'A war of memories': Lời sám hối muộn màng đắt giá

(TGĐA) - A war of memories –  bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn Lee Kil Bora vừa ra rạp ở Hàn Quốc ngày 27/2 không khác nào lời sám hối muộn màng nhưng đắt giá thay cho người ông của cô - một trong số hàng trăm người lính Hàn Quốc đã gây ra vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị tại Quảng Nam (Việt Nam) năm 1968.

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia Những xu hướng mới của phim tài liệu Hàn Quốc
a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia Phim tài liệu: Khi thời thế đổi thay
a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia 12 bộ phim tài liệu phải xem năm 2020

Trước khi ra rạp, bộ phim A war of memories từng nhận được đề cử đặc biệt của ban giám khảo giải thưởng Mecenat tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2018.

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Các thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt cúi đầu xin lỗi các nạn nhân của vụ thảm sát Phong Nhất Phong - Nhị

Ký ức đẫm máu không thể nào quên

Tết Mậu Thân 1968, Mỹ và Hàn Quốc thực hiện cuộc truy lùng lính Việt cộng tại làng Phong Nhất – Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam, để lại vô vàn ký ức đau thương về vụ thảm sát dân thường hết sức đẫm máu.

Trách nhiệm ban đầu được đổ lên lính Việt cộng nhưng rốt cuộc, Thanh tra trưởng Lục quân Hoa Kỳ Robert Cook đã điều tra và kết luận, vụ thảm sát do Sư đoàn Rồng Xanh nức tiếng của Hàn Quốc gây ra. Theo ước tính, đã có 74 dân thường bị giết hại dã man bao gồm phụ nữ lẫn trẻ em. Ở làng Hà My lân cận, số nạn nhân gấp đôi lên tới hơn 130 người.

Lữ đoàn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ nhất Hàn Quốc ngày đó đã để lại vô số tội ác man rợ: thiêu sống người, giết phụ nữ mang thai, sát hại trẻ nhỏ, tùng xẻo, hành quyết tập thể… Koh Kyoung Tae - một phóng viên kỳ cựu từng sưu tầm những hình ảnh này và đã công bố ra thế giới cách đây không lâu.

Rất nhiều hoạt động tố cáo tội ác hay bày tỏ tội lỗi được diễn ra suốt hơn 5 thập kỷ, tiêu biểu gần đây là sự kiện vào năm 2018: các thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã cúi đầu xin lỗi người nhà của những nạn nhân năm xưa. Nhưng rõ ràng, tất cả chưa bao giờ là đủ, đã là ký ức thì chỉ có “cỗ máy thời gian” mới có thể thay đổi và chữa lành được.

Câu chuyện về hai ông cháu

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Lee Kil Bora vẫn không thể nào thôi tự hỏi mình tại sao ngày đó ông nội lại im lặng

Học hết trung học, cô gái trẻ Lee Kil Bora đột ngột thôi việc đèn sách và muốn tự do khám phá thế giới bằng cách đặt chân tới 8 tám quốc gia châu Á khác nhau, bao gồm Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng và Việt Nam. Khi trở về, cô còn tự tay thực hiện phim tài liệu ngắn Road road schooler (2008).

Kil Bora vẫn thường hay tâm sự cùng ông nội, cô nói với ông rằng mình đã đến Việt Nam. Ông của cô, một cựu chiến binh Việt Nam, người luôn tự hào về những tấm huy chương, đã hỏi cô đi đâu. Kil Bora hào hứng trả lời: “Cháu đã tới Đà Nẵng!”. Cuộc trò chuyện bỗng dừng lại, người ông hay tươi cười của Kil Bora đột ngột im lặng, như thể nhớ lại cái gì đó. Vài năm sau ông qua đời vì bệnh ung thư.

Năm tháng qua đi, cô gái đôi mươi ngày nào từng chứng kiến sự yên lặng của ông nội trở thành một đạo diễn nổi tiếng. Dù đôi khi, Kil Bora vẫn hay lấn cấn trong lòng vì chưa thể hỏi rõ ông đã có chuyện gì xảy ra ở Đà Nẵng.

Bát cơm nóng cùng lời khẳng định chắc nịch

Năm 2015, sau khi nghe tin về cuộc tàn sát dân thường ở miền Trung bởi quân đội Hàn Quốc, cô đã tham gia vào một chiến dịch có tên là “Hòa bình cho Việt Nam”. Kil Bora gặp gỡ Nguyễn Thị Thanh – nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị 1968, lúc đó đang sang Hàn Quốc thông qua Quỹ hòa bình Hàn - Việt để nói chuyện với dân chúng, với báo chí, với Quốc hội nhằm đấu tranh đòi Chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường.

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Bà Nguyễn Thị Thanh - người phụ nữ truyền cảm hứng cho Kil Bora thực hiện bộ phim

“Thanh biết tôi là cháu gái của một người lính đã chiến đấu trong chiến tranh, nhưng bà ấy bảo tôi ăn một bát cơm nóng trước khi rời đi” - Kil Bora nhớ lại trong dịp tới Việt Nam thăm gia đình bà, cô muốn tìm hiểu mọi thứ, muốn biết tại sao ông nội không nói gì.

Không chỉ có Thanh mà sự hào phóng của những con người nơi đây, nhất là những người từng bị tra tấn, có người thân là nạn nhân từng bỏ mạng dưới tay lính Hàn đã khiến Kil Bora khó lòng tưởng tượng nổi. Cô khẳng định chắc nịch trong lòng mình cần phải làm điều gì đó. Và đấy cũng là lý do A war of memories ra đời.

Hành trình làm phim thử thách và nhiều nước mắt

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Kil Bora muốn tác phẩm là những góc nhìn đa chiều

Từ 2016 – 2018, Kil Bora tới Việt Nam nhiều lần và dành toàn bộ thời gian phỏng vấn những nạn nhân còn sống sau thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị. Nữ đạo diễn đau đớn mỗi khi ai đó nói: “Tôi nhớ rõ đó là quân đội Hàn Quốc!”.

Nguyễn Thị Thanh – một trong những người truyền cảm hứng đầu tiên để Kil Bora làm ra A war of memories kể lại: mẹ bà một mình nuôi 4 đứa con sau khi chồng mất. Khi mẹ bà ra ngoài hái rau thì lính Hàn Quốc đột nhập vào nhà và bắt đầu xả súng. Em gái bà Thanh bị bắn trong lúc chạy ra cửa sau, em trai bà bị bắn vào miệng, cả hai chết vì mất máu quá nhiều. Bà Thanh bị trúng đạn vào phần đùi và nhanh chóng di chuyển vào bếp, còn người anh trai bị bắn ở phần mông. Cả hai may mắn sống sót sau khi những người lính Hàn Quốc đốt nhà để che giấu tội ác.

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Poster phim A war of memories

Dù vậy, A war of memories cũng không quá đào sâu vào tiểu tiết quá khứ mà trái lại, theo lời Kil Bora chia sẻ: “Tôi còn muốn đặt câu hỏi ở cách mỗi người nhìn vào khoảng ký ức đen tối đó ra sao. Không chỉ nạn nhân mà còn các cựu chiến binh hay nhà nước Hàn Quốc”.

Đội ngũ sản xuất của A war of memories chỉ bao gồm nữ đạo diễn, một nhà sản xuất và một nhân viên vẫn không làm cho Kil Bora cảm thấy khó khăn bằng áp lực sinh ra trong thời bình nhưng đi làm phim chiến tranh. Cô tâm sự: “Khi chúng tôi đang làm phim, đã có rất nhiều người hỏi, tôi là một phụ nữ trẻ chưa từng tham gia quân đội thì biết gì về chiến tranh?”. Bằng quyết tâm không thể nào bị xô đẩy, Kil Bora phản bác mạnh mẽ: “Không chỉ phụ nữ mà trẻ em, người tàn tật cũng đã chịu đắng cay ra sao bởi chiến tranh. Cũng là một phụ nữ nhưng đầy đủ sức lực, đã đến lúc tôi phải nói lên tiếng nói thay họ!”.

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia
Những cựu chiến binh có thể gây tội ác nhưng nhìn nhận một cách quan, họ đang bế tắc và phần nào 'ảo tưởng' với cái mà họ gọi là 'tự hào'

Thậm chí, nhiều cựu chiến binh Rồng Xanh năm xưa vẫn một mực khẳng định sau tất cả những gì họ cống hiến cho tổ quốc, thật là một sự sỉ nhục khi bản thân bị chỉ trích qua phim. Dĩ nhiên, Kil Bora lường trước điều này, cô bày tỏ quan điểm riêng khi trả lời phỏng vấn trang Korea Joong Gang Daily: “Tôi thực sự hiểu tại sao họ nói như vậy. Nếu họ không tin điều đó thì có nghĩa là họ thừa nhận rằng mình là thủ phạm, kẻ giết người. Vậy thì cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa gì? Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao họ không thể thừa nhận rằng có những vụ thảm sát. Nhưng khi tôi tiếp tục quay phim họ và thấy họ phản đối về điều đó, tôi nhận ra rằng họ cũng cần một nơi để chia sẻ câu chuyện của mình. Từ quan điểm của các cựu chiến binh, họ đã hy sinh tuổi trẻ để cống hiến cho quốc gia trong chiến tranh, nhưng những gì họ nhận được lại bị đóng khung như những kẻ giết người. Tôi nghĩ rằng tại sao họ tiếp tục quay trở lại quảng trường để phản đối, để tiếng nói của họ cũng có thể được nghe thấy bởi ai đó?”.

Kết phim, bà Nguyễn Thị Thanh có nói: “Tôi chờ đợi những cựu chiến binh đến đây nắm tay chúng tôi”. Hiển nhiên, vẫn sẽ không có ai vì hầu hết những người lính Rồng Xanh vẫn muốn giữ cái gọi là “niềm tự hào” xuống suối vàng như cách mà ông nội của Kil Bora im lặng ngày đó trước cháu gái.

Tuy nhiên, Kil Bora cũng tiết lộ đã có người thừa nhận lỗi lầm nhưng không được nói tới cụ thể là ai trong phim. Cô cũng đồng ý người này nên được che giấu danh tính và giải thích: ông ta vẫn phải sống tiếp và chỉ nên đóng vai trò “người thổi còi”, đánh tiếng trong cộng đồng vì Chính phủ cùng xã hội Hàn Quốc vẫn chưa làm những điều đúng đắn như thành lập một “ủy ban sự thật” – nơi không chỉ có mục đích tìm ra ai đúng, ai sai mà quan trọng nhất là tạo ra bầu không khí để đôi bên bỏ qua mặc cảm, cùng nhau trải lòng, thừa nhận và có thể “nắm tay nhau” như lời bà Thanh nói. Đó cũng là điều A war of memories muốn truyền tải!

Tháng 4/2018, một phiên tòa giả định được diễn ra, có sự theo dõi của hơn 500 người, có các luật sư, thẩm phán và “bị cáo” là những người đóng thế cho những người lính Hàn Quốc đã trực tiếp bức hại nhân dân Việt Nam. Sự đấu tranh của bà Nguyễn Thị Thanh và bà Thanh (làng Hà My) đã khiến Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát dân thường tại Việt Nam, yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân theo Luật bồi thường quốc gia.
a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia Những xu hướng mới của phim tài liệu Hàn Quốc

(TGĐA) - Dường như sau thành công của Old Partner (2009) và My Love, My ...

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia Phim tài liệu: Khi thời thế đổi thay

(TGĐA) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tàn lụi này, nhưng có một ...

a war of memories loi sam hoi muon mang dat gia 12 bộ phim tài liệu phải xem năm 2020

(TGĐA) - Phim truyện luôn chiếm lĩnh màn bạc thế giới trong danh sách những bộ ...

Vũ Anh