(TGĐA) - Ngày 10/11, phim điện ảnh đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2023: Kỳ án trên đồi tuyết đã chính thức được công chiếu. Bên cạnh thông điệp đáng suy ngẫm về hôn nhân, nữ đạo diễn Justine Triet còn khiến khán giả phải đặt câu hỏi: Liệu bộ phim có đang thiên vị nữ giới?
Nhìn lại Liên hoan phim Cannes 2023: Dấu ấn Việt Nam 'đậm nét' thế nào? | |
(Review) 'Anatomy of a Fall' - Phim hay nhất LHP Cannes 2023: Ranh giới của nữ quyền và ‘độc hại’ |
Kỳ án trên đồi tuyết của đạo diễn người Pháp Justine Triet xoay quanh vụ án nữ nhà văn nổi tiếng Sandra bị tình nghi giết chồng. Chồng cô Samuel, cũng là một nhà văn, rơi từ trên tầng cao xuống khi đang sửa nhà. Không có nhân chứng hay chứng cứ cụ thể, Sandra trở thành nghi phạm chính bởi những vết máu kỳ lạ. Qua những cuộc điều tra và phiên tòa, nghi vấn càng lên cao khi sự thật dần được phơi bày qua đoạn ghi âm ngay trước ngày xảy ra án mạng.
Sandra có phải thủ phạm hay không? Rõ ràng cả bộ phim không hề cố gắng tìm câu trả lời, càng không có bằng chứng hay manh mối để khán giả xác thực. Thế nhưng khép lại vụ án, người xem mới chợt nhận ra rằng mình đã vô tình bị dẫn dắt đến niềm tin rằng Sandra vô tội. Việc dẫn dắt có chủ đích của đạo diễn phải chăng không phải sự bênh vực, mà lại đang có thiên hướng thể hiện nữ quyền độc hại – thiên vị quá mức với nữ giới?
Đổ dồn bi kịch vào người phụ nữ tạo sự thương cảm
Đạo diễn Justine Triet thể hiện rõ việc biến hình tượng nữ chính trở nên đáng thương trong mắt khán giả trong từng chi tiết. Con trai khuyết tật suốt đời, hôn nhân bế tắc, trở thành nghi phạm giết chồng và bị xã hội lên án - tất cả bi kịch mà Triet dồn lên Sandra dường như là những điều khủng khiếp nhất có thể xảy ra trong cuộc đời người phụ nữ. Ngay cả trong phiên tòa, từ công tố viên đến bác sĩ tâm lý đều thể hiện sự công kích và dành cho Sandra những sự ác cảm chỉ vì cô là phụ nữ. Đặc biệt, trong một số khung hình, Sandra cũng bị dồn hẳn về một phía và trở nên yếu thế trước những người đàn ông.
Việc tạo ra bi kịch dồn ép và nhấn mạnh định kiến xã hội vô lý đã làm gia tăng sự đồng cảm và thương hại của khán giả đối với nữ chính. Một người phụ nữ có sự nghiệp thành công thì không thể giữ hạnh phúc gia đình? Bởi lẽ, bi kịch bắt đầu từ việc Sandra dành thời gian để theo đuổi sự nghiệp của bản thân thay vì chăm lo cho gia đình. Cô ấy có sai không? Chắc chắn không. Thế nhưng, Sandra lại không được chồng mình thấu hiểu và chấp nhận. Ngay cả trong một thế giới hiện đại, việc người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp và đặc biệt là nổi bật hơn chồng vẫn đi ngược với quy chuẩn xã hội.
Sandra không hề “vô tội”
Dù là nạn nhân của hàng loạt bi kịch, song Sandra cũng chính là nguyên nhân trực tiếp và cả gián tiếp của những bi kịch đó. Trên cương vị đồng nghiệp, Sandra đã vi phạm điều cấm kị của người sáng tạo: đạo văn chồng mình.
Còn với cương vị một người vợ, Sandra thiếu sự tinh tế, chia sẻ và chung thủy. Trong hôn nhân luôn cần sự bình đẳng từ hai phía, Sandra lại có phần lấn át chồng mình từ chuyện giường chiếu đến công việc nhà. Samuel phải dành hết thời gian làm việc để chăm sóc gia đình thay cô. Còn Sandra coi việc ngoại tình công khai là để thỏa mãn nhu cầu sinh lí thiết yếu rồi trở nên lạnh nhạt. Có thể thấy, nhân vật Sandra thể hiện nữ quyền thái quá chứ không còn là bình đẳng giới.
Ở cả hai vai trò là đồng nghiệp và người vợ, Sandra đều đáng trách. Nữ đạo diễn Justine Triet đã cùng chồng mình tạo ra tác phẩm nghệ thuật xuất sắc này, nhưng bà lại không để nữ chính của mình làm điều tương tự. Giả định Samuel tự tử vì hôn nhân hay sự nghiệp, chắc chắn Sandra cũng chịu một phần trách nhiệm. Sandra hoàn toàn có thể chia sẻ việc sẻ việc chăm sóc con trai cùng chồng để cả hai đều có thời gian riêng cho sự nghiệp. Và dù vì bất kì lý do gì, ngoại tình cũng là một vấn đề đạo đức nghiêm trọng trong hôn nhân. Đó là những cái sai không thể bào chữa mà đáng lẽ ra cần bị lên án mạnh mẽ hơn. Tiếc rằng trong bộ phim, đạo diễn không hề để nữ chính trả giá cho những sai lầm của mình.
Phán quyết trắng án đến từ sự bao dung mù quáng?
Sandra được tuyên trắng án vì thiếu chứng cứ buộc tội. Phiên tòa xét xử theo chế định bồi thẩm đoàn – lấy ý kiến của những người không thông thạo luật pháp. Đây cũng là một dụng ý của đạo diễn cho thấy, phán quyết định tội Sandra đã được sự đồng thuận của đa số công chúng. Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng xuyên suốt hành trình 150 phút, chẳng có bằng chứng hay chi tiết nào thuyết phục để xác thực phán quyết. Thậm chí, chính diễn viên Sandra Hüller cũng chẳng hề biết nhân vật cùng tên của mình có phải thủ phạm hay không.
Phán quyết này ắt hẳn còn được góp sức bởi Daniel, đứa con trai mù của cô, đại diện cho những người xem không thể nhìn thấy sự thật. Cậu bé vốn được bác sĩ đánh giá có “trí nhớ và thính giác tuyệt vời” bỗng lẫn lộn kí ức và không thể nghe được tiếng nói chuyện của bố mẹ. Những kí ức và lời khai “từ trên trời rơi xuống” của Daniel khiến khán giả ngờ ngợ rằng có phải cậu bé đang nói dối để bảo vệ mẹ mình. Nhưng tại sao lại như vậy? Rõ ràng bố mới chính là người ở bên và thân thiết với Daniel hơn cả. Cho dù đã tự mình nghe thấy những góc khuất đáng xấu hổ của mẹ, cậu bé chẳng có lấy một hành động ghét bỏ mà thậm chí còn bảo vệ mẹ hơn. Chính Daniel cũng có sự hoài nghi và phải đứng trước những sự lựa chọn. Nhưng rồi cuối cùng, sự bao dung và thương cảm đã chiến thắng để giữ vững niềm tin Sandra vô tội.
Nữ quyền: Bình đẳng chứ đừng thượng đẳng
Điều quan trọng nhất của nữ quyền là khiến xã hội thay đổi theo cách để cho phụ nữ tự lựa chọn. Người phụ nữ có thể lựa chọn ở nhà làm nội trợ nếu họ thích như vậy. Nhưng nếu họ lựa chọn làm việc, theo đuổi sự nghiệp của mình thì xã hội cũng trân trọng và ủng hộ. Những người phụ nữ như vậy không nên bị phê phán là thiếu nữ tính, ích kỷ hay không hoàn hảo. Về việc thể hiện quan điểm này, Kỳ án trên đồi tuyết đã làm rất thành công.
Thế nhưng, mục đích của nữ quyền vẫn là kêu gọi bình đẳng. Nữ quyền không có nghĩa là phụ nữ làm mọi điều mình muốn, bất chấp quy chuẩn, đạo đức và mặc kệ suy nghĩ của đàn ông. Đặt trong các mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng phải cách cư xử hợp lý. Sự thấu hiểu và chia sẻ mới là mấu chốt để xây dựng hôn nhân. Dù là sự nghiệp hay gia đình, cả hai phái đều cần cảm thông và dung hòa để đi đến tiếng nói chung chứ không nên để một trong hai lấn át.
Mặc dù hướng đến thông điệp hôn nhân là nấm mồ tình yêu, song Kỳ án trên đồi tuyết lại dành phần lớn nội dung và chi tiết để tạo sự thương cảm và bênh vực phụ nữ. Bất chấp việc nữ chính trong cuộc hôn nhân bi kịch này đầy rẫy tội lỗi và sai lầm. Cách thể hiện nội dung này của đạo diễn Justine Triet có phần chủ quan và thiếu công bằng với người đàn ông. Thế nhưng xét theo hướng ngược lại, việc để Sandra lấn át và thiên vị nữ giới trong phim có thể cũng là cách Triet ngầm lên án nữ quyền độc hại.
Để đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2023 chắc chắn phải là một bộ phim hay. Đặc biệt, phim nghệ thuật như Kỳ án trên đồi tuyết cũng không dành cho đại chúng chuộng dòng phim thương mại với nội dung “ăn liền”. Justine Triet để lại một dấu chấm lửng để khán giả tự mình đánh giá và có cái nhìn riêng về câu chuyện cũng như ý đồ của bà về nữ quyền. Sự thiên vị lộ liễu có thể gây ra những ý kiến trái chiều, song chính nó đã làm nên phim điện ảnh hay nhất tại Cannes.
Thu Hương