(TGĐA) - Là giảng viên phụ trách ngành Hoạt hình thuộc khoa Thiết kế Mỹ thuật - Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đã có những chia sẻ với TGĐA về những khó khăn trong lĩnh vực đào tạo ngành hoạt hình tại nước ta.
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? | |
Nhà sản xuất – Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Trưng Vương sẽ được thực hiện với công nghệ tân tiến nhất! |
|
Là người đang trực tiếp giảng dạy và đào tạo các bạn trẻ trong lĩnh vực hoạt hình. Cá nhân anh nghĩ hiện tại số lượng sinh viên ngành hoạt hình ra trường mỗi năm đã đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong ngành này hay chưa?
Rất khó để khẳng định được điều này, vì nó còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, các công ty trong lĩnh vực đồ họa hay hoạt hình. Một số nơi có thể tuyển được người nhưng ngoài khả năng và kiến thức, họ còn đánh giá dựa trên tiêu chí khác mà chưa chắc các bạn có thể đáp ứng được điều đó. Đấy là chưa kể mỗi công ty còn có cho mình một yêu cầu riêng.
Hiện tại theo anh, lĩnh vực giảng dạy hoạt hình của nước ta liệu có bắt kịp với thế giới hay chưa, hay còn gặp những khó khăn ra sao?
Tôi nghĩ hiện giờ chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng”, nên những gì mà thế giới đang có, chúng ta hoàn toàn có khả năng bắt kịp, chỉ bằng cách làm như thế nào. Giả dụ hiện giờ tôi biết có nhiều hãng hoạt hình, hay studio lớn nhỏ đều có sự hợp tác và liên kết với nước ngoài, họ sẵn sàng chia sẻ những công nghệ của họ, nên không thể nói là chúng ta khó bắt kịp với thế giới.
Với anh, công tác giảng dạy trong ngành hoàn hình gặp trở ngại ra sao?
Có rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để các em sinh viên có một môi trường học tốt nhất có thể, hay tiếp cận những giáo trình chất lượng. Dĩ nhiên, yếu tố máy móc vẫn luôn là trở ngại lớn, vì nếu chỉ dựa vào việc sinh viên tự trang bị cho mình máy móc, điều này sẽ bất lợi rất lớn.
Những ai quan tâm đến ngành hoạt hình đều biết rằng, một hình ảnh chất lượng cao khi được trích xuất ra cần phải có thiết bị đủ mạnh, mà cái này dĩ nhiên không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện để trang bị được.
Một số trường cũng không đủ kinh phí để đầu tư vào trang thiết bị dành cho các bạn học tập. Ngoài ra, còn là phần mềm giảng dạy. Những phần mềm bản quyền đầy tủ tính năng để dạy và học tập thực sự không hề rẻ chút nào, nó khiến chính tôi cũng gặp bất lợi khi truyền đạt kiến thức cho sinh viên.
Giả dụ nếu có một đơn vị tư nhân nào đó đứng ra tài trợ trang thiết bị cho các trường đào tạo, anh nghĩ sao?
Theo tôi như vậy là rất tốt, vì nếu có một đơn vị tư nhân nào đó đứng ra tài trợ thiết bị cho các trường giảng dạy, có thể họ sẽ “lo” hộ cho đầu ra, vì một khi họ đã bỏ tiền ra, chu trình đào tạo có thể gói gọn và mang mục đích cụ thể và rõ ràng hơn.
Anh đã từng gặp phải trường hợp, sinh viên của mình tỏ ra “nản chí” và bỏ cuộc giữa chừng hay chưa?
|
Trường hợp như vậy không phải ít, phần lớn các bạn theo ngành hoạt hình ban đầu đều mang trong mình ước mơ, nhưng trải qua một thời gian, lại cảm thấy “nản” khi chứng kiến những mặt nghiệt ngã của ngành này. Bên cạnh đó, có những bạn mang tâm lý “chờ ăn sẵn”, không chịu tìm tòi. Trái lại với ngày xưa, điều kiện thiếu thốn buộc chúng tôi phải tự mình mày mò nhiều hơn các bạn bây giờ.
Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận thêm rằng, chính vì ngành này quá “khắc nghiệt” nên việc các bạn tự tìm cho mình con đường riêng là điều hết sức bình thường. Có đến gần 80% sinh viên tôi dạy, lúc ra trường là đi theo những lĩnh vực như quảng cáo, vẽ story board hay vẽ tranh biếm họa… với những kiến thức được học trên trường.
Vậy theo anh, chúng ta cần làm gì để các bạn trẻ không từ bỏ ước mơ với đam mê của mình?
|
Tôi nghĩ hiện giờ chỉ cần có nhiều sân chơi “công bằng” cho các bạn trẻ. Đó không phải chỉ là nơi để đơn vị tổ chức “lấy tiếng” mà cần nhìn xa hơn thế, với mục đích phát huy được tài năng của các bạn, không những trong giai đoạn hiện tại mà còn sau này.
Giả dụ như có những sinh viên của tôi làm phim tốt nghiệp theo tôi còn hay hơn rất nhiều những bộ phim trên thị trường, nhưng không thể nào phát huy được những thế mạnh của mình vì chúng ta không có những sân chơi tầm cỡ và đủ sức hấp dẫn.
Như anh nói, đó có phải lý do mà khán giả ít có cơ hội được xem phim hoạt hình từ các nghệ sĩ Việt Nam?
Đó chỉ là một phần thôi! Đôi khi một số nghệ sĩ làm ra những sản phẩm của mình nhưng không đủ tự tin, hay mang tâm lý lo ngại khi công khai hoặc tung ra thị trường bởi sợ rằng sẽ nhận được những ý kiến trái chiều, nên cần có cơ chế, hay như tôi nói ở trên là một sân chơi để có thể khuyến khích họ. Mặt khác, có nghệ sĩ đi làm thuê cho một studio nào đó nhưng vì những điều lệ riêng hay chỉ đóng vai trò gia công cho sản phẩm nên không có quyền công khai sản phẩm đó ra bên ngoài.
Ngoài ra thì xưa nay, chúng ta vẫn có những phim hoạt hình do nhà nước đặt hàng, nhưng vẫn làm xong là “cất kho”. Ở mảng phim điện ảnh chiếu rạp, tôi nhớ có phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với sự kết hợp của nhà nước và tư nhân rất thành công, có chăng nên áp dụng hướng đi này nếu chúng ta muốn có phim hoạt hình chất lượng ra mắt công chúng.
Anh có nghĩ cản trở về công nghệ là lý do mà chúng ta chưa có nhiều bộ phim hoạt hình hay?
Không thể khẳng định như vậy, bởi dù là làm phim 2D hay 3D vẫn chỉ là cách thể hiện mà thôi, quan trọng vẫn là nội dung và chất nghệ thuật bên trong. Nếu chúng ta để ý, thời xưa có một thể loại đã từng được hoạt hình Việt Nam tiếp cận, đó là hoạt hình “đen” với những câu chuyện sâu xa khiến người lớn vô cùng ấn tượng đến bây giờ.
Bản thân anh mong đợi điều gì ở hoạt hình Việt Nam trong tương lai?
Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi mong rằng, chúng ta hãy cứ “đi” và một ngày nào đó sẽ tới đích!
Xin cảm ơn anh!
“Chính vì ngành này quá ‘khắc nghiệt’ nên việc các bạn sinh viên ra trường tự tìm cho mình con đường riêng là điều hết sức bình thường” – Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn |
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? (TGĐA) – Đó là câu hỏi cũng như sự chung tay tìm lời giải đáp ... |
Nhà sản xuất – Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Trưng Vương sẽ được thực hiện với công nghệ tân tiến nhất! (TGĐA) - Dự án phim hoạt hình chiếu rạp Trưng Vương của Nhà sản xuất, ... |
Anh Vũ