(TGĐA) - Sáng 25/11 tại khách sạn Pullman Vũng Tàu đã diễn ra Hội thảo thứ hai mang tên "Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế". Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ của Liên hoan Phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ XXI. Với mục tiêu nhìn thẳng vào thực trạng nền điện ảnh, đưa ra những kiến giải, đề nghị và giải pháp cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà trong giai đoạn mới, hội thảo đã thu hút được đông đảo các nhà quản lý, các nhà lý luận phê bình điện ảnh, các nghệ sĩ điện ảnh, những người yêu mến điện ảnh và các phóng viên báo chí tới dự.
Đức Thịnh sánh vai cùng bà xã Thanh Thúy đầy tình cảm tại Lễ Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI | |
Lý Nhã Kỳ kiêu sa trên thảm đỏ LHP Việt Nam |
Chủ trì và điều hành hội thảo có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng BCĐ LHPVN lần thứ XXI; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tài, Phó Trưởng BCĐ LHPVN lần thứ XXI; ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên BCĐ LHPVN lần thứ XXI; TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHPVN lần thứ XXI.
Trong phần đề dẫn mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức LHP cho rằng: “Hội thảo Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế là một diễn đàn dành cho tiếng nói của những nhà hoạt động điện ảnh trong việc đưa phim ra với thế giới rộng lớn trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ”.
Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng cho rằng việc chú trọng đến bản sắc văn hóa, đến tinh tính thời đại, đến lương tri của dân tộc là một vấn đề làm nên giá trị của nền điện ảnh. Ông nhấn mạnh: “Hàng chục năm rồi, chất lượng điện ảnh hầu như chỉ được cân đong bằng một thước đo duy nhất: lời hay lỗ. Điện ảnh nước ta giờ chỉ còn biết làm vui, gây cười, kích động tò mò của khán giả, mà quên rằng phim ảnh còn phải mang trách nhiệm là chứng nhân của lịch sử; màn ảnh còn là tấm gương biểu dương những phẩm giá anh hùng, những chuẩn mực lương tri và lương tâm để lớp trẻ noi theo”.
Cùng mối quan tâm trên, PGS Trần Thanh Hiệp tỏ ý lo ngại rằng, "doanh thu điện ảnh tăng mạnh (năm 2018 là 3250 tỉ đồng) nhưng phần lớn lợi nhuận nằm trong tay người nước ngoài. Với 234 phim nước ngoài chiếu ở Việt Nam năm ngoái, chủ yếu là phim hài, phim kinh dị, đồng tính đi vào thị hiếu rẻ tiền vô bổ đang ảnh hưởng đến thị hiếu và thẩm mĩ của người xem”.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn chỉ ra hiện trạng phim thương mại tràn lan chất lượng thấp là do 5 năm vừa qua nhà nước đầu tư rất ít và việc mở cửa quá mức cho phim nước ngoài, dẫn đến tình trạng đáng lo ngại: “Khán giả quên mất dân tộc mình”, “quên mất gương mặt, tính cách mình” để chạy theo những thị hiếu từ bên ngoài. Ông cũng nêu lại những trường hợp gửi phim ra nước ngoài tham dự các LHP quốc tế nhưng phim không được chiếu do không thấu hiểu phong tục và thị hiếu của khán giả nước sở tại.
Nhà phê bình trẻ Hoàng Dạ Vũ nói đến bài học từ nền điện ảnh Iran như một điểm lưu ý đối với các nhà làm phim Việt Nam. Chị nhấn mạnh: “Các nhà làm phim Iran không có kinh phí khủng, không có nhiều trang thiết bị, máy móc phương tiện hiện đại, hậu kỳ, kĩ xảo, hiệu ứng đặc biệt... Nhưng họ biết chọn những đề tài, câu chuyện, cách thể hiện phù hợp, gần gũi với đời sống, tâm lý của người dân xứ họ, nói lên được những tâm sự, trăn trở, nỗi lòng của số đông quần chúng. Biết chấp nhận thực tế, họ đã tạo ra những tác phẩm điện ảnh với kinh phí thấp, câu chuyện giản dị nhưng chứa đầy tính nhân văn sâu sắc với ý tưởng dựng phim và cách kể chuyện mới lạ. Và họ đã chứng tỏ được rằng: Người ta vẫn có thể làm phim hay mà không cần có nhiều tiền hay kỹ xảo phức tạp, ngôn ngữ điện ảnh không có biên giới và những nghiêm cấm khắt khe không thể cản trở được tài năng và sự sáng tạo”.
Nhà báo Cát Vũ lý giải nguyên nhân của những yếu kém của điện ảnh Việt Nam là do “nhân lực thiếu, không đồng đều”, xu hướng làm phim “ăn xổi ở thì”, chỉ chú trọng lợi nhuận vật chất, “chạy theo những đề tài ăn khách”. Bà cho rằng cần phải nỗ lực đa dạng hóa đề tài, nâng cao chất lượng nghệ thuật thì mới có thể nâng cao thị phần trong nước và từng bước tiếp cận thị trường thế giới.
Trong tham luận của mình, nhà báo Việt Văn lại nhấn mạnh đến khát vọng hội nhập và việc tăng cường thâu nhận những giá trị của nhân loại và bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo điện ảnh. Anh nói: “Nếu đi tới tận cùng cái của ta kết hợp với trí khôn, trí thức của nhân loại thì chắc chắn thành công”.
Nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi. Nền điện ảnh nước nhà đã trải qua những bước thăng trầm trong hơn sáu mươi năm phát triển của mình. Từ một nền điện ảnh cách mạng, với nhiệm vụ cổ vũ cho những mục tiêu lớn của đất nước trong thời kỳ chiến tranh đến thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, điện ảnh Việt Nam đối mặt với những vấn đề mới và cũng đang tự chuyển hóa mình để nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật, công nghệ, phù hợp với hoàn cảnh mới. Những yêu cầu đặt ra hết sức bức thiết cho điện ảnh Việt Nam là phải nâng cao chất lượng toàn diện để cạnh tranh với điện ảnh thế giới được nhập từ các nước có nền điện ảnh lớn, để có thể cạnh tranh thu hút khán giả trong nước, đồng thời từng bước giới thiệu điện ảnh Việt Nam đến các nhà chuyên môn và khán giả trên thế giới. Đó là một công việc khó khăn và phải có sự tính toán và các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao tính dân tộc, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, công nghệ, xây dựng trường quay để hình thành ngành công nghiệp điện ảnh Việt. Đã đến lúc cần hành động một cách quyết liệt hơn, bài bản và liên tục hơn nhằm hình thành một thương hiệu điện ảnh Việt trước khản giả thế giới. Đó là điều khó khăn nhưng có thể làm được nhờ tài năng và ý chí của các nhà quản lý và các nghệ sĩ điện ảnh nước nhà.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai kế hoạch chọn lựa và đưa những nhà hoạt động nghệ thuật, trong đó có các nhà làm phim trẻ đi đào tạo ở nước ngoài nhằm tạo nên một đội ngũ nhà làm phim có tài năng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho điện ảnh trong những năm tới.
Hội thảo lần này nêu vấn đề khá tập trung, thẳng thắn vàtâm huyết. Hy vọng, trong thời gian tới, trên cơ sở nhìn nhận đúng những yếu kém, các nhà quản lý có thể đưa ra những giải pháp và tổ chức thực hiện để nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.
'Chú ơi, đừng lấy mẹ con' mở màn suôn sẻ cho chương trình chiếu phim ngoài trời | |
Hội thảo 'Bối cảnh quay phim tại Việt Nam': Làm thế nào để thu hút đoàn phim nước ngoài? |
P.V