Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar

(TGĐA) - Những đứa trẻ trong sương – bộ phim của đạo diễn Hà Lệ Diễm tạo ra tiền lệ chưa từng có khi là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên lọt top 15 tác phẩm xuất sắc nhất Oscar. Cùng TGĐA lắng nghe nhà làm phim sinh năm 1992 chia sẻ về hành trình tạo nên đứa con của mình

Brendan Fraser: Cảm ơn vì đã trở lại! Brendan Fraser: Cảm ơn vì đã trở lại!
'The Banshees of Inisherin': Sống sao mới là sống? 'The Banshees of Inisherin': Sống sao mới là sống?
Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar
Những đứa trẻ trong sương là câu chuyện về hành trình tưởng thành của cô bé Má Thị Di, người H’Mông trong giai đoạn 12 - 14 tuổi. Một ngày mùa xuân, Di được cậu bé Vang trạc tuổi chọn làm vợ. Di cố gắng chống lại sự sắp đặt theo truyền thống. Mẹ của em mâu thuẫn giữa việc tôn trọng tục lệ hay bảo vệ hạnh phúc của con…

Ý tưởng của bạn khi thực hiện bộ phim về một cô gái người H’Mông đến từ đâu?

Vào năm 2017, tôi có chuyến đi lên Sapa để làm chương trình với các bạn người Mông, tình cờ được bố của Di – nhân vật chính trong bộ phim cho ở lại nhà. Sau đó Di cùng các bạn hay rủ tôi đi chơi đó đây, tôi có thói quen cầm máy quay để quay lại mọi thứ, nên đã ghi lại nhiều khoảnh khắc thú vị, nhớ nhất là khi Di chơi cùng các bạn ở trên sườn đồi.

Sau đó khi xem lại những thước phim đó, tôi mới thấy sự chân thật và hồn nhiên từ Di và có cảm giác tuổi thơ của mỗi người trôi qua rất nhanh. Điều đó thôi thúc tôi khám phá tiếp những gì diễn ra xung quanh Di. Thế là tôi cứ cầm máy quay đi theo cô bé đến tận đầu năm 2020.

Ban đầu, mục đích của tôi chỉ gói gọn ở một bộ phim nói về tuổi thơ trôi qua. Nhưng dần dà, con người Di còn thể hiện sự cô đơn khi trưởng thành khi không là cô nhóc bé bỏng nữa.

Sự trưởng thành của Di dĩ nhiên không giống như những bạn cùng trang lứa, khi cô bé vô tình bị vướng vào tục “kéo vợ” đã tồn tại từ lâu của người H’Mông. Để mô tả điều này, bạn đã phải vượt qua những suy nghĩ và trăn trở thế nào?

Điều đầu tiên là việc “chuẩn bị tinh thần” để đối diện với những thứ không muốn. Bố mẹ Di cũng nói trước rằng sẽ không can thiệp và dặn Di phải tự mình phản kháng cho dù bị kéo xa tới đâu. Đến khi chuyện đó xảy ra, mọi thứ như rối tung lên. Bình thường trong quá trình quay phim, nếu tôi không hiểu tiếng Mông, Di sẽ là người dịch lại cho tôi. Nhưng khoảnh khắc Di bị người ta kéo đi và bắt làm vợ, tôi rất hoảng loạn và không hiểu mọi người đang nói điều gì.

Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar

Vậy lý do gì khiến bạn quyết định tự mình can thiệp vào khoảnh khắc đó?

Rất khó để can thiệp vào khoảnh khắc lúc mà Di bị người ta kéo đi. Nhưng khi Di gọi “chị Diễm, chị Diễm”, tôi mới quay lại và khẩn cầu mẹ Di phải làm điều gì đó. Theo tục lệ, bố mẹ Di không được phép cấm cản khi nhà trai đến kéo Di đi nhưng sau đó, người dừng lại mọi chuyện chính là bà nội của Di.

Nhiều đánh giá cho rằng Hà Lệ Diễm đang vi phạm “quy tắc” của người làm phim, tác động vào nhân vật và bộ phim của mình. Bạn nghĩ sao về điều này?

Lúc đó tôi không nghĩ về bất cứ quy tắc nào. Tôi và Di sau khoảng thời gian gần nhau đã hình thành tình cảm như chị em ruột, tôi thấy mình cũng từng giống như Di, luôn vui vẻ và cười nói nhưng vì một số chuyện xảy ra, bản thân tôi trở nên khép kín và ít nói chuyện hơn. Đôi khi, tôi thấy Di như chính bản thân mình và muốn cô bé tốt hơn từng ngày, nên cũng rất “giận” khi thấy Di mải chơi và không nghĩ gì đến tương lai.

Khán giả yêu mến Những đứa trẻ trong sương sẽ rất tò mò về hành trình lọt vào top 15 phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar 2023. Bạn có thể chia sẻ về nó?

Làm phim vốn đã khó nhưng tìm hiểu về các khâu phát hành, rồi gửi phim đi dự thi tại các Liên hoan phim, các giải thưởng cũng khó không kém vì tất cả hoàn toàn mới với tôi. Từ năm 2019, may mắn là thông qua một số chợ dự án quốc tế, Những đứa trẻ trong sương được nhiều nơi như Liên hoan phim Sundane của Mỹ, hay CPH:DOX của Đan Mạch gửi lời mời tham gia, rồi nhiều nhà phát hành ngỏ ý muốn chiếu phim của tôi.

Sau đó khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và nhà sản xuất phim tài liệu, trong đó có một nhà sản xuất người Hàn từng có phim tài liệu đoạt giải Oscar, chúng tôi mới cho ra một bản phim hoàn chỉnh dài 92 phút. Tuy nhiên thay vì đem đi cho nhà phát hành, tôi lại đem nộp bản phim đó cho Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam.

Thông thường để một tác phẩm tranh giải Oscar, ngoài điều kiện về năm phát hành, tác phẩm đó bắt buộc phải đi qua một số Liên hoan phim. Có một công ty phát hành ở Bắc Mỹ ngỏ ý muốn giúp chúng tôi đem phim đi khắp nơi trình chiếu, thỉnh thoảng họ sẽ hỏi ý kiến chúng tôi nhưng thông thường chiến dịch tranh giải như vậy bên công ty phát hành đó sẽ tự chạy.

Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar

Vậy xúc cảm của bạn ra sao khi nhận về thành quả đó?

Tôi nhớ sáng hôm đó mình ngủ dậy rất muộn, khi mở điện thoại ra thì rất nhiều tin nhắn thông báo và chúc mừng Những đứa trẻ trong sương đã vào đến top 15 phim tài liệu của Oscar. Mục đích ban đầu chỉ là hoàn thành xong phim nhưng khi thấy “đứa con” của mình đạt được những thành quả đó, tôi vô cùng bất ngờ và nghĩ rằng “mình đã đi được xa đến thế cơ à?”.

Trước khi trở thành nhà làm phim, cuộc sống của Hà Lệ Diễm ra sao?

Tôi sinh ra trong gia đình làm nông người Tày ở Đông Bắc, bố mẹ cũng phải làm lụng vất vả để nuôi mình học đại học trên Hà Nội. Mẹ tôi từng ước mơ trở thành bác sĩ nhưng vì điều kiện gia đình nên bà không được học đại học, nên gửi gắm hi vọng vào tôi rất nhiều.

Chỗ tôi ở giáp với các bạn dân tộc Dao, các bạn đều nhà rất nghèo, cùng lắm thì các bạn học đến lớp 9 thì phải nghỉ học vì nhà không có tiền cho đi học tiếp, nên lấy chồng từ rất sớm. Tôi may mắn hơn các bạn khác là được bố mẹ cho đi học với mong muốn tôi có được công ăn việc làm, trái ngược lại với một số gia đình khác chỉ muốn con học xong là đi lấy chồng thôi.

Tôi học làm phim tài liệu năm 2011 ở Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD). Tôi còn theo học Khoa báo chí truyền thông K54 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi còn có một thời gian ngắn làm báo sau khi ra trường.

Tham gia nhiều Liên hoan phim lớn quốc tế đã giúp bạn tiếp nhận được điều gì?

Tại các Liên hoan phim, tôi có được nhiều sự gợi mở khi có cơ hội xem nhiều phim khác nhau mà khó thể xem được tại Việt Nam, cả phim tài liệu và phim truyện.

Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar

Sau thành công của Những đứa trẻ trong sương, rất nhiều người hi vọng Hà Lệ Diễm sẽ trở lại. Bạn có cảm thấy áp lực vì điều này?

Khi bộ phim còn dang dở, tôi đã có nhiều ý tưởng khác cho những dự án tiếp theo, nên tôi không mang nặng nhiều áp lực rằng bản thân phải làm gì kế tiếp. Theo quan điểm của tôi, khi làm xong một bộ phim thì hãy để nó tự sống và “trôi dạt” đi đâu đó, còn đầu óc của mình phải để dành cho những mục tiêu khác.

Bạn có dự định gì trong tương lai?

Học ngoại ngữ và dĩ nhiên là tiếp tục làm phim. Những người bạn thân của tôi còn gợi ý rằng tôi nên làm một bộ phim về mẹ mình. Thật sự là tôi từng có ý tưởng một bộ phim về mẹ.

Cảm ơn bạn vì những chia sẻ thú vị!

Những đứa trẻ trong sương có buổi chiếu ra mắt tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA) tháng 11/2021, được xem là Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Tại đây, Hà Lệ Diễm đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Kể từ đó đến nay, Những đứa trẻ trong sương tiếp tục có hành trình tham gia hơn 100 Liên hoan phim trên thế giới, trong đó có nhiều nước như Mỹ, Đài Loan, Hà Lan và Singapore…
Brendan Fraser: Cảm ơn vì đã trở lại! Brendan Fraser: Cảm ơn vì đã trở lại!

(TGĐA) - Sau hơn một thập kỷ biến mất khỏi màn ảnh lớn, Brendan Fraser ...

'The Banshees of Inisherin': Sống sao mới là sống? 'The Banshees of Inisherin': Sống sao mới là sống?

(TGĐA) - Thâm sâu và đẩy ẩn ý, The Banshees of Inisherin không màu mè ...

Quỳnh Anh