Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp: Phim Tài liệu là phải có số phận nhân vật!

(TGĐA) - Trường Sơn - một thời hoa lửa, từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với điện ảnh Việt. Chiến tranh, không chỉ mình đàn ông ra trận, mà ở đó còn có những nữ chiến sĩ, họ kiên cường, chiến đấu tất cả vì ngày độc lập, thống nhất đất nước. Họ vừa là những anh hùng, nhưng họ cũng là những người con gái. Với 8 tập phim tài liệu tựa đề Trường Sơn – Một thời con gái, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp không chỉ chạm đến cảm xúc nơi khán giả bằng những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường mà anh còn khiến những bạn trẻ thời bình có cái nhìn khác về đề tài chiến tranh tưởng chừng như khô khan và cứng nhắc…    

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat Phim tài liệu: Khi thời thế đổi thay
dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat Những vấn đề tồn đọng ở phim Tài liệu – Khoa học Việt Nam

Tên phim Trường Sơn – Một thời con gái, có vẻ như nhân vật trong series phim của anh toàn là phụ nữ?

Đúng như vậy, tôi đã xem rất nhiều bộ phim nói về Trường Sơn, nhưng một bộ phim riêng về phụ nữ Trường Sơn thì hình như chưa có. Vì thế, tôi muốn làm một bộ phim về tất cả những người phụ nữ đã từng có một thời con gái ở Trường Sơn. Khi thực hiện bộ phim này, tôi mới biết hóa ra phụ nữ tham gia trên Trường Sơn rất đông, có những lúc lên tới hàng vạn người. Các chị tham gia ở tất cả các quân binh chủng, không chỉ ở những lực lượng phục vụ như thông tin, giao liên, quân y, nuôi quân… mà còn ở rất nhiều những lực lượng tưởng như chỉ có những người đàn ông như bộ đội công binh, bộ binh, pháo binh, lái xe… và đặc biệt một lực lượng đông đảo hùng hậu nhất đó là những nữ thanh niên xung phong, nữ dân công hỏa tuyến.

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp

Series phim Trường Sơn – Một thời con gái của anh có gì khác so với những bộ phim cùng về đề tài chiến tranh?

Tôi thấy rất nhiều bộ phim chiến tranh của ta thường hay nói về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa chính trị to lớn mang tầm khái quát vĩ mô. Tôi thì quan niệm làm phim tài liệu phải có số phận, phải có nhân vật, phải có những câu chuyện cụ thể… còn những ý nghĩa khái quát này kia sẽ do người xem tự cảm nhận. Tôi xin lấy một ví dụ ở tập 1 với nhan đề “Những người con gái ra trận”: Có rất nhiều lý do để những người phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình lên đường ra trận. Tất nhiên, họ ra đi vì tình yêu nước, muốn Bắc – Nam sum họp một nhà, đất nước được thống nhất, non sông thu về một mối. Rất nhiều những người con gái ấy khi ra trận mới có 15 – 16 tuổi, thậm chí có những người cổ còn quàng khăn đỏ. Rồi rất nhiều người trong số đó đã viết đơn bằng máu, để được chấp nhận cho ra chiến trường.

Nhưng cũng có những người xin đi bộ đội bởi nhà nghèo quá, vào quân đội để được ăn mặc đầy đủ. Cũng có người vì gia đình bắt đi lấy chồng sớm nên đã xin đi bộ đội. Cũng có người xin ra trận chỉ vì thích bộ quần áo bộ đội. Cũng có người thấy bạn bè đi cả thì mình cũng xin đi như theo một phong trào vậy… Đó là cách nhìn của tôi trong bộ phim này khi chiến tranh đã lùi xa cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ nhìn nhận như thế sẽ trung thực và nhân văn hơn.

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat

Hình như trong series phim Trường Sơn - Một thời con gái người dẫn chuyện lại là Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Vì sao vậy?

Th.S Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là người được tôi chọn để làm người dẫn chuyện cho 8 tập phim này bởi những lý do sau:

Thứ nhất, chị Ái Nhiên là một người con đất Quảng Bình, nơi bắt đầu con đường Trường Sơn huyền thoại từ năm 1959. Mặc dù, không trực tiếp tham gia bộ đội hay thanh niên xung phong nhưng chị có trọn một tuổi thơ sống nơi tuyến lửa ấy. Tôi từng bị ám ảnh bởi những câu chuyện chị kể. Ví như từ lúc lên 6 – 8 tuổi, chị thường cùng đám trẻ con trong làng chiều chiều đi xem người lớn trang điểm cho những liệt sĩ vừa hy sinh. Mà xem một cách hết sức bình thản, giống như một thói quen vì hầu như ngày nào cũng vậy…. Tôi nhớ, những lần chị vừa khóc vừa kể về quê hương và tuổi thơ mình như thế.

Thứ hai, chị Ái Nhiên tự nhận mình thế hệ gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình, giữa những người của thế hệ hôm trước với thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Thứ ba, chị đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Một cương vị mà tôi nghĩ có đủ yếu tố đầy thuyết phục để chị đi tìm hiểu số phận của những người phụ nữ đã từng đi qua chiến tranh – những ký ức thường xuyên ám ảnh chị.

Chính vì những lý do đó đã khiến tôi quyết định mời chị tham gia bộ phim này, với tư cách là một người dẫn chuyện và thể hiện lời tự sự bằng chính chất giọng Quảng Bình quê hương chị.

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat
Th.S Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Áo hoa) và TS Lê Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam

Để thực hiện bộ phim này, hẳn anh đã gặp rất nhiều những người phụ nữ từng có một thời con gái ở Trường Sơn. Anh ấn tượng nhất với những số phận nào?

Đúng là tôi đã được gặp rất nhiều những người phụ nữ đã từng có thời con gái để lại ở Trường Sơn. Sau này, khi trở về đời thường đã có rất nhiều chị thành danh như nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân. Nhưng tôi đặc biệt nhớ về những người đàn bà không chồng, không con, sống cô đơn một mình bởi nửa kia của họ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tôi cũng nhớ về những người phụ nữ bị chất độc màu da cam. Có những chị sinh bốn người con, chết cả 4, giờ chỉ còn biết chiều chiều ngồi tụng kinh mong các con mình được siêu thoát. Có những chị quá thì, cũng cố kiếm được những đứa con ngoài giá thú nhưng rồi những đứa con ngoài giá thú ấy cũng bị sốt rét giống như mẹ thời chiến tranh mà chết. Tôi cũng nhớ về những nhà sư ở Thái Bình, họ vốn là những nữ bộ đội, những nữ thanh niên xung phong, sau chiến tranh đã vào chùa cắt tóc đi tu…

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat
dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat
Một số cảnh trong phim

Anh có thể nói cụ thể hơn về những vấn đề được phản ánh trong series phim Trường Sơn – Một thời con gái?

Như đã nói, điều đầu tiên tôi quan tâm là lý do những người con gái thuở ấy theo các anh ra trận, để cũng vất vả gian lao, để cũng vào sống ra chết như bất kể người lính nào. Vậy những người phụ nữ khi ra trận sẽ gặp khó khăn, khác biệt gì so với những người đàn ông? Thực ra khác rất nhiều, bởi đó là những người phụ nữ. Hình như việc đánh nhau nơi chiến trường không phải để dành cho những người con gái.

Tôi quan tâm đến những ký ức, kỷ niệm của những người con gái ở Trường Sơn.

Tôi quan tâm đến những mái tóc dài đã không còn chỉ sau một trận sốt rét rừng.

Tôi quan tâm đến căn bệnh Hysterie (dân gian gọi là bệnh thiếu đàn ông) – một căn bệnh lạ kỳ xảy ra với không ít phụ nữ ở Trường Sơn.

Tôi quan tâm đến những mối tình ở Trường Sơn và cả những mối tình không thành, những bi kịch từ cuộc chiến…

Tất nhiên, với 8 tập phim tôi cũng chỉ có thể nói được một số vấn đề về những người con gái đã từng có mặt ở Trường Sơn ngày ấy. Tôi biết rằng còn rất nhiều điều mà tôi chưa được biết đến hoặc đã không còn đủ thời lượng để đưa vào 8 tập phim này. Trường Sơn lúc ấy, tôi được nghe kể rằng ở đấy cũng giống như một xã hội thu nhỏ, cũng có đủ các ngành nghề, đủ lực lượng, còn có cả đồng tiền Trường Sơn… Chỉ có một điều khác, Trường Sơn lúc ấy không có ngày nghỉ thứ bảy, Chủ nhật như bây giờ. Nên có thể nói, Trường Sơn là nguồn cảm hứng vô tận cho tất cả các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh.

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat
dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat

Giá trị lớn nhất mà bộ phim mang lại là gì, thưa anh?

Có thể nói thế mạnh lớn nhất của phim tài liệu là con người thật, sự việc thật. Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh đã bước qua tuổi 60, cũng đồng nghĩa những con người tham gia trên tuyến đường ấy đã là những người già, nhưng họ lại là nhân chứng sống cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Một mai khi những con người này ra đi, thì có lẽ sẽ chẳng còn ai có thể kể cho chúng ta nghe về cuộc chiến đầy bi tráng ấy.

dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat

Tôi vô cùng may mắn được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tư lệnh cuối cùng của Trường Sơn để được nghe ông kể về những người lính nữ, những người lính mà theo ông, đây là một lực lượng vô cùng đặc biệt, mang lại một giá trị tinh thần vô cùng to lớn cho bộ đội Trường Sơn, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thật bất ngờ đây lại là những thước phim cuối cùng mà chúng tôi ghi lại được về vị tư lệnh huyền thoại này. Vì ông đã ra đi ngay sau đó, ra đi mà chưa kịp có mặt trong ngày lễ trọng đại kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, con đường đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như một mốc son không thể nào quên.

Xin cảm ơn anh!

Ấp ủ trong 5 năm để thực hiện series phim trong 2 năm, Trường Sơn – Một thời con gái dựa trên lời kể của các cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong tham gia làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, một lần nữa cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của những người con gái đã ra đi ở tuổi mười tám, đôi mươi. Trường Sơn – Một thời con gái có độ dài 8 tập, mỗi tập 30 phút ra mắt kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam và kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác Hồ. Phim gồm 8 tập là Tập 1: Những cô gái ra trận; Tập 2: Ký ức ở Trường Sơn; Tập 3: Tuổi xuân để lại chiến trường; Tập 4: Tiếng hát át tiếng bom; Tập 5: Những cô gái ở hai miền đất nước; Tập 6: Mối tình Trường Sơn; Tập 7: Buồn, vui sau thời con gái và Tập 8: Xa rồi, thời con gái ấy…
dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat Phim tài liệu: Khi thời thế đổi thay
dao dien tran tuan hiep phim tai lieu la phai co so phan nhan vat Những vấn đề tồn đọng ở phim Tài liệu – Khoa học Việt Nam

Hà Thu