(TGĐA) - Vì lý do sức khỏe, tôi phải hẹn tới mấy lần mới được ngồi đối thoại vối ông hơn 3 giờ đồng hồ trong căn hộ hơn 30 m 2 tại cư xá Thanh Đa, TP.HCM.
NSƯT Đường Tuấn Ba: Dấu ấn đời tôi | |
Nhà quay phim – NSƯT Đường Tuấn Ba: Từ cú máy định mệnh “Người Việt trên sông nước” tới sở trường trong “Cánh đồng hoang” |
Người nghệ sĩ nay đã 88 tuổi vẫn chân thành, nhân hậu và niềm nở, tuy cuộc trò chuyện luôn bị gián đoạn vì ông phải chỉnh sửa liên tục sợi dây tai nghe cho người bị nặng tai… Ông bất ngờ đến gần ngăn tủ kính trưng bày những chiếc máy quay, máy chụp, đủ niên hiệu, kiểu dáng rồi lấy ra một xếp hồ sơ, trong đó có cuốn sổ nhỏ bìa xanh đã sờn gáy (ghi rất chi tiết thời gian, tên đồng nghiệp, hãng phim, phim thực hiện của cả hai thời kỳ trước và sau 1975. Đặc biệt trong đó có ghi những châm ngôn của thế giới, nhất là lời dạy của Bác Hồ kính yêu) và lặng lẽ đưa cho tôi rồi bảo “Giờ chú yếu quá, quên nhiều hơn nhớ… thôi thì nhà báo cứ xem trong cuốn sổ này là có thề rõ những mốc chính trong sự nghiệp cầm máy của chú…”.
NSƯT - Nhà quay phim Đường Tuấn Ba |
Kon Tum - nơi nuôi dưỡng ước mơ tình yêu và nghệ thuật
NSƯT - Nhà quay phim Đường Tuấn Ba sinh năm 1927 tại Bình Định, lớn lên ở tỉnh KonTum, vốn là cậu bé năng động, mê chụp hình. Ngày 20/9 năm 1945, khi vừa tròn 15 tuổi, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, ông hăng hái xung phong gia nhập giải phóng quân, trương biểu ngữ, tham gia cướp chính quyền tại tỉnh Kon Tum... Ngày 5/6/1946, Pháp đem quân ồ ạt tái chiếm Kon Tum. Sau 2 ngày đêm ông cùng đồng đội kiên quyết bám cầu Dakbla chiến lược, trước khi rút lui, anh em quyết định đặt bom phá cầu (cắt đường tiến công của địch), nhanh chóng rút về đường Konbrai đến Ba Tơ Quảng Ngãi. Tại đây không may ông bị thương ở trán, vừa liên tục bị sốt rét cao, nên lãnh đạo quyết định cho ông giải ngũ. Từ năm 1954 đến năm 1966, ông hồi cư về sống với gia đình cũng tại Kon Tum đúng thời điểm “xôi đậu” (câu thường dùng của người dân sống lẫn lộn trong vùng giữa ta và địch). Thật may không phải đi quân dịch, ông được tuyển vào Ty Thông tin Kon Tum. Thấy ông khá hoạt bát, lãnh đạo giao ngay công tác vũ trang tuyên truyền với công việc cụ thể lưu giữ hình thức nổi như: khẩu hiệu, truyền đơn, kịch, lưu động, đặc biệt là phụ trách khâu in litho truyền đơn, nhưng thực chất ông vẫn mê được cầm máy chụp hình và chọn ngay nghề nhiếp ảnh. Năm 1962, do ý thức được muốn có những bức ảnh sinh động, ấn tượng mình phải biết hòa mình, sống và hiểu đồng bào bằng chính tiếng nói của họ, nên ông đã quyết tâm đi học một khóa tiếng Bahnar tại Pleiku. Những bức ảnh đầu tiên là chân dung, cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Thượng bằng chiếc máy chụp hình hiệu Roleyflex. Cho đến nay chiếc máy này vẫn được lưu giữ cẩn thận cùng các bộ chụp hình, quay phim VHS “đàn em” trong chiếc tủ kính lâu năm của gia đình ông.
Thời gian công tác tại đây, ông từng được nhiều cô gái dân tộc thương trong bụng lắm, ấy vậy mà ông không hề ngó nghiêng, rung động… Chỉ đến một ngày vào năm 1966, khi ông đang vẽ tấm pa nô quảng cáo cho đồng bào Thượng tại ty Thông tin Kon Tum, thì phát hiện ra một cô gái người kinh rất dễ thương cũng đang say sưa vẽ tranh về tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông chia sẻ… Như duyên tiền định, không ngờ cô Nguyễn Thị Minh lại là giáo viên dạy cấp 2 tại Kon Tum, vừa vẽ giỏi, xinh đẹp quê ở Long An… đã xiêu lòng trước chàng trai miền Trung nghị lực, thông minh, đam mê nghệ thuật. Vậy là họ chính thức tổ chức ra mắt bạn bè bằng vài đĩa trái cây, bánh ngọt, ly trà… vì hoàn cảnh quá khó khăn. Đến đúng một năm sau ông mới dành dụm mua nổi 2 chiếc nhẫn cưới tặng cho vợ và đeo cho mình.
Hai năm sau vào năm 1966, do vẫn nuôi nguyện vọng được quay những hình ảnh động, Đường Tuấn Ba mạo muội một mình vào Sài Gòn thi tuyển trường Điện ảnh - Truyền hình thuộc Trung tâm Điện ảnh quốc gia Sài Gòn, ngành Quay phim và ra trường với bộ phim tài liệu đầu tay (30 phút, màu, nhựa 35 ly - 1969) Người Việt trên sông nước hay (Bập bềnh trên sông nước) đề cập tới cuộc sống bồng bềnh của những người dân không bao giờ biết lên bờ. Ông nhớ mãi kỉ niệm khi cầm máy đứng trên chiếc ghe của dân để chọn cho được cú máy lạ ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt của bà con, thì bất ngờ một chiếc ghe chạy ngược dòng đâm sầm vào ghe của ông, làm đồ ăn, ly, chén, vật dụng rớt lung tung, còn chiếc ghe thì suýt bị lật, may mà ông kịp chụp được máy quay không thì rơi tõm xuống nước. Lúc này ông mỉm cười bảo… Người quay phim, rất rất cần những phản xạ nhanh cùng bộ thần kinh thép để ứng biến kịp thời mọi tình huống. Sau khi ra trường, ông được Trung Tâm Điện ảnh quốc gia (15 Thi Sách) nhận về làm việc cho đến năm 1975. Trong thời gian này, ông đã quay một loạt phim tài liệu như: Địa phương chí các tỉnh Bạc Liêu, Cam Ranh, Phú Bổn; Phong tục tập quán dân tộc Bahnar; Phong tục đời sống người Chăm ở Phan Rang; Điện lực Việt Nam; Tiền là huyết mạch; Đặc biệt trong đó có phim Lễ bỏ mả của người Gia Rai - Phú Bổn. Ông khá vất vả khi theo người dân cùng những phong tục bỏ mả. Chính vì vậy, ông là vị khách quý được bà con mời uống rượu, ăn thịt thú nướng. Không ngờ vị của miếng thịt có mùi thúi quá, không tài nào nuốt được, ông đành ngậm, chờ già làng đưa rượu uống, len lén lừa miếng thịt nhả ra. Thật hú hồn, may mắn không ai phát hiện. Ngoài ra ông còn quay phim tư liệu tại chiến trường: Bình Long, Kon Tum và Long Khánh.
Cảnh trong phim Người Việt trên sông nước |
Từ năm 1968 đến 1972, ông chuyển qua quay phim truyện và đồng quay phim chủ yếu với quay phim Nguyễn Hòe, như các phim: Chờ sáng của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia năm 1968; Đời chưa trang điểm; Con ma nhà họ Hứa (1970);Biển động; Mưa trong bình minh; Chiếc bóng bên đường (1972) của Kim Cương film. 5 hiệp sĩ bất dĩ (1971). Phải rất cố gắng, ông mới nhớ được chút kỉ niệm khi làm phim Chiếc bóng bên đường. Lúc quay tại Đa Lạt có cảnh đánh ghen… nhưng hoàn toàn “ghen trí thức” của tình tay ba là Thành Được trong vai trung tá sĩ quan Cộng hòa cùng lúc yêu hai người đẹp là Kim Cương và Kiều Chinh . Họ không hề có động tác tay chân mà cuộc chiến đó là hoàn toàn “đấu khẩu”. Khi quay ông đã liên tục đổi nhiều góc máy và cỡ cảnh để theo diễn viên. Trong phim Con ma nhà họ Hứa - bộ phim kinh dị nổi tiếng đầu tiên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa có sự cố khi quay của một nữ diễn viên cầm chiếc đèn dầu đi lọ mọ trong căn nhà tối có ánh sáng u huyền, rùng rợn đã vấp té một cú khá nặng trước ống kính quay của ông. Hay bối cảnh tại ngôi nhà mồ ở Bình Thới, ông vô cùng nể phục hai diễn viên đóng vai ông Thiện và ông Ác đứng bất động rất lâu, không hề bị áp lực ảnh hưởng của ánh sáng, hay tác động của đoàn phim. Đặc biệt ông rất nể phục trước tư duy dàn dựng chuyên nghiệp của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.
Từ ống kính tả thực tại nhà tù Côn Đảo… đến chất hùng tráng khốc liệt, mà vẫn lồng lộng trào dâng chất trữ tình của cuộc chiến trong Cánh đồng hoang.
Ngày miền Nam giải phóng, ông không hề xao động quyết định đi hay ở. Và chính người vợ đầy nghị lực, thủy chung (đang là giáo viên dạy tiếng Anh) cùng 4 đứa con nhỏ Hoa, Mai, Tùng, Tuyền định hướng ngay việc rất cần cho sự ở lại bên quê hương.
Cho đến thời điểm này cứ hỏi ông ngẫm gì về cuộc đời… nào ông có trả lời ngay mà hướng ánh mắt nhìn thật xa… Cực lắm cháu ơi, song chú vẫn sống và luôn tự hào về quá khứ. Có nhiều thứ chú đã quên, nhưng cái giây phút mà chú cho là lịch sử trong đời là nhận lời mời của anh Mai Lộc đề nghị chú tiếp tục ở lại hãng phim Giải Phóng với vai trò quay phim chính. Từ đây đã hình thành một nhân cách - một tay máy của người NSƯT Đường Tuấn Ba. Và bộ phim tài liệu đầu tiên sau khi đất nước giải phóng ông được lãnh đạo giao là quay về nhà tù Côn Đảo của đạo diễn Lê Dũng và biên tập Ngọc Quang. Khi ra tới Côn Đảo, được chứng kiến tận mắt nhà tù, cùng thái độ làm việc nhiệt tình, rất tôn trọng đồng nghiệp, không hề có thái độ đối xử người thắng kẻ thua, ông càng trân trọng, nể phục các anh và thầm quyết tâm cố gắng làm việc để chứng minh lòng tin tưởng của anh em đồng nghiệp Cách mạng đồi với ông. Sau đó ông quay thêm 7 phim tài liệu: Đồ gốm, Những bàn tay khéo, Thông mối đường sắt giữa Quảng Ngãi và hai đầu Nam Bắc, Bưu điện Thành phố, Mỹ nghệ, Lịch sử Đảng Minh Hải và Tết Căm pu chia.
Mùa gió chướng và 3 cơ hội “Ngàn vàng”
Đến năm 1978 và liên tiếp 3 năm sau (1979,1980,1981) - sau gần 10 năm cầm máy, ông nhận được tới 3 cơ hội “ngàn vàng” là thực hiện các phim: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Vùng gió xoáy đều của cố đạo diễn - NSND Hồng Sến. Như cái duyên định mệnh cả 3 phim, đặc biệt là Cánh đồng hoang đều có nội dung liên quan tới các bối cảnh sông nước. Thế là ông được mặc sức sáng tạo (sau này cả 3 phim đều vinh dự nhận được các giải thưởng cao trong nước và quốc tế ).
Khi quay phim Mùa gió chướng, đoàn làm phim kéo quân về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, suốt gần 3 tháng lênh đênh trên tắc ráng mà không thấy mặt đất đâu, muỗi, rắn và đỉa rất nhiều. Chỉ riêng quay được cảnh gió chướng thổi đoàn phim đã phải chờ suốt 3 - 4 ngày đêm mới thấy gió nổi lên. Hồi ấy, làm phim về chiến tranh không sử dụng kỹ xảo mà bối cảnh phải được thực hiện như thật. Trong Mùa gió chướng, những cảnh bom đạn, xe tăng, máy bay đều được dàn dựng đúng tinh thần của một thời khói lửa đầy ác liệt. Việc sử dụng vũ khí thật là một thách thức lớn đối với đoàn làm phim và diễn viên, trong khi yêu cầu chỉ được quay đúng một lần nên nguy hiểm luôn rình rập. Ở ngay những khung hình đầu tiên, khán giả sẽ bị cuốn hút bởi cánh đồng nước mênh mông nơi đó hai chiến sĩ du kích đang trầm mình trong nước, núp sau những thân cây tràm để tránh máy bay trực thăng đang treo lơ lửng trên đâu. Song có lẽ thú vị nhất, đậm đà và gợi cảm nhất là trường đoạn Châu gặp Bé Ba tại trạm giao liên trên đồng nước. Ở đây kết hợp được sự hoành tráng của thiên nhiên trong mùa nước nổi mênh mông với chất thơ dung dị được khơi gợi từ các chi tiết tạo hình của bối cảnh và nhất là của đôi trai gái đang xuân hồng phơi phới. Cảnh hai người đùa giỡn trong đầm sen là một trong những cảnh đẹp của bộ phim. Đặc biệt ở Mùa gió chướng, Hồng Sến đã thành công khi mô tả hình ảnh của người nông dân Nam bộ mà ông quá đỗi thương yêu qua hình tượng ông Tám Quyện. Bộ tứ Nguyễn Quang Sáng - Hồng Sến - Lâm Tới - Đường Tuấn Ba đã làm lay động bao trái tim khán giả chỉ với trường đoạn ông Tám Quyện bị chôn sống - một phân cảnh diễn xuất kinh điển tuyệt vời.
Trong phim Cánh đồng hoang, khi quay cảnh cây sào cắm đứng xuống nước, để cùng lúc giữ cho được sinh mạng vợ chồng Ba Đô và đứa con nắm sào ẩn sâu dưới lòng sông tránh máy bay địch ruồng bố. Hai tay cầm máy mà lòng ông như thắt lại trước loạt thao tác rất nhanh của vợ chồng Ba Đô như bồng thằng nhỏ, bỏ vào bao ni-lông rồi nhấn nhanh xuống nước đến mấy phút đồng hồ. Trong khi đấy động cơ tiếng máy bay ầm ĩ, trộn lẫn những mảng gió bạt mạnh nghiêng ngả liên hồi, từ 3 chiếc cánh quạt của máy bay trực thăng. Tất cả tạo thành bối cảnh đau nhói thuộc hai thái cực đối lập sinh tử ấn tượng. Một bên là tìm diệt, một bên cố lẩn trốn để bảo vệ sự sống. Ống kính của ông vừa tả thực, nhưng vẫn lồng lộng trào dâng chất trữ tình, hùng tráng trước bối cảnh vô cùng khốc liệt của cuộc chiến. Khi quay trung cảnh Sáu Xoa (làm tiền cảnh) chạy lao về phía trước tìm chồng con, khi bị địch bắn vỡ xuồng. Còn hậu cảnh là cánh đồng nước bị đẩy lui về phía sau, ông quyết định sử dụng động tác máy traveling cầm tay và ngồi trên xuồng cùng lướt thật nhanh theo nhân vật; Có khi lại liều mạng treo mình bên cánh cửa máy bay dùng ống kính top shot (trên cao quay xuống), để quay toàn cảnh máy bay trực thăng quần thảo trên cao, còn ở dưới mặt đất tạo hình ảnh, từng đợt sóng lúa đổ nghiêng lăn tăn lan tỏa như một thảm lúa vàng... Rồi đoạn quay thằng bé ngồi chơi bên mép sàn nhà, nó cứ bò vô tư. Một bên là người mẹ đang lui cui nấu ăn, một bên là đứa con tự chơi một mình. Máy quay canh đường bò của bé, ngay lúc cu cậu vừa rớt xuống nước thì anh Ba Đô đang lợp nhà trên cao nhảy xuống cứu, làm động tác tìm kiếm rồi mới vớt. Mọi hoạt động đều diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp từ đạo diễn, quay phim đến diễn viên để không phí đi khoảnh khắc “vàng”.
Không gian đề cập tới trong bộ phim Cánh đồng hoang chỉ vỏn vẹn trong chu vi của một cánh đồng hoang, nhưng lại khai thác cả không gian từ dưới nước (phía dưới mặt nước cánh đồng) đến tận trên không (nơi máy bay Mỹ đang quần thảo). Bộ phim mang tính cô đọng, khái quát cao, tả rõ tội ác của đế quốc Mỹ và lột tả tình cảm gia đình, tình cha con, tình vợ chồng sâu sắc và thắm thiết, nói lên việc mặc dù chiến tranh khốc liệt và sự hiểm nguy hằng ngày rình rập vẫn không thể ngăn nổi sự hồn nhiên, yêu đời trong cuộc sống của người dân thường yêu nước. Xuyên suốt bộ phim là sự giằng co chiến đấu về cả sắc thái tinh thần giữa hai bên, một bên là gia đình đầm ấm của Ba Đô, với cảnh vợ chồng âu yếm nhau và đứa con luôn được cho bú với một bên là cảnh gầm rú và bắn phá khốc liệt của máy bay được trang bị đầy súng đạn. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của nhân dân đất nước Việt Nam nghèo, nhỏ chống lại một thế lực lớn và giàu là đế quốc Mỹ. Với hai hình ảnh này, tác giả truyện phim đã chứng minh sinh động một nghịch lý vẫn được xem như là một bản sắc độc đáo và nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là nghịch lý của nhỏ thắng lớn, nghèo thắng giàu, yếu thắng mạnh. Có thể nói bộ phim này là một bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.
Được liên tiếp làm việc với cố đạo diễn - NSND Hồng Sến - người nghệ sĩ tài ba giỏi quay phim và cả dựng cảnh (nhất là đề tài chiến tranh), vậy mà trong thời gian làm cả ba phim, ông không bao giờ kiểm tra, nhìn đến "viseur" của máy quay. Đạo diễn hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào sự sáng tạo của ông qua các khung hình. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới về con người, tính cách của vị đạo diễn tài ba này, trong ông luôn tràn ngập sự nâng niu và quý trọng.
Thật hạnh phúc khi luôn chủ động được cầm máy (giảm dùng chân máy), giúp tạo khuôn hình cực kỳ biến hóa, sinh động. Được sử dụng sáng tạo những cú máy sở trường luôn cầm tay quay như: trên sông nước, trên máy bay, bom nổ, động tác khẩn trương, rượt đuổi… rất cần yếu tố thao tác ống kính mạnh; Thích những cảnh traveling cầm tay trên xuồng và traveling cầm tay bằng ray trên bờ, đem lại hiệu quả thôi thúc, hăng hái, tươi vui, tấp nập… Song đôi khi lại rất cần đưa vào khung hình hiệu quả của cảnh Rejim trữ tình, thơ mộng và luôn được làm chủ nguồn sáng. Luôn cầm máy bằng tay; Sử dụng tinh tế, hiệu quả các động tác máy và những thế mạnh của ống kính. Ông luôn thích sử sụng “ống kính mạnh”, nên rất cần bộ thần kinh vững, sức khỏe tốt, biết định hướng bối cảnh, đó là những tố chất không thể thiếu của người quay phim.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã quay gần 100 bộ phim truyện nhựa, video, tài liệu và cải lương, nhưng ông chưa bao giờ có cú “vấp” chân bất ngờ. Nhưng lại có một cú “hồn xiêu” duy nhất trong cuộc tháo chạy kinh hoàng vì ông “quản tượng” lên cơn quất vòi và rống ầm ĩ. Số là để quay được cảnh toàn rộng đoàn voi chở những tên buôn lậu đi trong rừng (phim Chiếc vòng bạc, năm 1982), cả 3 người đạo diễn, quay phim và phó quay phải ngồi trên lưng một con voi khác. Ai dè khi 3 anh em sắp đến gần chuẩn bị leo lên lưng… thì “ông tượng” bất thần nổi cơn. Thế là các ông chạy bán sống,bán chết đến nỗi khi dừng lại, ai cũng thấy “lạnh” cả đáy quần (cười)… Ui cha thật may toàn bộ máy móc, không hề bị trầy xước…
Trong 21 phim truyện nhựa, 47 phim truyện video, ngoài 3 phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Vùng gió xoáy của đạo diễn Hồng Sến, ông đã từng làm việc với các đạo diễn tên tuổi như: Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Bùi Sơn Duân, Việt Linh, Đào Bá Sơn, Xuân Thành, Xuân Cường, Hồ Ngọc Xum, Hồ Nhân, Lý Sơn, Xuân Phước, Lê Văn Duy, Cao Thụy, Lâm Mộc Khôn… qua các phim tiêu biểu như: Chiếc vòng bạc, Những tháng ngày êm ả, Câu chuyện của Tuấn, Nơi bình yên chim hót, Phù sa, Hòn đất, Hai chị em, Bão U Minh, Người tìm vàng, Thanh gươm để lại, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc, Sơn thần thủy quái, Biệt đội hắc ám, Cái chết của nhà tỷ phú, Hiệp sĩ bất đắc dĩ, Người bất hạnh, Tỷ phú không tiền, Nước mắt học trò, Mùa săn máu, Nữ sinh quý tộc, Hào phú đa tình, Khung trời lỡ hẹn, Trường xưa kỉ niệm, Dũng Sài Gòn, Pháp trường êm ả, Giã từ cát bụi, Bằng lăng tím… Bộ phim truyện nhựa Trái đắng của đạo diễn Lê Văn Duy thực hiện năm 2001 - là bộ phim quay cuối cùng trong sự nghiệp cầm máy của ông.
Năm 1991, NSƯT - nhà quay phim Đường Tuấn Ba nghỉ hưu. Vậy là sau 15 năm, 7 tháng, ông đã làm tròn vai của người công chức và một nghệ sĩ. Là một trong những tay máy chuyên nghiệp, đam mê, bản lĩnh đầy sáng tạo. Với đồng nghiệp ông luôn nhận được sự quý mến, trân trọng qua nhiều tình cảm sẻ chia. Với thành tích trên, Nhà nước đã 4 lần ghi nhận: Huân chương lao động hạng nhì, Huy chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp điện ảnh, danh hiệu NSƯT với các giải thưởng trong nước và quốc tế: LHPVN lần thứ 5 năm 1980, bộ phim Mùa gió chướng đoạt Bông sen Bạc; Cánh đồng hoang đoạt Bông sen Vàng, quay phim Đường Tuấn Ba nhận giải thưởng quay phim xuất sắc nhất cho hai bộ phim trên; Phim Cánh đồng hoang dự LHPQT tại Matx-cơ-va năm 1981 đoạt Huy chương Vàng và giải Đặc biệt của liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế; Phim Vùng gió xoáy đoạt Bông sen Bạc tại LHPVN lần thứ 6 năm 1983 - Giải hiệp hội quốc tế các câu lạc bộ Điện ảnh AICC; Giải của Tổng công hội Tiệp Khắc LHPQT Karlovy Vary 1982; Phim Chiếc vòng bạc nhận Bằng khen LHPVN lần 6 năm 1983; Phim Người tìm vàng dự LHPQT Nantes (Pháp) năm 1990 và năm 1993 dự Rotterdam tại Hà Lan… Nhưng cho tới ngày về hưu ông chỉ nhận vỏn vẹn một triệu bốn trăm ngàn đồng (không sổ hưu, không sổ bảo hiểm y tế). Do quá khó khăn, ông cũng từng mấy lần làm đơn đề nghị Nhà nước cứu xét cấp sổ hưu, nhưng chỉ nhận sự im lặng…. Điểm tựa chính của ông là bà Nguyễn Thị Minh - người vợ phúc hậu hết mực thủy chung, thương yêu chồng con. Gần 40 năm sống trong căn hộ chật hẹp (hơn 30m2 ở cư xá Thanh Đa) cùng 4 người con (khi họ chưa lập gia đình riêng). Mỗi khi ông nói chưa chính xác năm sản xuất bộ phim nào là bà điềm đạm nhắc lại thật chính xác. Vậy mà bà đã ra đi hơn một năm nay, để ông lại một mình lặng lẽ trầm tư… sống cùng vợ chồng cậu con trai út Đường Anh Tuyền. Ông nói nhỏ “Trong đời tôi thường chỉ có hai thứ, bông hồng và em. Bông hồng chỉ có một ngày, còn em thì luôn luôn, mãi mãi...”.
Nhà quay phim - NSND Đường Tuấn Ba đã về trời trên chuyến xe thời gian một chiều | |
'Tà Năng - Phan Dũng': Bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam về đề tài sinh tồn |
Vũ Liên