(TGĐA) - Ra mắt từ năm 2003, giải thưởng Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam đã có tròn 20 năm đồng hành với nghệ sĩ và khán giả với đủ thăng trầm. Có lúc rực rỡ, có lúc mệt mỏi, có lúc tranh cãi nhưng dù thế nào, suốt 2 thập kỷ qua, Cánh diều vẫn luôn là nơi nghệ sỹ và các tác phẩm cảm thấy được bay trên đôi cánh của sự vinh danh; là cầu nối để khán giả dõi mắt tìm tri ân gửi gắm sau những dư vị mà tác phẩm mang đến cho họ. Tạp chí TGĐA xin gửi tới bạn đọc những dấu mốc, những điểm nhấn đáng chú ý của hành trình giải thưởng Cánh diều tròn 20 năm từ 2003 đến 2023.
Dàn sao sắp đổ về Nha Trang tham dự lễ trao giải Cánh diều vàng 2023 | |
Trấn Thành đối đầu Song Luân tại Cánh diều vàng 2023 |
Năm 2003: Cánh diều lần đầu tiên ra đời
Với mong muốn gần gũi hơn với khán giả, tăng tính tôn vinh nghệ sĩ cũng như tác phẩm và khuếch trương điện ảnh Việt, năm 2002, GS – TS Trần Luân Kim (lúc đó là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam) nảy ra ý tưởng biến Lễ trao giải hàng năm của Hội điện ảnh Việt Nam thành một giải thưởng uy tín mang tính thường niên. Một cuộc thi thiết kế tên gọi và biểu tượng được phát động và nhận được rất nhiều những ý tưởng gửi về như Cây tre Vàng, Bông lúa vàng… Cuối cùng, ý tưởng của Họa sĩ trẻ Ngô Phương Ly (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) là Cánh diều đã được chấp nhận. Logo của giải thưởng được thiết kế mềm mại, cách điệu với tông màu vàng; biểu tượng cánh diều bay lên đầy tính tôn vinh cũng như mang ý nghĩa về khát vọng bay cao của điện ảnh Việt.
Logo và biểu tượng chiếc cup Cánh diều do họa sĩ Ngô Phương Ly thiết kế |
Và chính thức ngày 13/3/2003 giải thưởng Cánh diều lần đầu tiên ra mắt nghệ sĩ và khán giả tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vinh danh những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2002.
Lễ trao giải được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Có tất cả 38 giải thưởng trao cho các tác phẩm và công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình xuất sắc trong năm 2002, trong đó có 4 giải Cánh diều vàng, 15 giải Cánh diều bạc và 19 giải khuyến khích. Khác với giải thưởng cũ của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Cánh diều có thêm các hạng mục dành cho cá nhân. Phim truyện nhựa đoạt giải Cánh diều vàng năm đó là Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Năm 2004: Có thêm Cánh diều đặc biệt
Cánh diều năm 2004 là cuộc so kè giữa hai bộ phim Người đàn bà mộng du và Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông ở hạng mục Phim truyện điện ảnh. Cuối cùng, bộ phim Người đàn bà mộng du đoạt giải Cánh diều vàng ở hạng mục phim truyện, và Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đoạt giải Cánh diều đặc biệt. Theo thông tin từ phía ban tổ chức, bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đoạt giải đặc biệt là bởi nó có yếu tố liên kết với nước ngoài. Và điều này chưa được kiện toàn trong hệ thống của giải Cánh diều trước đó và chỉ phát sinh khi chấm giải.
Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đoạt giải Cánh diều đặc biệt năm 2004 |
Cũng năm này, Hội điện ảnh Việt Nam công bố sáng lập thêm Cuộc thi phim ngắn toàn quốc - tiền đề cho Giải thưởng phim ngắn nằm trong khuôn khổ Cánh diều.
Năm 2005: Không có Vàng cho Cánh diều!
Giải thưởng Cánh diều năm 2005 được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức trao vào ngày 16/3/2005 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội nhưng không tìm được Cánh diều vàng. Cánh diều bạc được trao cho Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh. Việc không có vàng đã dẫn đến rất nhiều tranh cãi trên báo giới và những người làm trong nghề sau đó về việc nên có vàng cho từng năm hay không bởi “vàng của năm nay không có nghĩa giống vàng của năm trước”.
So với sự bối rối trước đó về phim có yếu tố nước ngoài, giải thưởng Cánh diều năm ấy đã tìm được ra giải pháp khi trao thêm giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất cho Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Cũng trong năm 2005, giải thưởng Cánh diều kiện toàn thêm nhiều giải cá nhân vinh danh các nghệ sĩ.
Mùa len trâu đoạt giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất năm 2005 |
Năm 2006: Thêm giải Báo chí bình chọn
Trước sự quan tâm lớn của báo chí dành cho giải thưởng Cánh diều, Ban tổ chức quyết định lập thêm giải thưởng Phim xuất sắc nhất do báo chí bình chọn vào năm 2006 do nhà báo Đinh Trọng Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh làm trưởng ban. Và Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là phim đầu tiên giành giải thưởng này. Còn Cánh diều vàng thì được trao cho bộ phim Chuyện của Pao.
Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là phim đầu tiên giành giải thưởng Báo chí bình chọn |
Bên cạnh đó, Cánh diều tiếp tục kiện toàn thêm các giải thưởng khi ngoài đạo diễn xuất sắc nhất hạng mục phim truyện điện ảnh thì các hạng mục dự thi khác, vị trí đạo diễn cũng được tôn vinh.
Năm 2007: 2 phim nhận được Cánh diều vàng!
Nếu năm 2005 không có Cánh diều vàng thì tại lần thứ 5 này, có tận 2 phim nhận được Cánh diều vàng là Hà Nội, Hà Nội và Áo lụa Hà Đông. Đáng chú ý là bộ phim Hà Nội, Hà Nội cũng là tác phẩm hợp tác với Hãng phim Vân Nam - Trung Quốc giống với trường hợp Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông từng đoạt giải trước đó. Đây chính là sự thay đổi kiện toàn của giải Cánh diều thích ứng với thời cuộc. Theo đó, Can Đình Đình đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất và cũng là diễn viên nước ngoài đầu tiên cũng như duy nhất tới tận bây giờ nhận được danh hiệu này ở giải Cánh diều.
Đại diện hai đoàn làm phim Hà Nội, Hà Nội và Áo lụa Hà Đông nhận giải Cánh diều vàng |
Một điểm mới đáng chú ý ở Cánh diều 2007 là có thêm giải thưởng Phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất dành cho phim Lọ lem hè phố của đạo diễn Lê Hoàng.
Năm 2008: Lần đầu tiên Cánh diều được tổ chức tại TP. HCM
Sau 5 lần tổ chức, lần đầu tiên Cánh diều được tổ chức tại TP. HCM đánh dấu việc Cánh diều luân phiên tổ chức ở 2 địa điểm là Hà Nội và Thành phố mang tên Bác sau đó. Tuy nhiên, đáng buồn bởi đây được coi là năm giải thưởng Cánh diều thất thu nhất khi chỉ trao tổng cộng 4 giải Cánh diều vàng ở các hạng mục. Lý do ban giám khảo trao ít giải vàng đến từ việc chất lượng của các tác phẩm tham dự chưa được tốt.
Điểm mới của Cánh diều năm 2008 là bắt đầu có mục vinh danh những nghệ sĩ gạo cội có đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Và ở lần đầu tiên này, NSND Trà Giang là người được vinh danh.
Năm 2009: Cánh diều tiếp tục thất thu
Lại một lần nữa sự tranh cãi về việc “vàng năm nay không phải là vàng của năm trước” được khơi dậy khi Cánh diều năm 2009 tiếp tục không tìm được chủ nhân xứng đáng. Hai giải Cánh diều bạc thuộc về hai bộ phim Trăng nơi đáy giếng và Huyền thoại bất tử. Không có giải Cánh diều vàng cho hạng mục phim truyện nhựa phần nào cho thấy sự “khó xử” của BGK với tính “đa dòng” của các phim dự giải Cánh diều 2008.
Năm 2010: Đừng đốt của NSND Đặng Nhật Minh được vinh danh
NSND Đặng Nhật Minh là một tên tuổi lớn và có rất nhiều những bộ phim nổi tiếng, được xem là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt nhưng với giải thưởng Cánh diều thì đây là lần đầu tiên ông được vinh danh. Đừng đốt – tác phẩm dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm nổi tiếng gây sốt toàn xã hội trước đó đã lên ngôi cao nhất với giải thưởng Cánh diều vàng cho phim.
Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và Đừng đốt được vinh danh tại Cánh diều 2010 |
Điều đáng tiếc ở giải thưởng Cánh diều 2010 là mất đi giải Báo chí bình chọn. Theo như lý giải của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lúc đó – Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải thì bởi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 trao giải Báo chí cho phim Đừng đốt. Nếu Cánh diều Vàng lại có giải Báo chí e sẽ có sự trùng lặp. Vì vậy, Cánh diều năm 2010 tạm dừng giải thưởng này.
Một điểm mới của Cánh diều năm 2010, nếu mọi năm chỉ trao giải Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho thể loại Phim truyện nhựa thì Cánh diều 2010 sẽ trao cả cho thể loại Phim truyện video và Phim truyền hình dài tập. Đồng thời, có thêm giải Diễn viên triển vọng cho thể loại phim truyện nhựa.
Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Cánh diều năm 2010 mà bỏ qua một cột mốc rất đặc biệt. Đánh dấu lần đầu giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam có bài hát riêng của mình. Đó là ca khúc Cánh diều khát vọng được sáng tác bởi nhạc sĩ Đức Trịnh.
Năm 2011: Cuộc đua của Long thành cầm giả ca và Cánh đồng bất tận
Được tổ chức tại Hà Nội và một bộ phim về Hà Nội thời xưa đã lên ngôi cao nhất là Long thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn. Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. So kè với bộ phim này là Cánh đồng bất tận – phim của hãng tư nhân sản xuất. Tuy không giành được Cánh diều vàng nhưng với 5 giải thưởng ở các hạng mục, cũng đủ để đoàn làm phim Cánh đồng bất tận ăn mừng trong đó có sự trở lại của một giải thưởng từng tạm dừng trước đó - giải Báo chí bình chọn.
Năm 2012: Phim giải trí được đánh giá cao!
Bộ phim nhà nước sản xuất là Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã giành giải cao nhất - Cánh diều Vàng cùng loạt giải thưởng quan trọng cho các cá nhân nhưng Cánh diều 2012 đánh dấu việc rất nhiều phim giải trí được vinh danh như như Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Long Ruồi, Saigon Yo!, Lệ phí tình yêu… Điều này cho thấy sự gần gũi của giải Cánh diều với thị trường phim đang biến đổi cũng như chất lượng của dòng phim giải trí đang dần được nâng cao.
Mùi cỏ cháy lên ngôi tại Cánh diều 2012 |
Năm 2013: Phim lịch sử lên ngôi!
Cánh diều vàng năm 2013 ở hai hạng mục được quan tâm nhất là điện ảnh và truyền hình đều là những bộ phim lịch sử, dã sử. Ở hạng mục phim điện ảnh là Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ. Ngoài giải thưởng Cánh diều vàng, bộ phim này còn đoạt rất nhiều giải cá nhân.
Ở hạng mục truyền hình, bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ của đạo diễn Đào Duy Phúc và Tất Bình đã xuất sắc dành cú đúp giải Cánh diều vàng và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Năm 2014: Nốt trầm của giải thưởng Cánh diều
Nếu Cánh diều có những năm “no gió” bay cao, thì Cánh diều năm 2014 lại là một “nốt trầm”. Đây là năm đầu tiên giải thưởng Cánh diều không được truyền hình trực tiếp vì lý do khó khăn về tổ chức, sức thu hút xã hội hóa bị giảm. Ngoài ra, đây cũng là năm Cánh diều được đánh giá là tăng “lượng” nhưng giảm “chất” bởi dù có con số ấn tượng là 158 tác phẩm ở các hạng mục và 4 công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh nhưng lại có rất nhiều phim được báo chí đánh giá là “thảm họa" đến... "đại thảm họa".
Thậm chí sau giải thưởng Cánh diều 2014 diễn ra, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh đã tổ chức họp với ý định thu Cánh diều về, trở lại một giải thưởng thường niên trao giải nội bộ như trước năm 2003 để phù hợp với nguồn kinh phí nhà nước.
Năm 2015: Vàng tiếp tục thất thu
Một lần nữa chất lượng của giải thưởng phim Cánh diều cũng như sự đồng nhất về cung cách trao giải lại được báo chí đặt câu hỏi khi Cánh diều năm 2015 không tìm được giải thưởng vàng để đưa lên ngôi vị cao nhất. Thậm chí có đến ba bộ phim đồng giải bạc là Những đứa con của làng, Hương Ga và Lạc giới.
Năm 2016: Cánh diều vàng hồi phục
Sau 2 năm nốt trầm, Cánh diều năm 2016 đã có sự khởi sắc khi nói không với phim thảm họa và trong số 18 phim điện ảnh tham dự Trúng số (Đạo diễn Dustin Nguyễn) đã xuất sắc giành Cánh diều vàng ở hạng mục Phim truyện nhựa.
Bộ phim Trúng số nhận giải Cánh diều vàng |
Năm 2017: Lễ trao giải Cánh diều gặp sự cố hi hữu
Trong lễ trao giải Cánh diều năm 2017 đã diễn ra tối 9/4 tại Nhà hát Quân đội (TP. HCM) đã gặp phải sự cố hi hữu là mất điện và thiếu cup giải thưởng. Nếu lý do mất điện là mất khả kháng thì lý do thiếu cup lại là sự loay hoay của ban giám khảo trong cung cách chấm giải khi không thể gọi tên được người xuất sắc nhất mà trao giải Diễn viên chính xuất sắc nhất hạng mục Phim truyền hình cho ba nghệ sĩ: NSƯT Minh Trang (phim Chiều ngang qua phố cũ), Hồng Đăng và Lã Thanh Huyền (phim Zippo, mù tạt và em). Việc này khiến cho ban tổ chức trở tay không kịp khi chỉ chuẩn bị hai chiếc cup. Và cuối cùng sự cố này dẫn đến sự ái ngại cho cả người trao giải lẫn người nhận giải.
Năm 2018: Mở cửa cho phim remake
Từng nói “không” với phim remake nhưng Cánh diều năm 2018 lại mở cửa khá rộng cho thể loại Việt hóa này khi nhận tới 4 trên tổng số 13 phim tham dự tranh giải Cánh diều vàng. Đó là Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ! và Ngày mai Mai cưới. Không phải do vấn đề quá ít phim tham dự mới mở cửa cho remake mà bởi xu thế chung của nền điện ảnh lúc đó. Tuy nhiên, mở thì có mở cho giải cá nhân, còn vàng cho phim thì lại khác. Cánh diều vàng năm 2018 gọi tên Cô Ba Sài Gòn, vượt qua ứng cử viên “nặng ký” trước đó được đánh giá cao là Em chưa 18.
Cô Ba Sài Gòn vượt Em chưa 18 để nhận giải Cánh diều 2018 |
Năm 2019: Tiếc cho Song Lang!
Trước khi trao giải Cánh diều năm 2018, Song Lang là một bộ phim được đánh giá cao. Nhưng cuối cùng phim hay nhất lại gọi tên Chàng vợ của em – một bộ phim thị trường. Chính vì điều này đã dấy lên tranh cãi trong giới báo chí, những người làm nghề cũng như khán giả là giải thưởng của hội nghề nghiệp nên trao cho tác phẩm nghệ thuật hay một bộ phim thị trường? Đây cũng là vấn đề của giải thưởng khi hai tiêu chi gần gũi hơn với thị trường điện ảnh hay khu biệt hướng tới các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đây chính là sự loay hoay khó nghĩ của BGK Cánh diều trước mỗi kỳ chấm thi.
Chàng vợ của em không chỉ mang về Cánh diều vàng cho đạo diễn Charlie Nguyễn và còn giúp anh nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất |
Năm 2020: Lặng lẽ trao giải giữa mùa Covid
Cánh diều năm 2020 được tổ chức nhỏ gọn không khán giả tham dự tại 2 miền Nam – Bắc vào giữa tháng 5/2020 bởi lệnh giãn cách sau nhiều lần hoãn do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid 19.
Và bộ phim Hạnh phúc của mẹ đoạt giải Cánh diều vàng ở hạng mục phim truyện điện ảnh. Không khó để dự đoán ở hạng mục phim truyền hình bộ phim giành giải Cánh diều vàng là Về nhà đi con – 1 phim gây sốt xã hội trước đó.
Năm 2021: Bố già 'càn quét' giải thưởng Cánh diều
Tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, Lễ trao giải Cánh diều năm 2021 đã lùi ngày tổ chức tới tận tháng 12/2021 tại Khách sạn Vàng, Hà Nội.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng phim tham dự không nhiều, và bộ phim Bố già của đạo diễn Trấn Thành – Vũ Ngọc Đãng từng gây chấn động doanh thu phòng vé cũng như giành nhiều giải thưởng điện ảnh trước đó tiếp tục “càn quét” giải thưởng Cánh diều.
Bố già càn quét giải thưởng Cánh diều 2021 |
Trái ngược với sự vắng bóng của các tác phẩm điện ảnh thì ở hạng mục truyền hình lại rất sôi động vì lý do Covid nên có rất nhiều tác phẩm tranh cử. Và rất bất ngờ khi Hồ sơ cá sấu - bộ phim về đề tài cảnh sát hình sự không được đánh giá cao nhất lại giành được Cánh diều vàng.
Năm 2022: Cánh diều lần đầu tiên được “bay” tại Nha Trang, Khánh Hòa
Đây là lần đầu tiên Cánh diều năm 2022 được “bay” tại thành phố biển Nha Trang thay vì tiền lệ luân phiên Hà Nội – TP Hồ Chí Minh trước đó. Sự thay đổi này đã tạo ra sự hứng khởi cho các nghệ sĩ điện ảnh, trở thành điểm nhấn thú vị trong lịch sử giải thưởng Cánh diều vàng, đánh dấu sự đổi mới trong khâu tổ chức của giải Cánh diều.
Đêm tối rực rỡ nhận giải thưởng Cánh diều vàng năm 2022 tại thành phố biển Nha Trang |
Lên ngôi cao nhất tại giải thưởng Cánh diều vàng năm 2022 là bộ phim Đêm tối rực rỡ. Ở hạng mục truyền hình, phim đoạt giải là 11 tháng 5 ngày và Thương ngày nắng về (phần 1).
Năm 2023: Cánh diều có nâng tầm vị thế để trở thành Festival Điện ảnh - Du lịch mang tầm quốc gia?
Đây là lần thứ hai, Cánh diều tiếp tục được “bay” tại thành phố biển Nha Trang, hứa hẹn giải thưởng có thể được tổ chức thường niên tại thành phố biển xinh đẹp này.
Dự kiến Lễ trao giải Cánh diều 2023 sẽ có sự tham dự của ngôi sao quốc tế đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong đó có diễn viên Ajay Singh Chaudhary - ngôi sao Bollywood nổi tiếng của Ấn Độ, trên thảm đỏ đêm trao giải.
Nhà hát Đó - Nha Trang sẽ là địa điểm diễn ra những hoạt động chính của giải thưởng Cánh diều vàng 2023 |
Và đặc biệt trong buổi họp báo công bố giải thưởng Cánh diều năm 2023 được tổ chức trước đó, nhạc sĩ Đức Trịnh thông báo ông sẽ làm mới lại ca khúc chủ đề Cánh diều, tặng lại cho BTC. Đồng thời, ca khúc mới này cũng sẽ được vang lên trong Lễ trao giải Cánh diều năm nay.
Năm nay cũng kỷ niệm 20 năm giải thưởng Cánh diều, vì vậy sẽ có lễ tôn vinh những gương mặt có đóng góp cho giải thưởng Cánh diều.
Trấn Thành đối đầu Song Luân tại Cánh diều vàng 2023 | |
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: 200% sức lực cho Cánh diều vàng 2023! |
Thu Hà