Mai Vũ & hành trình mang 'Giấc mơ gỏi cuốn' tới Liên hoan Phim Cannes

(TGĐA) - Đạo diễn trẻ Mai Vũ đã khiến giới làm phim Việt tự hào với giải thưởng Light on Women Award cho phim tranh tài ở hạng mục La Cinef của Liên hoan phim Cannes 2022, với bộ phim hoạt hình ngắn Giấc mơ gỏi cuốn. Cùng lắng nghe Mai Vũ kể lại hành trình tới với Liên hoan phim Cannes của mình.

‘Người môi giới’ cùng chuyến xe đi tìm sự ‘tỉnh thức’ ‘Người môi giới’ cùng chuyến xe đi tìm sự ‘tỉnh thức’
Zahra Amir Ebrahimi: Cuộc đời khiến cả Iran 'chao đảo' Zahra Amir Ebrahimi: Cuộc đời khiến cả Iran 'chao đảo'
Đạo diễn Mai Vũ
Đạo diễn Mai Vũ

Mai Vũ sinh năm 1992 tại TP.HCM. Cô bắt đầu gắn bó với hoạt hình từ năm 2011. Điểm nhấn đầu tiên trong sự nghiệp của cô, đó là loạt phim hoạt hình stop motion đầu tiên của Việt Nam Xin chào bút chì với hơn 70 tập do cô làm đạo diễn.

Mai Vũ tự tìm tòi những kiến thức mới về công nghệ hoạt hình trong quá trình làm việc. Cô vừa làm biên kịch, chụp ảnh, dựng phim từ năm 2012 đến 2015. Năm 2020, cô sang Anh du học ngành hoạt hình, tốt nghiệp tháng 3 năm nay.

Xin chào đạo diễn Mai Vũ, khán giả theo dõi hành trình của chị tới Liên hoan phim Cannes rất muốn biết tại sao nguồn cảm hứng của bộ phim lại là gỏi cuốn mà không phải món ăn khác?

Ý tưởng ban đầu của bộ phim đến từ một chương trình tôi được học trên trường vào năm nhất về xây dựng nhân vật. Nhân vật khi đó của tôi là một ông bố người châu Á đến chăm con ở bên Mỹ, nhưng cảm thấy rất lạc lõng, muốn kết nối với con nhưng gặp phải những trở ngại về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Sau này bản thân tôi cảm thấy muốn phát triển nhân vật này nhiều hơn thế.

Cảnh trong phim 2
Cảnh trong phim Giấc mơ gỏi cuốn

Tôi nghĩ tới một món ăn tượng trưng cho bản sắc văn hóa Việt để truyền tải câu chuyện về người bố. Bản thân tôi là du học sinh, nhiều khi cũng nhớ những món ăn của bố mình, nhưng không có cách nào nấu được ở Mỹ vì nhiều lý do. Ở Việt Nam, bạn ra đầu ngõ là đã thấy nhiều hàng ăn nhưng tại Mỹ, mọi thứ khá đắt đỏ, ngay cả quán đồ Việt thì du học sinh như chúng tôi cũng chẳng dám vào.

Ban đầu có rất nhiều món ăn trong suy nghĩ của tôi, đó có thể là phở hay thậm chí là mướp đắng nhồi thịt. Cuối cùng thì gỏi cuốn được lựa chọn, cũng bởi đây là món ăn Việt có sự nhận diện khá tốt bên nước ngoài, theo góc nhìn của tôi. Khán giả Việt lẫn khán giả phương Tây khi xem đều dễ dàng nhận thấy gỏi cuốn sẽ thể hiện được tinh thần mà bộ phim hướng tới.

Cảm xúc của chị và ê-kíp ra sao khi nhận về giải thưởng Light on Women Award?

Thật lòng chúng tôi làm ra bộ phim này rất khó khăn, nên khi hoàn thành, phim đến với người xem đã là một thành công, một hạnh phúc lớn lao, còn giải thưởng thì không ai nghĩ tới.

Bộ phim đã không thể chiến thắng tại hạng mục quan trọng, nhưng sau đó lại giành được giải thưởng phụ. Khi đến nơi nhận giải, chúng tôi được trò chuyện và gặp gỡ với những người nổi tiếng, những nhà làm phim trẻ. Lúc lên nhận giải tôi khá run, phát biểu thì “lắp bắp”, bởi như đã nói trên, chúng tôi không nghĩ mình sẽ nhận được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes. Giải thưởng này đã giúp chúng tôi rất nhiều, nhất là việc có thể bù vào chi phí sản xuất và được mọi người biết đến nhiều hơn.

Cảnh trong phim gGiấc mơ gỏi cuốn
Cảnh trong phim Giấc mơ gỏi cuốn

Quá trình làm phim cũng là một thách thức lớn vì tình hình dịch bệnh, chị cùng các đồng nghiệp đã phải làm việc online gần như 100%. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ở nơi tôi đang sống, tìm một diễn viên chuyên nghiệp vào vai người bố thực sự rất khó, nên tôi mới phải nghĩ cách tìm đến diễn viên ở Việt Nam. May mắn là NSND Bùi Bài Bình đã đồng ý tham gia, nhưng chúng tôi còn đứng trước một thách thức khác đó là buộc phải làm việc online. Chúng tôi sử dụng tối đa những phần mềm làm việc online, và kết hợp thu tiếng trực tiếp cùng lúc qua ba nước Việt Nam, Mỹ và Anh, bởi toàn bộ ê-kíp của chúng tôi không ở cùng một chỗ. Đơn cử như người dựng phim của tôi ở bên Anh, nhưng tôi lại ở bên Mỹ.

Vậy còn thử thách khi thực hiện một bộ phim hoạt hình bằng đất sét thì sao?

Đất sét rất khó chắc chắn, nó rất hay bị móp méo, nên khó giữ được tạo hình đất sét của nhân vật sau cảnh quay. Vì thế, chúng tôi buộc phải dựng một khung nhôm kim loại bên trong, cũng như trộn vào những chất liệu khác để tăng độ bền cho nhân vật.

Quá trình làm phim diễn ra tận 8 tháng, nên chúng tôi phải rất cố gắng sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo quản. Còn lý do tôi chọn làm phim hoạt hình đất sét cũng bởi tôi thích sự đơn sơ và mộc mạc của nó, điều mà đôi khi các thể loại 2D và 3D khó thể đạt được.

Phần âm nhạc cũng là một yếu tố ăn điểm của bộ phim, liệu có khó để thực hiện hay không?

Cũng như hình ảnh món gỏi cuốn, phần âm nhạc phải toát ra cái hồn Việt Nam. Chịu trách nhiệm phần âm nhạc là một bạn người Anh. Có một câu chuyện vui là khi lần đầu bạn ấy đưa tôi nghe bản demo, dù sợ gây mất lòng nhưng tôi cũng phải nói nhỏ với nhà soạn nhạc của mình: nghe giống Trung Quốc hơn là Việt Nam! (cười). Sau khi nghe tôi nhận xét, bạn ấy cũng đã tiếp thu và chỉnh sửa lại để cho ra sản phẩm mà tôi cảm thấy hài lòng.

Chị có thể kể về hành trình bộ phim tới với Liên hoan phim Cannes?

Đạo diễn Mai Vũ và hậu trường làm phim Giấc mơ gỏi cuốn
Đạo diễn Mai Vũ và hậu trường làm phim Giấc mơ gỏi cuốn

Tôi hoàn thành Giấc mơ gỏi cuốn vào tháng 3, nhưng bản dựng đã phải gửi đi từ tháng 1 năm nay. Bản thân trường tôi theo học (trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh) có một ban festival về những liên hoan phim, nên họ nắm được hết các thông tin.

Với Liên hoan phim Cannes, họ đồng ý nhận về những bản dựng chưa hoàn chỉnh, vì thứ họ tìm kiếm chủ đạo là một câu chuyện có sức hút, đôi khi họ cũng không quá chú trọng vào kỹ thuật. Đó là bước đầu tiên mà Giấc mơ gỏi cuốn tới với Cannes. Ngoài ra tôi cũng cố gắng gửi bộ phim đi nhiều liên hoan phim khác để tiếp cận với nhiều khán giả hơn.

Trước khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi cũng phải lên 1 bản dự trù kinh phí để nhà trường xét duyệt. Họ sẽ cấp cho chúng tôi khoản kinh phí mà cho rằng thấy phù hợp. Trong trường hợp khoản kinh phí bị phát sinh, bạn sẽ tự phải bỏ tiền túi.

Trong cả quá trình Giấc mơ gỏi cuốn được làm ra, bản thân tôi cũng có rất nhiều lần cảm thấy mông lung, rồi chịu ảnh hưởng từ vô số lời nói hay yếu tố bên ngoài. Ngay cả khi những bản dựng đầu tiên được cho ra, tôi còn không hiểu mình đang xem cái gì, rồi lại cố chấp làm theo ý mình. Cuối cùng, khi tham khảo nhiều lời nhận xét, tôi mới nhận ra đây không thể chỉ là câu chuyện của riêng cá nhân mình.

Vậy giờ đây khi Giấc mơ gỏi cuốn đã ra mắt, bộ phim này đã mang lại điều gì đó đặc biệt cho chị ngoài giải thưởng?

Trước đây, tôi cũng từng làm đạo diễn phim ngắn hay một số chương trình, nhưng qua bộ phim này, tôi mới thực sự trả lời cho mình câu hỏi: thế nào mới là một đạo diễn, thế nào mới là một người kể câu chuyện của mình trên phim… Tôi thực sự nhận ra nhất nhiều điều qua bộ phim này, nhất là việc cần thiết như thế nào khi có những người bạn ở bên cạnh, cùng giúp mình thực hiện những công việc khó khăn.

Xin cảm ơn đạo diễn Mai Vũ!

Mai Vũ & hành trình mang 'Giấc mơ gỏi cuốn' tới Liên hoan Phim Cannes

Light on Women Award là giải thưởng để khuyến khích các nữ đạo diễn với những bộ phim ngắn theo đuổi khát vọng sáng tạo của mình. Trị giá giải thưởng là 20.000 euro. Nữ diễn viên Kate Winslet là người đại diện trao giải thưởng cho đạo diễn Mai Vũ trong buổi bế mạc Liên hoan phim Cannes 2022.

Giấc mơ gỏi cuốn (có độ dài 9 phút), mô tả những thay đổi của một gia đình ba thế hệ. Linh là một bà mẹ đơn thân người Việt Nam đang xây dựng cuộc sống ổn định cho bản thân và con trai ở Mỹ, nhưng sự cân bằng cuộc sống của cô bị đảo lộn khi người bố từ Việt Nam sang thăm và nhất quyết phải làm gỏi cuốn cho cháu trai…

‘Người môi giới’ cùng chuyến xe đi tìm sự ‘tỉnh thức’ ‘Người môi giới’ cùng chuyến xe đi tìm sự ‘tỉnh thức’

(TGĐA) - Người môi giới (Broker) là tác phẩm hướng về chủ đề nhức nhối ...

Lý Nhã Kỳ hé lộ những bộ cánh bỏ lỡ tại LHP Cannes 2022 Lý Nhã Kỳ hé lộ những bộ cánh bỏ lỡ tại LHP Cannes 2022

(TGĐA) - Dù chưa có cơ hội lên thảm đỏ song những bộ cánh dưới ...

Quỳnh Anh