(TGĐA) - Trong tháng 9 và tháng 10/2019, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức 2 lớp tập huấn làm phim phóng sự và tài liệu truyền hình tại TP. Pleiku và TP. Thái Nguyên (khu vực Tây Bắc) dành cho Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Dự kiến trong tháng 11, một lớp tập huấn sẽ được diễn ra ở TP. HCM.
Khai mạc Trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình Đà Lạt 2019 | |
Điện ảnh Việt Nam cần một người bảo trợ định hướng mới |
Đây là hướng đi mới trong thể loại phim phóng sự, truyền hình trong mấy năm nay của Hội Điện ảnh Việt Nam về bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp cho hội viên, cầm tay chỉ việc đúng với chức năng của Hội.
Cụ thể, đối với lớp học tập huấn làm phim phóng sự và tài liệu truyền hình tại TP. Pleiku diễn ra từ 16 – 22/9, trong 7 ngày các hội viên đã làm được 5 phim, được trình chiếu ngay cho bà con địa phương xem và nhận được kết quả rất đáng khích lệ.
Đạo diễn - NSND Đặng Xuân Hải phát biểu tại buổi lễ |
NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: “Mục đích của lớp học là muốn đội ngũ các hội viên, những người làm công tác phát hành phim và chiếu bóng được nâng cao tay nghề để họ không chỉ làm công tác chiếu bóng mà đồng thời làm những phim phản ánh về đời sống ở những vùng miền mà họ đang hoạt động”.
Không chỉ là bài tập trên lớp, một số bộ phim của các hội viên khác sau khóa học do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã từng tham dự Liên hoan phim truyền hình Toàn quốc, Liên hoan Phim quốc gia, Giải thưởng Cánh diều… và đạt được nhiều giải thưởng cao quý.
Chiều ngày 6/10/2019, tại Thái Nguyên, Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên đã tổ chức lễ bế mạc lớp tập huấn làm phim phóng sự và tài liệu truyền hình trong 7 ngày từ 30/9 - 6/10 dành cho các phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên, tuyên truyền viên của khu vực Tây Bắc, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang...
Nhằm không ngừng phổ biến kiến thức và nâng cao kỹ năng sáng tác về làm phim phóng sự, truyền hình cho Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và những người làm công tác phát thanh truyền hình trên cả nước, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức lớp học tập huấn này. Tham gia giảng dạy tại lớp học là: Đạo diễn - NSND Lê Hồng Chương; đạo diễn - NSND Nguyễn Thước và chuyên gia âm thanh Nguyễn Đinh Cảnh. Đây là những giảng viên có kinh nghiệm về làm phim phóng sự, tài liệu có nhiều các tác phẩm đoạt giải cao tại các Liên hoan Phim trong và ngoài nước, trực tiếp trao đổi và hướng dẫn trong quá trình lớp tập huấn.
Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước trao bằng chứng nhận cho các hội viên |
Trong thời gian ngắn ngày chỉ có 7 ngày cùng với sự nhiệt tình của các giảng viên và tinh thần ham học hỏi của các học viên với những trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ làm phim của những người đồng nghiệm đã có hiệu quả tích cực tới các cơ sở lý luận về làm phim tài liệu phóng sự được hệ thống lại 1 cách cơ bản, kinh nghiệm là các thể loại phim từ xây dựng ý tưởng, cách phỏng vấn, khai thác nhân vật, lời bình, hình ảnh, âm thanh, tiếng động trong phim đã được trao đổi thẳng thắn và kỹ càng. Kết quả của lớp tập huấn thể hiện sinh động qua những bộ phim phóng sự của các học viên đã được trình chiếu tại lớp học.
Với chương trình học ngắn gọn, 2 ngày đầu các học viên được phân tích ý tưởng hình ảnh, âm thanh trong phim, 2 ngày đi quay ngoài hiện trường, 2 ngày làm hậu kỳ, dựng âm thanh, 1 ngày trao đổi cùng các giảng viên cùng học viên phân tích cụ thể từng bộ phim.
Thời gian ngắn ngày, thời tiết không ủng hộ, có mưa to vào các buổi sáng tại Thái Nguyên nhưng các học viên vẫn hoàn thành tốt các phim của mình đã minh chứng cho nỗ lực của các học viên tham gia lớp tập huấn.
Phát biểu tại buổi lễ, NSND Đặng Xuân Hải nhấn mạnh: "Chúng ta đã biết trong những năm vừa qua sản lượng phim kể cả điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu đều phát triển mạnh mẽ với số lượng phim lớn, tuy nhiên điều đó lại không đồng thuận với chất lượng của phim. Đây là điều khiến Hội Điện ảnh Việt Nam phải trăn trở, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình. Vấn đề đặt ra làm thế nào để nâng cao tính chuyên nghiệp cho những người làm nghề, trong nhiều năm Hội Điện ảnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ở Điện Biên, Cà Mau, Lạng Sơn... để từng bước nâng cao trình độ cho Hội viên. Hội Điện ảnh là hội nghề nghiệp mà đã là nghề nghiệp thì phải góp sức để nâng cao nghề nghiệp cho anh em trong nghề".
Là giảng viên đúng lớp tại nhiều khóa học do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, đồng thời cũng là thầy giáo tận tâm qua 2 lớp học tập huấn làm phim phóng sự, tài liệu truyền hình tại 2 địa điểm Pleiku và Thái Nguyên, Đạo diễn - NSND Lê Hồng Chương đánh giá: "Trong 2 lớp học tôi được đứng lớp trong năm nay tại Pleiku và Thái Nguyên có sự khác nhau.
Ở Pleiku, ngoài số lượng học viên đang công tác tại Đài truyền hình tỉnh Gia Lai, Kon Tum, còn có sự tham gia của các Trung tâm điện ảnh. Chúng tôi được Hội Điện ảnh giao nhiệm vụ truyền dạy những kinh nghiệm nghề nghiệp đến với các học viên, để nâng cao chất lượng, trình độ, khả năng ứng dụng trong nghề nghiệp sau khóa học. Nhiệm vụ của các học viên trung tâm điện ảnh là làm các chương trình phục vụ quần chúng tại địa phương. Hiện nay chúng ta rất coi trọng nhiệm vụ của các trung tâm chiếu bóng lưu động, mặc dù đối với các Đài truyền hình hầu hết các địa phương đều phủ sóng. Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cung cấp mỗi năm khoảng 6 chương trình cho đồng bào vùng sâu vùng xa, biển đảo. Vì thế, việc tổ chức các lớp học làm phóng sự, tài liệu truyền hình dành cho các hội viên là những người làm công tác phát hành phim và chiếu bóng là cần thiết và có hiệu quả tích cực, bởi họ là những người ở gần với người dân sẽ hiểu người dân muốn gì để sáng tạo ra những tác phẩm điện ảnh gần gũi và sinh động. Họ có sự đam mê, hứng khởi nhưng chưa được đào tạo bài bản, vì thế thông qua những lớp học do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sẽ cung cấp kiến thức cơ bản và cần thiết cho họ.
Còn đối với các Đài truyền hình thì đa phần các hội viên đều là những người chuyên nghiệp. Theo lời của NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã nói các sản phẩm điện ảnh truyền hình tăng nhưng làm sao để tăng chất lượng tác phẩm mới là điều đáng bàn. Thông qua những lớp học tôi đã từng đứng lớp, nhận thấy được nhu cầu của hội viên muốn thay đổi các phương thức thể hiện để sản phẩm hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn của quần chúng. Nếu như chúng ta chỉ xét trên khía cạnh để nghề nghiệp về mặt thông tin thì những các hội viên đang công tác tại các Đài truyền hình đều rất vững nghề, tuy nhiên để ngôn ngữ điện ảnh của tác phẩm phù hợp với nhu cầu hiện nay thì chúng ta cần đi học để nắm thêm những kiến thức như vậy. Mặc dù thời gian chỉ có 7 ngày nhưng các giảng viên đã cố gắng để cung cấp kiến thức cơ bản cho đội ngũ học viên. Đặc biệt các học viên đều biết rằng ngôn ngữ điện ảnh phải thay đổi nhưng làm cách nào thì còn lúng túng.
Hiệu quả mang lại sau mỗi lớp học là điều các giảng viên và Hội Điện ảnh quan tâm. Sau mỗi khóa học, các học viên đều nhìn nhận họ thu nạp được những kiến thức mới. Ví dụ lớp trưởng của lớp Pleiku nhận định: "Học viên đã học nhiều khóa đào tạo, kể cả các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn nhưng khóa học của Hội Điện ảnh là hiệu quả nhất", chúng tôi cho rằng đây không đơn thuần là dạy và học mà là nơi để chia sẻ, trao đổi nghề nghiệp với những người làm nghề trên cơ sở cung cấp kiến thức cơ bản, sau đó bắt đầu làm phim trao đổi từ đề tài hình thành tác phẩm (quay trong 1,5 ngày, dựng trong 1,5 ngày) nhưng các học viên đã hoàn thành tác phẩm của mình. Trên tác phẩm đó người ta sẽ nhìn ra những cái gì cần làm, cần biến đổi mà họ có thể phát huy được. Tôi cho rằng cách đó rất hiệu quả".
Cũng trong năm nay, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức 3 Trại sáng tác cho các Hội viên của Hội Điện ảnh tại TP. Vũng Tàu, Đại Lải, TP. Đà Lạt; 3 lớp Tập huấn làm phim phóng sự và Tài liệu truyền hình tại Pleiku, Thái Nguyên và dự kiến tháng 11 sẽ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cũng trong tháng 11, Hội Điện ảnh Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức lớp học do chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc đứng lớp.
Chuyến tham quan 'về nguồn' ý nghĩa của Hội Điện ảnh Việt Nam | |
Bà con xã Điềm Mặc, Thái Nguyên háo hức với buổi chiếu phim 'Sống cùng lịch sử' |
Thu Hà