PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Không đẩy mạnh xã hội hóa thì công tác hội vẫn bị nhiều hạn chế!

(TGĐA) - PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã có những chia sẻ với Tạp chí Thế giới điện ảnh về công tác Hội năm qua cũng như hướng phát triển của Ban chấp hành trong năm tới.

Hội điện ảnh Việt Nam kết nạp 9 hội viên mới tại Bình Thuận Hội điện ảnh Việt Nam kết nạp 9 hội viên mới tại Bình Thuận
PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đoàn kết, tiếp tục đổi mới và đề cao sự năng động, dám nghĩ dám làm của Ban Chấp hành và Hội viên! PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đoàn kết, tiếp tục đổi mới và đề cao sự năng động, dám nghĩ dám làm của Ban Chấp hành và Hội viên!
PGS.TS - Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Sau Kiều @ nếu dịch Covid được đẩy lùi, ekip sẽ sang Mông Cổ thực hiện dự án mới PGS.TS - Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Sau Kiều @ nếu dịch Covid được đẩy lùi, ekip sẽ sang Mông Cổ thực hiện dự án mới
PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX....
PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX

Cuối năm luôn là dịp để tổng kết công việc. Với cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, xin ông đánh giá khái quát về công tác của Hội trong năm qua?

Đáng mừng là trong năm qua công tác Hội của chúng ra đã có nhiều khởi sắc và thay đổi đáng kể bởi kết quả bước đầu của công tác xã hội hóa mang lại. Nếu tính từ 04/12/2021 - ngày mà Ban Chấp hành (BCH) Hội chính thức được kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt đến nay, BCH cùng Văn phòng Hội, các đơn vị trực thuộc và chi hội cơ sở đã tập trung triển khai chương trình hoạt động, công tác Hội trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ và thu được những kết quả đáng khích lệ.

Hứng cuộc vận động của Hội, nhiều hội viên tiếp tục nhiệt tình tham gia sáng tác tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình hưởng ứng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Hội cũng tích cực đóng góp vào thành công của Hội thảo “Nâng cao vị thế của giới văn nghệ sĩ - trí thức vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận phê bình Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Trong năm qua, từ nguồn ngân sách hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật cho giai đoạn 2020 - 2025 Hội đã tài trợ ban đầu cho 115 kịch bản các thể loại và công trình nghiên cứu lý luận, phê bình của hội viên. Khắc phục những gián đoạn sau đại dịch Covid-19, Hội đã tiếp tục mở 04 trại sáng tác kịch bản: tại Tam Đảo cho 15 tác giả; tại Nha Trang cho 20 tác giả; tại Đà Lạt cho 15 biên kịch phim hoạt hình và Trại Bạc Liêu cho 15 tác giả (theo hình thức xã hội hóa). Cử 03 đạo diễn tham gia chuyến đi thực tế sáng tác tại Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 để hoàn thành 2 bộ phim phóng sự tài liệu về đề tài Bộ đội hải quân là Lại về Trường SaTrường Sa - miền đất quê hương và một số hội viên đi thực tế sáng tác tại các địa phương khác. Cùng với những hoạt động hỗ trợ sáng tác nêu trên, Hội còn tổ chức Lớp tập huấn làm phim phóng sự, tài liệu cho người làm phim truyền hình khu vực Nam Trung bộ tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam từ 21/10 - 30/10/2022 với 65 học viên đã dự lớp và hoàn thành 04 phim tài liệu và phóng sự.

Lớp tập huấn làm phim của Hội tổ chức năm 2022 ở Quảng Nam
Lớp tập huấn làm phim của Hội tổ chức năm 2022 ở Quảng Nam

Năm 2022 do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên hoạt động đào tạo qua các lớp ngắn hạn của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) thuộc Hội đã được triển khai sâu rộng hơn, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, từ tháng 01/2022 đến tháng 11/2022 Trung tâm đã tổ chức 04 lớp phim tài liệu (miễn phí), 06 lớp phim truyện, 07 lớp diễn xuất “Bạn có thể”, 07 lớp biên kịch, 03 lớp quay phim, 04 lớp nghiên cứu - phê bình phim, 02 lớp sản xuất, 01 lớp đạo diễn, 02 lớp quay dựng và 3 lớp dành cho học sinh tiểu học. Học viên các lớp đã thực hiện được 07 phim tài liệu, 08 phim truyện và 06 phim của học sinh tiểu học, tài trợ 2 dự án phim tài liệu dài và 10 dự án phim truyện ngắn. Phối hợp với Học viện ngoại giao tổ chức lớp Phân tích phim cho sinh viên; phối hợp với ĐSQ Hoa Kỳ tổ chức Hội luận về phim tài liệu. Cùng với đó, Trung tâm cũng tiếp tục hoạt động xây dựng cộng đồng như: tổ chức trình chiếu và giao lưu về Điện ảnh Việt Nam tại Hà Nội (tháng 3,4/2022), chuỗi thuyết trình về Điện ảnh Châu Á (tháng 8,9/2022), Ngày trải nghiệm điện ảnh TPD dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến (9/2022)… thu hút hàng trăm lượt bạn trẻ tham gia. Trung tâm đã phối hợp với Unesco, Panasonic tổ chức dự án điện ảnh On the Reel Film Lab 2, Sonic Ground, chương trình Qua ống kính trẻ thơ (hướng dẫn học sinh cấp 2, 3 tại Hà Nội và Đông Anh thực hiện 17 bộ phim ngắn), phối hợp với trường liên cấp Olympia tổ chức Câu lạc bộ điện ảnh… Học viên của Trung tâm đã có tác phẩm (phim ngắn) đoạt Giải Nhất Cuộc thi phim TikTok 2022 và 01 phim tài liệu chính thức được tuyển dự Giải thưởng Oscar (phim Những đứa trẻ trong sương mù của học viên Hà Lệ Diễm). Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - phụ trách Trung tâm TPD, cũng vừa giành Giải nhất của Liên hoan phim Quốc tế 3 Châu tại Nantes (CH Pháp) cho bộ phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ.

Trại sáng tác hoạt hình do Hội tổ chức năm 2022
Trại sáng tác hoạt hình do Hội tổ chức năm 2022

Một nét mới nữa là Trung tâm Dịch vụ phát triển điện ảnh của Hội mới được thành lập đã tích cực đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, góp phần tích cực vào công tác tổ chức Giải thưởng Cánh diều 2021 tại Nha Trang - Khánh Hòa. Trung tâm phối hợp với Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình truyền hình “Chiến thắng cùng con” biểu dương những con người đang ngày đêm giúp đỡ trẻ em tự kỷ, đồng thời cổ vũ các bậc cha mẹ cùng con nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh; phối hợp với Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi phim ngắn TikTok 2022, góp phần đẩy mạnh hoạt động sáng tác trẻ của Hội và phát hiện, tìm kiếm tài năng trẻ.

Với bề dày hợp tác trong nhiều năm, Hội tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 8 năm 2022 với 81 tác phẩm tham dự, góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Cũng trong năm qua, Hội vẫn kiên trì nhiều lần kiến nghị các Ban, Bộ, Ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, giải quyết những tồn đọng trong vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, văn nghệ sỹ ngành Điện ảnh.

Một điểm sáng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm vừa qua là tổ chức thành công giải thưởng Cánh diều 2021 tại thành phố biển Nha Trang. Nhân dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, ông có thể chia sẻ “chuyện giờ mới kể” về hậu trường việc để Cánh diều có thể “no gió” bay trong lần đầu tiên rời hai địa điểm quen thuộc là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh?

Trước hết xin ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực của tập thể cán bộ Văn phòng Hội và những cá nhân đã tích cực hỗ trợ Hội trong việc “chạy nước rút” để tổ chức cho Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 18 (2020) trong hoàn cảnh cả nước vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid 19 và lúc đó tại Hà Nội nhiều ca lây nhiễm bởi biến chủng mới đang bùng phát. Ban tổ chức chỉ có vẻn vẹn hai tuần để chuẩn bị cho Lễ trao giải thưởng. Vậy mà, chiều 22/12/2021 Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2020 vẫn được tổ chức trang trọng với sự tham dự của gần 200 đại biểu tại khách sạn Hà Nội Vàng (Hanoi Golden Lake) trong một khung cảnh sang trọng và tươi mới để tôn vinh thành quả lao động nghệ thuật của hội viên trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh. Sở dĩ làm được vậy là nhờ có sự phối hợp hiệu quả của Hội với Thời báo Văn học Nghệ thuật (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và sự hỗ trợ của Tập đoàn Hòa Bình - chủ sở hữu khách sạn Hà Nội Vàng.

Hội điện ảnh đã tổ chức thành công giải thưởng Cánh diều 2021 diễn ra tại TP Nha Trang
Hội Điện ảnh đã tổ chức thành công giải thưởng Cánh diều 2021 diễn ra tại TP Nha Trang

Ngay sau đó, BCH hầu như không có quãng nghỉ lại khẩn trương bắt tay vào lo cho Cánh diều lần thứ 19. Sau 18 lần chỉ tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với khát khao tiếp tục đổi mới hình ảnh Cánh diều Ban Tổ chức (BTC) mong muốn đưa Lễ trao giải lần thứ 19 tới không gian, cảnh quan mới và Nha Trang là địa điểm được chọn. Đây là một quyết định, có thể nói, can đảm và có phần hơi “liều” của Lãnh đạo Hội. Bởi điều đáng bận tâm nhất trong trường hợp này không hẳn việc tổ chức thế nào cho hay, mà là có đủ tài chính để làm không vì nguồn lực sẽ quyết định mọi quy mô và hình thức đi cùng. Thực tế, thách thức lớn nhất với BTC là tất cả các khoản chi cho sự kiện đều bị “đội” lên, mà nặng nhất là chi phí vé máy bay cho khoảng 400 đại biểu từ hai đầu Bắc, Nam đến với Nha Trang; rồi khách sạn, ẩm thực, phương tiện đưa đón đại biểu; chi phí cho phần “Hội” bao gồm sự kiện thảm đó ngoài trời đúng tính chất của nó với nhiều hoạt động trình diễn văn nghệ, âm thanh, ánh sáng, việc dàn dựng sân khấu trong khán phòng đêm trao giải… Các chi phí cho phần “Lễ” cũng gia tăng nhiều, nhất là các khoản chi thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp, các tiết mục văn nghệ, liên hoan sau lễ trao giải…

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Không đẩy mạnh xã hội hóa thì công tác hội vẫn bị nhiều hạn chế!
Liên hoan phim Môi trường do Hội Điện ảnh phối hợp tổ chức

Một khó khăn nữa mà BTC chưa tính đến đó là việc vé máy bay tăng giá do thời điểm dự kiến tổ chức lễ trao giải vào đúng cao điểm mùa du lịch ở thành phố biển Nha Trang; trong khi các chuyến bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Cam Ranh không nhiều như một số các tuyến khác. Thú thật, những ngày chuẩn bị đó BTC đã phải đối diện nhiều áp lực, có lúc tưởng như không thể vượt qua. Sự thật, nếu không có sự chung tay, góp sức từ nhiều nguồn lực, sự giúp đỡ từ nhiều thể nhân, pháp nhân có điều kiện kinh tế và yêu mến điện ảnh thì Hội đã khó có thể làm nổi sự kiện quy mô như thế.

Khởi đầu bằng sự ủng hộ về chủ trương của các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tiếp đó là sự ủng hộ về địa điểm và vật chất từ Bến Du thuyền Ana Marina Nha Trang cho cuộc họp báo, rồi sự vào cuộc tích cực của các dơn vị chức năng trong Tỉnh… Việc ra đời Trung tâm dịch vụ điện ảnh của Hội do Phó Chủ tịch Mai Huyền Linh (Quyền Linh) làm Giám đốc chính là một hướng đi đúng để giải quyết hiệu quả công tác vận động tài trợ cho sự kiện và các hoạt động xã hội hóa tiếp sau của Hội. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thân hữu, mến mộ Quyền Linh và Chủ tịch Hội đã cùng tham gia đồng tài trợ cho chương trình. Đặc biệt, trong lúc khó khăn nhất về phương tiện vận chuyển đại biểu, Tập đoàn TTC đã trở thành nhà tài trợ chính giúp cho BTC có thêm nguồn lực tổ chức suôn sẻ sự kiện, “tiếp gió biển cho Cánh diều bay cao”. Theo đó, Giải thưởng Cánh diều của Hội lần đầu tiên tại Nha Trang - Khánh Hòa đã diễn ra với hàng loạt các hoạt động phong phú: Chiếu giới thiệu 12 tác phẩm điện ảnh dự giải trong 36 buổi chiếu cho hơn 4000 khán giả thành phố Nha Trang. Tổ chức giao lưu đoàn làm phim Bình minh đỏ với Bộ đội Hải quân tỉnh Khánh Hòa và đoàn phim Đêm tối rực rỡ! với sinh viên khoa nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa cùng các nhà biên kịch dự Trại sáng tác kịch bản Hội tổ chức tại Nha Trang cùng thời điểm. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Khánh Hòa tổ chức 19 điểm chiếu phim công cộng quảng bá Điện ảnh Việt Nam tại bãi biển, các cơ sở nghỉ dưỡng của Nha Trang (hoạt động đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings ra quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam “Đợt chiếu phim công cộng có số lượng điểm chiếu nhiều nhất ở Việt Nam để phục vụ nhân dân và du khách). Tổ chức thành công Hội thảo “Khánh Hòa - Điểm kết nối lý tưởng của Điện ảnh và Du lịch”. Với nhiều bản tham luận chất lượng, Hội thảo đã làm nổi bật triển vọng mối quan hệ hợp tác giàu tiềm năng giữa Điện ảnh và kinh tế, doanh nghiệp, du lịch cũng như tích cực quảng bá tiềm năng du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa. Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao nội dung, cách thức tổ chức và kết quả Hội thảo đạt được đồng thời đề nghị phối hợp với Hội tiếp tục tổ chức những hội thảo, tọa đàm như vậy trong thời gian tới. BTC đã tổ chức đón tiếp 400 đại biểu, nghệ sỹ, người làm phim từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương vào TP. Nha Trang dự Lễ công bố và trao Giải thưởng Cánh diều Vàng lần thứ 19. Sự kiện tâm điểm này đã diễn ra thành công chưa từng có và góp phần biểu dương, khen thưởng xứng đáng 54 hạng mục giải thưởng cho tác phẩm, nghệ sỹ điện ảnh - truyền hình xuất sắc năm 2021. Theo đánh giá chung của báo chí, truyền thông, Giải thưởng Cánh diều lần thứ 19 (2021) của Hội Điện ảnh Việt Nam đã được tổ chức tốt, có nhiều nét mới kể cả từ khâu thẩm định tác phẩm đến phần Lễ và Hội, làm nên một hoạt động văn hóa đặc sắc tạo hiệu ứng tích cực đến công chúng. VTV9 đã xác lập kỷ lục về lượng khán giả truy cập vào chương trình trình truyền hình trực tiếp sự kiện trên nền tảng kỹ thuật số của Đài. Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tặng Bằng khen cho Hội Điện ảnh Việt Nam vì “thành tích xuất sắc trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành văn hóa và du lịch tỉnh Khánh Hòa".

Năm 2023 sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và chắc hẳn, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều sự kiện chào mừng ngày kỷ niệm này. Ông có thể chia sẻ một chút về những sự kiện đó và giải thưởng Cánh diều năm tới, sẽ tiếp tục “bay” ở Nha Trang hay quay trở lại Hà Nội, hòa nhịp cùng những sự kiện kỷ niệm, thưa ông?

Sang năm 2023 là dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/03/1953 – 15/03/2023). Thời điểm này, khu di tích Điện ảnh Đồi Cọ tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đang được khẩn trương tu bổ, mở rộng bởi Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Cục Điện ảnh và Hội. Theo dự kiến, Hội sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm sự kiện tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, nếu điều kiện cho phép, Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo Điện tử Tổ Quốc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo “Điện ảnh kết nối Du lịch - Thực trạng và Giải pháp.

Đối với Hội và gắn với Hội, năm 2023 còn trùng hợp thêm những sự kiện có ý nghĩa. Đó là kỷ niệm tròn 20 năm Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam (2003 - 2023) và sự kiện “370 năm hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 – 2023)”. Tiếp sau thành công của Giải thưởng Cánh diều 2021 vừa qua, nếu được sự chấp thuận của các cấp lãnh đạo Trung ương và tỉnh Khánh Hòa cũng như điều kiện kinh phí cho phép, Cánh diều lần thứ 20 có thể sẽ lại bay cao tại thành phố biển Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa giàu lòng mến khách, qua đó góp phần kích cầu du lịch, xây dựng thương hiệu của một địa danh nổi tiếng gắn với Giải thưởng nghề nghiệp của Hội. Trong trường hợp không “đến hẹn lại lên” ở Nha Trang, BCH đã có sẵn phương án thích hợp.

Đã hơn 1 năm kể từ khi ông và BCH mới dẫn dắt Hội Điện ảnh Việt Nam, ông nhận thấy những khó khăn và thách thức nào mà một hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh phải đối mặt?

Trong triển khai hoạt động, khó khăn nhất và muôn thuở đối với Hội vẫn là sự eo hẹp về kinh phí. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách được cấp thì không thể triển khai đồng bộ mọi hoạt động, trong đó có công tác đối ngoại. Kinh phí từ ngân sách dự chi cho đối ngoại 2023 của Hội chỉ vỏn vẹn 35 triệu đồng; trong khi BCH đã dự liệu một chương trình hoạt động đối ngoại và giao lưu quốc tế khá phong phú. Dự kiến sẽ mời các nhà điện ảnh quốc tế đến dự Giải thưởng Cánh diều 2022 (Quý III/2023), các chuyên gia từ các nền điện ảnh lớn vào hướng dẫn các lớp nâng cao nghiệp vụ, hay cử tác phẩm, nghệ sỹ dự các Liên hoan phim quốc tế, đặc biệt là tổ chức Chương trình phim giành Giải thưởng Cánh diều tại Canada… Nhưng với điều kiện tài chính hạn hẹp kể trên, thì công tác xã hội hóa sẽ có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện được hay không kế hoạch đối ngoại đầy tham vọng trong năm tới của Hội…

Hoạt động tương ái, thăm hỏi hội viên cũng là mặt công tác khiến BCH rất trăn trở. Hiện việc thăm hỏi hội viên già yếu, ốm đau, phúng viếng hội viên qua đời (chưa nói đến thân nhân hội viên) chỉ ở mức hạn chế và khó có thể gọi là chu đáo. Hay cần chút kinh phí để gửi lẵng hoa chúc mừng các cơ quan, đơn vị, đối tác, hội bạn… nhân dịp lễ lược, kỷ niệm nào đó cũng là cả vấn đề. Nguyên do, Trung ương Hội không được ngân sách duyệt cấp nguồn chi này, trong khi các chi hội hầu như không thu được hội phí… Thế nên, nếu không đẩy mạnh động xã hội hóa để có thêm nguồn chi, thì hoạt động, công tác hội vẫn tiếp tục bị nhiều hạn chế.

Tình trạng Hãng phim nhà nước teo tóp dần, sự già hóa của Hội viên cũ cũng như việc nâng tầm ảnh hưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam với khối làm phim tư nhân là vấn đề bức thiết nhìn thấy được. Động thái của Hội Điện ảnh Việt Nam trước vấn đề này như thế nào thưa ông?

Tổng số hội viên (kể cả số hội viên vừa được kết nạp trong cả nước sau hơn 2 năm đại dịch) cho đến nay là 1969 người, trong đó hội viên lớn tuổi chiếm số đông. Có một thực tế là trong số nhiều các bạn trẻ đã có tác phẩm và hiện đang tích cực tham gia các đoàn phim ở các thành phần chuyên môn khác nhau, có nhiều trường hợp đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi khi không được bênh vực quyền lợi kịp thời lúc gặp sự cố như: tai nạn nghề nghiệp, nợ lương tới mức khó đòi… Do hoạt động nghề tự do, lại chưa phải là hội viên của Hội nên không có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ.

Để phát triển hội viên mới, chủ trương chung của BCH là nhắm vào đội ngũ sáng tác trẻ. Đặc biệt khu vực phía Nam vốn là một thị trường điện ảnh sôi động, nơi tập trung nhiều các cơ sở làm phim tư nhân. Kết nạp có chọn lọc hội viên mới, cùng với việc rà soát, chuẩn hóa danh sách hội viên hiện hữu, được coi là giải pháp thiết thực góp phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ hội viên của Hội.

Lễ kết nạp hội viên tại Chi hội điện ảnh Bình Thuận cuối năm 2022
Lễ kết nạp hội viên tại Chi hội điện ảnh Bình Thuận cuối năm 2022

Theo quy định của Điều lệ, Hội bắt đầu chú trọng phát triển lực lượng Hội viên danh dự bao gồm người hoạt động văn học nghệ thuật yêu thích điện ảnh và những doanh nhân, nhà đầu tư có khả năng đóng góp tích cực cho hoạt động Hội từ vật chất đến tinh thần. Đây là nguồn lực đặc biệt bao gồm những cá nhân tích cực, hăng hái tham gia kinh phí cho các hoạt động sản xuất phim; đóng góp thiết thực cho các hoạt động điện ảnh (tài trợ kinh phí tổ chức Liên hoan phim, tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản phim; đóng góp kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ chuyên môn…). Vừa qua, những hội viên danh dự đầu tiên đã được kết nạp tại Hà Nội (sẽ tiếp tục tại Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh…) hứa hẹn sẽ đem đến hoạt động, công tác hội những nét tươi mới.

Trong thực tiễn hoạt động, công tác Hội; hội viên ở các chi hội cơ sở đang hàng ngày cần mẫn tiến hành sáng tác và các hoạt động nghề nghiệp qua đó thiết thực đóng góp xây dựng Hội vững mạnh. Trong năm qua, hầu hết các chi hội trong cả nước nhất là Chi hội Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng, Chi hội Điện ảnh Quân đội, Chi hội Điện ảnh Đà Nẵng, Chi hội Viện phim Việt Nam, Chi hội Điện ảnh Quảng Trị, Chi hội Điện ảnh Lạng Sơn, Chi hội Điện ảnh Khánh Hòa, Chi hội Điện ảnh Hải Phòng, Chi hội Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Chi hội Hãng phim Giải Phóng, Chi Hội các Hãng phim TP. Hồ Chí Minh, Chi hội hội viên Cao tuổi TP. Hồ Chí Minh... đã duy trì nền nếp hoạt động tốt. Sắp tới, tại Thanh Hóa, Hội sẽ tổ chức kết nạp hội viên mới và thành lập chi hội cơ sở của Hội tại đây.

Luật điện ảnh mở rộng quyền hạn cho nhiều tổ chức tư nhân (ví dụ như tổ chức Liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh…) cũng khiến sức ảnh hưởng của Hội với ngành điện ảnh bị cạnh tranh. Đánh giá của ông về vấn đề này cũng như hướng đi sắp tới của công tác Hội là như thế nào, thưa ông?

Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/01/2023 sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng và mở ra nhiều “sân chơi” cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tham gia để cùng hướng đến mục đích chung là xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại, dân tộc, nhân văn và giàu năng lực hội nhập quốc tế. Trong thể chế kinh tế thị trường, sự ảnh hưởng lẫn nhau trong một môi trường mang tính cạnh tranh là xu thế phổ biến và lại chính là dấu hiệu tích cực. Sự cạnh tranh lành mạnh nhất, chuyên nghiệp nhất, theo chúng tôi, chính là sự đối thoại, hợp tác để tận dụng thế mạnh, nguồn lực của các bên để thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Trên bình diện này, các cơ sở, tổ chức điện ảnh ngoài khu vực nhà nước thời gian tới sẽ ngày càng có đóng góp tích cực hơn qua đó xác lập vị thế của mình.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh lại càng cần đến sự phản biện, tư vấn, tham gia của các “tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp” (hay theo định danh hiện nay là “tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”) như Hội của chúng ta. Nhưng - với tôn chỉ, mục đích và Điều lệ đã có, muốn phát triển và tạo vị thế vững chắc Hội trước hết phải phấn đấu hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được giao đồng thời chú trọng bồi đắp, nâng cao năng lực cạnh tranh từ thế mạnh nằm ở đội ngũ hội viên hùng hậu của Hội.

Xin cảm ơn ông!

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Không đẩy mạnh xã hội hóa thì công tác hội vẫn bị nhiều hạn chế!
PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX

Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, tôi xin thay mặt BCH Hội điện ảnh Việt Nam, xin chân thành gửi đến toàn thể Quý Hội viên và Quý độc giả của Tạp chí Thế giới Điện ảnh trên mọi miền đất nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và những thành công mới!

Hội điện ảnh Việt Nam kết nạp 9 hội viên mới tại Bình Thuận Hội điện ảnh Việt Nam kết nạp 9 hội viên mới tại Bình Thuận

(TGĐA) – Hội điện ảnh Việt Nam vừa làm lễ kết nạp cho 9 hội ...

PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đoàn kết, tiếp tục đổi mới và đề cao sự năng động, dám nghĩ dám làm của Ban Chấp hành và Hội viên! PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đoàn kết, tiếp tục đổi mới và đề cao sự năng động, dám nghĩ dám làm của Ban Chấp hành và Hội viên!

(TGĐA) - Đó là một trong nhiều chia sẻ của PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh ...

Gia Hoàng