'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người

(TGĐA) - Chiến tranh từ lâu đã trở thành đề tài khơi nguồn cảm hứng cho không ít nhà làm phim, biến họ trở thành những “quái kiệt” điện ảnh. Đạo diễn Ryoo Seung Wan - người được mệnh danh là “ông hoàng dòng phim hành động” của xứ Kim chi đã không làm chúng ta thất vọng khi khai thác chủ đề này với Escape from Mogadishu (tựa Việt: Thoát khỏi Mogadishu).

Bom tấn 'Escape from Mogadishu' ra mắt trailer, tái hiện sự kiện lịch sử rúng động Hàn Quốc Bom tấn 'Escape from Mogadishu' ra mắt trailer, tái hiện sự kiện lịch sử rúng động Hàn Quốc
Tổng kết lễ trao giải Baeksang 2022: Kim Tae Ri, Lee Jun Ho ‘bội thu’ giải thưởng, Daesang của ‘Squid Game’ gây tranh cãi Tổng kết lễ trao giải Baeksang 2022: Kim Tae Ri, Lee Jun Ho ‘bội thu’ giải thưởng, Daesang của ‘Squid Game’ gây tranh cãi

Tác phẩm thâu tóm mọi giải thưởng danh giá nhất Hàn Quốc

Không chỉ đem về khoản doanh thu thuộc hàng “khủng” nhất nhì năm ngoái, Escape from Mogadishu còn đón nhận cơn mưa lời khen từ giới phê bình, đồng thời chinh phục nhiều Liên hoan phim lớn trong và ngoài nước. Phim đã nhận về 6 giải Buil Film Awards 2021, 5 giải Rồng Xanh cùng 3 giải Baeksang danh giá (đều bao gồm cả hạng mục Phim xuất sắc nhất). Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chứng tỏ sức nặng của đứa con tinh thần Escape from Mogadishu mà Ryoo Seung Wan dày công ấp ủ.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Escape from Mogadishu - bộ phim mang về tất cả giải thưởng danh giá nhất tại Hàn Quốc

Nhà phê bình Jennie Kermode từ Eye for Film nhận xét: “Escape from Mogadishu là một trong những bộ phim kinh dị hành động hay nhất trong những năm gần đây, và nếu bạn vẫn chưa khám phá ra những gì hay ho ở điện ảnh Hàn Quốc, hãy thử xem, chắc chắn nó sẽ làm bạn ngạc nhiên”.

Ngoài ra, cây viết có tiếng Rob Aldam tuy rất kiệm lời nhưng đã nhận xét về Escape from Mogadishu một cách ngắn gọn nhưng lại đủ sức kéo mọi người ra rạp: “Một bộ phim kinh dị hành động mãn nhãn với một trái tim lớn”.

Những pha hành động gay cấn, những cảnh phim về cái chết ám ảnh đến rợn người nhưng ẩn sau đó là những mong ước cao cả về khát vọng sống, khao khát hoà bình của con người, đều được Escape from Mogadishu mang đến cho chúng ta.

Khát vọng sống vượt lên nghịch cảnh đau thương và mâu thuẫn chính trị

Escape from Mogadishu tái hiện một cách sống động bối cảnh lịch sử vào năm 1991 tại thủ đô Mogadishu của Somalia. Khi ấy, vì muốn củng cố vị thế trên trường quốc tế, Hàn Quốc đã quyết tâm gia nhập tổ chức Liên Hợp Quốc (UN) bằng mọi giá. Để đạt được mục tiêu, chính phủ nhanh chóng thiết lập quan hệ với các quốc gia ở lục địa đen, đặc biệt là Somalia - nơi nắm giữ lá phiếu bầu quan trọng, nỗ lực lấy lòng những nhà cầm quyền. Nhận ra điều này, đại sứ quán Triều Tiên tại đây lập tức lên kế hoạch cản bước “kẻ thù”. Trận chiến ngoại giao cứ thế tiếp diễn đến cuối năm 1990, khi lực lượng nổi dậy bất ngờ bao vây thủ đô Mogadishu nhằm lật đổ tổng thống Somalia đương nhiệm.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Bối cảnh trong phim được mô tả hết sức tàn khốc

Không thể liên lạc về quê nhà lẫn cạn kiệt lương thực, Đại sứ Hàn Quốc Han Shin Sung (Kim Yun Seok) cùng Đại sứ Triều Tiên Rim Yong Soo (Heo Jun Ho) đành bắt tay hợp tác để đưa nhân viên, gia đình mình rời khỏi đó an toàn.

Trong tình thế cấp bách “ngàn cân treo sợi tóc”, tình người trân quý được bộc bạch tinh tế qua cách kể chuyện và dẫn dắt khéo léo với những chi tiết hết sức chân thực. Từ những người vợ sẵn sàng rời xa quê hương để hậu thuẫn trực tiếp cho chồng nơi đất khách quê người; đến mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên - Hàn Quốc cũng được hoá giải phần nào qua hành động che chở, hỗ trợ giúp đỡ tận tâm của hai bên qua từng bữa ăn, lọ thuốc… Tất cả đều hướng đến cơ hội thoát khỏi mảnh đất ngặt nghèo nguy hiểm Mogadishu.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Hai phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc buộc phải hợp tác để chạy trốn

Tuy nhiên, để tạo ra được sợi dây liên kết “khó tin” giữa hai tuyến nhân vật Hàn Quốc và Triều Tiên, đạo diễn Ryoo Seung Wan cũng phải đặt nền móng ở đầu phim là màn đối đầu gay cấn ngay trên chính trường, cùng với đó là những đấu tranh tâm lý đến từ hai nhà ngoại giao qua những toan tính, suy nghĩ chẳng ai biết trước.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua cách sắp xếp các tuyến nhân vật trong khung hình. Một cảnh phim đơn giản mà Ryoo Seung Wan tạo ra, cũng có thể mang đến nhiều tầng ý nghĩa. Nhà làm phim này còn thích “đánh lừa” khán giả, xoay chuyển diễn biến một cách bất ngờ đến khó tin.

Như khi hai bên đoàn ngoại giao Hàn Quốc - Triều Tiên ở trong cùng một căn nhà, chúng ta không khỏi nghĩ rằng bên này sẽ “ra tay” với bên kia, chỉ bằng một câu thoại gây “rùng mình”: “Nghe bảo người Triều Tiên được huấn luyện để giết người tay không. Trẻ con bên ấy phải học quân sự từ nhỏ!”. Nhưng rốt cuộc, chẳng có bên nào hại bên nào, mà trái lại, mọi sự đều được giải quyết hợp tình hợp lý trên bàn đàm phán, làm người xem không khỏi ngưỡng mộ cách xây dựng nhân vật của Escape from Mogadishu.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người

Đại sứ Hàn Quốc Han Shin Sung (Kim Yun Seok) cùng Đại sứ Triều Tiên Rim Yong Soo (Heo Jun Ho) đã lột tả một cách xuất sắc những nét tính cách điển hình của nhà lãnh đạo: một người linh hoạt, dày dạn kinh nghiệm; người còn lại vô cùng khéo léo, bao dung. Hai “kẻ thù không đội trời chung” đang đứng dưới cùng một mái nhà, không cần dao súng và chỉ dùng “vũ khí” là sự thận trọng qua lời nói, dưới ánh đèn leo lét lúc tỏ lúc mờ, làm ta cứ ngỡ như đang xem một bộ phim Noir đích thực, cũng bởi bầu không khí tỏ ra căng thẳng đến tột độ. Vậy mà cuối cùng, Escape from Mogadishu lại biến thành một phiên bản khác của bộ phim đào thoát nổi tiếng Argo (2010): nặng tâm lý nhưng đầy mãn nhãn nhờ những trường đoạn hành động nghẹt thở.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Nam diễn viên Kim Yun Seok
'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Nam diễn viên Heo Jun Ho

Cuộc đào thoát khó tin trong “mưa bom bão đạn”

Phải nói rằng, bộ phim đã vô cùng thành công với những pha hành động mãn nhãn không kém phần kịch tính. Đúng như Christopher Machell từ CineVue nhận xét: “Phần lớn thành công của phim nằm ở cấu trúc và nhịp độ hoàn hảo của nó, với ba phân cảnh hành động được xác định rõ ràng. Mỗi cảnh đều làm tăng thêm sự căng thẳng, nhưng được thực hiện tốt đến mức khán giả không khó để bắt kịp”.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Cảnh hành động trong phim được khen ngợi nức lời

Những pha đấu súng, chạy trốn, rượt đuổi giật gân giữa “mưa bom bão đạn”, tạo nên cảm xúc thấp thỏm bồn chồn, làm chúng ta nghĩ rằng chỉ có “Chúa nhân từ” mới có thể cứu giúp những con người đáng thương đang tìm cách tháo chạy khỏi thủ đô bạo loạn.

Sở hữu thế mạnh về mảng hành động, nhưng Ryoo Seung Wan không để những cảnh phim rượt đuổi xe hay đấu súng chỉ mang mục đích giải trí hay thể hiện bối cảnh đẫm máu. Mà thông qua đó, những mong ước về sự sống, về hòa bình hạnh phúc của con người được tô điểm, dù có một sự thật đau lòng mà ai cũng biết: hòa bình luôn phải đánh đổi bằng xương máu.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Khát vọng hòa bình được lột tả rõ nét đằng sau bối cảnh tàn khốc

Khi cơn bão đi qua, những lời chia sẻ, cảm ơn chân thành từ phái đoàn ngoại giao Triều Tiên dành cho đoàn ngoại giao Hàn Quốc cũng phần nào gỡ được nút thắt trong lòng người theo dõi, nhưng đồng thời cũng dấy lên những câu hỏi chất chứa nhiều băn khoăn: liệu rằng mối quan hệ giữa Triều Tiên - Hàn Quốc có thể hoà giải được vào một ngày nào đó?

Nếu ai ghiền phim của Ryoo Seung Wan sẽ nhận ra đặc trưng của ông: sự hài hước dí dỏm được lồng ghép rất khéo léo, rất riêng. Với Escape from Mogadishu, phân đoạn kết phim đã gây được nhiều tiếng cười và ấn tượng khó phai trong lòng người xem. Tuy tất cả đã kết thúc, mọi thứ trở về đúng quỹ đạo nhưng trong lòng mỗi người vẫn còn chung những nỗi vấn vương. Cách xử lý của phái đoàn ngoại giao Hàn Quốc đã mang đến cho khán giả những tiếng cười dí dỏm, đồng thời khái quát được phần nào tình hình chính trị giữa Triều Tiên - Hàn Quốc.

Mải nói đến sự xuất sắc của hai diên viên kỳ cựu Kim Yun Seok và Heo Jun Ho, chúng ta suýt đi quên mất hai ngôi sao Jo In Sung và Koo Kyo Hwan. Họ vào vai hai tham tá của phái đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên. Một kẻ mang tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng, kẻ còn lại thì thề rằng danh dự của tổ quốc là số một; tạo nên màn đối đầu hấp dẫn không kém hai nhân vật chính.

'Escape from Mogadishu': Cuộc tháo chạy khốc liệt thấm đẫm tình người
Tài tử Jo In Sung trong phim
Bom tấn 'Escape from Mogadishu' ra mắt trailer, tái hiện sự kiện lịch sử rúng động Hàn Quốc Bom tấn 'Escape from Mogadishu' ra mắt trailer, tái hiện sự kiện lịch sử rúng động Hàn Quốc
Tổng kết lễ trao giải Baeksang 2022: Kim Tae Ri, Lee Jun Ho ‘bội thu’ giải thưởng, Daesang của ‘Squid Game’ gây tranh cãi Tổng kết lễ trao giải Baeksang 2022: Kim Tae Ri, Lee Jun Ho ‘bội thu’ giải thưởng, Daesang của ‘Squid Game’ gây tranh cãi

Tú Uyên