Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’

(TGDA) - Trong năm 2023, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng như Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã có những đóng góp thiết thực vào diện mạo điện ảnh Việt, cũng như thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiếp tục có những bước tiến mới. Cùng TGĐA lắng nghe chia sẻ của riêng Tiến sĩ Ngô Phương Lan về một năm 2023 đáng nhớ.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: DANAFF là ‘công cuộc’ không hề dễ dàng! Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: DANAFF là ‘công cuộc’ không hề dễ dàng!
TS Ngô Phương Lan ra mắt cuốn sách phê bình điện ảnh mới đánh dấu tuổi 60 đầy tâm huyết TS Ngô Phương Lan ra mắt cuốn sách phê bình điện ảnh mới đánh dấu tuổi 60 đầy tâm huyết
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’
T.S Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Nghệ thuật Văn học Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam

Nhìn lại năm 2023, bà có thể bày tỏ những xúc cảm của cá nhân mình khi VFDA đã có một năm đáng nhớ với nhiều hoạt động nổi bật?

VFDA và cá nhân tôi rất tự hào và hạnh phúc vì đã trải qua một năm làm việc cật lực, vượt qua muôn vàn khó khăn và đã đạt những thành công được ghi nhận: LHP châu Á Đà Nẵng lần 1 (DANAFF I) được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2023 (Báo Thể thao & Văn hóa), Chương trình “Điện ảnh với Phú Yên” trong đó công bố Bộ chỉ số Thu hút quay phim (PAI) lần đầu tiên tại Việt Nam được giới làm phim Việt Nam và quốc tế cùng các tỉnh thành đánh giá cao (Tỉnh Phú Yên trao Bằng khen cho Hiệp hội và cho cá nhân tôi).

Tôi nói khó khăn bởi các hoạt động, sự kiện trên đều mang tính “khai mở” nên khi bắt tay vào công việc thì tỉ lệ thành công thường chỉ dự kiến 5-5. Rất may là các thành viên Hiệp hội đồng lòng, các địa phương tin tưởng và ủng hộ nên đã ra đời được những “sản phẩm” thực sự, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Xin bà có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn đã gặp phải trong công tác tổ chức DANAFF I?

Thuận lợi là TP. Đà Nẵng rất chào đón, đặt niềm tin vào Hiệp hội, cùng với chúng tôi đi từng bước và tôn trọng các quyết định mang tính chuyên môn của Hiệp hội. Đà Nẵng cũng là thành phố phù hợp vào bậc nhất để tổ chức sự kiện như LHP, bởi bối cảnh thiên nhiên quyến rũ, hạ tầng cơ sở chuẩn quốc tế, lãnh đạo và các ban ngành của thành phố nhiệt tình, trách nhiệm, khán giả nồng ấm và yêu điện ảnh. Quan trọng nữa là từ phía “chủ quan”, đội ngũ tổ chức LHP hiểu nghề, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp nên được sự ủng hộ của giới chuyên môn trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’
T.S Ngô Phương Lan phát biểu trong Lễ khai mạc DANAFF I

Chúng tôi cũng đứng trước khó khăn làm sao để xây dựng một bản sắc riêng cho DANAFF khi ở Việt Nam đã có hai LHP quốc gia và quốc tế, trên thế giới hàng năm có đến hàng ngàn sự kiện gọi là LHP. Thứ hai là kinh phí rất eo hẹp, dựa và nguồn xã hội hóa là chính nên tất cả mọi thứ đều “liệu cơm găp mắm” nhưng phải đạt chất lượng cao, phảỉ “long lanh” và chuyên nghiệp. Thứ ba là Luật Điện ảnh mới đã có hiệu lực từ đầu năm 2023, trong đó có nhiều quy định thông thoáng trong việc “mở cửa” cho LHP, nhưng khi thực hiện còn không ít bất cập, còn thiếu những quy định dưới luật…

Chiến thắng của các tác phẩm Những đứa trẻ trong sương, Nhà bà Nữ hay Memento Mori: Đất tại DANAFF I có khiến bà đặt nhiều hi vọng dành cho các nhà làm phim Việt tại DANAFF II?

Giải thưởng hoàn toàn đều do các BGK quyết định. Tôi có ý định từ đầu là tại DANAFF, cả ba BGK Phim Châu Á, Phim Việt Nam và NETPAC đều là BGK quốc tế, nghĩa là bao gồm các chuyên gia, nhà làm phim tên tuổi của quốc tế và Việt Nam. Điều này để tạo sự đánh giá đa chiều và khách quan hơn đối với tất cả phim dự thi.

Rất mừng là các giải thưởng tại DANAFF I là kết quả của sự đồng thuận tuyệt đối trong mỗi BGK. DANAFF II vẫn tổ chức các BGK quốc tế như DANAFF I, nhưng tôi không thể chắc rằng phim Việt Nam có chiến thắng như tại DANAFF I hay không. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện những bộ phim mới và hay, đương nhiên là rất quan tâm đến phim Việt Nam (như Những đứa trẻ trong sương chẳng hạn).

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’
Đạo diến Hà Lệ Diễm nhận giải Phim châu Á hay nhất tại DANAFF I

Được biết, DANAFF II sẽ tổ chức vào tháng 7. Không biết hiện giờ Hiệp hội đã có những công tác chuẩn bị đầu tiên như thế nào, mong bà chia sẻ?

Quyết tâm cao của TP. Đà Nẵng và Hiệp hội là tổ chức DANAFF định kỳ hàng năm. Điều này không dễ, vì các LHP trên thế giới có bộ máy riêng, ít nhất cũng vài chục người và hết kỳ này đã “lo” kỳ khác. Kinh phí thường được Nhà nước và thành phố đăng cai cấp ổn định. Với DANAFF thì khó hơn bởi bộ máy mỏng, kinh phí phụ thuộc nhiều vào vận động tài trợ.

Tuy nhiên, Hiệp hội và Đà Nẵng đã sớm thông nhất việc tổ chức. Hiệp hội đã bắt đầu những công việc chuẩn bị đầu tiên từ tháng 6/2023 - ngay sau DANAFF I, đã công bố quốc tế từ tháng 9/2023 và ngày 19/12/2023 đã mở cổng đăng ký phim. Đến nay chúng tôi đã nhận được khối lượng phim đăng ký tham dự, cả từ nước ngoài và Việt Nam. Hy vọng công việc sẽ thuận lợi

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội đã trải qua ‘muôn vàn khó khăn’
T.S. Ngô Phương Lan cùng ông Trần Trí Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng công bố chương trình Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ Hai

Từ khi Bộ chỉ số thu hút đoàn phim PAI được VFDA xây dựng và công bố, Hiệp hội đã ghi nhận phản ứng của các nhà làm phim trong nước lẫn quốc tế ra sao, thưa bà?

Nhìn chung, phản ứng rất tích cực đối với PAI, bởi đây là công cụ để “hiện thực hóa” giấc mơ của cả hai phía là địa phương là nhà làm phim và chính quyền địa phương, bởi một bên muốn đến, bên muốn đón mà chưa “gặp” được nhau vì chưa hiểu yêu cầu của nhau và cứ loay hoay những thủ tục hành chính.

Điều quan trọng nữa là Luật Điện ảnh cũng có nhắc đến việc ưu đãi thuế, phí cho đoàn làm phim, nhưng mới chỉ chung chung, chưa biết bao giờ mới thực hiện được vì vướng với nhiều luật khác về tài chính, trong khi các nước trên thế giới có chính sách ưu đãi rõ ràng, từ 20%-40% chi phí quay phim. Các đoàn phim nước ngoài họ thường quay tại Thái Lan, Campuchia, Phillipinnes thay vì đến Việt Nam bởi ở đó bối cảnh tương tự mà ưu đãi lại rõ ràng.

PAI với 5 tiêu chí do địa phương tự đánh giá là hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ tài chính và hạ tầng cơ sở như là lời mời, lời cam kết tự địa phương đối với đoàn làm phim. Phú Yên vừa qua dẫn đầu PAI và ngay sau đó đón đoàn làm phim Ngày xưa có một chuyện tình đến quay. Hy vọng phim thành công sẽ lặp lại cú hích du lịch theo như bộ phim Tôi thấy hoa vàng tên cỏ xanh, bởi cả hai phim đều chuyển thể truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và cùng khám phá những bối cảnh nên thơ ở đây. Một số nhà sản xuất phim Ấn Độ, Mỹ khi đến dự chương trình “Điện ảnh với Phú Yên” cũng bày tỏ sẽ có kế hoạch đến Việt Nam quay phim.

Theo cá nhân bà, Bộ chỉ số PAI sẽ có tác động ra sao đối với sự phát triển không chỉ về điện ảnh mà còn là văn hóa, kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần?

Tất cả mọi sáng kiến, thử nghiệm đều cần thời gian để thực hành và kiểm chứng, PAI cũng vậy. Hiệp hội sẽ hoàn thiện dần các tiêu chí PAI, ví dụ sẽ có phần đánh giá, khích lệ của nhà làm phim đối với địa phương quay phim. Thế giới đã có những khảo sát và tổng kết rằng một USD bỏ ra ưu đãi cho đoàn phim sẽ thu về đến 9 USD từ du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ. Bởi vậy, nếu làm cho các địa phương thấy rõ việc đón đoàn phim có lợi thế nào thì chắc chắn các địa phương sẽ nhiệt tình tham gia PAI.

Năm 2024, bà có những gửi gắm và mong muốn ra sao đối với sự phát triển của điện ảnh Việt. Cũng rất mong bà có thể bật mí đôi chút về hoạt động của Hiệp hội sắp tới bên cạnh DANAFF II?

Điện ảnh khác với các ngành sáng tạo độc lập như văn học hay hội họa, nó vừa là ngành văn học - nghệ thuật sáng tạo tập thể, vừa là ngành công nghiệp, ngành kinh tế. Kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư sản xuất phim, kimh doanh rạp chiếu phim… Năm 2023 điện ảnh Việt Nam tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã có sự hồi phục ngoạn mục so với các nước trong khu vực, doanh thu chiếu phim đạt đến 90% trước đại dịch, trong đó doanh thu phim Việt chiếm hơn 40% so với khoảng 30% ở các năm trước. Bởi vậy, tôi rất hy vọng vào sự ổn định và phát triển của điện ảnh Việt như một ngành công nghiệp nội dung. Về phía Hiệp hội, bên cạnh tổ chức DANAFF, chúng tôi tiếp tục triển khai PAI và trang web vietnamfilmproduction.vn cùng các hoạt động trong, ngoài nước cũng là để góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Ngô Phương Lan, kính chúc bà cũng như VFDA sẽ có một năm 2024 tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng!

Bên cạnh đó, những ai dõi theo đóng góp của Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho nền điện ảnh Việt hàng chục năm qua, đều cảm thấy vinh dự khi cầm trên tay cuốn sách Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập đã được xuất bản do chính tay bà dày công nghiên cứu và biên soạn trong năm 2023. Tiến sĩ Ngô Phương Lan tiết lộ, bà vẫn tính đến việc tập hợp bài viết, biên soạn một cuốn sách khác, nhưng chắc chắn chưa phải bây giờ, kể cả trong 1-2 năm tới.
Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc! Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc!
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: DANAFF là ‘công cuộc’ không hề dễ dàng! Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: DANAFF là ‘công cuộc’ không hề dễ dàng!

Vũ Anh