Ai là người chịu trách nhiệm cho bối cảnh quay phim?

(TGĐA) - LTS: Nằm trong hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ – người đã có quá trình tham gia làm phim hơn 10 năm, được biết đến qua các tác phẩm Và anh sẽ trở lại, Taxi, em tên gì?, Cuộc đời của Yến, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Truyền thuyết về Quán Tiên… đã có bài tham luận khá sâu sắc về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lựa chọn bối cảnh quay phim. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin giới thiệu tới bạn đọc bản tham luận này.    

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên': Xúc động và truyền cảm hứng cho khán giả
ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ táo bạo hơn với 'Truyền thuyết về Quán Tiên'
ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và quay phim - NSND Vũ Quốc Tuấn trên bối cảnh phim Truyền thuyết về Quán Tiên

Vai trò của bối cảnh: Không đơn thuần là địa điểm để thực hiện cảnh quay!

Trước hết, từ góc độ đạo diễn, tôi xin khẳng định bối cảnh chính là một trong những thành tố quan trọng nhất trong việc tạo nên một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa.

Trong tình hình phát triển điện ảnh hiện nay, điều này càng cần được khẳng định một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Sở dĩ nói như vậy, bởi điện ảnh Việt Nam đang phát triển một cách chóng mặt về số lượng phim mỗi năm và số lượng những nhà đầu tư, nhà sản xuất phim mới tham gia vào lĩnh vực này mỗi năm cũng tăng khá nhanh. Tuy vậy, rất ít phim và rất ít NSX xác định được đúng đắn tầm quan trọng của bối cảnh. Họ thường lược bỏ hoặc tinh giảm đến mức tối đa số tiền đầu tư cho thiết kế mỹ thuật trong phim, mà chỉ quan tâm đến diễn viên và phần nào đó là phục trang của diễn viên. Điều này dẫn đến hệ luỵ là rất nhiều bộ phim hiện nay của chúng ta đều có bối cảnh khá chật chội, góc máy nghèo nàn, sự di chuyển của diễn viên trong mỗi khuôn hình cũng từ đó hạn chế hơn nhiều.

Rõ ràng, bối cảnh không đơn thuần chỉ là một địa điểm để chúng ta thực hiện cảnh quay mà nó chính là tiền đề để chúng ta có được những cảnh quay đậm chất điện ảnh với chiều sâu, chiều rộng ấn tượng trong mỗi khung hình. Một cảnh phim có được nhiều lớp cảnh hay không thì phụ thuộc rất lớn vào việc bối cảnh trong đó được xếp đặt như thế nào.

Với những bộ phim có sự đặc biệt về thời gian (như phim chiến tranh, phim cổ trang) hoặc sự đặc biệt về không gian (như phim khoa học viễn tưởng, phim fantasy - kỳ ảo) thì bối cảnh chính là thứ quan trọng nhất để tạo nên cái nhìn tổng quát của khán giả về bộ phim đó. Và có thể nói, nó cũng chính là chìa khoá để người đạo diễn, người quay phim cùng người hoạ sỹ tìm ra cách kể câu chuyện của mình một cách hợp lý nhất, sống động nhất.

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim
Bối cảnh tạo nền tảng cho các thành phần từ diễn viên, họa sỹ, quay phim, đạo diễn thể hiện hết khả năng

Ai là người chịu trách nhiệm cho bối cảnh quay phim?

Ở một đoàn làm phim chuyên nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh, luôn có một bộ phận là Location Manager chịu trách nhiệm tìm kiếm bối cảnh. Họ phải đọc kịch bản phim, lắng nghe yêu cầu của đạo diễn, quay phim, hoạ sỹ, rồi sau đó sẽ tìm rất nhiều phương án bối cảnh phù hợp với những yêu cầu đó. Và cuối cùng, họ sẽ đưa những người thuộc thành phần sáng tác tới từng địa điểm để quyết định.

Điều này khá khác biệt với cách vận hành của một đoàn làm phim miền Bắc, khi chính đạo diễn, quay phim và hoạ sỹ sẽ là những người đi tìm bối cảnh cho bộ phim, tất nhiên họ sẽ ưu tiên đến những địa điểm có khả năng cao phù hợp với kịch bản, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của chính họ. Ở cách làm này, những người thuộc thành phần sáng tác có thời gian đi cùng nhau lâu hơn, và có thể bàn bạc thêm rất nhiều về quá trình thực hiện bộ phim tương lai của họ. Đồng thời, bản thân họ cũng là những người hiểu nhất họ muốn bộ phim của mình sẽ có hình hài thế nào, nên họ có thể chủ động hơn rất nhiều trong suốt quá trình tìm kiếm bối cảnh.

Với hai cách làm này, tôi thích cách làm thứ hai hơn, bởi ở cách làm đầu tiên, luôn nảy sinh một bất cập rất khó giải quyết. Đó là việc êkip sáng tác phải phụ thuộc vào sự tìm kiếm của một hoặc một vài người không có chuyên môn sâu về điện ảnh. Những bối cảnh được đưa đến luôn bị gói gọn trong khả năng của những người thuộc bộ phận Location. Sẽ có hai trường hợp xảy ra. Nếu đạo diễn, quay phim và hoạ sỹ cùng tặc lưỡi dù chưa ưng ý với bối cảnh cho lắm, chất lượng những cảnh quay tương lai sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu đạo diễn, hoạ sỹ hay người quay phim không đành lòng chấp nhận và muốn tìm những bối cảnh khác, thì lúc đó, thời gian sẽ trở thành vật cản lớn nhất của họ. Mọi thứ sẽ trở nên vội vàng khi ngày khởi quay theo kế hoạch ngày càng đến gần...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc tìm bối cảnh nên và phải giao cho một bộ phận riêng đảm nhận. Vì trên lý thuyết, rõ ràng nó giúp cho những thành phần sáng tác chỉ việc nghĩ rồi đưa ra yêu cầu, chứ ko phải nhọc công “mò kim đáy bể” mà không biết liệu có tìm được điều mình muốn hay không. Điều quan trọng nhất chính là việc bạn phải chọn được một người làm Location có trình độ chuyên môn tốt về điện ảnh nói chung và sản xuất phim nói riêng, một người hiểu được bạn muốn gì và có thể đưa ra được những phương án tối ưu trong việc biến những câu chữ trên giấy thành khung cảnh thật.

Giải pháp là kết hợp giữa bối cảnh và kỹ xảo

Với những bối cảnh phim hiện đại, có lẽ mọi việc không quá khó khăn, quan trọng là bạn dành bao nhiêu thời gian, bao nhiêu công sức và tiền bạc cho công việc tìm bối cảnh. Sự thật là dù có vất vả đến đâu, thì nếu khâu quan trọng trong quá trình tiền kỳ này, được bạn đầu tư kỹ lưỡng, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều khi phim bắt đầu bấm máy. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp gấp gáp trong việc chọn bối cảnh để giảm chi phí, để rồi sau đó phải tốn gấp nhiều lần số đó để đổi bối cảnh do không phù hợp với kịch bản hoặc bối cảnh không đáp ứng được ý tưởng của đạo diễn.

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim
Bối cảnh nông thôn thời đổi mới được khắc họa khá sinh động trong Cuộc đời của Yến

Một trong những bộ phim khiến tôi cảm thấy khó nhất và đôi lúc bế tắc trong việc lựa chọn bối cảnh là Cuộc đời của Yến. Ở thời điểm đó, tôi cùng quay phim - NSND Vũ Quốc Tuấn và họa sỹ - NSND Dân Nam đã đi rất nhiều nơi trải dài từ Lạng Sơn tới tận Hà Tĩnh để tìm những ngôi nhà cổ ba gian. Chúng tôi nhận ra rằng, dù còn rất nhiều làng cổ còn tồn tại và còn nhiều ngôi nhà gỗ từ những thế kỷ trước nhưng tất cả đều bị những căn nhà bê tông hai tầng, ba tầng bao quanh, tạo nên một sự ngột ngạt của hiện đại bao quanh những nét cổ kính. Bản thân tôi cùng mọi người trong êkip cũng không muốn sử dụng lại những bối cảnh đã xuất hiện quá nhiều ở những bộ phim khác từ điện ảnh tới truyền hình và trong cả những bộ phim du lịch đã được phát rất nhiều trên tivi.

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim
Bối cảnh nhà nông thôn trong Cuộc đời của Yến

Sau cùng, rất may mắn khi chúng tôi đã tìm được một ngôi nhà như trong kịch bản, có sân gạch cũ, một vườn chuối rộng phía sau và một ao bèo. Từ đó, hoạ sỹ Dân Nam cùng đội ngũ thiết kế của ông đã gia cố và điểm thêm những nét tinh tế như tường gạch, tường đất, cổng gỗ và quan trọng nhất là gian bếp lợp mái lá để cùng gian nhà chính tạo nên một cụm bối cảnh gần như hoàn chỉnh.

Ngoài ra, đường làng, giếng làng, sân kho hợp tác xã, bến đò hay một số bối cảnh phụ, chúng tôi phải chọn ở 4, 5 địa điểm khác nhau, và phải nhờ sự can thiệp của kỹ xảo để có một không gian làng quê Bắc Bộ những năm 60-70 chân thực nhất.

Hiện nay, công nghệ kỹ xảo ở nước ta đang ngày càng tiếp cận gần hơn với thế giới. Điều này giúp cho những nhà làm phim có thể thoả sức tưởng tượng hơn rất nhiều. Và việc tái tạo không gian trong phim không chỉ là công việc của hoạ sỹ thiết kế nữa mà còn là nhiệm vụ của bộ phận kỹ xảo. Điều quan trọng là việc tính toán chúng ta sẽ quay thật ở những phần nào và quay phông xanh ở những phần nào, sao cho hợp lý nhất cả về hiệu quả hình ảnh và hiệu quả kinh tế.

Việc lựa chọn bối cảnh quay phim một cách chính xác là yếu tố tiên quyết để có một bộ phim đậm chất điện ảnh. Đó không chỉ là không gian hoạt động của nhân vật trong phim mà còn là không gian hoạt động của cả những người thực hiện mỗi cảnh quay, mà quan trọng nhất là không gian di chuyển của máy quay. Bởi vậy, tôi rất mong các nhà sản xuất phim sẽ luôn đặt tầm quan trọng của công đoạn này ở đúng vị trí của nó. - Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.
ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim Hội thảo 'Bối cảnh quay phim tại Việt Nam': Làm thế nào để thu hút đoàn phim nước ngoài?

(TGĐA) - Sáng 24/11 tại khách sạn Pullman, TP. Vũng Tàu đã diễn ra Hội ...

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên': Xúc động và truyền cảm hứng cho khán giả

(TGĐA) - Trình chiếu lần đầu tiên nhân dịp Liên hoan Phim Việt Nam lần ...

ai la nguoi chiu trach nhiem cho boi canh quay phim Khai mạc Triển lãm ‘Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam’

(TGĐA) – Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ...

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ