(TGĐA) - Sự kiện sẽ diễn ra vào chiều Chủ nhật ngày 26/9 quy tụ các đạo diễn, nhà sản xuất điện ảnh, đơn vị phát hành phim, giới nghiên cứu, phê bình và hoạt động văn hóa; các nhà nghiên cứu luật và báo giới.
Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam | |
Góp ý xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi): Nghệ sĩ và người làm điện ảnh nói gì? |
"Ai góp ý giơ tay lên" là cuộc thảo luận, tọa đàm online của giới làm phim Việt, được tổ chức nhằm đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được ban soạn thảo thảo luận và chỉnh sửa. Theo các nhà làm phim, dự luật có các điều, luật về kiểm duyệt và phát hành phim, phân loại phim trên không gian mạng, đặc biệt là “12 điều cấm nội dung phim”… có thể hạn chế, cản trở quá trình sáng tạo, phát hành phim nói riêng và sự phát triển của điện ảnh trong nước nói chung.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp |
Sự kiện quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh. Các đạo diễn tham gia đến từ cả dòng phim thị trường, phim độc lập và lịch sử. Đó là Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ!), Nguyễn Hoàng Điệp (Đập cánh giữa không trung), Nguyễn Quang Huy (Chàng trai năm ấy), Phan Gia Nhật Linh (Cô gái đến từ hôm qua, Em và Trịnh); đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (Dành cho tháng sáu, Mặt trời con ở đâu)… Các đạo diễn khác như Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Quang Dũng, Tạ Nguyên Hiệp... cũng tham gia tọa đàm.
Đến từ các đơn vị sản xuất, phát hành là bà Ngô Bích Hạnh (đại diện công ty BHD), nhà sản xuất Trần Bích Ngọc (Người bất tử, Vợ ba), Đồng Phương Thảo (Vị); các nhà hoạt động văn hóa: ông Jeremi Segay – Tùy viên văn hóa, Đại sứ quán Pháp; đến từ nhóm nghiên cứu luật là các luật sư Phạm Khánh Toàn, Hirota Fushihara cùng nhiều phóng viên, nhà báo theo dõi lĩnh vực điện ảnh và văn hóa trong nhiều năm.
Với sự có mặt của các tên tuổi hàng đầu ngành điện ảnh hiện nay, "Ai góp ý giơ tay lên" sẽ là một không gian thảo luận mở, nơi các góc nhìn đa chiều, các sáng kiến từ chính những người tham gia sản xuất và phát triển điện ảnh được lên tiếng, được công khai chất vấn và tranh biện một cách tập trung, khách quan và nghiêm túc. Những chủ đề được đưa ra thảo luận trong buổi tọa đàm online sẽ xoay quanh những điều khoản được quan tâm trong dự thảo luật điện ảnh như những điều bị cấm trong hoạt động điện ảnh, bộ tiêu chí trong hoạt động kiểm duyệt, trở ngại trong hợp tác quốc tế, quỹ hỗ trợ phát triển ngành điện ảnh...
Điện ảnh Việt từ lâu được các nhà làm phim, giới quan sát phê bình trong và ngoài nước đánh giá là có tiềm năng, nhưng chưa thực sự phát triển vì thiếu một chiến lược rõ ràng, gặp nhiều rào cản về đầu tư, nhân lực cũng như chính sách. Một trong những trở ngại lớn nhất về chính sách là vấn đề kiểm duyệt.
Theo đó, sự không rõ ràng và thiếu linh hoạt trong kiểm duyệt vô hình chung đã đặt giới làm phim – các đạo diễn, nhà sản xuất và đơn vị phát hành và bộ phận kiểm duyệt phim của Nhà nước vào thế đối đầu, gây ra nhiều tình huống đáng tiếc khi nhiều bộ phim hoặc bị chỉnh sửa, hoặc không được phát hành, thậm chí có trường hợp bị coi là "tang vật" hình sự như trường hợp của Ròm (2020).
“Đừng biến mỗi bộ phim thành một phạm nhân và mỗi buổi duyệt phim thành một phiên tòa” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – đại diện ban tổ chức sự kiện, thành viên trẻ nhất của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn đầu năm.
Chính bởi vậy, thông qua "Ai góp ý giơ tay lên", ban tổ chức kỳ vọng các sáng kiến được đưa ra sẽ góp phần xây dựng một bộ luật điện ảnh sắc nét càng sớm càng tốt, tạo hành lang phát triển cho điện ảnh nói riêng và nền công nghiệp văn hóa nói chung. Đây cũng là cơ hội để khán giả quan tâm được theo dõi các phiên chất vấn, các cuộc mặt đặc biệt giữa những người chủ chốt của điện ảnh nước nhà.
Sự kiện sẽ được diễn ra vào lúc 14h30 ngày 26/9/2021.
Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam (TGĐA) - Sáng 14/12 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối ... |
Góp ý xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi): Nghệ sĩ và người làm điện ảnh nói gì? (TGĐA) - Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng ... |
Vũ Liên