Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?

(TGĐA) - Để một tác phẩm thành công, dù không muốn cũng phải nói, khán giả đóng vai trò không nhỏ nhằm định hình về sức ảnh hưởng của tác phẩm đó đối với đời sống. Vậy trong lĩnh vực phim ảnh, liệu người làm phim có nên “nghe” khán giả hay không, hay họ vẫn nên có những quan điểm riêng và phải bảo vệ chúng bằng được?

‘Đất rừng phương Nam’: Sáng tạo nhưng phải cẩn trọng với lịch sử ‘Đất rừng phương Nam’: Sáng tạo nhưng phải cẩn trọng với lịch sử
Đạo diễn 'Đất rừng phương Nam' ghi nhận và cảm ơn tranh cãi của khán giả Đạo diễn 'Đất rừng phương Nam' ghi nhận và cảm ơn tranh cãi của khán giả
Xem phim 'Đất rừng phương Nam' Xem phim 'Đất rừng phương Nam'

Một nghệ sĩ tài năng cần có quan điểm sáng tạo riêng!

Để bắt đầu bài viết, xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng của “quái kiệt” làng điện ảnh Quentin Tarantino, đó là: “Đừng làm ra những thứ mà bạn nghĩ mọi người sẽ muốn xem. Hãy tìm tiếng nói của bạn và viết những điều xuất phát từ trái tim”. Với phương châm này, Quentin Tarantino đúng thật đã làm ra những bộ phim khiến cả thế giới phải kinh ngạc, đơn cử như Inglorious Basterds, khi ông “táo bạo” đến độ cho lính Đức quốc xã và Hitler bị những người Do Thái săn lùng và tiêu diệt, rồi Once Upon a Time in Hollywood, dựa trên vụ thảm sát kinh hoàng Sharon Tate, nhưng ông đã thay đổi cái kết và để cho bà vẫn còn sống.

Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?
Quentin Tarantino là một trong những nhà làm phim có sức sáng tạo bậc nhất Hollywood

Điều đó chứng tỏ, nghệ sĩ muốn có vị trí riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, gần như đều phải có quan điểm sáng tạo riêng của mình. Để người ta không “lẫn” mình với ai, nhìn thấy mình có một màu riêng nào đó mà người khác không có, chắc chắn đó là mục tiêu hướng đến của rất nhiều nghệ sĩ.

Nhưng trước thời đại đổi thay, khi đồng tiền có tiếng nói mạnh mẽ thì đôi khi người nghệ sĩ, hay cụ thể ở đây là người làm phim cũng không có quyền quyết định tác phẩm họ làm ra sẽ có kết cấu thế nào, mà lại là nhà sản xuất. Nói về điều này, ắt hẳn làm chúng ta không khỏi nhớ tới mối duyên dang dở giữa Zack Snyder và Warner Bros. trong định hướng tạo nên thành công của Vũ trụ điện ảnh DC. Warner Bros. muốn phim siêu anh hùng hướng tới đa số khán giả và kết quả, họ đã biến tâm sức của Zack Snyder với bộ phim Justice League trở thành một mớ hỗn độn đúng nghĩa.

Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?
Công sức của Zack Snyder dành cho Justice League đã bị vứt bỏ

Thế mới thấy đôi khi nếu quan điểm nghệ thuật riêng của người sáng tạo không được bảo vệ, sẽ gây ra nhiều hậu quả, đó là những sản phẩm kém chất lượng và không mang lại nhiều giá trị.

Ranh giới giữa “bảo vệ” và “bảo thủ”

Phải nói rằng, Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không chỉ là một sản phẩm giải trí được đầu tư tiền tấn, mà nó còn khơi dậy một cuộc tranh luận hiếm gặp trong làm phim Việt về việc làm ra một phim hư cấu.

Dĩ nhiên mỗi người có một quan điểm riêng và quan điểm nào cũng cần được tôn trọng, nhưng đôi lúc ranh giới giữa “bảo vệ” và “bảo thủ” cũng thật mong manh và cần phải cân nhắc lại.

Đất rừng phương Nam được làm ra với nhãn mác là một phim thị trường, phục vụ đa số khán giả và dĩ nhiên nó không phải mà một phim hàn lâm, một phim đậm chất nghệ thuật để mà người xem phải soi cặn kẽ vào từng cảnh quay, xem dụng ý nghệ thuật là gì. Thế nên, Đất rừng phương Nam giống như một sản phẩm được gửi tới khán giả mọi tầng lớp để họ mua vé tới rạp và họ cũng có quyền được phản hồi lại nếu như số tiền mình bỏ ra cảm thấy không xứng đáng.

Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?
Đất rừng phương Nam đã lắng nghe khán giả kịp thời

Chính vì vậy, thay vì “bảo thủ” giải thích tới cùng quan điểm sáng tạo của mình, nhà làm phim có chăng nên lắng nghe khán giả. Và trong trường hợp này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ê-kíp sản xuất của mình đã có những động thái kịp thời để sửa lại những chi tiết gây tranh cãi trong lòng đa số người xem phim. Anh cũng đã bày tỏ sự ghi nhận và cảm ơn đóng góp của khán giả vào bộ phim. Đó có lẽ cũng là một phần lý do Đất rừng phương Nam vẫn đứng nhất nhiều tuần về doanh thu tại Việt Nam.

Ở nước ngoài, nhất là những nước có nền điện ảnh phát triển, có nhiều môi trường thuận lợi để nghệ sĩ sáng tạo, cũng phải đi lên và rút kinh nghiệm từ những lời xin lỗi.

Hàn Quốc từng có một bộ phim truyền hình là Joseon Exorcist gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu với zombie (xác sống) đẫm máu. Tuy nhiên, tác phẩm vướng loạt lùm xùm lịch sử văn hóa nghiêm trọng đến mức phải “đắp chiếu”. Ngay tập 1 Joseon Exorcist, sự xuất hiện của nhiều món ăn Trung Quốc như bánh trung thu, bánh bao, rượu... hay khung cảnh ngôi nhà giống Trung Quốc khiến khán giả Hàn Quốc phản ứng dữ dội vì cho rằng phân đoạn phim trên đang xuyên tạc lịch sử Hàn Quốc.

Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?
Câu chuyện của Joseon Exorcist phản ánh tiếng nói mạnh mẽ của khán giả

Lúc bấy giờ, ê-kíp Joseon Exorcist phải nhanh chóng lên tiếng đính chính và gửi lời xin lỗi vì đã khiến người xem khó chịu. Giữa làn sóng chỉ trích, SBS tuyên bố sẽ ngừng phát sóng. Trong trường hợp này, dù phim không được chiếu nữa nhưng SBS cũng phải chấp nhận, bởi đã làm ra bộ phim đem ra thị trường nhưng không hợp ý khán giả, mặc dù đó chỉ là phim hư cấu. Làm phim thị trường cũng giống như đưa sản phẩm đến tay công chúng, nếu sản phẩm đó có khiếm khuyết, không được lòng khách hàng là điều cần phải lưu tâm. Dù vậy hai năm sau đó, SBS đã có những bộ phim rất thành công, rating cao ngất ngưởng và gần như chẳng có tranh cãi gì.

Nhà làm phim cần phải bình tĩnh!

Người làm nghệ thuật có cái tôi cao, tâm hồn nhạy cảm – đó là điều dĩ nhiên nhưng nếu sợ bị phán xét, bị soi mói quá nhiều, thì hãy chọn lấy một sân chơi khác ít va chạm hơn, giả dụ như một liên hoan phim độc lập nào đó đề cao sáng tạo cá nhân. Còn một khi chấp nhận mang phim ra thị trường, đó sẽ bài toán của sự chịu đựng và khiêm nhường.

Những quan điểm góp ý chân thành, dĩ nhiên là rất quý giá còn những lời bình luận khiếm nhã, xúc phạm nếu nhà làm phim đôi co, chẳng khác nào cũng đặt mình ở vị trí như họ hay sao? Điều quan trọng hãy chứng minh sự nỗ lực của mình bằng hành động qua những tác phẩm tiếp theo, đó mới là màn đáp trả thông minh nhất đối với những người không ưa mình. Cũng nên nhờ rằng nhà làm phim luôn nói không muốn tác phẩm của mình bị bó hẹp khuôn khổ của sự sáng tạo, nhưng nếu chỉ muốn khán giả thưởng thức theo đúng những gì mình muốn, có chăng cũng đã tự “giết chết” tác phẩm đó rồi?

Đó là chưa kể, khi làm phim cũng phải quan tâm và bình tĩnh cân nhắc tới bối cảnh xã hội ngoài thực tế. Đoàn phim Penthouse 3 của Hàn Quốc từng phải xin lỗi khán giả, cắt toàn bộ cảnh liên quan thảm họa sập tòa nhà Gwangju và động đất Pohang khỏi phim. Đạo diễn Sam Raimi khi làm phim Spider-Man (2002), từng phải cắt cảnh Người Nhện sử dụng tơ nhện để nhốt chiếc máy bay do những tên cướp ngân hàng điều khiển ở giữa hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới, sau khi nhận những phản hồi gợi nhớ về vụ 11/9, nhưng rốt cuộc sau đó phim vẫn thành công và thu về số tiền kỷ lục.

Theo quan điểm riêng của người viết, nghệ thuật dù ở mức độ nào cũng cần có khán giả mà khán giả có cùng tần số với nghệ sĩ, hiểu nghệ sĩ đó là một điều may mắn. Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng có, người tạo ra sản phẩm nghệ thuật cần phải cân nhắc làm sao để tác phẩm của mình được lan tỏa một cách tích cực nhất.

Nhà làm phim có nên nghe góp ý khán giả?
Xem phim 'Đất rừng phương Nam' Xem phim 'Đất rừng phương Nam'
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII: 16 phim truyện điện ảnh tham dự, toàn dàn phim 'khủng' Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII: 16 phim truyện điện ảnh tham dự, toàn dàn phim 'khủng'

Quỳnh Anh