(TGĐA) - Vừa qua, tại rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo "Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa và kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Pháp". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2024.
Tham dự có: Ông Kim Dong-ho - nhà sáng lập, cựu chủ tịch LHP Quốc tế Busan, ông Jeremy Segay Chủ tịch danh dự của HIFF, tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cùng thành viên ban cố vấn HIFF và gần 200 người yêu điện ảnh tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM |
Mở đầu hội thảo Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết: "TP.HCM vừa ban hành đề án về chiến lược phát triển thành công nghiệp văn hóa thành phố đến năm 2030. Trong đó phát triển điện ảnh và các ngành văn hóa khác là cụ thể và mang tính bền vững, lâu dài. TPHCM xác định 8 ngành để xem là ngành trọng tâm vì có dữ liệu tiềm năng và các thế mạnh để công nghiệp văn hóa là: điện ảnh, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh, du lịch văn hóa. Hiện giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã có mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 19.003 tỷ đồng, chiếm 3,77%. Năm 2020 đạt hơn 36.723 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,98% tổng thu ngân sách của TP.HCM. Trong đó, ngành có ngành có tỷ lệ đóng góp được coi lớn nhất chính là ngành quảng cáo và ngành điện ảnh. Về lĩnh vực điện ảnh đã có nhiều sự đổi mới, đặc biệt là hành lang pháp lý - năm 2023 luật điện ảnh ban hành với nhiều đổi mới. Thành phố có hơn 17.000 doanh nghiệp, chiếm 7,74% số doanh nghiệp trên cả nước hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật văn hóa. Có 100 cơ sở đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 30 cơ sở đăng ký kinh doanh hoạt động thường xuyên trên lĩnh vực sản xuất phim; Có 31 cụm rạp chiếu phim với 190 phòng chiếu đạt chuẩn. Với vai trò phim Việt ngày càng được khẳng định một cách tích cực. TP.HCM đã sản xuất nhiều phim đạt hơn 100 tỷ, đò là những tín hiệu rất đáng mừng. Ngành điện ảnh TP.HCM hiện chiếm khoảng 40% thị phần của điện ảnh cả nước, đã có những đóng góp đáng kể vào GRDP của thành phố, từ 0,32% đến 0,36% một năm".
Bà còn nêu rõ những thành quả nổi bật, cơ hội và thách thức mà điện ảnh Việt đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: công tác phát hành, phổ biến phim, việc vi phạm bản quyền trong việc bảo hộ quyền tác giả; đặc biệt việc chế tài cho những hành vi vi phạm còn chưa đủ sức răn đe, xã hội hóa điện ảnh, phát huy tiềm năng kinh tế tư nhân trong phát triển điện ảnh mà vẫn giữ được môi trường điện ảnh lành mạnh; Các dự án trẻ hóa nguồn lực, có chính sách phát huy tiềm năng của những nhà làm phim trẻ. Có cơ chế cụ thể quan tâm thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh. Với một số mục tiêu của TP.HCM là giai đoạn 2021 đến 2025 là 4,5 % trên các lĩnh vực văn hóa và giai đoạn năm 2026 đến năm 2030 là 7,5 %. Về giải pháp chính: Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội TP.HCM những khu công nghiệp để phát triển ngành điện ảnh cũng như ngành văn hóa; Tăng cường sự cam kết và đẩy mạnh sự liên kết vùng giữa TP.HCM với Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và các địa phương khác; Xây dựng những thương hiệu trọng tâm đặc sắc; Đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa. Về giải pháp cho điện ảnh. Một trong điểm mới của luật điện ảnh là phân cách cho các địa phương được cụ thể hóa trong thời gian tới; Thực hiện các dự án liên quan tới hỗ trợ những nhà làm phim trẻ, xây dựng phim trường. nhanh chóng thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh; Xây dựng chính sách bảo vệ, ưu tiên chiếu phim Việt, thu thuế mức thấp, tạo động lực, khuyến khích điện ảnh phát triển trong tương lai.
Ông Kim Dong-ho đã chia sẻ sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc trong 5 năm vừa qua, tiêu biểu những bộ phim Ký sinh trùng, Trò chơi con mực đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Ông cho biết: Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước. Từ đây, ông khẳng định HIFF đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới đến với khán giả.
Ông Jeremy Segay đã chia sẻ những thông tin lạc quan về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Ông cho rằng xu hướng hiện nay là những phim thành công về mặt nghệ thuật nhưng cũng thành công ở phòng vé với minh chứng tại Pháp, bộ phim Bên trong vỏ kén vàng đã bán được 50.000 vé vì bộ phim đã gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của HIFF vì hiện tại, những nhà làm phim Quốc tế đang rất nóng lòng được gặp những nhà làm phim Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để giới thiệu những bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan phim Quốc tế sẽ thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh.
Ông Jeremy cũng có những chia sẻ về việc kiểm duyệt và tự do sáng tạo. Ông cho rằng việc mỗi quốc gia đều luật lệ riêng liên quan đến việc kiểm duyệt là điều bình thường. Tuy nhiên, đại diện cho những người làm điện ảnh, ông mong rằng tại Liên hoan phim Quốc tế, những luật lệ này sẽ trở nên linh hoạt hơn. Ông lấy minh chứng là Liên hoan phim Quốc tế Busan đã mở đường cho những bộ phim Nhật được phép chiếu tại Hàn Quốc. Ông Kim Dong-ho - một “minh chứng sống" của Liên hoan phim Quốc tế Busan đã bổ sung thêm: “Trước 1996, phim Nhật vẫn bị cấm hoàn toàn tại Hàn, nhưng LHP Busan đã cho phép 15 phim Nhật được chiếu, và từ đó Hàn Quốc đã cho phép chiếu phim Nhật”. Ông Jeremy cũng khẳng định tầm quan trọng của Liên hoan phim Quốc tế khi khuyến khích người trẻ thưởng thức phim tại rạp. Ông cho biết tại nhiều nước trên thế giới, nhiều trường học đã khuyến khích học sinh đến rạp, xem những bộ phim kinh điển để đẩy mạnh thị trường điện ảnh. Ông cũng khẳng định: Liên hoan phim cũng sẽ thúc đẩy những cuộc đối thoại trong ngành công nghiệp phim ảnh để có thể hiểu lẫn nhau và hỗ trợ sự phát triển của ngành.
Ông Jeremy Segay cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ Phim trong một Liên hoan phim Quốc tế. Ông cho rằng phải đi ra thế giới như thông qua hội chợ phim ở Busan và Cannes là 2 địa chỉ tốt nhất mà ông giới thiệu. Việt Nam cần phải có các gian hàng, các pavilion (nhà Việt Nam) dành riêng của Việt Nam tại đây để các công ty sản xuất phim từ Việt Nam tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đó chính là cách mà các nền điện ảnh khác trên thế giới và kể cả khu vực Đông Nam Á đang làm. Điều ngạc nhiên là ông chưa thấy sự hiện diện của Việt Nam các địa chỉ này mặc dù Việt Nam đang có một nền điện ảnh khởi sắc.
Ông cũng cho rằng việc biến TP. HCM và Việt Nam trở thành địa điểm làm phim thân thiện chính là một mục tiêu nên hướng đến để thu hút giới làm phim quốc tế, đó chính là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của TP. HCM mà bà Thanh Thuý đã chia sẻ. Ông cũng chiếu video 3 phút về cách mà Pháp đã quảng bá để thu hút các nhà sản xuất hàng đầu thế giới với những dự án bom tấn với tư cách là một điểm đến thân thiện cho ngành sản xuất phim như thế nào.
Hội thảo còn xoay quanh việc khán giả ít mua vé xem những bộ phim độc lập, phim nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc tế? Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn đặt vấn đề: "Phim Việt đoạt giải, thắng đậm tại Liên hoan phim quốc tế, khi phát hành trong nước lúc nào cũng thất thu, đó là còn nhiều phim không có điều kiện để ra rạp. Ví dụ như Bên trong vỏ kén vàng, đạt giải Camera D'or mà doanh thu chỉ hơn 1,4 tỷ đồng. Hay như Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, doanh thu hơn 4 tỷ đồng đã được gọi là khả quan. Ông mong các liên hoan phim trong nước sẽ dần tạo được thói quen xem phim đa dạng cho khán giả.
Tại hội thảo, còn được thưởng thức phim ngắn Jury (2012) do ông Kim Dong-ho làm đạo diễn ở tuổi 70. Đây là phim hài xoay quanh những tình huống dở khóc dở cười trong quá trình làm việc của ban giám khảo Liên hoan phim Busan. Khó có thể từ chối sự hấp dẫn, gay cấn và hết sức độc đáo của bộ phim và cả tính nghệ thuật cao của nó khi ông chọn một đề tài rất gần gũi và thực tế đối với sự nghiệp lãnh đạo Liên hoan phim của ông cũng như chuyến thăm và làm việc lần này của ông tại TP. HCM. Bộ phim Giám khảo khiến khán giả có những trận cười nghiêng ngả về tính chất “khốc liệt” và hài hước của một trong những công việc hết sức đặc thù của một Liên hoan phim.
Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á? (TGĐA) - Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam ... |
Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh': Đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn với vấn nạn 'ăn cắp chất xám' tinh vi! (TGĐA) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, tại UBND ... |
Vũ Liên