(TGĐA) - Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã diễn ra thành công tại TP. HCM và Hà Nội. Tại Hội nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), Cục Điện ảnh Việt Nam (CĐA) đã cùng các đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến tính khả thi của các chính sách được đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Vì thời gian của Hội nghị có hạn nên còn nhiều ý kiến của nghệ sĩ & các nhà hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh chưa được phát biểu. Dưới đây là những ý kiến TGĐA tổng hợp được.
Lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc: Luật phải bám sát thời cuộc! | |
Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam |
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
Dưới góc độ của một đạo diễn, tôi cho rằng Luật được làm ra về căn bản một là kích hoạt được hoạt động điện ảnh trong đó có việc sản xuất phim cũng như quảng bá phim. Và thứ 2 phải bảo vệ, bảo hộ được sức sống của nền điện ảnh Việt. Tôi nghĩ phải lấy mục tiêu đó làm quan trọng nhất.
Phải nhìn nhận một cách trực diện rằng với sự phát triển của hệ thống rạp CJ, Lotte thì liệu trong một vài năm tới với mức phát triển sẽ còn “khủng khiếp” đến đâu? Luật Điện ảnh cần phải bảo vệ, bảo hộ phim Việt ở chỗ đó. Luật cần cân nhắc các vấn đề về hệ thống rạp, luật lệ về khung giờ chiếu và tránh những biện hộ không lành mạnh. Luật cần phải bám sát thời cuộc, phải có một chế tài để các nhà phát hành khó lòng bẻ được câu chữ và vin vào những kẽ hở hòng khống chế những phim tử tế, đặc biệt là của Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân |
Chúng ta đều biết những dòng phim nghệ thuật, phim về đề tài chiến tranh, cách mạng, lịch sử khả năng ra rạp chiếu khó lòng cạnh tranh với các phim thương mại, vì thế sẽ có thua lỗ. Điều chúng ta cần phải có chính sách để hỗ trợ, để thúc đẩy các nhà làm phim, mang đến cho khán giả những bộ phim có ý nghĩa, nhân văn, tử tế chứ không bỏ mặc và chịu quy luật của thị trường. Tại sao nhà nước sẵn sàng đặt hàng những bộ phim như vậy mà không “dọn đường” quảng bá cũng như có luật để mở đường cho những bộ phim này đến với khán giả? Hai yếu tố đó phải kết hợp làm một chứ không chỉ đầu tư cho phim đặt hàng coi như là xong.
Và một điểm nữa, trong đề cương dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có điều khoản cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích. Đây là điều luật chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ và rất chung chung. Mặt khác, nếu dựa theo Luật như trên vô hình chung chúng ta đang loại bỏ đi một mảng đề tài quá nhức nhối ở xã hội hiện tại.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam
Sau 12 năm Luật Điện ảnh đi vào đời sống đã có nhiều bước tiến bộ vượt bậc. Song do sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tôi có mấy điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, cá nhân tôi cho rằng ngành điện ảnh tồn tại là để sản xuất phim và phát hành phim. Nếu không sản xuất mà chỉ cõng phim nước ngoài vào chiếu thì đó là buôn phim chứ không phải nền điện ảnh dân tộc.
Sau khi luật ra đời, các hãng phim tư nhân phát triển hơn 500 hãng thì ngược lại những hãng phim của nhà nước không được bảo vệ và đã bị thui chột, mất đi điển hình như Hãng phim Truyện Việt Nam. Đấy là một điều không tốt, vừa phát triển vừa phải gìn giữ những cái đã có và những cái gì chưa tốt phải tìm cơ chế tháo gỡ để hai cái cùng song song tồn tại chứ không thể cái nọ triệt tiêu cái kia. Vì thế, xin nhấn mạnh sản xuất phim phải bảo tồn và phát triển các hãng phim, tạo nhiều cơ chế thoáng cho các hãng phim hoạt động.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam |
Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại Luật đấu thầu. Trong nhiều năm qua, Luật Đấu thầu đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập.
Về phát hành & phổ biến phim nên có thêm điều luật để các doanh nghiệp nước ngoài phải có trách nhiệm với điện ảnh dân tộc của nước sở tại. Bên cạnh đó, cũng nên có thêm điều luật để nâng đỡ cho các doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai, Quỹ phát triển điện ảnh phải được thực thi, tránh tình trạng luật đã ký 12 năm mà không được thi hành.
Ngoài ra, trong tiêu chí phim đặt hàng của Nhà nước tôi đề nghị có thêm đề tài đương đại. Đề tài này theo tôi rất phù hợp với tình hình hiện tại. Phải như thế chúng ta mới có Đời cát, bến không chồng, Vua bãi rác…
Và trong lần Hội nghị - Hội thảo lần này tôi nhận thấy tầm quan trọng phải có điều luật quản lý phim phổ biến trên mạng Internet. Bộ VHTT&DL, CĐA phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông và nhiều ban ngành khác để phối hợp quản lý. Nếu không có luật và chế tài xử lý thì những thông tin lệch lạc xuất hiện trên mạng Internet sẽ kiểm soát như thế nào?
Nhà sản xuất phim – Diễn viên Thanh Thúy
Thị trường phim ảnh miền Nam sôi động hơn ở miền Bắc, nên tôi hy vọng rằng có được một hội đồng duyệt chi nhánh phía Nam. Đồng thời, hội đồng duyệt cũng nên “nới lỏng” các điều khoản để chúng tôi – những nhà sản xuất, các Hãng phim tư nhân có động lực sản xuất ra nhiều bộ phim phản ánh đời sống thông qua phim ảnh mà không bị chịu nhiều gò bó như hiện nay.
Nhà sản xuất phim – Diễn viên Thanh Thúy |
GS-TS. Trần Thanh Hiệp - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội
Là người từng làm công tác đào tạo nhiều năm tôi trân trọng những điều khoản trong dự thảo khi đề cập quan tâm tới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh. Nhưng nếu chỉ đặt vấn đề đổi mới chương trình, đổi mới giáo trình theo tôi chưa đủ, chưa tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá. Thực tế nhiều năm chúng ta đã hô hào và thực hiện đổi mới chương trình nhưng có nơi đổi mới rồi vẫn rất khó mới, thậm chí có nơi không thể nào mới được. Tại sao thế? Đó là cả một câu chuyện dài. Chúng ta đang bàn về luật. Mặc dù rất trân trọng những đóng góp quan trọng của hai trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh tôi vẫn mong rằng trong dự thảo nhà nước nên ủng hộ, khuyến khích cho các trường đại học công lập và ngoài công lập thành lập các khoa Nghệ thuật Điện ảnh khi hội tụ đủ các điều kiện mở khoa Nghệ thuật Điện ảnh theo quy định của pháp luật. Sinh viên điện ảnh ít nên rất cần sự hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước. Ở các nước nhiều trường đại học cũng mở khoa Điện ảnh. Nhờ có môi trường đào tạo khác nhau, cách tiếp cận bồi dưỡng đào tạo tài năng khác nhau nên các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn, các gương mặt nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn phong phú hơn.
GS-TS. Trần Thanh Hiệp - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội |
Câu hỏi “Theo Luật Điện ảnh, các Liên hoan Phim ở Việt Nam đều do Bộ VHTT&DL tổ chức. Trong xã hội hóa điện ảnh này, có nên chăng Bộ VHTT&DL chỉ nên là trọng tài thổi còi, cho phép còn tổ chức liên hoan phim có thể là các tổ chức điện ảnh khác được nhà nước công nhận?”. Tôi xin trả lời như sau: Trước đây chính phủ giao cho Bộ VHTT&DL tổ chức nay dự thảo đã có đề xuất khác. Theo tôi biết nhiều nước, cơ quan quản lý nhà nước không đứng ra tổ chức LHP mà có những tổ chức chuyên môn đủ uy tín đứng ra. Nhưng không nên quên rằng việc ai đứng ra tổ chức LHP phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa của từng nước và phụ thuộc rất nhiều vào bản thân sự phát triển điện ảnh của nước đó. Điện ảnh mà ốm yếu quá, èo ợt quá, thì khó có mạnh thường quân nào đứng ra lo cho điện ảnh. Bởi chỉ khi điện ảnh hấp dẫn, có chất lượng họ mới thấy đáng bỏ tiền ra thôi. Trong dự thảo đó là cách tiếp cận mới về tinh thần có thể ủng hộ nhưng câu chữ tôi nghĩ nên có sự thận trọng, chi tiết hơn. Ví dụ Luật Điện ảnh hiện tại giao cho Bộ VHTT&DL tổ chức LHP quốc gia và quốc tế thì dự thảo Luật Điện ảnh mới vẫn giao cho Bộ VHTT&DL, và có thể cho Bộ VHTT&DL ủy quyền cho một tổ chức chuyên môn tổ chức LHP quốc gia và quốc tế với sự giám sát của VHTT&DL.
Ông Nguyễn Tiến Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải Phóng
Theo tôi, rất cần có bộ Luật Điện ảnh phù hợp để thực hiện ba nhiệm vụ then chốt:
Thứ nhất, về lĩnh vực sản xuất: Nên có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước có thể tiếp cận, hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài để điện ảnh Việt Nam nhanh chóng hội nhập. Hiện điện ảnh Việt Nam vẫn đang phát triển song song giữa các hãng phim do Nhà nước quản lý và đặt hàng sản xuất nhằm phục vụ mục tiêu chính trị, giáo dục và tuyên truyền. Còn các hãng phim tư nhân hiện nay với mục tiêu chủ yếu là đáp ứng nhu cầu giải trí và thu lời trên các tác phẩm đó. Chính vì sự khác biệt đó, ngoài các điều luật quy định chung, nên có các thông tư để hướng dẫn cho các đơn vị sản xuất để họ hiểu rõ mục tiêu, trách nhiệm và quyền lợi khi họ sử dụng nguồn vốn.
Ví dụ như: Đơn vị nào được Nhà nước đặt hàng sản xuất phim chiến tranh Cách mạng để phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị. Đơn vị nào được sản xuất với nguồn vốn xã hội hóa. Các đơn vị tư nhân muốn sản xuất những tác phẩm nghệ thuật để phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị thì cũng nên quy định rõ về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tiến Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải Phóng |
Thứ hai, về lĩnh vực phát hành: Luật nên quy định rõ từng loại tác phẩm để có những giải pháp kiểm soát và quản lý hiệu quả, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Ví dụ: Các quy định cụ thể đối với các tác phẩm do các nhà sản xuất trong nước khi phát hành; Các tác phẩm hợp tác với các công ty nước ngoài; Các tác phẩm của công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh nhập khẩu để phát hành tại Việt Nam.
Hiện nay các nhà sản xuất cũng như phát hành trong nước rất quan tâm đến các quy định đối với việc chia tỷ lệ doanh thu phát hành. Điều này cần phải có quy định thống nhất, phù hợp để vừa thúc đẩy được các nhà sản xuất phim trong nước cũng như thực hiện đúng các quy định đã ký kết WTO. Nên có chính sách cụ thể để khuyến khích các nhà phát hành trong nước, vì nếu không kịp thời thì lợi thế sẽ đến với các nhà phát hành nước ngoài. Nghĩa là các đơn vị phát hành trong nước sẽ khó cạnh tranh được.
Thứ ba, về lĩnh vực bản quyền: Cần có các qui định, điều luật cụ thể để bảo vệ bản quyền, vì đây chính là để bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất cũng như phát hành. Cần phạt nặng những tập thể, cá nhân vi phạm bản quyền vì mục đích lợi nhuận (kiếm lời bất chính). Cần được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị sản xuất, phát hành bằng các quy định pháp luật thật rõ ràng cụ thể và nghiêm ngặt.
Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân nêu ý kiến góp ý trong bản dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi): “Đề xuất và xem xét việc thành lập Hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nghiệm như hiện nay hoặc phân chia theo tỉnh, thành phố lớn. Mô hình này các nước trên thế giới đã và đang áp dụng để đảm bảo về chất lượng và số lượng cũng như giảm tải được tình trạng quá tải hoặc cao điểm như hiện nay. Do Việt Nam không quy định hạn ngạch đối với việc nhập khẩu phim nên với số lượng phim nhập khẩu nhiều như hiện nay dẫn đến tình trạng thiếu lịch duyệt phim và các đơn vị phải xếp hàng đặc biệt là những giai đoạn cao điểm như Lễ, Tết nghỉ dài ngày dẫn đến khó khăn trong việc phát hành phim không được đảm bảo theo như kế hoạch. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như dẫn đến việc bộ phim bị giảm sức hút vì đã có bản phim lậu trên mạng từ đó dẫn đến đối tác nước ngoài nghi ngại về thời gian duyệt phim ở Việt Nam”. |
Lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc: Luật phải bám sát thời cuộc! | |
Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam |
Nhóm P.V