(TGĐA) - Phim truyền hình Bánh đúc có xương đã khép lại từ lâu nhưng với NSƯT Ngọc Lan, dư âm của “bà nội khó tính” trong phim vẫn còn ghi dấu ấn đậm nét. Mỗi khi ra đường, bà lại được khán giả yêu quý nhận ra và ngợi khen vai diễn. Suốt hơn 50 năm sự nghiệp, tham gia hàng trăm bộ phim lớn nhỏ nhưng đây có lẽ là vai diễn khiến bà cảm thấy vui và tâm đắc nhất, mượn những vần thơ, bà sẻ chia tâm sự: “Niềm vui nghệ sỹ duyên trời dành cho. Tôi vui cứ ngỡ nằm mơ, trong lòng khán giả tặng cho gì bằng… Đó là phần thưởng mơ tìm bao năm...” Niềm vui của NSƯT Ngọc Lan lại được nhân lên nhiều lần và trọn vẹn hơn khi bà và gia đình đã có thêm cháu đích tôn thỏa lòng mong đợi. Ánh mắt viên mãn đong đầy hạnh phúc, nụ cười tươi rói đôn hậu càng tôn thêm vẻ đẹp mặn mà nữ diễn viên khóa I của điện ảnh Việt Nam ngày nào, ít ai nghĩ bà đã qua cái tuổi 70.
Đạo diễn 'Lời nguyền gia tộc' được báo mộng trước khi quay |
‘Gái hai con’ Diệu Hương khoe nhan sắc mặn mà, đằm thắm |
NSƯT Ngọc Lan ở tuổi 70 |
Bén duyên với “người tình” nghệ thuật thứ 7 để rồi say nghiệp … đến già
Ngược thời gian, quá khứ trở về qua câu chuyện thời tuổi trẻ của bà hiện lên trước mắt tôi như một cuốn phim…
Sinh năm 1942, cô thôn nữ Bắc Giang mộc mạc nhưng có cái tên rất “kêu” Phan Ngọc Lan ngay từ khi học ở trường cấp II Kép Lạng Giang – Bắc Giang đã nổi tiếng xinh đẹp, cây văn nghệ với giọng hát hay và tài ngâm thơ, diễn kịch giỏi. Niềm yêu thích điện ảnh đến với cô từ những buổi tối cùng bạn bè vác ghế đi xem chiếu bóng ngoài bãi với những bộ phim của điện ảnh Trung Quốc, Liên Xô. Nhưng chỉ đến khi xem bộ phim Chung một dòng sông của đạo diễn Phạm Kỳ Nam với sự xuất hiện của nữ diễn viên xinh đẹp Phi Nga, Phan Ngọc Lan bấy giờ mới biết đã có điện ảnh Việt Nam. Và giấc mơ trở thành diễn viên điện ảnh được khơi dậy trong cô bắt đầu từ ấy, Ngọc Lan thổ lộ với bạn bè dứt khoát sau này sẽ đi tuyển diễn viên… Ước mơ tưởng chừng cao siêu ấy đã trở thành hiện thực khi một lần có anh bạn học ở cách xa nhà 40 cây số gửi cho cô một lá thư kèm mảnh báo nhỏ thông báo thi tuyển lớp diễn viên điện ảnh tại số 7 Trần Phú – Hà Nội. Lập tức làm hồ sơ đăng ký thi tuyển, mặc dù không biết đường đi lối lại nhưng cô thôn nữ trẻ quyết tâm đi tàu một mình ra Hà Nội dự thi. Họ hàng thân thích của cô ở Hà Nội ngày đó là ông chú ruột làm ở báo Quân đội Nhân dân. Dẫn Ngọc Lan đi thi hôm đó là cậu em 7 tuổi, con trai của chú, nhỏ tuổi nhưng cậu thạo đường, rất nhanh nhẹn và tháo vát. Nhớ mãi buổi trưa hai chị em ra vườn hoa Chi Lăng ngồi chờ kết quả, nhặt quả sấu chín, chia nhau cái bánh mì lót dạ. Tuyển diễn viên ngày ấy kỹ lắm, phải khám tổng thể từng chân tơ kẽ tóc, răng miệng, tim phổi… rồi diễn tiểu phẩm tình huống…tất cả qua 4 vòng thi. Vài tháng sau, có người về tận quê nhà đưa giấy triệu tập đi thi chung kết toàn miền Bắc, cô thôn nữ vỡ òa trong niềm vui bất ngờ. Năm 1959, Phan Ngọc Lan chính thức được gia nhập lớp đầu tiên được đào tạo chính quy của điện ảnh cách mạng Việt Nam gồm 18 đạo diễn và 35 diễn viên với cùng những tên tuổi như Huy Thành, Hải Ninh, Long Vân, Bạch Diệp, Trà Giang, Phi Nga, Lâm Tới, Thanh Thủy, Thúy Vinh, Hồ Thái…
|
Sự nghiệp diễn xuất thênh thang đang đợi cô phía trước… Vai diễn đầu tiên đến với nữ diễn viên trẻ Phan Ngọc Lan khi ấy là trong bộ phim Lửa trung tuyến của đạo diễn Phạm Văn Khoa – vị đạo diễn đã dìu dắt bà những bước đi đầu tiên chập chững vào nghề - mãi đến sau này, bà vẫn nhắc tới ông với lòng biết ơn và kính trọng.
NSƯT Ngọc Lan kể lại bà sinh ra và lớn lên ở vùng tự do, từng có thời gian tham gia phục vụ dân công đào đường chữ chi để tránh địch càn quét nên khi đóng Lửa trung tuyến, bà vào vai rất ngọt khiến đạo diễn vô cùng hài lòng. Đây cũng là bộ phim được chọn dự LHP Quốc tế Matxcova 1961, tại đây, bà vinh dự được thay mặt đoàn Điện ảnh Việt Nam kéo cờ khai mạc LHP.
|
Tốt nghiệp năm 1962, bà được phân công về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Bước vào nghề với lòng hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghề diễn đã mang đến cho bà không ít trải nghiệm.
Gắn bó với nghề hơn nửa thế kỷ, NSƯT Phan Ngọc Lan đã ghi dấu ấn trong gia tài sự nghiệp của mình với không ít vai diễn lớn nhỏ, cả chính diện lẫn phản diện ở cả hai thể loại điện ảnh và truyền hình như Quê nhà, Biển gọi, Huyền thoại về người mẹ, Kiếp phù du, Giông tố, Mùa lá rụng trong vườn…Ôn lại những kỷ niệm cũ, bà kể: “Hồi đầu, tôi thường được chọn vào những vai hiền lành, đảm đang, nhân hậu nhưng sau này, các đạo diễn đã mạnh tay mời tôi đóng những vai phản diện. Sau thành công với vai vợ cả Nghị Hách trong Giông tố (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân), các đạo diễn lại thích chọn tôi vào những vai khác với chất của mình. Đóng vai phản diện khác với tính mình nhưng lại có nhiều đất cho mình thể hiện. Là diễn viên, với tôi, thật hạnh phúc khi được đạo diễn tạo cơ hội để mình thử sức với nhiều dạng vai. Nghề diễn viên cũng là một trong những nghề vất vả nhất, lên rừng xuống biển, bất kỳ đâu cũng phải đi. Đóng phim ngày xưa còn cơ cực hơn nhiều. Tôi nhớ mãi ngày đóng phim Lửa trung tuyến và Quê nhà, có cảnh cánh quạt máy bay thì thổi, vòi rồng phun nước, rét đến nỗi đến giờ mỗi khi trở trời là người lại ốm đau xương khớp, viêm phế quản… Ăn uống ngày đó cũng vô cùng kham khổ. Phim Lửa rừng, Một chiến công, buổi nào cũng chỉ được phát cho một cái bánh mỳ và một bát bí đỏ xào chạy qua hàng mỡ. Lần ấy tôi vào vai cô bến phà trưởng, phim quay từ chập tối hôm trước đến 5, 6 giờ sáng hôm sau. Hôm nào về cũng nhờ anh em trong đoàn lặn lội nhảy xuống các hầm tăng xê bắt được mớ cóc, lại đèo từ bến phà Khuyến Lương về, nhờ người làm cóc lấy thịt làm thực phẩm cho con. Thời đó, vất vả là thế, nhưng không ai nghĩ đến tiền thù lao, không so tính tiền nong nhiều ít, khổ sở cũng chịu miễn là được hăng say với nghề”.
|
Tình yêu nghề, say nghề dường như với bà đến giờ vẫn còn vẹn nguyên. Bà bảo “Lạ lắm, giờ đêm nằm trước khi đi ngủ bao giờ cũng nghĩ sáng mai dậy mình làm gì, nếu nhập phim thì về chẳng thiết gì, chỉ ăn vội ăn vàng tí cơm là xong, phải lo đến lời diễn, cảnh diễn, quần áo trang phục ngày mai. Các con nhiều khi bảo “Sao mẹ “máu”, mẹ say nghề thế? nhưng tôi nghĩ làm cái gì mà mình không say, không yêu thì không thể thành công.”
Giờ đây, khi đã ở tuổi thất thập, NSƯT Ngọc Lan vẫn luôn đau đáu với nghề. Mượn thơ, bà bộc bạch:
“…Cả đời cóp nhặt vốn yêu lấy nghề
Chẳng ham danh vọng kèn kê
Chẳng ham đánh bóng, chẳng hề ghét yêu
…Nếu như làm lại từ xưa
Vẫn xin chọn lại cái nghề tôi yêu”
(Cái nghiệp)
Về hưu, bà đảm nhận vai trò là Trưởng ban liên lạc của lớp đạo diễn, diễn viên khóa I. Bà kể từ ngày đóng xong Bánh đúc có xương, bà đã làm được rất nhiều việc, bộ óc không lúc nào nghỉ ngơi, luôn nghĩ về bạn bè với những kỷ niệm trong quá khứ… Với bà, việc đi thăm hỏi, chia sẻ, động viên bạn bè mỗi khi ốm đau vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống.
Tình người qua những trang thơ
|
Vai diễn “để đời” như truyền cho bà thêm sinh lực, bà thấy mình như khỏe ra, tìm thấy nhiều hơn những niềm vui trong cuộc sống. Bà bảo, người có tuổi nhiều khi hay hoài niệm về những hồi ức lớn lao trong tim để từ ấy, hồn thơ trong bà lại có cớ tuôn trào. Nếu viết về NSƯT Ngọc Lan mà không nhắc tới Thơ của bà thì quả là một sự thiếu sót. Từ lúc nào, Thơ trở thành một phần trong cuộc sống của bà, Thơ chính là Người, mượn thơ để nói lên tiếng lòng. Vô số những vần thơ bà đã viết dành tặng cho người bạn đời, người chồng mẫu mực đã gắn bó sẻ chia với bà đã hơn 50 năm – NSND Ngô Mạnh Lân:
“Năm mươi năm rồi mà sao thấy quá nhanh
Có những chuyện như vừa hôm qua vậy
Hàng tối vẫn bên nhau chén nước trà nóng hổi
Vẫn ngọt thơm như buổi ban đầu…”
Đọc mà chẳng thể nghĩ đó là thơ tình của bà cụ 70 tặng ông lão 80, tình cảm hạnh phúc, sự quan tâm cho nhau đong đầy trong từng câu chữ:
“Hàng đêm bên nhau ta như hai người bạn
Em lo cho anh lúc trái nắng trở trời
Mỏi gối nhức đầu trằn trọc đêm khuya
Anh vững lòng đã có em bên cạnh…”
(Tuổi 70 tâm sự)
Ông, bà gặp và quen nhau năm 1961 tại LHP Matxcova, khi ấy bà là diễn viên chính trong phim Lửa trung tuyến, ông là lưu học sinh được phân công làm phiên dịch cho cô diễn viên xinh đẹp. Trai tài gái sắc, họ bén duyên nhau lúc nào chẳng hay, mối tình đẹp ấy kết thúc có hậu bằng một đám cưới vào ngày 15.12.1962 sau hơn một năm yêu thương, nhớ mong, chờ đợi…
Bà hồi tưởng: “Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ sau hôn nhân gặp không ít khó khăn vất vả nhưng cả hai chúng tôi đều chịu thương chịu khó. Hằng đêm, ông ấy thắp đèn dầu tới 12 giờ đêm vẽ minh họa cho các báo để kiếm tiền nuôi con. Còn tôi, khi vừa sinh con gái đầu lòng được 5,6 tháng đã có người đến mời đi đóng phim. Nhiều khi đi làm mà con nhỏ không ai trông, phải mang con đi theo. Còn nhớ, ngày đóng phim Biển gọi năm 1967 ở Trà Cổ, con gái lớn Phương Lan lúc ấy mới 3 tuổi cũng phải theo mẹ đi suốt một mùa hè hai mùa đông mới xong phim. Những lúc mẹ đóng phim, con gái phải gửi các cô bác trong đoàn như Tố Uyên, Trần Phương… trông giúp. Nhớ vợ con, ông ấy lặn lội ra tận Trà Cổ để thăm. Ngày ấy thời chiến làm gì có điện thoại liên lạc như bây giờ, chồng lên thăm thì mừng nhưng khi ông ấy quay về thì mình cứ lo không biết có về được đến nhà không hay lại gặp máy bay oanh tạc giữa đường. Bốn con lần lượt ra đời, 3 gái, một trai thời bao cấp vất vả thiếu thốn, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc nhưng hai vợ chồng cảm thấy cuộc đời vẫn rất vui, động viên nhau vượt lên tất cả để nuôi dạy con”
|
Đồng lương nghệ sỹ không đủ sống, với bản tính tần tảo, chịu thương chịu khó, bà xoay sở đủ nghề để lo cho kinh tế gia đình từ việc cuốn thuốc lá bán cho hàng nước lại chuyển sang cắt may quần áo pijama, quần áo trẻ con đưa cho các cửa hàng mậu dịch… Tần tảo sớm hôm, nhờ bàn tay bà mà cuộc sống gia đình không đến nỗi quá vất vả. Bà bảo vui nhất là đàn con ai nấy đều ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết bảo ban nhau học hành, giúp đỡ bố mẹ.
Đến giờ, khi tuổi đã xế chiều, bà vẫn luôn cùng ông nhắc về một thời để nhớ:
“Khi còn là túp lều tranh
Mong sao cuộc sống yên lành ấm êm
Đàn con cắp sách đến trường
Học hành chăm giỏi biết nhường nhịn nhau.
Gia đình hạnh phúc đậm sâu
Tắt đèn tối lửa những câu ân tình…”
(Hồi ức)
Bên cạnh những vần thơ dành cho chồng con, bà còn viết rất nhiều cho những người thân và bạn bè, đồng nghiệp:
“Về đây tìm lại yêu thương
Bao nhiêu ký ức phim trường hiện lên
Nhớ từng khuôn mặt thân quen
Năm mươi ba năm lẻ, gắn liền trong tôi…”
(Về lại trường xưa)
và cho cả những vai diễn bà từng kinh qua trong sự nghiệp như bài thơ Cảm ơn vai cô Lý (phim Mùa lá rụng trong vườn); Vai mẹ chồng Bí mật Eva; Duyên trời (phim Bánh đúc có xương)…
…Tất cả những con người, những kỷ niệm ghi lại dấu ấn trong đời đều được bà nhắc tới qua Thơ. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, thật khó có thể kể hết những bài thơ trong 5 tập thơ mà bà đã in ra để tặng mọi người. Chỉ biết tiếng thơ là tiếng lòng, phải có một tấm lòng dạt dào tình cảm yêu thương, trân quý quá khứ tình người, bà mới có thể viết ra được những dòng thơ dồi dào cảm xúc như vậy.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Lại xin mượn những vần thơ bà viết cho con gái cả Phương Lan để thấy được tấm lòng người mẹ dành cho các con:
“Hôm nay mẹ lại viết cho con
Những dòng thơ, những lời tâm huyết
Ngót năm mươi năm trăng tròn trăng khuyết
Nhưng chẳng khi nào lòng mẹ khuyết đâu con…”
Bà bảo, đến giờ mặc dù các con đã khôn lớn trưởng thành nhưng trong lòng bà lúc nào cũng thấy các con mình còn bé bỏng và chỉ có người mẹ mới nói được những điều không ai có thể nói cho con mình. Ba cô con gái, ba chàng rể bà quý như ba hòn ngọc. Bà luôn dặn dò các con gái phải biết yêu thương chồng, chăm cho chồng từng manh quần tấm áo, phải luôn là nơi ấm nhất để chồng mỗi khi đi xa muốn trở về. Dù con có làm đến chức gì đi nữa, có bao nhiêu tuổi vẫn là những đứa con bé bỏng của mẹ.
“Thỏa thuê bay lượn khắp trời
Con gắng sức, vững vàng đừng phụ lòng ai
Giữ cho sáng trong tâm gương đời dạy
Con nhà lành đức tâm là vậy
Dù ở nơi nào con vẫn phải là con…”
(Với con)
Chăm con, bà hiểu tâm lý, tính nết từng người. Ngay từ bé Phương Lan đã tự lực và học rất giỏi, nhận ra Phương Ly có năng khiếu vẽ nên ngày nhỏ sáng nào bà cũng đạp xe chở con gái đến học ở câu lạc bộ Mỹ thuật. Con trai út theo nghề của bố như ngày nay cũng là do công của mẹ rèn rũa ngay từ khi mới 5 tuổi… Sinh con ra là một chuyện, nhưng nuôi dạy con và hướng sự nghiệp cho con lại là chuyện khác. Bà luôn tự hào vì dạy bảo các con đến nơi đến chốn, nhắc các con có trưởng thành như hôm nay cũng là do công rất lớn của cha mẹ, muốn các con nhìn vào tấm gương cha mẹ mà sống. “Thật may đến giờ các con đều là những người sống tiết kiệm, không đua đòi. Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.”
Giờ có thêm con dâu, bà yêu thương như con gái trong nhà. Những vần thơ “bà nội khó tính” của Bánh đúc có xương viết cho con dâu thật cảm động:
“Từ khi con bước về nhà
Mấy năm bên mẹ thật là đáng yêu…
Con là máu thit bao năm mẹ chờ
Thêm niềm vui đến vô bờ
Cái ngày kết trái khai hoa đến gần
Mẹ như trẻ lại tuổi xuân
Bao nhiêu bệnh tật tan dần biến đi…”
(Con dâu)
Xuân này có lẽ là mùa xuân vui nhất với NSƯT Ngọc Lan, bởi bên cạnh niềm vui nghề, bà và gia đình được đón thêm thành viên mới, “niềm vui, vui đến vỡ òa. Hôm nay bà được hít hà đích tôn”. Ngày Tết là dịp con cháu về tụ họp với ông bà đông đủ nhất, nhìn đàn con cháu trưởng thành với ông bà không còn gì vui hơn. Không giấu nổi niềm tự hào, bà khoe: “Cháu ngoại đầu Đinh Tuấn Vũ giờ đã là đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam, các cháu gái cũng lớn hết, về chật nhà. Bát bà không phải rửa, nhà bà không phải lau, giờ bà sướng lắm, chỉ ngồi ôm thằng cháu đích tôn này thôi!”
|
Có cháu, bà như khỏe hơn, lại thấy mình như có thêm động lực để tham gia đóng phim: “Nếu có đạo diễn mời, thấy hợp vai, phim dài chục tập tôi vẫn thu xếp để đi”.
Lại thêm một “hồng nhan nhưng không đa đoan” của điện ảnh Việt Nam. Tạm biệt bà ra về mà trong tôi vẫn nhớ thật lâu ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tươi roi rói của NSƯT Ngọc Lan. Tuổi 70, bà vẫn “cháy” hết mình với hai tình yêu lớn trong đời: tình yêu thẳm sâu với người bạn đời – NSND Ngô Mạnh Lân và tình yêu trọn vẹn với nghệ thuật thứ 7. Chúc bà thật nhiều sức khỏe để cống hiến hết mình cho tình yêu của mình!
Người Hà Nội say mê với Triển lãm 'Nét thời gian' của NSND - Họa sĩ Ngô Mạnh Lân (TGĐA) - Chiều ngày 2/11/2019, tại Đại học Mỹ Thuật đã diễn ra Triển lãm ... |
‘Gái hai con’ Diệu Hương khoe nhan sắc mặn mà, đằm thắm (TGĐA) - Diễn viên Diệu Hương nhận được nhiều lời khen của mọi người khi vẫn ... |
Phương Hà