Đạo diễn, nhà văn tài năng Đới Tư Kiệt làm Giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng

(TGĐA) - Đạo diễn, nhà văn tài năng Đới Tư Kiệt từng gây tiếng vang với tác phẩm Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa sẽ trở thành Giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai đã khởi động, sẽ có giải Thành tựu điện ảnh Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai đã khởi động, sẽ có giải Thành tựu điện ảnh
VFDA tổng kết một năm hoạt động điện ảnh sôi nổi, chính thức khởi động Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2 VFDA tổng kết một năm hoạt động điện ảnh sôi nổi, chính thức khởi động Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’ Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’

Có thể nói, đạo diễn, nhà văn người Pháp gốc Hoa - Đới Tư Kiệt là một trong những nhân vật có sức ảnh hướng lớn đối với văn học và điện ảnh Trung Quốc nói riêng và châu Á lẫn thế giới nói chung vào đầu những thập niên 2000. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần Hai (DANAFF II) sẽ có vinh dự chào đón ông, với tư cách Chủ tịch Ban giám khảo Hạng mục phim châu Á dự thi.

Đới Tư Kiệt sinh năm 1954 tại Phúc Kiến, Trung Quốc trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo sư khoa học. Thế nên, từ bé ông đã có suy nghĩ và khả năng đọc rộng hiểu dài và được tiếp cận với nhiều lĩnh vực.

Năm 1984, ông sang Pháp học tập theo diện học bổng tại Institut des hautes études cinématographiques – trường điện ảnh lâu đời của Pháp. Nơi đây đã khiến ông bộc lộ đam mê cháy bỏng với môn nghệ thuật thứ bảy và cũng là tiền đề để ông tạo nên bộ phim đầu tay China My Sorrow (Trung Hoa: Nỗi buồn của tôi), do chính ông đạo diễn và biên kịch, lấy bối cảnh Cách mạng văn hóa năm 1966.

Đạo diễn, nhà văn tài năng Đới Tư Kiệt làm Giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng
Đạo diễn, nhà văn Đới Tư Kiệt

Tiếp đến các tác phẩm của ông là Le mangeur de lune (1994) và Tang le Onzieme (1998) đều được đánh giá cao. Đặc biệt là bộ phim Tang le Onzieme (Người thừa), lấy bối cảnh Việt Nam và được trang Variety khen ngợi cảm quan thị giác của Đới Tư Kiệt.

Tuy vậy, đỉnh cao sự nghiệp đạo diễn của Đới Tư Kiệt chính là bộ phim Balzac and the Little Chinese Seamstress (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa) được ra mắt năm 2002 chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do chính ông viết nên. Tiểu thuyết xuất bản năm 2000, đã được dịch thành 32 thứ tiếng, trở thành best-seller và đoạt 5 giải thưởng văn học Pháp, trong đó có giải La Rochefoucauld 2000 và giải Roman d'évasion.

Bộ phim năm 2002 có sự tham gia của những tên tuổi điện ảnh như Châu Tấn, Lưu Diệp và Trần Khôn, lấy bối cảnh vào thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, khu biệt lại trong vùng núi Phụng Hoàng hoang sơ mà quyến rũ, với mạch tự sự về hai tiểu trí thức – hai chàng trai trẻ từ thị thành về nông thôn để thực thi công cuộc tự cải tạo. Nơi đây, họ đã gặp “cô bé thợ may Trung Hoa” và nếm trải năm tháng thanh xuân với đủ dư vị say đắm, lãng mạn và khốc liệt.

Ông từng chia sẻ rằng, thời điểm bộ phim ra mắt gặp không ít ý kiến trái chiều, trong đó chính là nhiều nhà phê bình trong nước nói rằng không thể có một cô bé nông dân chưa hề được học hành lại có thể tiếp nhận được những giá trị của văn hoá phương Tây nhanh như vậy. Một số khác lại cho rằng, đó là sức mạnh của nghệ thuật trong việc mở rộng cánh cửa của trí tưởng tượng, dù hoàn cảnh có ra sao.

Đạo diễn, nhà văn tài năng Đới Tư Kiệt làm Giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng
Bộ phim nổi tiếng Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa

Tuy vậy Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa đã được đề cử giải Quả Cầu Vàng cho phim hay nhất năm 2003 và được đánh giá ngang hàng với một kiệt tác khác là Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Cả bộ phim lẫn tiểu thuyết gốc giống như một sự va chạm giữa hai dòng chảy văn hóa phương Đông và phương Tây, nhưng cùng với đó vẫn là sự khắc họa của thời đại nghiệt ngã, một thời kỳ mê đắm của tuổi trẻ, một khoảnh khắc hòa lẫn của cái bi, cái hài và hiện thực. Trang The Guardian nhận xét Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa có diễn biến lôi cuốn cùng diễn xuất nhân văn, đồng cảm nhưng cũng rất nhẹ nhàng, lãng mạn, mặc dù bối cảnh là thời kỳ đen tối của Trung Quốc.

Vào năm 2006, Đới Tư Kiệt thực hiện bộ phim Les filles du botaniste (Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc) có nhiều cảnh quay ở Việt Nam, tại Hà Nội, Ninh Bình (Tam Cốc, Bích Động), Sa Pa. Ông bày tỏ rằng thiên nhiên Việt Nam rất đẹp.

Với những đóng góp to lớn của mình, vào năm 2022, Đới Tư Kiệt được Bộ Văn hoá Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ về văn học nghệ thuật Chevalier de L'ordre Des Arts Et Des Lettres.

Sắp tới, với cương vị là Chủ tịch Ban giám khảo Hạng mục phim châu Á dự thi, chắc chắn đạo diễn, nhà văn Đới Tư Kiệt sẽ đem đến nhiều góc nhìn sâu sắc và cùng với các giám khảo chuyên môn khác lựa chọn tác phẩm xứng đáng để bước lên ngôi cao nhất tại DANAFF II.

Đạo diễn, nhà văn tài năng Đới Tư Kiệt làm Giám khảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng dự kiến tổ chức tháng 7 năm nay
Một số đề cử và giải thưởng trong sự nghiệp của đạo diễn, nhà văn Đới Tư Kiệt:

*Điện ảnh:

Balzac and the Little Chinese Seamstress (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa):

- Đề cử giải Góc nhìn Đặc biệt tại LHP Cannes 2002

- Đề cử giải Phim hay nhất tại LHPQT Chicago 2002

- Đề cử giải Golden Tulip tại LHP Istalbul 2003

- Đề cử Quả cầu vàng 2003 cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

- Phim nước ngoài hay nhất do Ủy ban Quốc gia về phê bình điện ảnh, New York lựa chọn

- Đề cử phim châu Á hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2004

China My Sorrow (Trung Hoa: Nỗi buồn của tôi):

- Giải Special Mention và đề cử Golden Leopard tại LHPQT Locarno

- Giải thưởng Jean Vigo

Les filles du botaniste (Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc):

- Phim Canada được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Thế giới Montreal

*Văn học:

- Giải La Rochefoucauld 2000 và giải Roman d'évasion cho tiểu thuyết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa

- Giải Femina 2003 cho cuốn sách Le Complexe de Di (Mặc cảm của Di)

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai đã khởi động, sẽ có giải Thành tựu điện ảnh Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai đã khởi động, sẽ có giải Thành tựu điện ảnh
VFDA tổng kết một năm hoạt động điện ảnh sôi nổi, chính thức khởi động Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2 VFDA tổng kết một năm hoạt động điện ảnh sôi nổi, chính thức khởi động Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’ Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’

PV