(TGĐA) - Giải thưởng cho phim và cá nhân đạt được từ các kỳ liên hoan phim và giải thưởng hàng năm Hội Điện ảnh Việt Nam đã khẳng định uy tín của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương trong 60 năm qua và những tác phẩm phim tài liệu mà Hãng sản xuất.
Cảnh trong phim Việt Nam trên đường thắng lợi |
Những đề tài phim được giải và những vấn đề xã hội trong phim đề cập trong chiến tranh cũng như trong hòa bình: Lũy thép Vĩnh Linh; Bác Hồ sống mãi; Đường chúng ta đi; Vì độc lập vì tự do; Tiếng hát át tiếng bom cho đến các phim Hà Nội trong mắt ai; Chuyện tử tế; Trở lại Ngư Thủy; Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai; Nơi chiến tranh đã đi qua; Một thời để nhớ... hay các phim làm về biển đảo và các phim chính trị, kinh tế xã hội vào thời kỳ đổi mới... đủ cho người xem một lượng thông tin đầy đủ về một bức chân dung toàn cảnh Việt Nam với cái ưu, cái mạnh và cái chưa được. Những vấn đề bức xúc xã hội cũ, mới nảy sinh và việc cần tháo gỡ. Phim tài liệu là phim phản ánh chân thực cuộc sống, từng trường đoạn, từng chi tiết của phim phải bảo đảm tính sát thực của cuộc sống nó đang diễn ra chứ không được hư cấu như phim truyện.
Phim tài liệu quan tâm đến nhiều lĩnh vực, nó bao trùm cả những vấn đề nổi cộm của chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, nhiều phim vấn đề đặt ra không chỉ dừng ở biên giới quốc gia mà nó mang tính toàn cầu, tính nhân loại, phải quan tâm giải quyết.
Có được một đề tài hay, làm được một phim hay quả thực là rất khó và giá trị sản phẩm tinh thần không thể tính được bằng tiền mà phim tài liệu đóng góp cho xã hội chẳng kém gì so với các ngành kinh tế khác, nếu hiểu đúng về vị trí phim tài liệu. Vậy mà có vài năm trước và bây giờ nữa, có người còn coi nhẹ phim tài liệu, có người nghĩ nên dẹp bỏ hoặc trả nó về truyền hình v.v...
|
Chính vì có luồng suy nghĩ lệch lạc ấy mà hơn chục năm về trước sự quan tâm đầu tư cho phim tài liệu luôn bất cập. Các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu có thời kỳ đã phải bươn chải trong nền kinh tế thị trường để kiếm sống và đôi lúc chán nản bi quan với tương lai của ngành và nghề mình... Nhưng trong sự nghiệt ngã cam go, bức xúc ấy, những nhà làm phim tài liệu Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã làm ra những tác phẩm phim tài liệu có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, giành lại vị trí xứng đáng của mình trong xã hội, định hướng cho người xem, hướng dư luận xã hội quan tâm nhiều hơn đến phim tài liệu và những gì phim tài liệu đặt ra.
Từ hiệu quả của phim tài liệu và những gặt hái của phim trong những năm cuối chín mươi của thế kỷ trước, buộc những người làm quản lý và các nghệ sĩ phải suy nghĩ nghiêm túc giải bài toán “Phải đầu tư như thế nào cho phim tài liệu”.
Đầu tư ở đây nó có hai phần: Đầu tư bằng tiền bạc và các chính sách hỗ trợ khuyến khích bảo hộ của Nhà nước và đầu tư bằng chính công sức, trí tuệ của bản thân người nghệ sĩ. Hai đầu tư ấy tưởng là hai việc tách bạch nhưng nó có tương hỗ mật thiết gắn với nhau để tạo dựng lên tác phẩm.
|
Trước hết xin nói về đầu tư tiền bạc của Nhà nước - Đây là nhân tố quyết định sản xuất ra tác phẩm, nhân tố này phải được khởi nguồn ngay từ đầu bằng chính sách chăm lo, nuôi dưỡng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, tạo cho họ những điều kiện vật chất tối thiểu để họ có thời gian đi thâm nhập sâu vào cuộc sống, từ đó sàng lọc, gạn đục khơi trong viết lên tác phẩm của mình.
Khi đã có đầu tư như vậy, những kịch bản phim được đánh giá tốt và có chất lượng thì Nhà nước nên có kế hoạch tiếp tục đầu tư để các kịch bản đó trở thành bộ phim hiện thực. Từ kịch bản chuyển thành phim yêu cầu Nhà nước phải có một sự đầu tư thỏa đáng, sao cho đừng quá vì tiền mà gò người nghệ sĩ vào những toan tính khó khăn, eo hẹp về kinh phí, nhưng cũng đừng nên buông lỏng cho những chi phí không cần thiết cho phim. Như vậy có nghĩa là chi phí làm phim phải được tính đúng, tính đủ, giao quản lý chi phí cho người làm phim, gửi gắm niềm tin vào họ, chắc chắn họ sẽ có trách nhiệm cao hơn với đồng tiền của Nhà nước.
Trong sáng tác và đầu tư đôi lúc cũng có những đề tài phim không nhất thiết phải theo trình tự: Viết kịch bản - duyệt - đầu tư sản xuất mà có khi nó là ngược lại: Đầu tư làm phim - Viết kịch bản - Duyệt. Việc đó đã có một số phim của Hãng làm theo qui trình như vậy mà trong đó là phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai một ví dụ điển hình; Tất cả mọi thông tin về hai người cựu binh Mỹ lái trực thăng là xạ thủ súng máy Hiu Thomson và Lary Cobol đã dũng cảm hạ xuống để cứu mấy người dân thường ở Mỹ Lai trong vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 cách đây 30 năm và đoàn truyền hình CBS sang Việt Nam. Đoàn làm phim của đạo diễn Trần Văn Thủy chỉ biết trước hai tuần - Như vậy thì làm sao viết được kịch bản, những thông tin về họ trong đoàn chẳng ai hay mà có viết được kịch bản trình duyệt thì nó cũng chưa thể đầy đủ được những diễn biến xảy ra vào ngày 16/3/1998, khi đoàn Mỹ xuất hiện ở Mỹ Lai. Trong tình huống như vậy thì bắt buộc những người làm quản lý phải có một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, tin vào năng lực của nghệ sĩ, dám bỏ tiền ra để mạnh dạn đầu tư. Và quả thật sự đầu tư ấy đã đem lại kết quả tốt đẹp, bằng những giải thưởng lớn mà Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai đã đạt được: Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam; Bông sen Vàng Liên hoan phim lần thứ XII; Giải Nhất liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương năm 1999 tại Thái Lan. Ngoài ra còn phải kể thêm những phim: Chín nhịp cầu Gianh; Đường chúng ta đi,Mở đường Trường Sơn v.v... đều là phim làm theo cung cách trên và nó đã mang được dấu ấn vào lịch sử.
Lãnh đạo Hãng phim TLKHTƯ bên bức phù điêu kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng |
Phần đầu tư thứ hai: Đó là công sức và sự sáng tạo của người nghệ sĩ - Đây là phần đầu tư cơ bản. Một tác phẩm muốn có một dấu ấn trong lòng người xem, trước hết nó cần có một tư chất của người nghệ sĩ, chính là sự làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm trước tác phẩm của mình, có trách nhiệm với công chúng và người xem, hướng dẫn họ cảm thụ được cái đẹp, đưa họ đến với tính chân, thiện, mỹ mà tác phẩm đề cập.
Trong sáng tác nghệ thuật nói chung và điện ảnh tài liệu khoa học nói riêng, không phải cứ có tiền là làm được tác phẩm, nếu nghĩ như vậy thì thật là hời hợt chưa đúng với trách nhiệm của người nghệ sĩ - Đó là lao động sáng tạo. Người nghệ sĩ phải bộc lộ được bản lĩnh của mình. Vì công việc, hay nói một cách khác: Suy nghĩ về tác phẩm của mình một cách thấu đáo, có đầu tư được như vậy thì sự cấu thành lên tác phẩm chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều, tất nhiên làm được tác phẩm cũng còn có yếu tố may rủi.
Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn của công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, đề tài phim tài liệu khoa học của Hãng làm rất là đa dạng được phản ánh trên một bình diện rất rộng của cuộc sống như chùm phim làm về biển đảo, phim về đổi mới và hội nhập, phim hợp tác quốc tế hay phim về nông nghiệp, phát triển nông thôn v.v... Có những phim mang dấu mốc của thời gian... và có những phim mang tính dự cảm, dự báo của người nghệ sĩ về sự chuyển biến đi lên mạnh mẽ của cuộc sống, phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận các vấn đề nảy sinh từ thực tế khách quan hơn.
60 năm - một chặng đường, phim tài liệu đã đóng góp cho kho tàng lịch sử đất nước hàng ngàn bộ phim tài liệu, phản ánh đầy đủ mọi mặt, mọi lĩnh vực cuộc sống và cả triệu mét phim tư liệu trong suốt quá trình chiến đấu và xây dựng tổ quốc vô cùng quí giá mà không có một thứ tiền bạc nào mua nổi.
|
Giá trị phim tài liệu là vậy; nhưng việc đầu tư cho phim tài liệu như thế nào cho phù hợp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hết sức hạn hẹp - để điện ảnh tài liệu tiếp tục phát triển và giữ chân được đội ngũ làm phim chuyên nghiệp suốt đời sống chết với nghề là một bài toán khó, nhưng lại rất cần thiết cho cuộc sống của đất nước hôm nay và mai sau mà không quốc gia nào có thể từ bỏ được.
Ở thời điểm nào nhà nước cũng luôn là bà đỡ cho phim tư liệu!
Với bề dày 60 năm lịch sử truyền thống của mình, tin rằng những nhà làm phim thế hệ thứ 5 của Điện ảnh tài liệu sẽ vững bước đi lên làm ra nhiều tác phẩm phim tài liệu hay hơn, tầm cỡ hơn, đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của người xem, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày thêm tươi đẹp.
India's Daughter: Phim cô gái Ấn chết vì bị cưỡng bức lấy nước mắt khán giả Hà Nội (TGĐA) - Tác phẩm tài liệu India's Daughter thuật lại vụ việc một nữ sinh ... |
Những xu hướng mới của phim tài liệu Hàn Quốc (TGĐA) - Dường như sau thành công của Old Partner (2009) và My Love, My ... |
Rất tiếc, xin thông báo: Nỗi đau còn lại sau chiến tranh Việt Nam (TGĐA) - Lần đầu tiên, một người phụ nữ Mỹ làm phim về chiến tranh ... |
Phim tài liệu Ngày mai – Không còn là câu chuyện của tương lai (TGĐA) - Trong vòng 50 năm trở lại đây, con người đã phá hủy thế ... |
Hai bộ phim tài liệu rất hay của VTV Đà Nẵng (TGĐA) - Chiếc chiếu của bà Bứa (tên khác: Xóm Mới). Ngay cái tên phim ... |
Đỗ Khánh Toàn