Đạo diễn phim 'Đào, Phở và Piano': 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'

(TGĐA) - Trước cơn sốt của Đào, Phở và Piano, Thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Phi Tiến Sơn chính là đạo diễn kiêm biên kịch của bộ phim.

'Đào, Phở và Piano' - Nỗ lực đổi mới của điện ảnh nhà nước 'Đào, Phở và Piano' - Nỗ lực đổi mới của điện ảnh nhà nước
'Cháy vé' tại Hà Nội, 'Đào, phở và piano' chuẩn bị được chiếu toàn quốc? 'Cháy vé' tại Hà Nội, 'Đào, phở và piano' chuẩn bị được chiếu toàn quốc?

Có thể nói Đào, Phở và Piano được coi là một "hiện tượng lạ" của điện ảnh Việt, khi một bộ phim nhà nước đầu tư không có truyền thông, không quảng bá lại trở thành cơn sốt khiến nhiều người muốn mua vé cũng chưa chắc có. Mới đây, bên cạnh Trung tâm Chiếu phim quốc gia thì hai cụm rạp Beta và CineStar cũng sẽ thông báo chiếu Đào, Phở và Piano với hình thức phi lợi nhuận.

Đạo diễn phim 'Đào, Phở và Piano': 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'
Đào, Phở và Piano - bộ phim đang tạo nên cơn sốt lớn

Đào, Phở và Piano có kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, phần nhiều được đầu tư vào việc tái hiện nguyên mẫu của những ngôi nhà Hà Nội thời xưa. Ê-kíp bộ phim đã không ngần ngại cống hiến miệt mài trong vòng 3 tháng trời, phục dựng những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện – mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ thủ đô những năm oanh liệt ấy. Nỗ lực này đã khiến Đào, Phở và Piano nhận về rất nhiều sự tán dương. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên như NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Nguyệt Hằng, Doãn Quốc Đam.

TGĐA đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Phi Tiến Sơn - người chịu trách nhiệm đạo diễn và biên kịch, để khán giả phần nào hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện bộ phim:

Đạo diễn phim 'Đào, Phở và Piano': 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'
Đạo diễn Phi Tiến Sơn

Đào, Phở, Piano quả thực là một cái tên rất lạ, ông lấy cảm hứng từ đâu khi đặt tên cho bộ phim như vậy?

Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ tại sao mình lại nghĩ ra cái tên đó. Nhưng khi có một người bạn của tôi nghe thấy cái tên này, anh ta liền thốt lên rằng: đúng là Hà Nội rồi, vì nghe tên là hình dung ra nét đẹp của thủ đô, liên quan tới các khía cạnh: thưởng thức, ăn. Càng đi sâu vào bộ phim, bản thân tôi thấy rằng, Đào, Phở, Piano như mang tới hàm ý trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, thì cái đẹp vẫn sẽ luôn trường tồn.

Được biết, ê-kíp đã vất vả dựng khu phố 6000m2 để tái hiện Hà Nội xưa trong thời kỳ bom đạn, đó có phải khó khăn lớn nhất của ông khi thực hiện tác phẩm này?

Đúng là lâu lắm rồi, người làm phim như tôi mới được thỏa sức sáng tạo trong một bối cảnh lớn và quy mô thế này, đảm bảo được việc thực hiện nhiều cảnh quay lên tới 360 độ mà không cần quá nhiều thủ thuật cắt ghép. Tuy vậy, khi bối cảnh càng quy mô, việc tận dụng tối đa nó cũng là một vấn đề vô cùng lớn.

Từng căn nhà, từng góc phố đều được chăm chút sao cho ra đúng không khí của thời xưa, mà nếu không tận dụng được công sức của mọi người, chắc chắn sẽ dẫn tới sự lãng phí. Nhưng đó chỉ là một trong vô vàn khó khăn của chúng tôi, ngoài ra còn nhiều vấn đề phát sinh khác, như phục trang, cháy nổ, sương khói…

Đạo diễn phim Đào, Phở và Piano: 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'
Đạo diễn phim Đào, Phở và Piano: 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'
Bối cảnh của Đào, Phở và Piano được đầu tư công phu

Khi nói tới phim lịch sử, khán giả đa phần đều quan tâm tới sự chân thật. Ông làm thế nào để bộ phim có sức thuyết phục?

Tôi may mắn được làm việc với nhiều cộng sự có chuyên môn vững chắc. Họ nghiên cứu, tìm hiểu nhiều phim và ảnh tư liệu, hỏi han người này người nọ để tìm kiếm chất liệu cho phim. Nói riêng về độ chân thực, quan điểm của tôi là khó có gì đạt đến sự tuyệt đối, kể cả lịch sử cũng chưa chắc đúng 100%, quan trọng là bộ phim truyền tải thông điệp và ý nghĩa ra sao để đi vào lòng khán giả.

Các nhân vật trong phim khiến người ta khá tò mò, ông đã mang lại nét gì thú vị cho dàn nhân vật của Đào, Phở, Piano?

Đầu tiên phải kể tới nhân vật nam chính nằm trong lực lượng tự vệ thành, nhưng xuất thân chỉ là công nhân. Một tiểu thư nhà giàu khá giả, đem lòng yêu nhân vật nam chính nhưng dần chuyển hóa tình cảm đó thành lòng yêu nước. Rồi còn có ông họa sĩ, nghĩ rằng mình phải cho ra một tác phẩm để đời, nhưng tác phẩm mà ông ưng ý nhất, hóa ra lại không phải như những gì bản thân ông ta khao khát. Ngoài ra còn có nhân vật cha sứ, rồi ông Tây học… tất cả bị ràng buộc với nhau trong một bối cảnh phim diễn ra chỉ trong 24 giờ.

Mỗi người họ đều có đam mê, đều có ước mơ của riêng mình nhưng khoảnh khắc cận kề cái chết, không một ai lựa chọn rời khỏi thủ đô, mà cùng đồng lòng lẫn quyết tâm bảo vệ nó đến cùng.

Đạo diễn phim Đào, Phở và Piano: 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'
Cảnh trong phim

Được biết ca sĩ Tuấn Hưng cũng góp một vai diễn trong phim, ông nghĩ sao về diễn xuất của nam ca sĩ?

Trước đây, Tuấn Hưng đã từng đóng phim nên không thể nói là cậu ấy không có kinh nghiệm. Chính vì cá tính của cậu ấy rất mạnh nên đã tạo ra ấn tượng ngay từ đầu với tôi so với các diễn viên khác. Không chỉ tôi và cả ê-kíp đều công nhận Tuấn Hưng rất hợp vai và đóng phim như "chơi", chất giọng cũng rất tốt. Đó là chất giọng tôi luôn mong muốn cho nhân vật này.

Ban đầu, ai cũng nghĩ Tuấn Hưng sẽ rất bận nhưng khi tôi trò chuyện và cậu ấy đã tuyên bố: "Tất cả những gì liên quan tới Hà Nội, tôn vinh Hà Nội, em chơi hết!".

Nhân vật của Tuấn Hưng là Phán - một ông Tây học. Cụ thể, nhân vật này được học hành và tiếp thu rất nhiều kiến thức của nền văn minh phương Tây. Chính vì vậy, khi chứng kiến cuộc chiến của quân dân Hà Nội với thực dân Pháp hùng mạnh, có vũ khí tối tân, ông Tây đó đã đưa ra kết luận "chúng ta sẽ khó thể giành chiến thắng".

Các nhân vật đều được ông lấy từ hình mẫu có thật ngoài đời?

Tất cả những nhân vật trong phim đều là hư cấu nhưng rất điển hình. Tôi nghĩ rằng khi xem phim, khán giả đều tưởng tượng ra hình mẫu nào đó trong suy nghĩ hay tâm tưởng của họ. Kể cả vậy, vấn đề không phải là nhân vật của tôi chính xác là ai mà là họ sống như thế nào trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Vậy ông đánh giá thế nào về dàn diễn viên mình đã lựa chọn?

Việc casting khiến tôi vô cùng lăn tăn, nhưng cũng may vì kịch bản này mình đã ấp ủ từ lâu, nên tôi hình dung khá rõ hình mẫu diễn viên mà mình muốn tìm. Có những gương mặt từng làm việc với tôi, rồi cũng có những cái tên mới. Quan trọng họ đều từng sống ở mảnh đất này và yêu Hà Nội như tôi.

Hiện giờ, tôi khá hài lòng với dàn diễn viên của mình, đơn cử như NSƯT Trần Lực có sự phóng khoáng khi thể hiện nhân vật ông họa sĩ, hay một “tắc kè hoa” như Doãn Quốc Đam không gặp nhiều trở ngại khi trở là một tự vệ thành. Rồi ngay cả NSND Trung Hiếu, anh ấy cũng phải đi tìm hiểu về tôn giáo để nhân vật cha sứ hoàn thiện hơn

Đạo diễn phim Đào, Phở và Piano: 'Phim nói về một Hà Nội trường tồn!'

Cha ông cũng từng là một tự vệ thành, ông nhớ nhất câu chuyện nào về cha mình khi ấy?

Ông từng kể cho tôi rằng, ngày ấy đi đánh nhau mà tìm mãi vẫn không thể mua đâu được khẩu súng đành phải kiếm một con dao to nhất ở nhà mang đi. Và rất nhiều con người cũng đã hành động như vậy giống cha tôi ở thời điểm đó.

Ông cảm thấy thế nào về sự đón nhận của khán giả dành cho bộ phim?

Thực sự tôi rất vui bởi bộ phim này được làm ra với mong muốn rằng, thế hệ sau sẽ biết được cha ông mình đã lương thiện thế nào, tử tế ra sao dù có phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh và coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”.

Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn với những chia sẻ!

'Đào, Phở và Piano' - Nỗ lực đổi mới của điện ảnh nhà nước 'Đào, Phở và Piano' - Nỗ lực đổi mới của điện ảnh nhà nước

(TGĐA) - Đào, Phở và Piano - bộ phim khắc họa một Hà Nội oanh ...

'Cháy vé' tại Hà Nội, 'Đào, phở và piano' chuẩn bị được chiếu toàn quốc? 'Cháy vé' tại Hà Nội, 'Đào, phở và piano' chuẩn bị được chiếu toàn quốc?

(TGĐA) - Đào, phở và piano khả năng cao sẽ được chiếu toàn quốc trước ...

Anh Vũ