(TGĐA) - Đó là câu hỏi đau đớn của chính chính quyền quê hương dành cho đạo diễn nổi tiếng Andrei Tarkovsky khi có những cống hiến to lớn cho ngành điện ảnh Liên Xô lẫn thế giới nhưng lại không được chính đất nước thừa nhận. Andrei Tarkovsky (1932-1986), là đạo diễn sân khấu và điện ảnh nổi tiếng có phim thường xuyên lọt vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tác phẩm của Andrei Tarkovsky là một hiện tượng quan trọng và khác thường của nền văn hóa thế giới. Phim của ông nói về nỗi đau và hy vọng của con người mang trên vai trách nhiệm đạo đức trước toàn thế giới. Các giải pháp tư tưởng và nghệ thuật của Tarkovsky nổi bật bởi tính độc đáo và chiều sâu…
Sergei Gerasimov: Một cuộc sống dài lâu, một sức sáng tạo bền bỉ | |
Các đạo diễn Nga nói về Năm điện ảnh Nga |
|
Tổ quốc không trân trọng
Năm 1962, đạo diễn Andrei Tarkovsky thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình Thời thơ ấu của Ivan (Ivan's Childhood). Tác phẩm này được trao giải “Sư tử vàng” tại Liên hoan phim quốc tế Venice. Sau đó, ông bắt tay vào đạo diễn bộ phim Andrey Rublyov. Công việc sản xuất diễn ra chậm chạp do các quan chức Liên Xô phê phán cốt truyện u ám, thiếu tinh thần yêu nước. Ngoài ra, Tarkovsky còn bị buộc tội đối xử tàn ác với loài vật - có thông tin cho rằng trên trường quay phim Andrey Rublyov, một con ngựa đã bị ném từ vách đá và một con bò bị thiêu. Tuy nhiên, về sau bộ phim đã nhận được giải thưởng của FIPRESCI (Hội liên hiệp các ký giả và các nhà phê bình phim chuyên nghiệp quốc tế) và được công nhận là tác phẩm hàng đầu trong sự nghiệp của đạo diễn.
|
Bộ phim khoa học viễn tưởng Solaris của Tarkovsky, dựa theo tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn Ba Lan Stanisław Lem, được trao giải Grand Prix tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, cũng được đón nhận một cách thờ ơ ở Liên Xô. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí “Màn ảnh Liên Xô”, nhà văn Stanislav Lem nói ông không hài lòng với bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mình. Lem cũng gửi một lá thư cho hãng “Mosfilm” nói rằng kịch bản của bộ phim quá khác xa nguyên tác: “Nhà biên kịch đã sáng tác thêm rất nhiều nhân vật và sự kiện vốn không tồn tại trong nguyên tác”. Tuy vậy, theo The Guardian và BBC, Solaris được coi là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Nhiều hãng truyền thông như IMDB (Internet Movie Database), BBC, Reddit đã đưa phim tự truyện Tấm gương (Mirror) của Tarkovsky vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Còn ở Liên Xô, nó bị phê phán vì nội dung chính trị. Sau khi xem phim, Filipp Yermash, chủ tịch Ủy ban điện ảnh quốc gia Liên Xô (Goskino), nói: “Tất nhiên, nước ta có tự do sáng tác! Nhưng không đến mức như vậy!” Bộ phim không bị kiểm duyệt, nhưng chỉ được phát hành hạn chế.
|
Khi quay bộ phim Stalker, dựa theo truyện vừa Cuộc du ngoạn bên lề đường của anh em nhà văn Strugatsky, Tarkovsky cũng gặp nhiều khó khăn. Đạo diễn không hài lòng với kịch bản được viết đi viết lại nhiều lần, khiến kinh phí của bộ phim tăng lên. Ngoài ra, Tarkovsky cũng gặp rắc rối trong việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết của nhà nước. Năm 1977, do phim bị hỏng, chuyến khảo sát hè thu của đoàn làm phim ở ngoại ô thành phố Tallinn trở nên vô ích.
Sau đó, Tarkovsky bị nhồi máu cơ tim, nhưng ông vẫn kịp hoàn thành bộ phim. Trước khi được trao giải tại Liên hoan phim quốc tế Cannes, báo chí Liên Xô không viết gì về bộ phim này. Dưới ảnh hưởng của phương Tây, năm 1978, Tarkovsky được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga.
Làm phim ở Ý, “con tin” ở quê nhà
Phải mất hơn 3 năm Tarkovsky mới được phép quay bộ phim Hoài niệm (Nostalghia, 1983) ở Ý. Nhà biên kịch Tonino Guerra, người từng làm việc với các đạo diễn Federico Fellini và Michelangelo Antonioni, đã giúp ông đàm phán với chính quyền Liên Xô. Khi xin được các giấy tờ cần thiết cho mình và vợ, năm 1982, Tarkovsky bay sang Rome. Con trai ông, Andrei Tarkovsky (cùng tên với bố), ở lại Liên Xô với bà nội.
“Khi bố mẹ tôi sang Ý, bà tôi và tôi bị giữ lại làm con tin ở Liên Xô, - Andrei-con nói với phóng viên báo “Luận chứng và sự kiện” - Tôi đã chờ đợi bốn năm để cuối cùng được gặp bố tôi. Nhưng nhà cầm quyền Liên Xô, tất nhiên, không muốn cho phép tôi đi: họ biết chắc rằng sớm muộn gì bố tôi cũng không chịu được và sẽ trở về. Vì bố rất yêu tôi”.
Đạo diễn đến Ý ngày 7/3/1981, và ngày 4/4/1982, ông kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình. Báo chí Liên Xô không nhắc gì tới sự kiện này.
Năm 1983, phim Hoài niệm do Liên Xô và Ý hợp tác sản xuất đã hoàn thành. Bộ phim đã giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất và các giải thưởng của Ban giám khảo độc lập và FIPRESCI tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.
Mâu thuẫn với Liên Xô
Mùa hè năm 1983, Tarkovsky gửi đơn lên Ủy ban điện ảnh quốc gia Liên Xô xin phép ở lại nước ngoài thêm ba năm nữa. Đơn xin gia hạn lưu trú tại nước ngoài của Tarkovsky bị từ chối và người ta cố thuyết phục ông trở về. Đạo diễn được hứa sẽ xem xét khả năng thực hiện các hợp đồng dàn dựng vở opera Boris Godunov ở London, cũng như quay bộ phim Hamlet bằng kinh phí của Trường điện ảnh tư thục Stockholm. Bất chấp những lời thuyết phục này, cũng như việc con trai và mẹ ông còn ở Liên Xô, Tarkovsky không trở về.
Năm 1984, tại một cuộc họp báo ở Milan, đạo diễn tuyên bố rằng ông không có ý định trở về Liên Xô. Sau đó, phim của ông bị cấm chiếu trong nước. Sau này, con trai của Tarkovsky kể rằng ban đầu đạo diễn không có ý định ở lại nước ngoài. Andrei-con nói bố anh bị sốc vì Sergey Bondarchuk, vốn là thành viên ban giám khảo tại Cannes, đã phản đối việc trao giải thưởng chính cho phim Hoài niệm. Tarkovsky cũng linh cảm rằng, khi về nước, rất có thể ông sẽ bị cấm xuất cảnh.
“Rõ ràng, ở Moskva lúc bấy giờ, người ta không thể hiểu rằng Tarkovsky không có ý định ở lại phương Tây mãi mãi, mà chỉ thực sự muốn làm công việc ở trong nước ông không có điều kiện. Nhưng cuối cùng, sự hiểu lầm này và cuộc sống xa gia đình đã khiến bố phải trả giá đắt, nó đã hạ gục bố theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, bố nói với tôi rằng đây là giải pháp khả thi duy nhất, bởi vì điều quan trong nhất trong cuộc đời ông luôn luôn là làm việc”, - Andrei Tarkovsky-con nói.
Tiếp tục làm việc ở châu Âu
Năm 1983, Tarkovsky đàm phán thành công với Nhà hát Covent Garden ở London và bắt đầu dàn dựng vở opera đầu tiên của mình Boris Godunov của Modest Musorgsky. Cuối năm 1984, ông thỏa thuận với Viện phim Thụy Điển bắt đầu thực hiện bộ phim Dâng hiến (The Sacrifice). Bộ phim được quay trên đảo Gotland. Sau đó, trợ lý kiêm phiên dịch của Tarkovsky, Leila Alexander-Garrett, đã xuất bản cuốn sách Andrei Tarkovsky - Người sưu tầm những giấc mơ, trong đó bà kể về những lời tiên tri của Dâng hiến.
|
“Sau này, tôi mới biết rằng trong phương án đầu tiên của kịch bản, nhân vật của bộ phim mắc bệnh nan y: anh ta bị ung thư. Người ta nói rằng một đạo diễn đích thực nhìn thấy số phận của mình, và đôi khi cả số phận của nhân loại. Buổi chiếu ra mắt Dâng hiến gần như trùng với ngày xảy ra thảm họa ở Ukraina. Tất cả các tờ báo phương Tây đều viết rằng Tarkovsky đã dự báo được Chernobyl”, - Alexander-Garrett viết.
Tháng 1/1986, lần đầu tiên trong những năm lưu vong, Tarkovsky gặp cậu con trai 16 tuổi của mình, nhờ Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đề nghị Mikhail Gorbachev giúp đỡ, cậu được đến Paris. Vào thời điểm đó, các bác sĩ đã chẩn đoán Tarkovsky mắc bệnh ung thư. Theo Aleksandr Gordon, em rể của Tarkovsky, các nhà chức trách Liên Xô từ lâu đã biết về tình hình bệnh tật của đạo diễn, nhưng không thông báo cho gia đình ông.
Bệnh tật và cái chết
|
Khi phim Dâng hiến quay gần xong, Tarkovsky đổ bệnh. Theo kết quả xét nghiệm y tế vào tháng 12/1985, ông bị ung thư phổi. Nữ diễn viên Marina Vladi giúp đạo diễn thuê nhà ở Paris và đưa ông vào bệnh viện. Chồng của Vladi, bác sĩ ung thư nổi tiếng Leon Schwarzenberg, điều trị cho Tarkovsky. Ngay cả trong lúc ốm nặng, Tarkovsky vẫn tiếp tục dựng phim Dâng hiến. Đạo diễn qua đời ngày 29/12/1986.
Tang lễ của Tarkovsky diễn ra vào ngày 5/1/1987 tại nghĩa trang Nga Sainte-Genevieve-des-Bois ở ngoại ô Paris. Những người hâm mộ tác phẩm của ông từ Ý, Đức và các nước châu Âu khác đã đến vĩnh biệt đạo diễn. Từ Liên Xô không có phái đoàn chính thức nào đến viếng, chỉ có họ hàng thân thích. Đại sứ quán Liên Xô ở Paris đặt trên mộ Tarkovsky vòng hoa với dòng chữ "Hội điện ảnh Liên Xô kính viếng".
“Đến lúc đó, các quan chức vẫn không hiểu Tarkovsky là ai - một kẻ lưu vong bất đắc dĩ hay một đạo diễn Nga nổi tiếng thế giới”, - Aleksandr Gordon nhận xét. Năm 1990, Tarkovsky được truy tặng Giải thưởng Lenin.
Sergei Gerasimov: Một cuộc sống dài lâu, một sức sáng tạo bền bỉ (TGĐA) - Sergei Gerasimov - diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sư phạm nổi ... |
Các đạo diễn Nga nói về Năm điện ảnh Nga (TGĐA) - Năm điện ảnh Nga 2016 đã kết thúc, nhân dịp này phóng viên ... |
Trần Hậu