(TGĐA) - Năm 2022 chắc chắn là năm khó quên nhất trong sự nghiệp của Greig Fraser, khi anh giành được giải Oscar cho Quay phim xuất sắc với phim Dune. Bên cạnh đó, Greig còn đứng sau những hình ảnh tuyệt đẹp của The Batman – bom tấn siêu anh hùng vẫn đang càn quét phòng vé toàn cầu. Hãy cùng TGĐA khám phá con người của Greig Fraser – “ông vua” hình ảnh mới ở Hollywood qua phần phỏng vấn với 1 số trang điện ảnh quốc tế.
|
Đã có trong tay tượng vàng Oscar và lúc này anh đã thôi hết vui sướng rồi chứ Greig?
Dĩ nhiên là không, hiện giờ trong tôi vẫn còn đầy những xúc cảm lâng lâng. Sau khi mang tượng vàng về, tôi đã ra quán bar ăn mừng với bạn bè. Hiện giờ, tôi vẫn muốn gửi lời cảm ơn tới đạo diễn Denis Villeneuve và đội ngũ sản xuất tuyệt vời của Dune đã cho tôi cơ hội này. Bên cạnh đó chính là Jodie (vợ của Greig Fraser) và các con mình, vì đã cho phép tôi ra ngoài “chơi” cùng với bạn bè tận 6 tháng trên những cồn cát.
Anh đã từng thành công với những bộ phim tầm cỡ như Zero Dark Thirty, Lion, Vice, Rogue One rồi series The Mandalorian. Trong từng ấy thời gian, theo anh công nghệ đã ảnh hưởng ra sao tới việc quay phim của mình?
Nó giống như một con dao 2 lưỡi vậy. Bạn có đủ điều kiện để phá vỡ những nền tảng đã được định hình trong cách làm phim, tạo ra những giá trị đột phá mới. Tuy nhiên không phải cái nào mới cũng tốt, đôi lúc chúng có thể tạo ra sự khó chịu hay phản cảm, hay làm lu mờ những gì người ta quan tâm về bộ phim. Dù sao hình ảnh hay cảnh quay cũng chỉ là yếu tố để tôn lên nội dung và ý nghĩa của bộ phim, nhưng nhiều khi sẽ không hay khi vượt quá điều đó.
Ngoài ra tôi biết có một vấn đề mà nhiều ê-kíp sẽ gặp phải. Đó là công nghệ càng mới thì càng có nhiều tranh cãi xảy ra. OK, bạn có thể là người nắm trong tay công nghệ nhưng người quyết định và tạo ra giá trị bộ phim lại là bộ phận làm hậu kỳ. Điều đó sẽ dẫn tới phải có những cuộc thảo luận, những cuộc tranh cãi rằng công nghệ bạn sử dụng mang lại giá trị gì cho bộ phim. Vì vậy, bất cứ khi nào có một sự thúc đẩy công nghệ mới, luôn có một chút khó khăn khi nói đến ai là người kiểm soát nó. Kiểm soát ở đây là nó sẽ ảnh hưởng tới bộ phim thế nào.
Cơ duyên nào khiến anh trở thành một phần của Dune?
Tôi có chơi với Roger Deakins – nhà quay phim từng cộng tác với Denis Villeneuve trong bộ phim Sicario (2015) và dĩ nhiên, tôi đã từng gặp Denis trong một bữa tiệc nướng tại nhà Roger. Trước đó tôi cũng xem rất nhiều phim của anh ấy như Polytechnique hay Incendies và chúng thực sự rất tuyệt vời. Còn Denis là một con người ấm áp, khiến bạn cảm mến khi tiếp xúc lần đầu tiên.
Sau lần gặp đó, tôi luôn dõi theo sự nghiệp của Denis Villeneuve, từ những phim Prisoners, Enemy hay Blade Runner 2049. Hâm mộ anh chàng đó là vậy nhưng tôi chưa bao giờ mong sẽ được làm việc cùng Denis. Cho tới một hôm đẹp trời anh ấy gọi cho tôi và nói: “Tôi muốn nói chuyện với anh về bộ phim tôi đã mơ ước làm bấy lâu, nó được gọi là Dune”.
|
Denis Villeneuve đã nói gì với anh khi hai người gặp nhau?
Truyện gốc và bộ phim đầu tiên về Dune không có sự phổ biến bằng những thương hiệu như Star Wars. Nếu Star Wars hấp dẫn mọi lứa tuổi thì Dune lại hợp gu với những đứa trẻ tầm tuổi thiếu niên trở lên. Denis Villeneuve đã tâm sự với tôi rằng anh ấy say mê Dune từ khi 14 tuổi, còn tôi thì thực sự chẳng hiểu gì vì tôi là fan của Star Wars, nên tôi cứ ngồi nghe anh ấy nói cả tiếng với đầu óc khá trống rỗng ban đầu.
Sau 3 giờ nói chuyện, cuối cùng tôi cũng thấm thía những gì mà Denis truyền tải, anh ấy thực sự đam mê nó. Sau đó, tôi quay đi và quay lại với một số suy nghĩ về mặt kỹ thuật, về cách chúng tôi quay, nơi chúng tôi quay, những gì chúng tôi quay, định dạng…, nói chung là hàng nghìn ý tưởng hiện lên trong đầu tôi.
Có bao nhiêu camera có thể sử dụng trong một phim mà anh từng tham gia?
Cái đó là tùy thuộc vào đạo diễn, Như Jane Campion chỉ thích dùng 1 camera. Garth Davis cũng thích 1 camera hoặc 2 cái. Denis Villeneuve, muốn nhiều nhất có thể. Còn với Kathryn Bigelow (đạo diễn Zero Dark Thirty), cô ấy từng muốn phim của mình có tới 17 ngàn camera nếu đủ chỗ và điều kiện. Nghe có điên rồ không nào?
VFX (hiệu ứng hình ảnh) của Dune được thực hiện khá tốt, nhưng anh có gặp khó khăn để phối hợp với bộ phận hiệu ứng hay không?
Để nói ra thì rất dài nhưng tôi sẽ cố gắng cho bạn ví dụ tiêu biểu nhất. Có một cảnh quay tôi muốn lấy ánh sáng thực khi quay ở Budapest, như thế mới đảm bảo tất cả những gì có trong tầm nhìn của tôi. Tuy nhiên, để làm cho xe cộ hay những tòa nhà ở xung quanh biến mất trong cảnh quay đó, bộ phận VFX sẽ phải sắp xếp những phông màu xanh ở xung quanh để tiện cho việc xử lý hậu kỳ.
Thế nên bạn biết đó, phông xanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc lấy sáng. Cũng may chúng tôi đã có Paul Lambert, chuyên gia hiệu ứng đỉnh nhất nhì thế giới, anh ấy đã tìm cách khắc phục cho tôi. Cả hai rốt cuộc cũng tìm được sự cân bằng.
Mải nói về Dune mà chúng ta có lẽ đã quên mất một phim khác anh đảm nhận quay phim là The Batman. Bộ phim của đạo diễn Matt Reeves làm khó anh nhất ở điểm gì?
Rất khó vì Batman (Người Dơi) là hiện thân của bóng tối, nên lúc nào tôi cũng hay nói với nam chính Robert Pattinson rằng: “Này anh bạn, tôi rất xin lỗi. Tôi thực sự muốn nhìn thấy đôi mắt của anh”, nhưng thực sự rất khó lấy sáng vào đôi mắt của Robert. Để đạt được sự cân bằng là rất khó, khán giả xem phim đôi lúc không thể nhìn thấy hết bộ trang phục của Người Dơi, bởi nếu bạn thắp sáng quá mức cần thiết, ánh sáng mà bạn mang lại có thể sẽ đưa câu chuyện đi theo một chiều hướng khác.
Rất thông cảm cho anh còn một số người lại cho rằng, The Batman tìm thấy vẻ đẹp trong bóng tối, anh nghĩ sao?
Dù bóng tối có là màu đen, nhưng chúng tôi cũng phải tìm ra sự cân bằng bên trong nó, nếu không khán giả sẽ khó chịu. Tôi muốn đảm bảo rằng có những luồng ánh sáng trong mọi khung hình. Rằng không bao giờ chỉ có “đen với đen”. Vì thế, chắc chắn sẽ có những vùng ánh sáng trong hầu hết mọi khung hình, và nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy những luồng sáng đó. Bạn đang tập trung vào Batman với xung quanh là một màu tối, nhưng có thể phía sau lưng anh ta có ánh sáng.
Ánh sáng có thể đến từ những thứ rất nhỏ, một ít trên má ở anh ta, hay chỉ là trong những nụ hôn…, tất cả những thứ đó đều được sử dụng với mục đích tạo nên sự cân bằng.
Cảm ơn câu trả lời của anh!
Greig Fraser (sinh ngày 3/10/1975), là nhà quay phim người Úc từng theo học tại Đại học RMIT. Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh tham gia quay phim bao gồm Zero Dark Thirty (2012), Lion (2016), Rogue One (2016), Vice (2018), Dune (2021) và The Batman (2022). Với đóng góp của mình trong phim Lion, anh đã nhận được một đề cử giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất và một giải BAFTA cũng cho hạng mục tương tự. Năm 2020, Fraser đã giành được giải Primetime Emmy cho Quay phim xuất sắc cho loạt phim máy quay đơn (nửa giờ) cho những đóng góp của anh trong phim truyền hình The Mandalorian. Năm 2022, anh tiếp tục chiến thắng hạng mục Quay phim xuất sắc nhất tại Oscar cho phim Dune. |
Vũ Anh