(TGĐA) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam hầu như chỉ có hai loại phim trên màn ảnh. Loại thứ nhất là phim giải trí. Loại thứ hai là phim tuyên truyền. Nhưng phim tuyên truyền cũng không có nhiều. Vì vậy hầu như chỉ có phim thuộc loại thứ nhất. Cũng có thể kể tên vài phim thuộc loại thứ ba, tạm gọi là 'phim nghệ thuật'. Nhưng các phim này đều giống nhau ở ý tưởng cũ kỹ, cốt truyện áp đặt, cấu trúc lỏng lẻo, tình tiết vụng về và thể hiện hết sức nghiệp dư.
Cảnh nóng trong phim Việt: Đừng quá nghiêm trọng hóa! | |
Hội Điện ảnh TP.HCM hợp tác với Hiệp hội Điện ảnh Thành phố Ulsan – Hàn Quốc |
Nguyên nhân do đâu? Về dòng phim tuyên truyền, Nhà nước không cấp kinh phí đều như trước nữa. Trong khoảng vài ba năm gần đây, khán giả hầu như không được xem phim Nhà nước đặt hàng. Việc này không những ảnh hưởng đến số đông người xem mà còn làm cho các Hãng phim Nhà nước ở trong tình trạng dở sống dở chết. Đối với dòng phim thị trường, hầu hết các nhà làm phim tư nhân đều chỉ tập trung vào hai loại phim là hài và hành động. Phim hài trong nước thì nội dung quá sơ lược, diễn viên nhanh chóng nhàm chán. Phim hài làm lại theo kịch bản nước ngoài thì câu chuyện tuy diễn ra ở Việt Nam nhưng nội dung và tính cách nhân vật lại rất xa lạ. Phim hành động thì không có gì gọi là Việt, ngoài bộ quần áo bà ba của nữ nhân vật chính, còn mọi hành động thì giống như phim của Hongkong hay Thái Lan.
|
Trong khi đó, tiếng vọng từ các Liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venice hay Berlin, nhất là giải Oscar luôn dội đến người yêu điện ảnh Việt những điều giản dị mà đầy mơ ước. Đó là những câu chuyện về quan hệ gia đình, về những vấn đề xã hội như sự phân hóa giầu - nghèo, về lương tâm, nhân phẩm con người, về khát vọng vươn lên trong cuộc sống còn nhiều gian khó. Những điều ngỡ như vô cùng gần gũi ấy mà lâu nay, đã trở thành những gì hiếm hoi và mơ ước trong nền điện ảnh đáng thương của chúng ta.
Đó là chưa nói đến những phim có tính giải trí khác như phim viễn tưởng, phim kinh dị, phim lịch sử v.v… của nước ngoài vẫn thu hút rất đông khán giả trẻ.
|
Câu hỏi đặt ra: Ai chịu trách nhiệm trước thực trạng này?
Câu trả lời: Không ai cả. Vì tất cả đều vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Khán giả có nhu cầu gì thì nhà sản xuất cung cấp loại sản phẩm đó.
Nhưng không thể so sánh một cách thô thiển như thế. Điện ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác, là sản phẩm văn hóa tinh thần, văn hóa cảm xúc. Trong thời đại toàn cầu hóa, những câu chuyện điện ảnh, những bộ phim chính là căn cước văn hóa của mỗi đất nước, của mỗi dân tộc để ra ngoài biên giới, hội nhập với quốc tế.
|
Và trong các Liên hoan phim Quốc tế, không có quốc gia hay tổ chức nào tiến hành Liên hoan phim giải trí hay Liên hoan phim hành động. Các Liên hoan phim quốc tế mở ra là dịp để mỗi nước mang những đặc sản văn hóa của dân tộc mình đến khoe với quốc tế về vẻ đẹp đất nước mình, con người mình. Những vẻ đẹp đó vừa có tính địa phương vừa có tính toàn cầu, sẽ được tán thưởng.
Vấn đề của điện ảnh Việt Nam lúc này là cần một Hiệp hội hoặc một Quỹ điện ảnh đứng ra để lèo lái con thuyền điện ảnh Việt đi đúng hướng. Chúng ta có thể tham khảo nền điện ảnh Hàn Quốc hay Đài Loan và một số nước khác. Từ khi Quỹ điện ảnh Hàn Quốc được thành lập, các nhà làm phim Hàn Quốc đã cho ra đời nhiều bộ phim khiến các cường quốc điện ảnh nể phục. Quỹ điện ảnh Đài Loan, được thành lập vào năm 1982, cũng đã đưa những tên tuổi như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng đến đỉnh cao tại nhiều Liên hoan phim quốc tế.
|
Mục đích của việc thành lập Hiệp hội hay Quỹ điện ảnh không gì khác, ngoài việc hỗ trợ và kêu gọi đầu tư kinh phí cho những dự án điện ảnh có giá trị, thể hiện vẻ đẹp con người Việt Nam, quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đây là một công việc hết sức khó khăn nhưng không thể không làm. “Tự mình cứu mình trước khi Trời cứu” – đó chính là động cơ hành động của những nhà điện ảnh chân chính, còn đầy tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà, còn nguyên vẹn tình yêu nghề nghiệp. Công việc này đã được chuẩn bị trong một thời gian dài. Từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên đã có những cuộc thảo luận. Năm ngoái, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã trình bày trước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này. Và Bộ đã nhiều lần trình Chính phủ. Hy vọng với việc ra đời của Quỹ Điện ảnh trong thời gian tới, Điện ảnh Việt với nhiều tiềm năng sẽ có những tác phẩm xứng đáng, các nhà làm phim Việt sẽ có động lực sáng tạo mạnh mẽ hơn.
|
Vấn đề của điện ảnh Việt Nam lúc này là cần một Hiệp hội hoặc một Quỹ điện ảnh đứng ra để lèo lái con thuyền điện ảnh Việt đi đúng hướng. |
Đoàn Tuấn