(TGĐA) - Những khoảnh khắc quyến rũ tôi nhất ở Colombo (Sri Lanca) là lúc ngồi xe tuk tuk chạy bon trên đại lộ Galle Face Green, đoạn nối dài từ tháp Đồng hồ và nhà quốc hội cũ cho tới Galle Face, một khách sạn cổ xây dựng từ giữa thế kỷ 19. Con đường rộng thênh này chỉ toàn khách sạn năm sao, phô diễn mọi design tinh tế nhất dành cho những du khách sùng bái sự xa xỉ, đẳng cấp và tận hưởng. Bên kia là tầm nhìn khoáng đạt phóng về tận châu Phi khiến cho giá thuê phòng bị đẩy cao gấp vài lần so với nhà trong phố…
Một khu bãi biển riêng của một khách sạn 5 sao sang trọng nằm trên đại lộ Galle Face Green |
Khách sạn của tôi cũng hướng ra đại dương vô tận, nhưng đoạn đường Marine Drive có đường ray xe lửa chạy xình xịch bất kể ngày đêm ấy chỉ toàn loại tầm tầm ba sao. Thôi thì du khách trung lưu ở Marine Drive thi thoảng chạy sang ăn “phở ngó” bên Galle Face Green, miệng vênh váo bảo lần sau đến Colombo mình sẽ ở đây.
Tháp Hoa Sen ở thành phố Colombo lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng đang được xây dựng |
Từ thời thuộc địa, đại lộ xinh đẹp này đã được lấy làm trung tâm thành phố. Cách đài phun nước Sư tử một quãng, bán đảo nhân tạo đang được cần cẩu hối hả ngày đêm xúc cát bồi nó ra xa, nhìn đã thấy là dăm năm nữa quay lại Colombo, một “cái gì đó” rất hoành tráng sẽ làm tôi choáng ngợp. Nhà văn Sunethra Rajakarunanayake (người bạn đồng hành của tôi trong suốt những ngày ở Sri Lanka) nhún vai:
Cảnh chiều xuống ở bãi biển Colombo |
Sunethra luôn nhún vai bất cứ khi nào nhắc đến Trung Quốc. “Cái tháp mái có hình hoa sen kia là của Trung Quốc cho hết đấy”, bà chỉ một công trình hiện đại khi xe đi gần đến bảo tàng quốc gia. “Tòa nhà kia cũng do Trung Quốc đài thọ”. Tôi chưa thấy ai nhắc đến sự được “cho” lại với cách khổ sở như thế. Sunethra không thích người Trung Quốc, như rất nhiều người Sri Lanka khác. Lúc vừa vào sảnh bảo tàng, chúng tôi bước tới gian phòng đầu tiên trưng bày các mô hình thuyền bè.
Những công trình nhân tạo do Trung Quốc đầu tư xuất hiện rất nhiều ở Colombo |
Sunethra lại nhún vai vẻ “Đi thôi!”. Quả nhiên, nơi hoàn toàn trưng bày các cổ vật quốc gia lại có một gian chiếm lĩnh ngay lối vào, với chủ đề giao lưu Sri Lanka – Trung Quốc, lấy cảm hứng từ con đường thông thương trên biển với các mẫu thuyền của Trung Hoa đại lục.
Bảo tàng quốc gia ở Colombo khá đẹp với kiến trúc sang trọng và sơn màu trắng |
Trung Quốc đang đầu tư và tài trợ rất nhiều vào Sri Lanka. Tháng 12/2017, nhiều báo Việt Nam đưa tin với hàng tít nóng: “Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc”, “Trao cảng cho Trung Quốc, Sri Lanka nhận nóng 292 triệu USD”, “Ấn Độ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Sri Lanka” và cả tin bộ trưởng tư pháp xứ họ, ông Wijeyadasa Rajapakshe bị tổng thống bãi nhiệm vì phản đối việc bán cảng Hambantota cho Trung Quốc.
Những chiếc tuk tuk quen thuộc ở Colombo - Sri Lanca |
“Ngôi nhà tạm” của tôi ngự ngay đường Marine Drive, cũng là một khúc sau của con đường ven biển nên hàng ngày thường chạy qua chạy lại trên Galle Face Green. Chiều đến, đại lộ lộng gió và thơ mộng với một bên mênh mông, khoáng đạt và một bên hào nhoáng, tráng lệ.
Tôi hay đi tuk tuk, giá khá rẻ, chạy lâu hay mau gì thì cũng chưa bao giờ thấy đến 1000 Rupee. Tuk tuk ở Sri Lanka có lẽ sạch đẹp nhất châu Á và các tài xế chẳng bao giờ có ý định bắt chẹt khách hàng.
Một góc phố Pettah |
Những khoảnh khắc quyến rũ tôi nhất ở Colombo là lúc ngồi xe tuk tuk chạy bon trên đại lộ Galle Face Green, đoạn nối dài từ tháp Đồng hồ và nhà quốc hội cũ cho tới Galle Face, một khách sạn cổ xây dựng từ giữa thế kỷ 19… |
Họ chỉ hay gạ đưa chúng tôi vào các trung tâm đá quý hòng đổi lấy ít hoa hồng. Có lần tôi bảo một gã tài xế chở ra phố mua sắm, ý nói một khu náo nhiệt nào đó tương tự phố cổ Pettah, nhưng gã rong tuốt chúng tôi vào một cửa hàng trang sức nằm trong góc dân cư hẻo lánh. Thấy tôi nhất định không vào, gã bảo gã nhầm rồi lại chuyển sang một… trung tâm đá quý khác. Điên tiết, tôi mắng gã như tát nước rồi nguây nguẩy xuống xe và gọi một chiếc tuk tuk khác.
Tuk tuk là phương tiện đi lại tiện lợi nhất với khách du lịch ở Colombo |
Có lẽ sự trơ trẽn mà Paul Theroux gặp phải ở Ceylon 45 năm về trước cũng chỉ dừng lại ở bấy nhiêu đó thôi, không hơn. Người Sri Lanka không làm phiền gì tôi cả, trong suốt chặng đường từ Colombo về đến miền Trung, ngay cả khi tôi lang thang ở chợ trời Pettah.
Những cửa hàng được mở ra phục vụ khách du lịch ở ven biển thành phố Colombo |
Nằm đối diện nhà ga chính, Pettah là một hợp âm khổng lồ, như thể thu trọn mọi âm thanh của đảo quốc vào con phố bé tí ấy. Vừa dợm chân vào đầu chợ, tôi đã choáng váng bởi người, mà chỉ đàn ông thôi, không có phụ nữ mua hay bán ở phố chợ trời ấy.
Những gương mặt tôi nhìn thấy ở chợ trời Pettah hầu hết toàn là đàn ông |
Những tiếng rao bằng ngôn ngữ Sinhala, tiếng chuông gió va lanh canh từ một cửa hàng chuyên bán chuông, tiếng thử âm thanh từ một tiệm đĩa hát. Tất cả quây úp và áp đảo kẻ mới đến, nhưng cũng chẳng ai buồn mời mọc chi cả. Không người bán nào thèm liếc tôi nửa con mắt. Chẳng có gì để mua hay ngắm ở chốn nhộn nhạo này vì 100% “made in China”.
Những cửa hàng ở chợ trời Pettah này hầu hết cũng tràn ngập hàng Trung Quốc |
Trăm thứ bà rằn: áo gió, túi da, thắt lưng, đồ điện tử, đồ chơi… Hàng hóa Trung Hoa thống trị toàn cầu, thậm chí âm mưu bành trướng và bá chủ cả những quốc gia nổi danh thương hiệu là Hoa Kỳ và Tây Âu, cho đến những thành trì của hàng xuất là Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản và kéo dài thành vệt từ Việt Nam sang tận châu Phi. Vì đến tận chợ trời Casablanca tôi vẫn còn nhìn thấy hàng Trung Quốc kia mà.
Một cửa hàng trái cây ở chợ trời Pettah |
Đi gần hết chợ tôi mới bắt gặp một quầy hoa quả hiếm hoi bày cam, quýt, táo. Tôi tỏ ý muốn mua một ít nhưng chỉ đang lo đấy là trái cây Trung Quốc thì Sunethra bảo “Đúng là của Trung Quốc đấy mà”.
Một góc chợ trời Pettah |
Phố chính Pettah tập hợp hàng trăm quầy trang sức và những tiệm thời trang bán rặt saree. Hai chị em tôi những muốn tậu một chiếc nhưng đắt quá, chưa kể Sunethra còn gàn bộ xanh ngọc lóng lánh rằng trông thiếu đứng đắn và kém sang trọng.
Một cửa hàng bán Saree ở Pettah |
Tôi thì chết mê vẻ rực rỡ duyên dáng với mạng sườn thấp thoáng và phần áo crop-top ẩn hiện sau lớp vải cuốn màu xanh trong suốt. Thực ra saree chỉ là một tấm vải cực dài. Người ta mua nó về rồi tự cuốn cho thành chiếc váy. Song nếu không có người cuốn cho thì chịu, tôi biết làm gì với miếng vải ấy.
Tôi từng xem một bộ phim ngắn rất thú vị và hài hước của Sri Lanka nói về sự xung đột tôn giáo ở các vùng nông thôn, đặc biệt là giữa Phật giáo và Hồi giáo. Ở đó các nhà sư đi xe ôm từ làng này qua làng nọ để hành lễ. Giữa đường xe hỏng và những người Hồi giáo xuất hiện… Đảo quốc Tích Lan (Tên tiếng Việt gọi ngày xưa) không chỉ nhiều chùa chiền thờ Phật và thánh đường Hồi Giáo mà còn vô số các nhà thờ Thiên Chúa và đền thờ Hindu.
Những bông hoa hiến Phật ở đền Kelaniya Raja Maha Vihara |
Song tôi yêu thích vô cùng không khí của những ngôi chùa trên xứ sở này, nơi mà bạn luôn phải đi chân đất trên đá răm trải khắp sân chùa trước khi đặt bước đầu tiên lên những bậc đá mát lạnh. Ở đó người đi cầu chỉ mang theo những bông sen, súng, huệ, cúc không cành để dâng lên Đức Phật.
Không xôi thịt, không oản bánh, không tiền vàng, thuốc lá, rượu ngoại, nhà xe hàng mã theo cách hối lộ thần linh.
Người Sri Lanca chỉ dâng hoa trước đền chùa |
Trông thế tôi lại nhớ quá mỗi bận thắp hương rằm của hơn 30 năm về trước, mẹ tôi hay ra chợ mua một nắm mẫu đơn, nhài, huệ… gói trong lá chuối rồi về đặt lên chiếc đĩa con bày bàn thờ chứ không dùng hoa cành cắm lọ như bây giờ. Cũng bởi ngày ấy hoa hiếm quá, cả nước chẳng trồng trọt được gì, nên thiếu cả rau trái lẫn hoa.
Người Sri Lanka thì chẳng thiếu hoa. Họ vẫn bán hoa cành ngoài cổng chùa, rồi sau mới ngắt cành đi để con chiên đệ tử mang vào bày lên ban. Cả ngàn đóa hoa xếp chồng lên nhau tỏa hương thay cho trầm thơm. Họ không dâng hương mà hiến lửa.
Người Sri Lanca chỉ dâng hoa trước đền chùa |
Trong sân chùa bao giờ cũng có một mái hiên với dãy đèn dầu. Người ta thắp đèn trước khi bước vào bên trong như một nghi lễ ngàn đời truyền tụng lại. Kelaniya Raja Maha Vihara, ngôi đền cổ kính nhất vùng thủ đô Colombo cũng có một giá đèn dầu bảy tầng đen kịt vì muội khói.
Những giá đèn dầu hiến Phật ở đền Kelaniya Raja Maha Vihara |
Bên ngoài sân đền rải rác những tháp tròn như cái nón úp màu trắng chứa hài cốt các vị cao tăng, một đặc trưng của chùa chiền Sri Lanka.
Tôi đang lạc lối vào khuôn ảnh của một cảnh phim thuộc thể loại phiêu lưu mạo hiểm truy tìm kho báu bị lãng quên. Những bức tượng Phật sừng sững bên trong đền Kelaniya Raja Maha Vihara, những cánh cửa gỗ nhỏ xíu thâm nâu huyền bí với chốt then khóa kín cuối hành lang, những hoa văn khổng lồ chạm lồi trên mặt sàn như thể mã code để mở cửa một căn hầm bí ẩn bên dưới ngôi đền và cả những ô cửa sổ nhỏ xíu có chấn song gỗ khắc chạm cầu kỳ đang hắt những vệt sáng vào lòng đền u tối.
Kelaniya Raja Maha Vihara là ngôi chùa cổ kính nhất thủ đô Colombo |
Chẳng phải tất cả đang minh họa cho một trường đoạn của seri Indiana Jones hay sao? Sri Lanka đã từng được chọn làm trường quay cho ít nhất 36 bộ phim Hollywood mà nổi tiếng nhất là Cây cầu trên sông Kwai (The Bridge on the River Kwai) hay Indiana Jones và Ngôi đền tàn khốc (Indiana Jones and the Temple of Doom).
Đầu những năm 80, đạo diễn Steven Spielberg đã phải bay trực thăng khắp đảo quốc để tìm không gian phù hợp cho vài cảnh quay của “Ngôi đền tàn khốc”. Tất nhiên ông không chọn Kelaniya Raja Maha Vihara, dù tôi rất muốn gợi ý điều đó với Spielberg, bởi lúc lang thang trên không trung, nhà đạo diễn tài danh chỉ có thể nhìn thấy các công trình từ bên ngoài và con đập Victoria đã lọt vào đôi mắt nhà nghề của ông, để rồi sau đó khán giả phải giữ chặt tim khi chứng kiến cảnh nam tài tử Harrison Ford làm xiếc trên cây cầu nhân tạo này…
Một góc phù điêu của ngôi đền Kelaniya Raja Maha Vihara |
Những bức tượng Phật sừng sững bên trong đền Kelaniya Raja Maha Vihara, những cánh cửa gỗ nhỏ xíu thâm nâu huyền bí với chốt then khóa kín cuối hành lang, những hoa văn khổng lồ chạm lồi trên mặt sàn như thể mã code để mở cửa một căn hầm bí ẩn bên dưới ngôi đền và cả những ô cửa sổ nhỏ xíu có chấn song gỗ khắc chạm cầu kỳ đang hắt những vệt sáng vào lòng đền u tối. Chẳng phải tất cả đang minh họa cho một trường đoạn của seri Indiana Jones hay sao? |
Di Li