(TGĐA) - Thứ ấn tượng nhất khi mọi người tiếp xúc với đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân có lẽ là nụ cười: rạng rỡ, thoải mái, có chút hóm hỉnh và lan tỏa từ khuôn miệng tới ánh mắt. Chợt nghĩ rằng, có lẽ cả cuộc đời làm hoạt hình, gắn với trẻ thơ nên ông mới có nụ cười tự nhiên như vậy. Nhưng nếu ngắm nhìn bức ảnh thời trẻ của ông thì chắc phải đổi rằng, ông chỉ lan tỏa nụ cười hồn nhiên đó vào thế giới trẻ thơ, thông qua những bộ phim hoạt hình. Viết về ông thật khó, bởi có quá nhiều thứ để gột nên một bài viết dày dặn. Một đạo diễn hoạt hình tài hoa, một họa sĩ - bậc thầy về đồ họa, cha đẻ của hình ảnh Dế mèn phiêu lưu ký, người giảng viên đáng kính, nghệ sỹ của nhân dân hay người đầu tiên trong làng hoạt hình nhận giải thưởng nhà nước và có thể, là cả mối tình tuyệt đẹp với người vợ - diễn viên tài sắc của điện ảnh Việt – NSND Ngọc Lan…
Người đàn ông hay cười…
|
Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân không phải là một người cởi mở ngay từ lần gặp đầu tiên. Thứ cảm giác đem lại luôn là sự đúng mực, bặt thiệp, đôi khi gần như khép mình, nói vừa đủ ý, không bao giờ thừa. Nhưng khi đã mở lòng, ông thoải mái trong cuộc nói chuyện bằng những nụ cười vừa hồn nhiên, vừa hóm hỉnh. Có lẽ chính sự hồn nhiên thấy được đó mà thêm hiểu vì sao những người cùng thời gọi ông bằng một cái tên trìu mến “chú Lân”.
Cái cách tiệm cận người đối diện đó của ông, dường như cũng đồng điệu với cách làm phim hoạt hình mà ông theo đuổi: Dò bằng nét phác, vẽ một thế giới tương đồng, mở được khóa và chan hòa với ánh mắt cùng nụ cười rổn rảng.
Tôi vẫn nhớ lần đầu đến nhà ông, đập ngay vào mắt là bức ảnh đen trắng của “ông Lân” hồi trẻ, rạng rỡ nụ cười. Có thể chính cái nhoẻn cười đầy phóng khoáng đó đã gắn chặt cuộc đời ông với những khán giả trẻ thơ, đưa những ánh mắt hân hoan đó lạc vào một thế giới tưởng tượng đầy sáng tạo. Có thể ai đó đã cho rằng, nếu toàn tâm toàn ý theo hội họa, có thể đã có một Ngô Mạnh Lân khác. Chính bản thân ông khi mới chập chững được “phân công” theo nghề hoạt hình cũng nghĩ vậy. Nhưng “những hình ảnh biết chuyển động, những nhân vật có tính cách” đã như chiếc cầu bắc nhịp đưa ông đồng điệu với một thế giới đầy “bùa mê thuốc lú” mà suốt cuộc đời, ông vẫn không thể dứt ra được. Ông bảo, nó thật phấn khích. Và những năm về hưu, ông cũng đã minh chứng “có một Ngô Mạnh Lân khác” bằng một triển lãm tranh “Nét thời gian” cực kỳ thành công năm 2019.
|
Làm hoạt hình vì… bị phân công!
Năm 1950, 16 tuổi, chàng trai mới lớn Ngô Mạnh Lân bắt đầu bước chân vào trường Mỹ thuật, khóa Kháng chiến ở Tuyên Quang do danh họa Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Hoài bão, ước mơ duy nhất lúc đó là được cầm cọ sáng tạo, phác nên những mảng mầu, khắc họa cuộc sống tươi đẹp quanh mình… Hoạt hình là một thứ không thật, không hề tồn tại trong suy nghĩ cũng như định hướng thoáng qua. Ông bảo, suốt 5 năm học tại trường Mỹ thuật, cũng một lần đi bộ 10km xuống thị xã Tuyên Quang để xem bộ phim hoạt hình Con Cò vàng của Liên Xô nhưng xem cũng chỉ đúng nghĩa “khán giả xem” mà thôi…
Ấy vậy mà đùng một cái, năm 1956, chàng trai Ngô Mạnh Lân nhận được quyết định đi Liên Xô học sau việc cử đi Trung Quốc học hội họa trước đó bất thành. Nghề mà chàng sinh viên Mỹ thuật lúc đó được “phân công” là Họa sỹ thiết kế phim hoạt hình – một nghề chưa từng có ở Việt Nam và cũng mờ mịt luôn việc tương lai học xong sẽ làm ở đâu. (Theo như lý giải của ông thì thời đó mọi sự đều được “phân công” nên “cái sự lo” đôi khi cũng… bằng thừa). Không thích, nhưng thời điểm đó, sự phân công là nhiệm vụ và ngay trong năm 1956, chàng trai Ngô Mạnh Lân cùng với hai người bạn (học chuyên ngành khác) thi vào trường điện ảnh VGIK (Liên Xô). Là người nước ngoài và cũng mang theo một vài bức ký họa để các giáo viên xem xét, chàng trai trẻ Ngô Mạnh Lân vượt qua vòng tuyển vào học lớp Hoạt họa chỉ với vỏn vẹn 6 người – 5 bạn người Nga và Ngô Mạnh Lân, người Việt.
|
Năm đầu tiên, chàng tân sinh viên chỉ thích thú với những môn học thiên nhiều về hội họa như hình họa, vẽ bằng sơn dầu – những thứ mà ở lớp Kháng chiến không được học. Những môn về hoạt hình vẫn không gây được hứng thú dù là ngành học chính.
Một năm sau, tức là hè năm 1957, có một đoàn cán bộ điện ảnh Việt Nam sang thực tập ở Matxcova. Trong đó, có hai người là nghệ sỹ Lê Minh Hiền, Trương Qua (những người đặt viên gạch đầu tiên cho hoạt hình Việt Nam) được phân công về hãng phim thực tập về phim hoạt họa. Họ cũng gặp nhau và nhanh chóng kết thân nhưng dường như “thứ thuốc lú” - như sau này NSND Ngô Mạnh Lân thừa nhận - vẫn chưa ngấm vào máu mình.
Chú Dế mèn “vén màn” hoạt họa!
Cuối năm 1958, bản dịch Dế mèn phiêu lưu ký xuất hiện tại Liên Xô, nhà xuất bản cuốn truyện tìm người vẽ minh họa và Ngô Mạnh Lân, chàng sinh viên thiết kế hoạt hình được bạn cùng phòng giới thiệu. Bỡ ngỡ bởi đây là lần đầu là một nhẽ, lí do thứ hai là ở Liên Xô… không có con Dế mèn và con Gọng vó. Châu chấu thì sẵn, Gọng Vó nhân vật phụ nên minh họa “có thì tốt mà không thì thôi” nhưng Dế mèn là nhân vật chính thì không thể nào sơ xuất được. Sau một hồi mày mò, “Dế mèn 1968” (gọi như thế để khác với “Dế mèn 1972” ở Việt Nam đã chỉnh sửa chân thật hơn) ra đời đã được nhà xuất bản đánh giá cao dù nó vẫn hơi giống con… châu chấu với đôi chân khẳng khiu và cánh dài chấm đuôi. Đây chính là nhận xét của một số người Việt sinh sống ở Tiệp Khắc khiến minh họa của ông lúc đó dù đã được một nhà xuất bản nước này mua nhưng không thể phát hành và họ buộc phải gửi thư xin lỗi. Sau Liên Xô, Rumani là nước thứ hai phát hành ấn phẩm này, nhưng ông không được thông báo mà chỉ biết thông qua việc nhà văn Tô Hoài có tặng mình 1 cuốn.
|
NSND Ngô Mạnh Lân tâm sự, nhờ có sự việc này, ông có được hai thu hoạch. Một là số nhuận bút… kha khá - 1200 rúp - đủ cho 2 năm sống đời sinh viên (học bổng sinh viên lúc đó là 50 rup/1 tháng). Thu hoạch thứ hai lớn hơn là người ta thấy mình có khả năng và bản thân mình bắt đầu thấy thích thú, thấy cái nghề này cũng hay. Một điều kỳ diệu bắt đầu manh nha khi nghĩ về nghề: “Ồ! Một hình vẽ lại biết chuyển động, có tính cách, có xung đột, nó thật diệu kỳ và khác lạ”.
Chính sự khích lệ này đã khiến chàng sinh viên Ngô Mạnh Lân bắt đầu háo hức với những môn học với hình vẽ chuyển động. Rất may, sự ham học đó được đáp ứng đầy đủ với giáo trình học tại VGIK. Ngoài những bài tập, những buổi thực tập tại xưởng phim là các buổi xem các tác phẩm hoạt hình của các nước trên thế giới, bất cứ phim gì chỉ cần sinh viên yêu cầu là có.
Cũng thời điểm đó, sau khi về nước năm 1958, ngày 09/11/1959, hai họa sỹ Lê Minh Hiền và Trương Qua xin được cấp phép mở Lớp thực tập hoạt họa với việc huấn luyện những người yêu thích bộ môn này làm phim hoạt hình. Tháng 06/1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng Cáo ra đời. Dù còn nhiều hạt sạn nhưng sự dám nghĩ dám làm đã tác động ít nhiều tới chàng sinh viên Ngô Mạnh Lân lúc bấy giờ. Năm 1961 là năm thành công về học hành, bài tốt nghiệp của ông nhận được bằng đỏ tại VGIK. Quan trọng hơn là quãng thời gian thực tập với “thầy” Tsekhanopski (người đạo diễn đã chỉ dạy ông rất nhiều) đã mang lại cho ông những kinh nghiệm cực quý báu để tự tin bước vào nhưng tác phẩm đầu tiên của mình. Trong suốt 2 tháng thực tập bám theo “thầy” làm phim Cáo và con Hải Ly, ông được vị đạo diễn già tận tâm này chỉ bảo không chỉ từ những kiến thức cơ bản mà còn kỹ càng từ phân cảnh ra sao, máy quay góc độ này thì biểu lộ thế nào, tiếng động, âm thanh và cả những ghi chú cho phim…
Năm 1961, ông về nước với tất cả kiến thức thu nạp được cũng như niềm háo hức mong muốn thể hiện của mình ở lĩnh vực Hoạt hình.
|
Ăn phải… “Bùa mê thuốc lú”
Tháng 05/1962, chàng trai Ngô Mạnh Lân được phân công về công tác tại Lớp thực tập của họa sỹ Lê Minh Hiền và Trương Qua. Lúc này, Lớp thực tập đã được đổi tên thành Xưởng phim hoạt họa búp bê (do có hai họa sỹ là Đỗ Tích và Nguyễn Trần Việt học ở Đức về làm phim búp bê) và chuyển về trụ sở số 7 – Trần Phú. Tác phẩm của Xưởng lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn có 3-4 phim gồm Đáng đời thằng Cáo, Con một nhà, Cây đa chú Cuội và cuối năm 1962 là phim búp bê Chú thỏ đi học.
Niềm háo hức đó bị dập tắt khi ông được chuyển về phòng biên tập của Hãng. Sáu tháng trời chỉ chúi mũi trên bàn làm việc, đọc và nhận xét, góp ý các kịch bản gửi về. Hơi nản nhưng chính thời gian đó lại khiến ông tìm được một kịch bản ưng ý của tác giả Vũ Huy Cương. Ý tưởng lạ đầy chất tưởng tượng cũng như giáo dục mang tựa đề Em bé lười học. Một cậu bé lười học chỉ mong có phép thần cho học giỏi. Cậu nghe lời mách của con Vẹt đi rứt sợi lông đuôi của một con chim thần với mong muốn ước mơ đó thành hiện thực và bị rơi xuống vực Lười. Muốn thoát khỏi vực, cậu chỉ có 1 cách là giải toán. Nhưng cậu đã trả lời sai, hậu quả là phải ở lại vực 50 năm. Rất may, cậu đã được cô bạn giải thoát và nhận ra được việc học là rất quan trọng.
Mang ý tưởng này thuyết phục lãnh đạo và rốt cuộc, chàng sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường Ngô Mạnh Lân đã được tin tưởng giao thực hiện kịch bản này. Bỡ ngỡ, nhưng biết đây là cơ hội khẳng định mình cũng như tự tin về kiến thức đã học, bộ phim Một ước mơ dựa trên kịch bản Em bé lười học đã được ra đời. Để chuẩn bị cho việc làm phim, cả tổ làm Một ước mơ đã có chuyến thực tế tận Hòa Bình để phác họa bối cảnh. Kỷ niệm đầu đời làm phim này vẫn được NSND Ngô Mạnh Lân nhắc lại mãi với chi tiết cả đoàn lao dốc Cun bằng xe đạp (lúc bấy giờ là oách lắm) buộc thêm cành cây sau xe để giảm tốc mà xuống đến nơi phanh cũng mòn vẹt. Mệt nhưng vui, thấy háo hức và đầy ý nghĩa. Kiến thức thực tế của thầy Tsekhanopski đã giúp Ngô Mạnh Lân đứng vững khi làm phim đầu tay. Một ước mơ nhận được rất nhiều lời khen ngợi về tay nghề vững nhưng sự nhanh nhạy sáng tạo của tuổi trẻ ở phim này lại được đánh giá tích cực hơn rất nhiều. Sáng kiến đó là việc bôi dầu hỏa và dầu thông lên giấy Pô-luya khiến nét vẽ rõ hơn, tạo nên được nhiều lớp lang cho nhân vật chuyển động. Đây đúng là sáng kiến mang đậm chất “cái khó ló cái khôn”, nó biểu lộ sức sáng tạo và tìm tòi của người nghệ sỹ trong mọi hoàn cảnh. Sau Một ước mơ, Ngô Mạnh Lân chính thức khẳng định: Tôi làm được phim!
Bộ phim thứ hai tiếp tục ra đời trong niềm hứng khởi vô tận đó. Hơn nữa, nó đã đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông cũng như chuyên ngành hoạt hình non trẻ của Việt Nam. Năm 1965, thời điểm máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, ekip làm phim buộc phải sơ tán lên vùng nông thôn Mê Linh - Vĩnh Phúc. Dù khó khăn, phương tiện sáng tạo nghệ thuật thiếu thốn nhưng Mèo con – bộ phim hoạt họa đen trắng dựa trên chuyện ngắn nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Đình Thi – Cái Tết của Mèo con - vẫn được ra đời. Suốt 5 tháng lao động miệt mài, điện không có, vừa vẽ vừa quay bấm từng cảnh bằng chiếc máy quay 16ly rồi in tráng thủ công. Được kha khá lại vác máy đi bộ ra trung tâm huyện cách đó 6-7km nhờ điện chiếu để duyệt. Những hôm phải đội mưa, bấm từng móng chân trên đường đất lầy lội, khom mình giữ phim cho an toàn đội đêm ra cho kịp sáng về làm việc. Công sức của ekip làm phim cũng được đền bù sau đó một năm, tháng 8/1966, Uỷ ban văn hóa đối ngoại thông báo Mèo con giành giải Bồ nông Bạc và bằng khen tại LHPQT Rumani. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên của Hoạt họa Việt Nam. Sau đó một năm, Mèo con tiếp tục khiến cái tên hoạt họa Việt Nam được xướng lên tại LHP Frankfurt với Bằng khen dành cho phim. Đó quả là niềm vui khôn tả…
|
Nhắc tới thành quả của Mèo con, NSND Ngô Mạnh Lân không giấu ngậm ngùi khi nhớ tới người bạn – nhạc sỹ Hoàng Việt – người làm nhạc cho bộ phim. Tốt nghiệp Bungari về, chỉ kịp làm nhạc cho Mèo con, nhận được hai bức ảnh phim do Ngô Mạnh Lân gửi thì tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Cái Tết của Mèo con mãi mãi không bao giờ được chiếu cho anh xem, bởi ngay sau đó, nhạc sỹ của Tình ca, của Lên ngàn, Nhạc rừng đã hy sinh…
|
Rồi tiếp theo là hàng loạt phim với nhiều tìm tòi được nghệ sỹ Ngô Mạnh Lân thỏa sức sáng tạo trên mọi chất liệu: phim hoạt họa mầu với Con sáo biết nói (1967), Lời đáng yêu nhất (1972)…; Búp bê màu với Những chiếc áo ấm (1968), Chuyện ông Gióng (1970)…; cắt giấy màu với Rồng lửa Thăng Long, Trê Cóc… 17 bộ phim với 17 phong cách thể hiện khác nhau và đều được đánh giá cao. Đi kèm với nó là hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ, trong nước cũng như quốc tế. Cao nhất là những miệt mài sáng tạo đó đã hiện thân thành niềm vui, tiếng cười trong trẻo trong những ký ức của hàng lớp, hàng vạn những cô bé, cậu bé từng thế hệ…
|
Mốc son vất vả của Chuyện ông Gióng
Khi tôi hỏi ông phim nào để lại nhiều ấn tượng nhất? Ông đắn đo một hồi. Sự chọn lựa có vẻ rất khó. Đương nhiên bởi với những đứa con mình dứt ruột sinh ra, sự ưu khuyết, thương mến đôi khi khó mà đặt lên bàn cân đong đếm được. Ông thích Mèo con bởi nó gọn và nhuần nhuyễn, thích Bước ngoặt bởi có một chút triết lý nhưng ông cũng nhắc tới Chuyện ông Gióng như một niềm tự hào…
Chuyện ông Gióng mang lại cho ông nhiều thứ, có lẽ rõ nét nhất là xét về mặt giải thưởng với giải Bồ câu vàng tại LHPQT Leipzig – CHDC Đức năm 1971, giải Bông Sen vàng LHPVN lần thứ II tại HN năm 1973, Huy chương danh dự của UB đoàn kết Á-Phi Liên Xô. Năm 2009, Chuyện ông Gióng cho thấy tác phẩm vẫn có sức hút đặc biệt với bạn bè quốc tế khi cùng ông và 5 phim khác (Mèo con, Trê Cóc, Phép lạ hồi sinh, Những chiếc áo ấm, Bộ đồ nghề nổi giận) sang Phần Lan tham dự LHP Tampere. Cái cảm giác khi nhận được thông báo phim nhận được giải Bồ câu vàng cho đến tận bây giờ khi nhắc tới vẫn lâng lâng tự hào như cái buổi chiều năm 1971 trên chiếc xe đạp lao vùn vụt sang Uỷ ban văn hóa nhận giải thưởng ấy. Không chỉ là bộ phim đầu tiên của Việt Nam giành giải vàng ở Quốc tế mà đơn giản với ông, đó là kết quả cho 6 năm ấp ủ, miệt mài đầy hy vọng cũng như lao tâm với đề tài lịch sử đầu tiên của Hoạt hình Việt Nam này…
|
Năm 1964, kịch bản Chuyện ông Gióng của nhà văn Tô Hoài chính thức được duyệt giao cho đạo diễn Ngô Mạnh Lân thể hiện sau sự khẳng định mang tên Mèo con. Đây là bộ phim lịch sử thần thoại truyền thuyết đầu tiên của Hoạt hình Việt Nam với dự kiến hoàn thành năm 1965 kịp kỷ niệm 20 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay khi nhận phim, đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã về tận làng Phù Đổng, ăn ngủ ở đó, ghi chép lại những câu chuyện, di tích, thần thoại dân gian đã ngấm sâu vào đời sống, phong tục của người dân trong làng… “Chất Gióng” tại chính làng quê đó đã giúp ông có những nét phác đầu tiên đầy khỏe khoắn về nhân vật Gióng, những cảnh hừng hực khí thế ra trận và sự êm ấm, đùm bọc của người dân. Chính sức sống này đã tạo nên sự sống động cho phim và là âm hưởng chủ đạo bao trùm lên những yếu tố khác như nhạc phim. Chính nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát với tổ khúc Ông Gióng trong phim đã vinh quang nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996.
Thế nhưng, sự hứng khởi đó đành dang dở với sự kiện máy bay Mỹ ném bom miền Bắc và ý tưởng về sửa kịch bản không được ông thống nhất. Cũng năm đó, phòng hoạt họa nơi ông làm việc buộc phải đi sơ tán tránh bom. Trên văn bản, Chuyện ông Gióng chính thức bị đình lại nhưng suốt 5 năm (cho đến năm 1970 phim hoàn thành) chưa bao giờ cái khí thế của Gióng thôi hừng hực trong đầu. Năm 1969, dự án phim khởi động lại cùng với độ chín cho việc tìm tòi cách thể hiện ông Gióng. Với trải nghiệm trước đó từ Những chiếc áo ấm (búp bê màu - 1968), Chuyện ông Gióng được xây dựng trên chất liệu búp bê với 6 trường đoạn chặt chẽ. Sự khát khao trong suốt 5 năm ấp ủ được tái hiện với hình ảnh Thánh Gióng hừng hực khí thế anh hùng với ngựa sắt tre vàng trút xuống đầu giặc Ân hay mượt mà ấm áp với làn điệu nhạc êm ái quây quần bên tình làng nghĩa xóm…
“Cái được là cảm thấy thú vị với nghề…”
Ông tâm sự: “Hoạt hình như thứ bùa mê thuốc lú ấy, đã trót đam mê rồi, khó bỏ lắm…”.
Mê là mê nụ cười trẻ thơ. Lú là bị lẫn giữa muôn vàn tưởng tượng phong phú của những đôi mắt hồn nhiên trong trẻo ấy. Với ông, làm hoạt hình phải nhìn bằng những ánh mắt ấy, nụ cười ấy.
Trong sự nghiệp của mình ông cũng có 5 năm rời xa hoạt hình, xa cái “bùa mê thuốc lú” ấy để đảm nhận cương vị Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu phim Việt Nam (1987-1992) nhưng rồi cái nghiệp lại kéo ông về với Trê Cóc (1994), Phép lạ hồi sinh (1995) trước khi về hưu đúng chế độ và nhường đất, niềm đam mê lại cho thế hệ trẻ…
Suốt 34 năm gắn bó với phim hoạt hình với 17 tác phẩm chính cũng như vô số giải thưởng, tôi hỏi ông về cái “được” lớn nhất khi theo đuổi nghề, ông chậm rãi: “Cái được lớn nhất là mình cảm thấy thú vị với cái nghề này. Có thể nói là hoạt hình đã giúp tôi lập thân, lập nghiệp… Còn giải thưởng thì tôi chỉ được ‘danh’ thôi, chưa bao giờ được ‘lợi’ cả…”. Ông cười, nụ cười vẫn rạng rỡ và hồn nhiên ấy. Với tôi, có lẽ cái “được” nhất của ông chính là Nụ cười. Nó vẫn rạng ngời như trong bức ảnh đen trắng tôi đã được chiêm ngưỡng trước đây khi tò mò về mối tình đẹp của vợ chồng ông. Mấy chục năm ai bảo cuộc sống cứ thuận buồm xuôi gió, ngần ấy năm ai bảo đường cứ thêng thang ta bước. Tôi luôn nghĩ là niềm tin, sự lạc quan trong nụ cười ấy vực dậy được tất cả…
|
Nhưng đâu chỉ có chuyện lập thân, lập nghiệp. Không phủ nhận sự miệt mài sáng tạo trên những tác phẩm đã tạo nên một giá trị cho NSND Ngô Mạnh Lân, tạo nên sự tôn trọng với học vị Phó giáo sư năm 1991 hay Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 mà còn có những giá trị khác phía sau những thứ gọi là “đường công danh sự nghiệp” đó. Ở những bộ phim như Mèo con, Chuyện ông Gióng… còn là những dấu mốc cho một trào lưu phim sau đó ở Việt Nam về nội dung cũng như thể loại. Đó là điểm nhấn tạo nên người nghệ sỹ khi luôn đi trước, tìm tòi, khai phá những cái mới. Xưởng phim Hoạt hình (nay là Hãng phim Hoạt hình) có thể ông không phải là người đặt viên gạch đầu tiên nhưng là người củng cố nó với cái nền thật vững chắc. Ngay cả cái tên Hoạt hình cũng do ông đề xuất và năm 1978 chính thức nó được gắn chặt cho tới thời điểm này…
Vào một chiều đẹp ngày 15/9, Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân đã chào từ biệt người thân và những người yêu mến để về nơi cực lạc. Cháu ngoại ông, một đạo diễn trẻ nổi tiếng cũng đăng lên facebook cá nhân lời tiễn biệt với một bức ảnh thật đẹp của ông - với nụ cười luôn rạng rỡ. Thứ ông để lại, ngoài di sản nghệ thuật, còn là nụ cười thật đẹp ấy và hẳn khi nghĩ về ông, chúng ta cũng bất giác mỉm cười.
|
Hoàng Tuấn