Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

(TGĐA) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, tạp chí TGĐA mời bạn đọc lắng nghe những chia sẻ của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt. Với họ, đó có thể là sự tự hào, là những kỷ niệm, là cảm xúc không thể quên, là sự biết ơn hay đơn giản là những trăn trở khi thấy dòng chảy điện ảnh đang ở bước chuyển mình…

Hơn 140 bức ảnh về điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ được triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phồ Hồ Chí Minh Hơn 140 bức ảnh về điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ được triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phồ Hồ Chí Minh
Những giá trị truyền thống của Điện ảnh cách mạng Việt Nam Những giá trị truyền thống của Điện ảnh cách mạng Việt Nam

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đạt đến giá trị Chân, Thiện, Mỹ

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua đã đạt được những thành tựu thật đáng tự hào. Sở dĩ được như vậy vì những người làm điện ảnh Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn thấm nhuần tinh thần của Bản Đề Cương Văn hóa năm 1943 của Đảng với các tiêu chí: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Đó là những giá trị cốt lõi của nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung trong đó có điện ảnh.

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đạt được những giá trị Chân, Thiện, Mỹ trong các tác phẩm tiêu biểu của mình qua các thời kỳ cho đến tận ngày nay. Vấn đề là phải làm sao phát huy những giá trị đó đặc biệt trong lớp khán giả trẻ. Để các nghệ sĩ ngày nay gắn bó với cộng đồng, gắn bó với vận mệnh dân tộc, trăn trở với từng bước đi của đất nước, ngoài việc làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền và có chính sách đãi ngộ hợp lý, chúng ta phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho những người làm điện ảnh, nhất là lực lượng chủ đạo như biên kịch, đạo diễn, diễn viên và quay phim để cho ra đời một thế hệ làm phim không chỉ có tâm mà còn có tầm.

Nhà quay phim, NSND Lý Thái Dũng: Điện ảnh Cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà làm phim

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Thế hệ nghệ sĩ, người làm phim như chúng tôi trưởng thành từ trường Sân khấu Điện ảnh, từ thuở mới tiếp xúc với điện ảnh đã được xem rất nhiều bộ phim nổi tiếng của nhiều bậc cha chú. Với cá nhân tôi không thể nào quên được ấn tượng từ các bộ phim nổi tiếng như: Chị Tư Hậu của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam; Vỹ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn, NSND Hải Ninh; Sao tháng 8 của đạo diễn, NSND Trần Đắc; hay Nổi gió của đạo diễn, NSND Huy Thành; Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh…

Có thể với nhiều khán giả hay các bạn trẻ ngày nay, những bộ phim điện ảnh Cách mạng thường “khô khan” nhưng với thế hệ chúng tôi, tác phẩm thời kỳ đó tuy mang mục đích tuyên truyền, nhưng vẫn lồng ghép khôn khéo tình yêu con người, thấm đậm tình cảm quân dân, cho thấy đời sống của mọi tầng lớp, từ người dân lao động cho tới tới tri thức… đều được làm với cái tâm và tinh thần trong trẻo, giàu sức biểu tượng. Cũng phải nhìn nhận rằng điện ảnh Cách mạng đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó và tư duy làm phim thời đó đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường như hiện nay. Dù vậy, điện ảnh Cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà làm phim hiện nay, bởi những tác phẩm ngày đó mặc dù còn thô sơ về điều kiện làm phim, nhưng cái tài và cái tâm chính là giá trị quý báu nhất mà các bậc cha chú để lại cho chúng ta. Để rồi nay điện ảnh trong thời kỳ mới, các bạn trẻ lại có động lực để làm ra những tác phẩm tốt phục vụ cho đối tượng khán giả cũng như bối cảnh của thời đại này.

Để điện ảnh Việt Nam ngày nay phát triển, khai phá những cái mới nhưng vẫn phát huy những giá trị truyền thống là điều mà chúng ta luôn hướng tới, mặc dù rất khó. Theo tôi, nếu hòa hợp và giải quyết được tối đa những vấn đề tồn đọng thì chủ trương xã hội hóa vẫn luôn là hướng đi tốt vì đầu tư điện ảnh luôn gặp rất nhiều rủi ro. Mong rằng những mô hình phim xã hội hóa như Truyền thuyết về Quán Tiên và trước đó là Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh sẽ được nhân rộng trong tương lai.

Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh: Những tác phẩm của điện ảnh Cách mạng có giá trị khó thể đong đếm

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Điện ảnh Cách mạng ra đời đã phản ánh tương quan cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân nhân ta và hướng cho cho đông đảo nhân dân tới mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do. Giai đoạn sơ khai của nền điện ảnh, tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã tiếp thu được sức mạnh tiềm tàng “chảy” từ hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc, đó là ý chí độc lập tự cường, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Điện ảnh dù chỉ là một nhánh của văn hóa, nhưng lại có sức mạnh rất lớn, như Lê Nin đã từng nói: “Một tác phẩm điện ảnh có sức mạnh bằng cả đội quân”, bởi nó có khả năng kích thích tưởng tượng và ý chí của bất cứ ai. Những tác phẩm nổi tiếng thời kỳ đầu của Việt Nam chắc chắn là những phim tài liệu đen trắng quay về các trận đánh, không có tiếng, được làm giản dị, thô sơ nhưng vô cùng chân thật. Sau đó là những bộ phim truyện ra đời, gây cho người ta những chấn động về tâm lý, những xúc cảm và tình cảm chưa tình có, có thể kể tới hàng loạt tác phẩm bất hủ như: Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm rồi Bao giờ cho đến tháng 10

Nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà: Hoạt hình Việt Nam hiện nay không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn phát triển thành một lĩnh vực phục vụ nhiều đối tượng khán giả

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Kể từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam tới nay, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đã giao từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc đến giai đoạn đổi mới xây dựng đất nước. Thành tựu của ngành Điện ảnh không chỉ thể hiện ở con số tác phẩm điện ảnh, thể loại, lực lượng và đội ngũ sáng tác, hoạt động trong ngành Điện ảnh mà còn nằm ở vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Điện ảnh trong đời sống xã hội, trong nhận thức, trong thói quen thưởng thức của công chúng. Với hoạt hình, thành tựu của hoạt hình Việt Nam được ghi nhận bởi sự phát triển ngày càng lớn mạnh, không chỉ là một thể loại nghệ thuật phục vụ giáo dục và giải trí cho trẻ em mà còn mở rộng và phát triển thành một lĩnh vực phục vụ nhiều đối tượng khán giả, khai thác trong nhiều mảng đời sống xã hội ngày càng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn.

Bà Trần Thị Thu Hiền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: Mong muốn luật Điện ảnh sửa đổi đi vào thực hiện sẽ quan tâm tới đặc thù riêng của từng thể loại điện ảnh, tạo cho mỗi thể loại không gian và cơ hội để phát triển một cách hiệu quả nhất

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Hoạt hình là thể loại phim ra đời chỉ sau ngày khai sinh của Điện ảnh Cách mạng 6 năm, vào năm 1959 với bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng Cáo. Tới nay, chỉ riêng Hãng phim Hoạt hình đã đóng góp cho Điện ảnh cách mạng Việt Nam và cống hiến cho khán giả 500 bộ phim hoạt hình. Đây là thành tích đáng tự hào và cũng là vốn quý góp một phần làm nên thành tựu vẻ vang của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam trong suốt những năm qua.

Tôi mong muốn, luật Điện ảnh sửa đổi đi vào thực hiện sẽ quan tâm tới đặc thù riêng của từng thể loại điện ảnh, tạo cho mỗi thể loại không gian và cơ hội để phát triển một cách hiệu quả nhất. Với riêng Hoạt hình, chúng tôi mong muốn Đảng và nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm để hoạt hình có thể phát huy cao hiệu quả, đóng góp quan trọng trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị: giáo dục, định hướng sự hình thành nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ Việt Nam; lưu giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng của dân tộc.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn: Điện ảnh Việt đang phát triển một cách tự phát, tự định hướng để đáp ứng thị trường, tuy có hơi chậm

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Chúng ta biết rằng sau khi nhà nước xã hội hóa, hàng trăm các hãng phim, các công ty sản xuất điện ảnh cũng như truyền thông ra đời từ năm 2014 đến nay số lượng sản xuất phim truyện tăng trung bình 40 phim một năm và điện ảnh đã trở thành một thị trường sản xuất và phát hành phim cùng với nó là hệ thống rạp hiện đại liên tiếp ra đời... Nếu nhìn bằng con mắt tích cực thì ta thấy điện ảnh Việt đang phát triển một cách tự phát, tự định hướng để đáp ứng thị trường, tuy có hơi chậm. Nên biết rằng đối thủ của họ tại các rạp là các “ông kẹ” khổng lồ đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu và đương nhiên họ phải giành khán giả cho phim Việt. Bài toán “sinh tử” của họ luôn là phim phải có khách, để thu hồi đồng vốn, để có lãi và tái sản xuất. Rất nhiều nhà sản xuất có khát vọng mang phim Việt ra thế giới...

Để giúp điện ảnh phát triển là từ chính sự ủng hộ của chúng ta và đặc biệt là nhà nước thông qua hệ thống thuế, các quỹ phát triển, hoặc có chính sách hỗ trợ tài chính cho Điện ảnh. Việc này tôi thấy đã nói khá nhiều, song kết quả chẳng là bao... Tuy vậy chúng ta vẫn phải hy vọng.

Đạo diễn – NSƯT Trịnh Quang Tùng: Để điện ảnh phát triển chúng ta cần chiến lược dài hạn, không để trên giấy, mà phải hành động cụ thể!

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và chiến tranh biên giới, các nhà làm phim của Điện ảnh Tài liệu đã có mặt trên khắp các chiến trường, ghi lại những thước phim vô giá và có nhiều nghệ sỹ đã hy sinh khi trên tay vẫn cầm chiếc máy quay phim. Và rất nhiều bộ phim Tài liệu đã cổ vũ, động viên quân và dân ta đánh giặc, bảo vệ tổ quốc, sản xuất xây dựng đất nước, hàng trăm bộ phim Tài liệu, Khoa học đã được sản xuất trong những điều kiện thiếu thốn, khó khăn nhưng với trách nhiệm của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, họ đã cống hiến hết mình vì lý tưởng cao đẹp được gửi gắm qua những thước phim quý giá cho lịch sử dân tộc. Với sứ mệnh là người chép sử bằng hình, các thế hệ Điện ảnh Tài liệu đã luôn đồng hành cùng cuộc sống, phim Tài liệu, Khoa học đã có những đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội.

Điện ảnh Việt Nam đang có những thuận lợi khi Quốc hội thông qua luật Điện ảnh, tạo điều kiện tốt cho phát triển nền công nghiệp Điện ảnh. Nhưng phát triển được thì bài toán không dễ, theo suy nghĩ cá nhân tôi để có một nền Điện ảnh phát triển, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc thì chúng ta cần có những chiến lược dài hạn, không để trên giấy, mà phải hành động cụ thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những bước đột phá, đổi mới tư duy quản lý và sáng tác.

Đạo diễn, quay phim Minh Trí (Xưởng phim Giải Phóng): Nhà nước phải đầu tư không thể thả trôi, tự bơi trong cơ chế thị trường

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Với tôi trong tình hình hiện nay những điều kiện cần và đủ đề vươn lên là: Phải có người hiểu biết về điện ảnh có tâm, có tầm, có năng lực, công tâm vô tư, không vụ lợi, phải vì cái chung, vì sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, người đó phải có uy tín mới cầm chịch, điều hành.

Nhà nước phải đầu tư không thể thả trôi, tự bơi trong cơ chế thị trường. Vẫn khuyến khích tư nhân, nhưng nên nhớ rằng tư nhân họ làm để kiếm tiền; Phải đào tạo một đội ngũ mới tinh thông, giỏi nghề, có trách nhiệm cao, đồng thời trả nhuận bút cao, bắt buộc họ phải qua lớp cao cấp chính trị mới giao thực hiện tác phẩm. Phải coi biên kịch, đạo diễn là một nhà khoa học, phải có một lớp biên kịch, đạo diễn, quay phim do nhà nước quản lý thì mới hy vọng có những tác phẩm điện ảnh của quốc gia. Còn lực lượng tư nhân vẫn phát triển nhưng phải có quy định cùng cách quản lý hợp lý.

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Nhớ ông Khương Mễ…

Xuân Phuong va Ông Truong Thanh Hỉ Bưng Biên
Đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng và ông Trương Thanh Hỉ ở Bưng Biền

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày Điện ảnh Cách mạng tôi bồi hồi xúc động nghĩ đến những ngày chiếu phim của ông Khương Mễ tại liên phim Amiens (Pháp) năm 1997. Những ngày đầu tiên của điện ảnh Bưng biền được chiếu tại trung tâm Idecaf với sự giúp đỡ và khuyến khích của tùy viên văn hóa Pháp ông Jean Charoing. Sau đó được giới thiệu đi thi tại liên hoan phim Amiens (Pháp). Hãng Air France tài trợ máy bay hạng thương gia cho ông Khương Mễ và tôi. Cảnh tiễn đưa ở sân bay của anh em điện ảnh khu 8 và khu 9 rất cảm động. Lần đầu tiên dám đem một phim chống Pháp những năm 1947, 1948, 1949 để chiếu ngay tại nước Pháp. Ban tổ chức ưu tiên lưu 3 đêm để chiếu các phim của ông Khương Mễ. Hơn hai nghìn học sinh và người xem đã đến chật các khán phòng. Đây chính là một hiện tượng đặc biệt tại liên hoan phim. Kết quả rất vang dội: Ông Khương Mễ được vinh danh đặc biệt trong liên hoan phim. Ông được ngài thị trưởng trao chìa khóa vàng của thành phố, trở thành công dân danh dự và được đạo diễn Pháp theo về làm 1 phim đặc biệt có tên Chiếc phòng tối của ông Khương Mễ. Đặc biệt ông Chủ tịch liên hoan phim còn tuyên bố: Ngài Khương Mễ là ông Lumiere ở Đồng Tháp Mười. Từ đấy liên hoan phim Amiens liên tục mời phim Việt Nam tham gia liên hoan.

Diễn viên, NSND Trà Giang: Rất cần có những tác phẩm không chỉ thu tiền mà làm sao phải “thu” được tâm hồn của khán giả

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Để chia sẻ chút cảm nhận về nền điện ảnh hiện tại... nhất là đối với các nhà làm phim tư nhân khi họ bỏ tiền làm phim, ngoài việc đam mê phim ảnh, họ rất cần thu vốn, có lời để tiếp tục làm phim. Xét về mặt kinh tế, quả rất tốt. Thực tế có những bộ phim được đầu tư rất chỉn chu về kỹ thuật, quay phim, kỹ xảo... cùng những thông điệp tích cực. Song bên cạnh đó còn nhiều phim chưa mang tâm hồn đồng điệu của người làm phim về cuộc sống, văn hóa, tâm hồn, bản sắc Việt... Thực lòng tôi cũng rất đau lòng... nhất là khi phim Việt ảnh hưởng các vấn đề bạo lực, bạo hành trẻ em hay phân biệt rõ rệt sự giàu nghèo...

Điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là trong tác phẩm của mình, phải luôn có những định hướng nhất định, chứ không thể chạy theo thị hiếu của khán giả... Rất cần có những tác phẩm không chỉ thu tiền mà làm sao phải “thu” được tâm hồn của khán giả!

Ông Lâm Điền Sơn - nguyên Phó giám đốc công ty Điện ảnh thành phố: Nhớ về đội chiếu bóng lưu động thời chiến…

Điện ảnh Cách mạng trong tâm tưởng của nghệ sĩ Điện ảnh

Từng là nhân viên chiếu phim – viết bài tuyên truyền phim của Biệt khu Sài Gòn Gia Định, còn gọi là T4, tôi cùng đội chiếu phim có nhiệm vụ lấy nguồn phim (phóng sự, tài liệu, phim truyện Việt Nam, Liên xô, Trung Quốc và một số nước châu Âu) từ Trung ương cục (R) về chiếu phục vụ bộ đội và dân địa phương. Hồi đó công tác chiếu phim chính là thực hiện vận động, tuyên truyền cho phong trào tòng quân đánh giặc, phong trào sản xuất, vận động bà con ủng hộ kháng chiến... Đối tượng phục vụ là dân trong vùng kháng chiến, ấp chiến lược, bộ đội chính quy và địa phương gồm huyện và xã... tại các vùng Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát (Bình Dương) - khu Tam giác sắt Gò Môn. Trong đội chiếu mỗi người tự mang vác, bảo quản các thiết bị kỹ thuật được đảm nhiệm. Tôi ban đầu vác máy chiếu phim câm 16 ly nặng khoảng hơn 20 ký, sau đó thay đổi máy chiếu lưu động 35 ly (nặng hơn 35 ký) có tiếng của Liên xô viện trợ đưa từ miền Bắc vào. Ngoài ra mỗi người còn phải vác thêm khẩu AK, gạo, và tư trang cá nhân. Vậy mà tinh thần mang phim phục vụ vẫn hừng hực khí thế, không hề chùn bước hay sợ hãi khi bị địch phục kích, nã pháo, truy càn. Nhiều lần bị B52 đánh khi đang chiếu, có người bị thương, thậm chí hy sinh, song dứt trận đánh, đội chiếu lại dựng máy, bật máy nổ chiếu tiếp…

Hơn 140 bức ảnh về điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ được triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phồ Hồ Chí Minh Hơn 140 bức ảnh về điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ được triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phồ Hồ Chí Minh

(TGĐA) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - ...

Những giá trị anh hùng của người phụ nữ được khắc họa mạnh mẽ trong thời kỳ điện ảnh cách mạng Những giá trị anh hùng của người phụ nữ được khắc họa mạnh mẽ trong thời kỳ điện ảnh cách mạng

(TGĐA) - So với phụ nữ của nhiều quốc gia khác, người phụ nữ Việt ...

Những giá trị truyền thống của Điện ảnh cách mạng Việt Nam Những giá trị truyền thống của Điện ảnh cách mạng Việt Nam

(TGĐA) - Khát vọng giải phóng dân tộc, giang sơn liền một dải là chủ ...

Vũ Liên – Hà Thu – Anh Vũ