông bầu truyền hình không hiểu sao lại muốn biến những đồng bào của mình thành những kẻ hoàn toàn ngu muội bằng cái chính sách hẹp hòi muôn thuở...

Tôi tin rằng chỉ có con người phức tạp chứ không phải đơn bào mới có thể dẫn dắt nước Nga đến một tương lai văn minh. Song nhà nước hình như đã chọn con đường đơn giản hóa tất cả chúng ta. Mà công cụ chủ yếu trong công việc này là truyền hình vốn tạo nên một bức tranh nhạt nhẽo, nghèo nàn về thế giới. Đôi khi tôi cảm thấy rằng nhiệm vụ của truyền hình hiện nay là triệt tiêu ý thức của nhân dân. Từ sáng sớm đến tận đêm khuya, người ta liên tục phát những chương trình vớ vẩn, những bộ phim nhiều tập hời hợt, thô thiển, những buổi biểu diễn nghệ thuật nhạt nhẽo và tất cả những cái đó được gia giảm thêm bằng trò khôi hài ngớ ngẩn. Hiện nay tôi đang dựng một bộ phim mới và đã mấy ngày không bật vô tuyến. Và sau đợt kiêng nhịn một cách không chủ tâm đó, tôi mở "cái hộp" - và con mắt vô tình của tôi bị chấn thương bởi trình độ của những cảnh quan được đưa lên màn hình. Ở mỗi kênh tôi dừng lại chừng 30 giây và vội vàng bấm tiếp, trong lòng cảm thấy xấu hổ vì sự thiếu chuyên nghiệp, vì sự ngu xuẩn mà màn ảnh bị nhồi nhét. Và chỉ ở mỗi một kênh Discovery là tôi rút cuộc có thế lấy lại hơi.

Dao_dien_phim_tai_lieu_Nga_-_ong_Viktor_Kosakovski

Đạo diễn phim tài liệu Viktor Kosakovski

Nhưng phim tài liệu chân chính vẫn hiện diện, vẫn còn sống, có điều nó hoàn toàn không tới được với khán giả. Tôi xin kể một câu chuyện lý thú về vấn đề này. Nhà làm phim tài liệu Nga Dmitri Vasjukov đến một khu rừng taiga rậm rạp, ông sống ở đó mấy năm và làm một bộ phim tài liệu nhiều tập Những người hạnh phúc nói về những người thợ săn và những người đánh cá. Năm 2009 ông đem bộ phim của mình dự giải Cành nguyệt quế. Bộ phim đã kinh qua hệ thống chọn lựa gồm nhiều nấc và lọt vào vòng chung kết. Ở vòng này có ba bộ phim bom tấn Những bí mật của ngành kiến trúc của kênh RTV, bộ phim Nước Mỹ một tầng của Vladimia Pozner và Ivan Urgant ở kênh Một và bộ phim Những người hạnh phúc của một đạo diễn vô danh tiểu tốt Dmitri Vasjukov. Tôi chắc mẫm rằng chiến thắng sẽ thuộc về kênh Một. Nhưng khi chiếc phong bì được mở ra trên sân khấu thì một chuyện động trời đã xảy ra: người chiến thắng lại là Dmitri Vasjukov. Các vị nghĩ rằng sau vụ này bộ phim nhiều tập Những người hạnh phúc đã được chiếu chí ít trên một kênh truyền hình của nước Nga phải không? Nhưng nó không được chiếu.

Song số phận của bộ phim "đắp chăn" này đã gặp may. Không rõ bằng cách nào nhà đạo diễn Đức nổi tiếng Verner Hersog được xem bộ phim ấy và đề nghị Dmitri Vasjukov hợp tác cùng với mình để làm một bộ phim lớn trên cơ sở của bộ phim truyền hình nhiều tập. Bộ phim này đã hoàn tất và trở thành một bộ phim Đức. Và bây giờ nó đang được chiếu ở Đức, ở châu Âu và trên khắp thế giới - dưới dạng phát hành và trên tivi. Chỉ hiềm một nỗi là không phải ở ta. Cũng như ở ta không được chiếu những bộ phim như Cuộc cách mạng không hề có của Aliona Polunina, Bãi tắm hoang dã của Aleksandr Raslorguev, Người mẹ của Pavel Koslomarov... Trong khi đó các khán giả châu Âu được xem những bộ phim nêu trên đây với sự hứng thú đặc biệt. Song đó là những bộ phim nói về chúng ta, về những vấn đề của chúng ta, về nỗi đau của chúng ta. Tại sao "đài truyền hình hay nhất thế giới" của chúng ta lại không chiếu những bộ phim ấy? Tôi từng là một chuyên viên truyền hình, từng làm ở các kênh khác nhau nhưng tôi không thể trả lời được câu hỏi này.

Ở châu Âu phim tài liệu thực ra vẫn có nhu cầu như trước đây?

Khi tôi trao đổi với các đồng nghiệp Âu châu thì thấy họ phàn nàn rằng lọt được vào chương trình truyền hình là vô cùng khó khăn và phim tài liệu được phát hành còn tệ hơn. Tôi rất thú vị được nghe những lời ca cẩm ấy. Họ không thể hình dung nổi những khó khăn thực sự là như thế nào. Cũng chính ở Đức, ít nhất 10 bộ phim tài liệu trong một năm được phát hành có kết quả, thu về được hơn 1 triệu euro. Đấy là chưa kể những buổi chiếu trong các cuộc Liên hoan khắp thế giới. Còn ngân sách trung bình chi cho một bộ phim tài liệu cũng vẫn ở Đức là gần 200 ngàn euro. Trời! Giá mà chúng ta được như vậy nhỉ?

Để kết thúc cuộc trao đổi, xin hỏi ông một câu cuối cùng. Cách đây 10 năm ông đã làm được liên tục hai bộ phim về Putin. Vậy hiện nay ông có muốn tiếp tục công trình nghiên cứu mang tính chất tài liệu ấy và biến nó từ bộ đôi tác phẩm thành bộ ba tác phẩm hay không?

Hiện nay hãy còn quá sớm để làm một bộ phim về Putin. Lúc này ông ấy đang ở một vị trí như trong năm 2000. Cho đến hôm nay ông ấy, nói một cách hình tượng, không thay đổi vai trò chính trị của mình. Chúng ta hãy theo dõi xem năm sau ông ấy sẽ trở lại chính quyền như thế nào khi lại trở thành tổng thống. Và chúng ta sẽ quan sát ông ấy qua 12 năm nữa đến khi nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống V. Putin kết thúc. Khi ấy, tôi nghĩ rằng tôi sẽ rất thích thú làm một bộ phim về ông ấy. Song còn cần phải sống tới năm 2024 cái đã...

Lê Sơn (giới thiệu và dịch)

(Theo "Literaturnaja Gazeta")