(TGĐA) - Vũ khúc mưa xuân – một tác phẩm điện ảnh có câu chuyện hậu chiến mới lạ, không chỉ nói về nỗi đau chiến tranh mà còn đan xen chất liệu văn hóa, tính dân tộc, cùng thông điệp vị tha sâu sắc được thực hiện hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) do Điện ảnh Quân đội sản xuất. TGĐA đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Đặng Thu Trang để nghe chị tâm sự về quá trình thực hiện tác phẩm mang ý nghĩa đặc biệt này.
Xin chào đạo diễn, xin chị chia sẻ đôi chút về cơ duyên đưa chị đến với “đứa con tinh thần” – Vũ khúc mưa xuân – một bộ phim được kỳ vọng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là cầu nối để quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam?
Xin chào bạn đọc của Thế Giới Điện ảnh.
Dự án phim Vũ khúc mưa xuân, do Điện ảnh Quân đội sản xuất, đến với tôi như một mối duyên lành. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ thực hiện một bộ phim với Điện ảnh Quân đội bởi đề tài này không phải thế mạnh của tôi. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi tôi đọc kịch bản của biên kịch Nguyễn Thu Dung. Kịch bản mang đến một câu chuyện hậu chiến mới lạ, không chỉ nói về nỗi đau chiến tranh mà còn đan xen chất liệu văn hóa, tính dân tộc, cùng thông điệp vị tha sâu sắc.
![]() |
Đạo diễn Đặng Thu Trang |
Bộ phim lấy bối cảnh tại một làng nghề thêu cổ truyền ở ngoại ô Hà Nội, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ. Nhân vật chính – một nghệ nhân thêu tận tâm – đã thu hút Jenny, cô gái trẻ sống ở nước ngoài, tìm đến để khám phá văn hóa và gắn kết với con người nơi đây. Chúng tôi sử dụng hình ảnh Việt phục, thư pháp chữ Nôm và nét đẹp truyền thống để truyền tải giá trị thẩm mỹ và thông điệp nhân văn của bộ phim.
Được biết bộ phim có rất nhiều bối cảnh quay tại các làng nghề, xin đạo diễn có thể chia sẻ những khó khăn đoàn phim đã gặp phải trong quá trình ghi hình?
Câu chuyện phim xoay quanh nghề thêu trang phục Việt phục cổ truyền, vì vậy việc lựa chọn bối cảnh trở thành một thách thức lớn. Đoàn phim phải tìm kiếm những làng quê nguyên sơ, ít chịu tác động bởi kiến trúc hiện đại để tái hiện hình ảnh làng nghề truyền thống ở miền Bắc. Bối cảnh chính bao gồm một ngôi nhà cổ bằng gỗ trang nhã, cùng những dòng sông, cây gạo đỏ, mái chùa, đình làng, gốc đa và giếng nước, tạo nên nét đặc trưng của làng quê ngoại thành Hà Nội.
Quá trình quay phim tại các làng nghề không ít khó khăn, khi nhiều gia đình nghệ nhân từ chối cho đoàn phim vào xưởng vì các sản phẩm thêu tay tại đây có giá trị rất cao, thường lên đến hàng chục triệu, thậm chí nửa tỷ đồng. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn trong khi kinh phí sản xuất còn hạn chế.
May mắn thay, sự hợp tác với anh Nguyễn Đức Lộc – nhà sáng lập thương hiệu Ỷ Vân Hiên – đã giúp vượt qua khó khăn này. Là người có niềm đam mê sâu sắc với Việt phục và mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, anh Lộc không chỉ đồng cảm mà còn hỗ trợ đắc lực cho đoàn phim, giúp giải quyết bài toán bối cảnh và xây dựng câu chuyện nhân vật.
![]() |
Điểm nhấn đặc biệt của bộ phim là lễ hội tôn vinh sản phẩm làng nghề, được tái hiện tại sân đình cổ với giếng nước và cây muỗm cổ thụ 400 năm tuổi. Tại đây, các bộ Việt phục tinh tế, thư pháp Hán Nôm và nhạc cổ phong được giới thiệu một cách đầy nghệ thuật, mang đến không khí lễ hội đậm nét văn hóa. Bối cảnh này đòi hỏi sự sắp xếp hình ảnh thật mỹ thuật và tự nhiên, để khán giả cảm nhận rõ nét vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi của làng quê Việt Nam
Trong quá trình sản xuất, mọi thứ phải được thực hiện một cách gọn gàng, chỉn chu, nhằm hạn chế tối đa các sai sót. Việc quản lý thời gian chặt chẽ cũng rất quan trọng để đảm bảo lịch trình sản xuất không bị gián đoạn. Đây không chỉ là thử thách mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của toàn bộ dự án.
Đâu là hình ảnh đạo diễn ấn tượng trong tác phẩm này? Liệu có phải là cảnh cơn mưa trong phim?
Mỗi hình ảnh trong Vũ khúc mưa xuân đều mang tính biểu tượng và truyền tải thông điệp sâu sắc. Hình ảnh cây non tượng trưng cho tuổi trẻ và tình yêu của hai nhân vật Dũng và Jenny. Loài cây Hương thảo, biểu tượng cho tình yêu chung thủy và sự chờ đợi, được chọn để thể hiện sức sống mạnh mẽ của thanh xuân. Hình ảnh người cha – một cựu sỹ quan Ngụy – sau 50 năm trở về thăm lại Dinh Độc Lập cũng là một biểu tượng mạnh mẽ. Cảnh hai cha con đứng hai bên cánh cổng sắt thể hiện sự chia cắt giữa hai thế hệ bởi chiến tranh. Khi họ buông bỏ mặc cảm và thấu hiểu nhau, cả hai cùng xuất hiện trong một khung cửa, thể hiện sự hòa giải và đồng cảm về những mất mát do chiến tranh gây ra.
Bộ phim Vũ khúc mưa xuân tập trung vào tình yêu, hậu quả chiến tranh, sự tha thứ hòa giải và tôn vinh văn hóa dân tộc. Phim phản ánh những vết thương tinh thần mà chiến tranh để lại cho các thế hệ, ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ gia đình và xã hội. Tình yêu được khắc họa là ngọn nguồn sức mạnh vượt qua những đau thương, đem lại hy vọng và sự tái sinh, hàn gắn những tổn thương chiến tranh và khích lệ tinh thần hòa bình giữa các thế hệ. Đồng thời tôn vinh nét đẹp truyền thống của Việt Nam thông qua trang phục Việt phục, làng nghề và các phong tục tập quán, thể hiện lòng tự hào về bản sắc dân tộc. Thông qua các khía cạnh này, tác phẩm đề cao nhân văn, sự hy sinh, và khẳng định rằng sự tha thứ và tình yêu có thể xóa nhòa mọi vết thương, mở ra hy vọng cho một khởi đầu mới. |
Tuy nhiên, thông điệp mạnh mẽ nhất chính là cơn mưa – hình ảnh trung tâm của bộ phim. Hình ảnh mưa trong Vũ khúc mưa xuân không đơn thuần là một cơn mưa, mà là chuỗi các cơn mưa với nhiều sắc thái và ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Những cơn mưa xuất hiện xuyên suốt bộ phim, mỗi cơn mang theo một tâm trạng, một thông điệp riêng, từ mưa rào thanh mát gột rửa muộn phiền, đến mưa bụi li ti nhẹ nhàng như sự dịu dàng, tha thứ.
Mỗi sắc thái của cơn mưa chính là đại diện cho một giai đoạn trong cảm xúc và hành trình của các nhân vật. Những cơn mưa rào dữ dội như thanh lọc những tổn thương sâu sắc, trong khi mưa nhẹ nhàng mang đến sự yên bình và hy vọng cho tương lai.
Sự đa dạng trong hình ảnh mưa không chỉ giúp truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc mà còn tạo nên một nhịp điệu điện ảnh tinh tế, kết nối chặt chẽ với câu chuyện của các nhân vật, thể hiện sự thay đổi từ đau thương đến hòa giải và tái sinh. Mưa trong phim chính là biểu tượng của sự chữa lành, sự hòa giải, và sự sống mới, mở ra một khởi đầu tươi sáng
Chị nhận xét thế nào về hai diễn viên nam – nữ chính trong bộ phim của mình?
Lý Hồng Ân trong vai Jenny và Thừa Tuấn Anh trong vai Dũng đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Việc tìm kiếm diễn viên chính gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí suýt làm đoàn phim dời lịch quay. Khi thử vai, tôi ngay lập tức nhận ra 'mình đã tìm được đúng người,' bởi cả hai mang trong mình khao khát cống hiến và mong muốn truyền tải suy nghĩ của thế hệ trẻ về chiến tranh, cũng như những câu chuyện mà cha anh họ từng trải qua.
Tôi khâm phục sự hiểu biết và sự đồng cảm sâu sắc của họ về những mất mát mà cha ông đã gánh chịu. Dù không có nhiều trải nghiệm trực tiếp về chiến tranh, họ đã tái hiện trọn vẹn suy nghĩ của lớp trẻ ngày nay, nhận thức rằng dù chiến tranh đã qua, nỗi đau và ảnh hưởng của nó vẫn còn đó. Chỉ có sự thấu hiểu, tha thứ và bao dung mới xóa dịu nỗi đau, để lại tình yêu sâu sắc với quê hương và dân tộc Việt Nam
Chị đã gặp phải những áp lực ra sao cũng như có kỷ niệm nào chị nhớ nhất khi quay Vũ khúc mưa xuân?
Áp lực lớn nhất khi thực hiện một bộ phim về lịch sử và hậu chiến nhưng lồng ghép câu chuyện văn hóa là làm sao để thể hiện thật tinh tế, khéo léo, nhằm tránh việc bị cắt bỏ qua các khâu kiểm duyệt. May mắn thay, những yếu tố văn hóa mà tôi mong muốn truyền tải cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của bộ phim đã được giữ nguyên vẹn. Thậm chí, để nâng cao chất lượng bộ phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân còn sẵn sàng đầu tư thêm kinh phí, tạo điều kiện cho đoàn phim quay bổ sung những hình ảnh mới. Chính sự hỗ trợ này đã giúp bộ phim trở nên trọn vẹn hơn cả về mặt ý nghĩa lẫn tính nhân văn, mang đến một tác phẩm giàu giá trị văn hóa và thông điệp sâu sắc.
![]() |
Vũ khúc mưa xuân có sự tham gia của các bạn trẻ yêu văn hóa Việt |
Thông qua bộ phim này, chị muốn gửi gắm thông điệp gì, thưa đạo diễn?
Sự thấu hiểu và tha thứ không chỉ là chìa khóa để chữa lành mà còn mở ra con đường cho hòa bình và hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta càng phải biết trân trọng nền hòa bình hiện tại và những giá trị mà cha ông đã hy sinh để gìn giữ cho tổ quốc.
Có thể nói, ngành điện ảnh không đặt ra quy định nghề đạo diễn chỉ dành riêng cho nam giới. Tuy nhiên, công việc đạo diễn điện ảnh đòi hỏi rất cao về nhiều yếu tố mà phụ nữ khó có thể đáp ứng được so với cánh mày râu như sức khỏe, sự dẻo dai, sức chịu đựng của thể chất; cùng với đó là áp lực công việc, gia đình và thiên chức của người vợ, người mẹ. Xin chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
Làm đạo diễn nói riêng và làm nghệ thuật nói chung thì ai cũng có áp lực như nhau. Nếu không có sự đồng cảm và giúp đỡ từ phía gia đình và bạn bè thì sẽ có muôn vàn khó khăn, Vì vậy tôi vô cùng biết ơn gia đình và bạn bè, những người đồng nghiệp thân thiết đã luôn hỗ trợ để tôi có thể tiếp tục hành trình trên con đường mình đã lựa chọn này.
Sau tác phẩm Vũ khúc mưa xuân, đạo diễn có đang ấp ủ dự nào nào khác? Chị có thể chia sẻ với TGĐA những dự định sắp tới?
Qua những trải nghiệm từ Vũ khúc mưa xuân, tôi nhận ra rằng việc gắn kết yếu tố văn hóa truyền thống với câu chuyện điện ảnh chính là chìa khóa để tạo nên những tác phẩm mang tinh thần văn hóa Việt. Từ trang phục, kiến trúc, nghệ thuật thủ công, lễ hội đến các câu chuyện dân gian, những sắc màu văn hóa này không chỉ làm phong phú nội dung mà còn truyền tải giá trị nhân văn, kết nối khán giả với quê hương và con người Việt Nam.
Tác phẩm sắp tới mà tôi ấp ủ sẽ tiếp tục mang đậm yếu tố văn hóa, như một cách quảng bá và bảo tồn bản sắc dân tộc. Tôi hy vọng sẽ gặp được những nhà đầu tư và cộng sự chung niềm đam mê, cùng ước mơ đưa văn hóa Việt vào điện ảnh. Hiện tại, dự án mới xin được giữ bí mật, và tôi mong sớm có dịp chia sẻ cùng các bạn. Xin chân thành cảm ơn Thế Giới Điện Ảnh.
Xin cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện!
Nội dung tóm tắt: Bộ phim Vũ khúc mưa xuân kể về câu chuyện tình yêu và hành trình đầy cảm xúc của Jenny Phương Trần và Dũng vượt qua những nỗi đau chiến tranh và hận thù để tìm thấy tình yêu và sự tha thứ. Jenny Phương Trần, một họa sĩ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cô trở về Việt Nam để khám phá văn hóa và làm các công tác từ thiện do công ty của ba mình tài trợ. Tại đây cô quen biết mẹ con bà An - một nghệ nhân thêu trang phục truyền thống và Dũng - một tình nguyện viên trong tổ chức từ thiện tại Việt Nam. Mối tình của họ bị thử thách khi quá khứ đau thương của cha Jenny, ông Kiệt, và gia đình bà An bị phơi bày. Sự thật về những cơn ác mộng hằng đêm, nỗi sợ hãi và dằn vặt trong quá khứ của ông Kiệt, tổn thương và nỗi đau cũng như sự mất mát bởi chiến tranh của bà An chính là rào cản khiến đôi trẻ không thể đến được với nhau. Chỉ đến khi những hiểu lầm và hận thù được buông bỏ thì mọi nỗi đau mới nguôi ngoai. Phim không chỉ là câu chuyện tình yêu mà còn tôn vinh văn hóa Việt Nam qua hình ảnh làng nghề truyền thống, trang phục Việt phục cổ và chữ Hán Nôm. |
Thu Hà