(TGĐA) - Ngày 18/5/2022, tại Liên hoan phim Cannes đã diễn ra buổi chiếu ra mắt bộ phim tiểu sử Người vợ của Chaykovsky (Tchaikovsky's Wife) của đạo diễn Nga Kirill Serebrennikov. Đây là lần thứ ba đạo diễn có phim tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes, sau bộ phim Mùa hè (Peto) của ông được trình chiếu năm 2018 và Nhà Petrov bị cúm (Petrov's Flu) năm 2021. Xin trân trọng giới thiệu vài nét về phim Người vợ của Chaykovsky của ông và ý kiến của các tác giả nước ngoài về tác phẩm này.
Đạo diễn Andrei Tarkovsky: Kẻ lưu vong bất đắc dĩ hay một đạo diễn Nga nổi tiếng thế giới? | |
Julia Vysotskaya: Tôi vẫn chưa có được vai diễn mơ ước! |
|
Năm 2013, đạo diễn Kirill Serebrennikov đề nghị hội đồng chuyên gia của Quỹ Điện ảnh Nga làm một bộ phim ngắn về nhạc sĩ thiên tài Pyotr Chaykovsky. Hội đồng không ủng hộ, nhưng công việc làm phim vẫn tiếp tục. Ban đầu, đạo diễn dự định phát hành bộ phim vào năm 2015, nhân kỷ niệm 175 năm ngày sinh của nhạc sĩ và mời một ngôi sao điện ảnh phương Tây vào vai chính. Mùa hè năm 2020, xuất hiện thông tin rằng bộ phim sẽ khởi quay trong tương lai gần và vai Chaykovsky sẽ do diễn viên Nga Evgeny Mironov đóng, sau đó, hóa ra, Serebrennikov làm phim màn ảnh rộng và đặt tên là Người vợ của Chaykovsky. Kịch bản do chính đạo diễn viết trong thời gian bị quản thúc tại gia.
Về đề tài Chaykovsky, năm 1971 đã xuất hiện bộ phim của đạo diễn người Anh Ken Russell Những người yêu nhạc (The Music Lovers). Phim kể về sự khủng hoảng tình cảm của Chaykovsky vì mối tình của ông với bá tước Shilovsky, cuộc hôn nhân thất bại với Milyukova và mối quan hệ của nhạc sĩ với nhà tài trợ giàu có Nadezhda von Meck.
Người vợ của Chaykovsky lấy bối cảnh nước Nga thế kỷ XIX. Cô gái trẻ Antonina Milyukova (do Alena Mikhaylova đóng) mơ ước trở thành nhạc sĩ và thi vào nhạc viện, nhưng sau khi gặp Pyotr Chaikovsky (do Odin Land Byron đóng), cô đem lòng yêu mến nhạc sĩ, cô gửi cho ông những bức thư tình và cuối cùng thuyết phục ông kết hôn với mình. Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài một thời gian ngắn, và sau khi Milyukova phát hiện ra chồng mình là một người đồng tính, cô bắt đầu phát điên.
Phim bắt đầu từ đám tang của Chaykovsky. Người vợ góa của ông bối rối lựa chọn màu ruy băng đính vào vòng hoa và không biết nên viết gì: "vĩ đại" hay "yêu dấu"? Năm 1893, thế kỷ XIX sắp kết thúc. Tay máy điêu luyện Vladislav Opelyants quay cảnh Antonina Milyukova khó khăn lắm mới lách qua đám đông người hâm mộ để đến bên quan tài của chồng.
Số phận của Milyukova cực kỳ thú vị, đã có nhiều bài báo và sách viết về bà, đạo diễn Serebrennikov nói rằng kịch bản hầu như không khác sự thật bao nhiêu, thậm chí phần lớn lời thoại cũng mượn từ hồi ký của nữ nhân vật và những bức thư của bà. Tuy nhiên, đối với nhiều người, câu chuyện này vẫn còn mới mẻ - cả việc Chaykovsky là người đồng tính và cuộc hôn nhân bi thảm kéo dài chưa đến một năm (nhưng chính thức họ không ly hôn vì Milyukova không đồng ý) cho đến nay vẫn là một trong những điều cấm kỵ đối với dư luận và nghệ thuật chính thống ở Nga.
Được biết đến tương đối rộng rãi là câu chuyện về vụ tự tử bất thành của Chaykovsky, ông đã dầm mình suốt đêm trong nước lạnh với hy vọng ngã bệnh và chết, để thoát khỏi những ràng buộc hôn nhân. Thế nhưng Serebrennikov không sử dụng câu chuyện này, thậm chí không hề nhắc tới nó. Cả bộ phim của ông, từ cảnh đầu đến cảnh cuối, không nói về Chaykovsky, mà về Milyukova – đây là bộ phim được nhìn nhận và thể hiện chủ yếu bằng con mắt của bà. Nhan đề của bộ phim thể hiện nỗi ám ảnh và thân phận của nữ nhân vật: ở thời đại đó, phụ nữ Nga không có quyền bầu cử và tên được ghi vào hộ chiếu của chồng.
Một số nhận xét của các nhà phê bình điện ảnh phương Tây
Về đạo diễn và âm nhạc: Trên trong web “The Wrap” của Mỹ, Steve Pond viết: “Đây là một tác phẩm rất táo bạo và có phong cách. Phim có nhiều cảnh sang trọng, được thể hiện bằng những màu sắc tao nhã, còn âm nhạc của Daniil Orlov (được bổ sung bằng các trích đoạn tác phẩm của Chaykovsky) đôi khi nghe khá dữ dội và tạo cảm giác về một hiểm họa đang đến gần, điều này hoàn toàn phù hợp với quan hệ của các nhân vật chính, nơi người phụ nữ bị ám ảnh bởi người đàn ông, còn anh ta rùng mình mỗi khi đến gần cô".
|
Về vai Milyukova của Alena Mikhaylova: Trên tờ “Screen Daily”, Jonathan Romney lưu ý rằng diễn xuất của Mikhaylova "đầy mê hoặc và đóng vai trò quan trong trong bộ phim, thể hiện cái chết đau đớn của Antonina Milyukova dưới chế độ phụ quyền ở nước Nga Sa hoàng. Cô đã thể hiện một cách hoàn hảo hình tượng người phụ nữ bị ám ảnh bởi tình yêu đối với chồng và là kẻ thù tàn ác của mình.
Nhất trí với nhận xét của đồng nghiệp Jonathan Romney, trên tờ “The Guardian”, Peter Bradshaw viết: “nữ diễn viên quả là xuất sắc trong vai người vợ xa lạ và ngây thơ của nhạc sĩ, bà chịu đựng cuộc hôn nhân đổ vỡ của họ. Bầu không khí ngột ngạt của bộ phim càng nhấn mạnh nỗi cô đơn khủng khiếp của nữ nhân vật: trong phần lớn câu chuyện, bà bị Chaykovsky xa lánh, nhưng trong tâm trí lại gắn bó với người đàn ông căm ghét mình. Đây là một bộ phim rất căng thẳng và vượt xa bộ phim trước đó của Serebrennikov Nhà Petrov bị cúm.
Về tính ẩn dụ: Trong một bài viết trên báo “Le Monde” của Pháp, Jacques Mandelbaum nhận xét: “Mặc dù trong lời giới thiệu có nói về số phận buồn thảm của người phụ nữ Nga ở thế kỷ XIX, Serebrennikov không những đã đưa ra một tuyên bố về nữ quyền mà còn trình bày một bộ phim tiểu sử âm nhạc. Ngoài vấn đề về tính xác thực lịch sử và tiểu sử của bộ phim mà tôi không dám bày tỏ ý kiến của mình, cần lưu ý rằng đây là một trong những tác phẩm phúng dụ mạnh mẽ nhất từng có về sự ghẻ lạnh của chính quyền đối với người dân Nga hàng thế kỷ, một chính quyền không bao giờ nghĩ về bất cứ điều gì, ngoài việc nô dịch nhân dân”.
|
Nhà phê bình của tờ báo lâu đời nhất ở Pháp “Le Figaro”, Eric Neuhoff, kết luận: “Hóa ra, ngay cả những người chết cũng ôm hận. Trong một cảnh phim, Chaykovsky đứng dậy từ nấm mộ của mình để sỉ nhục vợ và nói với cô ấy rằng anh ta ghét cay ghét đắng cô. Cô không bao giờ muốn ly hôn, vì quá yêu ông, và cô không thể làm gì được với tình yêu này. Cuộc sống của chúng ta vốn nhàm chán, vì vậy toàn bộ vẻ đẹp của điện ảnh là ở chỗ nó cho phép chúng ta đắm chìm vào tưởng tượng, như Serebrennikov đã làm.
Bên cạnh đánh giá tích cực, cũng có một số đánh giá tiêu cực về bộ phim, ví dụ tác giả Owen Gleiberman trên tờ “Variety” không hài lòng với tác phẩm của Serebrennikov và phê phán ông quá hợm hĩnh: 'Người vợ của Chaykovsky là một bộ phim trung bình, được quay bởi một đạo diễn video ca nhạc kiêu kỳ nhất trên thế giới. Theo ông, bộ phim hay nhất về Chaykovsky là Những người yêu âm nhạc, sản xuất năm 1971, của Ken Russell. Hơn nữa, âm nhạc của Chaykovsky hầu như không được sử dụng trong bộ phim này, và có cảm giác Serebrennikov không hề thích thú âm nhạc của ông”. |
Đạo diễn Andrei Tarkovsky: Kẻ lưu vong bất đắc dĩ hay một đạo diễn Nga nổi tiếng thế giới? (TGĐA) - Đó là câu hỏi đau đớn của chính chính quyền quê hương dành ... |
Julia Vysotskaya: Tôi vẫn chưa có được vai diễn mơ ước! (TGĐA) - Bộ phim lịch sử Các đồng chí thân mến! (Dear Comrades!) của đạo ... |
Trần Hậu