(TGĐA) - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ (15/10/1947 – 15/10/2022), một trong những tổ chức tiền thân và có nhiều đóng góp quan trọng cho nền điện ảnh Cách mạng Việt nam. Được sự ủy nhiệm của Viện Phim Việt Nam, Nhà Văn hóa Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức trưng bày, triển lãm “75 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ (1947 – 2022)”.
Triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến 23/10/2022 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh số 69 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1.
Không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu khoảng hơn 140 bức ảnh về điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ giai đoạn 1947 - 1952, hiện đang lưu giữ tại Viện Phim Việt Nam, thông qua 4 chủ đề nội dung chính: Một số gương mặt nghệ sĩ – chiến sĩ điện ảnh tiêu biểu; Những dấu ấn thời gian; Hoạt động sản xuất phim và chiếu bóng; Một số tác phẩm điện ảnh tiêu biểu cùng 500 ấn phẩm sách, báo, tài liệu… về lịch sử đấu tranh Cách mạng của nhân dân Nam Bộ giai đoạn 1945 – 1954 và văn hóa Nam Bộ.
Ngày 15/10/1947, tại Chiến khu Bưng biền Đồng Tháp Mười, Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam Bộ đã thành lập Tổ Nhiếp - Điện ảnh, trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu, đặt nền móng hình thành Điện ảnh cách mạng ở Nam Bộ. Khởi đầu từ Khu 8, lan tỏa ra Khu 9 và ngày 2/4/1949, điện ảnh Khu 9 chính thức ra đời với tên gọi “Tổ Xi-nê Khu 9”. Tháng 11/1949: Điện ảnh Khu 7 được thành lập. Năm 1951: Điện ảnh ba Khu 7, 8, 9 nhập lại thành Điện ảnh Nam Bộ có khoảng 50 nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận điện ảnh. Những cánh chim đầu đàn có: Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Thế Đoàn, Trần Nhu, Vũ Sơn, Lê Minh Hiền, Vũ Ba, Trương Thành Hỷ… Họ không chỉ đổ mồ hôi, mà đem cả xương máu đổi về những thước phim tư liệu, phóng sự, được đồng bào và chiến sĩ trân trọng, hoan hỉ đón nhận như những món quà tinh thần quý giá, lưu lại cho hôm nay và mai sau nhiều dấu ấn lịch sử sâu đậm, hào hùng (Có khoảng hơn 40 chân dung hình ảnh nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Khu 8, Khu 9 và Khu 7 và hơn 20 hình ảnh giới thiệu về tập thể chiến sĩ Nhiếp – Điện ảnh Khu 8, 9 những năm 1948 – 1950; tài liệu, thiết bị, cơ sở sản xuất phim ban đầu của Điện ảnh Bưng Biền).
Ra đời trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn của những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sục sôi, chỉ với lòng yêu nước và tinh thần phục vụ cách mạng, các nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh Bưng biền đã vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, thử thách để làm nên kỳ tích: Sản xuất ra hàng nghìn mét phim là những tư liệu hình ảnh sống động về cuộc kháng chiến trường kỳ của Nam Bộ thành đồng. Cùng với Điện ảnh Đồi Cọ - Việt Bắc, Điện ảnh Bưng biền - Nam Bộ đã đi vào lịch sử, góp phần in những dấu ấn rực rỡ đầu tiên vào trang sử hào hùng của nền văn nghệ cách mạng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Về hoạt động sản xuất phim và chiếu bóng, điện ảnh Cách mạng Bưng biền không có kinh phí, không thiết bị, không điện, không nước sạch, thiếu hẳn kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề và luôn bị giặc Pháp càn quét, bắn phá. Thế nhưng những nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh Bưng biền vẫn miệt mài sáng tạo, khắc phục thiếu thốn, vượt mọi thử thách, khó khăn để làm nên kỳ tích có một không hai - những thước phim mang giá trị lịch sử cho hôm qua, hôm nay và mai sau. (Có khoảng 25 hình ảnh giới thiệu về các công đoạn sản xuất phim của Điện ảnh Bưng biền những năm 1947 - 1952, đặc biệt là kỳ tích “điện ảnh không có điện”: Tráng phim bằng guồng inox trong thùng gỗ có chèn nước đá (Khu 8), tráng phim trong lu (Khu 9)… và buổi chiếu phim tài liệu Trận Mộc Hóa lịch sử đêm ngày 24/12/1948 (buổi chiếu phim Cách mạng đầu tiên giữa chiến khu Đồng Tháp Mười nói riêng và toàn Nam Bộ nói chung)…).
Về một số tác phẩm tiêu biểu (1947 – 1952), giới thiệu những nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh Bưng biền đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống, xông pha khắp các chiến trường ở Nam Bộ để ghi lại hình ảnh sống động của cuộc kháng chiến nhân dân lúc bấy giờ: Chiến thắng của ta, những gương mặt anh hùng, đời sống người chiến sĩ, đời sống nhân dân vùng kháng chiến, tố cáo tội ác kẻ thù… Có thể nói, những tác phẩm ấy đã trở thành một thứ vũ khí tinh thần sắc bén, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Những thước phim, những hình ảnh lưu giữ đến hôm nay đã trở thành di sản vô giá, là những trang sử vàng viết bằng hình ảnh về một giai đoạn lịch sử dân tộc hào hùng, xứng đáng để cho các thế hệ người Việt Nam trân trọng, gìn giữ và trao truyền cho mai sau. (Có khoảng gần 50 hình ảnh được trích từ 15 phim tài liệu do Điện ảnh Bưng biền sản xuất trong những năm 1947 – 1952).
Nữ đạo diễn lão thành Xuân Phượng, người từng cùng nhà điện ảnh Khương Mễ vào tháng 11 năm 1997 được mời tham dự tại Liên hoan phim lần thứ 17 ở Amiens nước Cộng hòa Pháp, đã mang theo một triển lãm nhỏ gồm một số phim cũ, vật chứng, mô hình, trang thiết bị của điện ảnh Bưng biền hồi thời kháng chiến chống Pháp. Cuộc ra mắt rất bình thường ấy đã gây cơn sốc tại Liên hoan phim, giới điện ảnh Pháp kinh ngạc phát hiện ra là trong lịch sử điện ảnh thế giới lại có những hoạt động điện ảnh Bưng biền tại Việt Nam, một nền điện ảnh không có điện, không có dây chuyền công nghệ… Bà Xuân Phượng xúc động nhớ lại "Khi hình ảnh ông Khương Mễ bước lên Đài LHP Amiens, phía dưới hàng ngàn người đứng lên hô rất to Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam. Ông Khương Mễ là người rất khó tính, mặt luôn lạnh, đăm chiêu... vậy mà ông đã khóc vì quá hạnh phúc. Như tôi đã từng chia sẻ từ lâu cái gì lịch sử ghi lại, thì trước sau cũng được người đời biết đến. Song tôi chỉ hơi tiếc, trong số các thành viên Bưng biền hiện còn 2 anh là Trương Thành Hỷ và Hồ Tây hôm nay lại vắng mặt. Giá như có các anh hay hình ảnh 2 anh nói chuyện chia sẻ thêm thì ý nghĩa hơn rất nhiều. Chúng ta ghi nhớ những người đã khuất, song rất trân trọng những người may mắn còn lại. Hy vọng những cuộc triển lãm như thế này sẽ lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng, xã hội và đặc biệt là các trường học".
Lâm Gia Đống tổ chức triển lãm điện ảnh cá nhân tại Anh quốc | |
Triển lãm Điện ảnh Việt Nam - Những chặng đường xây dựng và phát triển | |
Khai mạc Triển lãm Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới |
Vũ Liên
Photo: Tiến Mạnh