(TGĐA) - Đó là một trong nhiều chia sẻ của PGS-TS, Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú với Tạp chí Thế giới điện ảnh khi ông chính thức đảm nhận cương vị mới - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX (2020 – 2025).
Chi hội các Hãng phim TP.HCM bầu bổ sung Chi hội trưởng và Chi hội phó nhiệm kỳ 2020 - 2025 | |
Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh kết nạp thêm 34 hội viên mới |
|
Xin chúc mừng PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú với cương vị mới - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông muốn chia sẻ điều gì với Hội viên và những người làm điện ảnh khi chính thức đảm nhận vị trí này?
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) diễn ra từ 19/9 - 21/9/2020 tại Hà Nội đã bầu ra Ban Chấp hành khóa IX với 15 thành viên. Tuy nhiên, đến ngày 04/12/2021 vừa qua phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành khóa IX mới được triệu tập để bầu các chức danh lãnh đạo của Hội và tôi vinh dự được Ban Chấp hành tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Hội cùng 4 Phó Chủ tịch: nguyên Chánh Văn phòng Hội Nguyễn Văn Tân (Thường trực), NSND Lê Hồng Chương, NSƯT Đỗ Thanh Hải và diễn viên Mai Huyền Linh (Quyền Linh). Với tôi, đây là vinh dự to lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề phải làm sao để cùng Ban Chấp hành điều hành công tác Hội đạt hiệu quả tích cực khi phía trước là nhiều khó khăn đang chờ đợi. Ví như, nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác giai đoạn 2021 - 2025 cho các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2021 nhưng đến nay do khó khăn chung vẫn chưa đến tay các Hội. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội mà hoạt động, công tác Hội của chúng ta cũng không thoát khỏi hệ lụy. Rồi sau Tết Nguyên đán Trung ương Hội sẽ phải rời trụ sở đang “yên ấm” ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để đi ở tạm đâu đó trong suốt 2 năm dành chỗ cho công trình xây dựng khu trụ sở cơ quan các Hội tại đây… Và hậu quả nhãn tiền là 2 hội nghị tổng kết công tác và gặp mặt hội viên dự kiến vào tháng 1/2022 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể thực hiện vì Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo dừng hết các hoạt động tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, tôi tin rằng sau mưa trời sẽ nắng, những tháng ngày ảm đạm bởi dịch giã rồi cũng sẽ qua và với sự đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo của tập thể Ban Chấp hành cùng sự đồng lòng của hội viên, công tác Hội sẽ bắt nhịp và đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội IX đề ra.
|
Là người làm nghề có thâm niên, ủy viên Ban Chấp hành khóa trước, hẳn ông rất am tường công tác Hội. Vậy ông mong muốn điều gì nhất khi bắt đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ này?
Như trên đề cập, đã hơn năm trời trôi qua kể từ Đại hội và chỉ gần đây thôi ban lãnh đạo Hội mới được kiện toàn. Tôi biết trong khoảng thời gian “trống vắng” đó, hội viên không khỏi băn khoăn, lo lắng về công việc của Hội, đâu đó còn là tâm lý chán nản và ít nhiều ưu tư trong lòng người... Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, tôi và các thành viên trong Ban Chấp hành xin tiếp thu mọi ý kiến xây dựng từ hội viên để cùng nhau chúng ta làm thật tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát triển đội ngũ, phấn đấu xây dựng Hội ta là mái nhà chung của toàn thể người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình trên cả nước làm tiền đề cho việc triển khai thắng lợi những chương trình hành động và công tác của Hội trong nhiệm kỳ.
Công tác Hội hàng năm đều có một số công việc chủ chốt nhưng mỗi một nhiệm kỳ Ban Chấp hành mới đều muốn tạo một dấu ấn riêng của mình. Với nhiệm kỳ này, ông và Ban chấp hành muốn làm được điều gì?
Tới cuối nhiệm kỳ xin hãy nói về dấu ấn riêng. Thực tế, nhiệm kỳ này của Ban Chấp hành Hội chỉ còn gần 4 năm. Để xứng đáng với sự kỳ vọng của hội viên cả nước, Ban chấp hành sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, công tác Hội. Ban Chấp hành sẽ tăng cường sự đoàn kết, dân chủ, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của các ủy viên. Sẽ tập trung hướng về chi hội, đề cao sự năng động, dám nghĩ, dám làm của Ban Chấp hành các chi hội cơ sở; gắng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên tiến hành các hoạt động nghề nghiệp và tùy điều kiện tham gia công tác Hội…
Một việc hết sức quan trọng, cấp thiết là đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực cho hoạt động Hội, vì sự hỗ trợ của Nhà nước cho các Hội hiện nay và tới đây chỉ có hạn. Đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình; trong đó kiện toàn Ban Lý luận - phê bình cũng như tìm biện pháp hỗ trợ Tạp chí Thế giới Điện ảnh của Hội vượt qua khó khăn để trở lại hoạt động bình thường cùng với việc củng cố tổ chức và nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung Tạp chí là những việc cần làm ngay. Nâng cao tính chuyên nghiệp của giải Cánh diều thông qua chất lượng thẩm định tác phẩm và công tác trao giải. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sáng tác từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động hỗ trợ sáng tác của các Hội giai đoạn 2021 - 2025; trong điều kiện khách quan (tình hình dịch bệnh covid-19) cho phép tiếp tục tổ chức các trại sáng tác, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đặc biệt các lớp tập huấn làm phim phóng sự và tài liệu theo phương thức kết hợp lý thuyết và thực hành làm phim cho hội viên ở cơ sở… Tổ chức các trại sáng tác chuyên sâu về đề tài lịch sử, kháng chiến cách mạng, văn hóa dân tộc và con người đương đại có sức lan tỏa trong cộng đồng… Phối hợp tổ chức các cuộc thi kịch bản phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, phim tài liệu, phim ngắn, phim hoạt hình… nhằm góp phần tạo nguồn kịch bản chất lượng cho sản xuất phim của ngành điện ảnh - truyền hình. Hoạt động sáng tác và hỗ trợ sáng tác của Hội sẽ hướng tới mục đích chung là nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình.
Điện ảnh Việt Nam đang hướng đến việc trở thành một nền công nghiệp điện ảnh. Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ làm gì để thích ứng và tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong tình hình mới?
Theo quan niệm truyền thống, Điện ảnh chỉ đơn thuần là ngành nghệ thuật tổng hợp. Nhưng xét từ góc độ một nền công nghiệp, Điện ảnh phải trở thành một bộ phận của nền kinh tế được thúc đẩy phát triển bởi tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật và có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nó phải trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thực sự, trong đó bảo đảm sự đồng bộ của tất cả các khâu: từ sáng tác đến chế tác (sản xuất), quảng bá, phổ biến tác phẩm và thị trường tiêu thụ. Vì vậy cũng cần có sự điều chỉnh nhận thức về sản phẩm của nó, tức ở khía cạnh phim ảnh giờ đây không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm trao đổi trên thị trường để có nguồn thu cho tái sản xuất và mục đích kinh tế khác. Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết hiệu quả nhiệm vụ kép: vừa bảo đảm tác phẩm mang nội dung tư tưởng, thẩm mỹ tích cực, vừa có doanh thu. Hiện nay, Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh tầm nhìn đến năm 2030 đang hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trước đây thuộc nhà nước từng tạo nên vinh quang cho Điện ảnh dân tộc đang gặp nhiều khó khăn trong bước chuyển đổi cơ cấu tổ chức phục hồi hoạt động (nhất là sản xuất phim truyện điện ảnh), đồng thời khuyến khích điện ảnh tư nhân phát triển theo quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Đây là việc hết sức cần thiết và hữu ích trong nỗ lực bảo vệ và tiếp tục phát triển hài hòa nền điện ảnh dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập.
Chuyển sang nền công nghiệp, Điện ảnh Việt phải nâng cao năng lực sản xuất phim, tạo ra nguồn tài chính bền vững và nền tảng công nghệ hiện đại có tính đón đầu. Phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp ở các khâu từ sáng tác đến sản xuất, phát hành - phổ biến phim, kỹ thuật và công nghệ... Khán giả xem phim giờ đây chủ yếu là người trẻ, làm sao phải thu hút họ vào rạp ngay cả với những phim làm nhiệm vụ chính trị và việc tìm ra lời giải cho bài toán khó này cũng không hề là điều đơn giản. Ngoài ra là vấn đề bảo vệ quyền tác giả khi tình trạng xâm phạm tác quyền gia tăng, nhất là trên không gian mạng. Rồi công tác quảng bá, xúc tiến Điện ảnh Việt Nam ra thế giới mà một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường năng lực hội nhập quốc tế của phim Việt bởi giá trị nội sinh của tác phẩm kết tinh nên bởi bản sắc văn hóa dân tộc và cá tính sáng tạo độc đáo của chủ thể tác giả… Để song hành cùng nền Công nghiệp điện ảnh đó, Hội đương nhiên phải luôn đổi mới phương thức hoạt động; chú trọng công tác xây dựng và bồi dưỡng, nâng cao tính nghề nghiệp và chuyên nghiệp trong mọi hoạt động và của đội ngũ hội viên; các hoạt động hỗ trợ sáng tác phải hướng tới góp phần tạo điều kiện và khích lệ nghệ sỹ, hội viên huy động hết thảy năng lực sáng tạo để làm nên những tác phẩm chất lượng và cũng chính là mục đích chung cuộc mà nền Công nghiệp điện ảnh hướng đến…
Ngoài các hoạt động nghiệp vụ như tổ chức các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, tập huấn làm phim… thì giải thưởng Cánh diều thường niên là nơi vinh danh tác phẩm, nghệ sỹ, người làm phim và là “bộ mặt” của Hội trưng ra với công chúng. Ông và Ban Chấp hành có hướng đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng giải thưởng Cánh diều, nhất là vào tháng ba tới Cánh diều đã lại tiếp tục?
|
Kể từ năm 2003, Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam chính thức mang tên Cánh diều tượng trưng cho sự thăng hoa của Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình trong không gian Văn học nghệ thuật dân tộc. Nhất quán với tiêu chí đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực, Giải thưởng Cánh diều đã trở thành sự kiện văn hóa - điện ảnh lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của hội viên, nghệ sỹ, người làm phim mà còn cả công chúng và giới báo chí, truyền thông. Qua 17 mùa giải, đến nay Giải thưởng Cánh diều của Hội từng bước khẳng định là một giải thưởng có tính nghề nghiệp cao; là tiêu chuẩn tin cậy để thẩm định và đánh giá chất lượng tác phẩm và năng lực, uy tín nghề nghiệp của nghệ sĩ, người làm phim; là nguồn động viên, khuyến khích người làm phim trẻ trong bước khởi đầu sự nghiệp và nó đã thực sự trở thành điểm nhấn rõ nét trong hoạt động của Hội. Ban Chấp hành các nhiệm kỳ đã luôn quan tâm nâng cao chất lượng giải thưởng qua từng bước cải tiến hoạt động thẩm định tác phẩm và chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức lễ trao giải, mặc dù yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm tham dự. Nhiều năm gần đây, nhờ sóng truyền hình trực tiếp Giải thưởng Cánh diều càng có sức lan tỏa rộng ra công chúng. Thời gian tới, Ban Chấp hành sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức lễ trao giải vì đó cũng là giải pháp hiệu quả để tăng cường quảng bá và nâng cao chất lượng giải thưởng của Hội.
Cuối tháng 12 vừa qua, dù mới chỉ kiện toàn tổ chức lãnh đạo Hội trước đó ít ngày, Ban Chấp hành đã tổ chức an toàn, thành công Lễ trao Giải thưởng Cánh diều 2020 trong lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng. Hiện nay các công việc chuẩn bị cho Giải thưởng Cánh diều 2021 đã bắt đầu được khởi động hướng tới lễ trao giải vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2022).
Một điều nhìn thấy được là đội ngũ người làm điện ảnh ngày càng đông, có sự trẻ hóa nhưng thành phần hội viên của Hội lại đang già đi. Ban Chấp hành có biện pháp gì để thu hút người làm điện ảnh tham gia công tác Hội cũng như lan tỏa ảnh hưởng của Hội nghề nghiệp tới những người hoạt động trong ngành, thưa ông?
Đây là vấn đề Ban Chấp hành rất quan tâm và là một trong những nhiệm vụ chính của Ban Công tác hội viên nhiệm kỳ này. Mở rộng hoạt động hội tới các cơ sở trong đó chú trọng cả mặt phong trào và tính nghề nghiệp chuyên sâu. Chú trọng phát triển hội viên trong số sinh viên điện ảnh đã ra trường và người làm phim trẻ tại các Đài Truyền hình Trung ương và tỉnh, thành, các cơ sở điện ảnh tư nhân… Lan tỏa những giá trị Hội nghề nghiệp tới những doanh nghiệp, doanh nhân nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác hội và Sự nghiệp phát triển điện ảnh. Thu hút những thể nhân, pháp nhân yêu thích Nghệ thuật Điện ảnh, phim Truyền hình tham gia Câu lạc bộ Điện ảnh - Truyền hình. Phát triển hội viên danh dự theo quy định của Điều lệ để nguồn nhân lực này cùng chung tay góp sức cho các hoạt động sản xuất phim, tổ chức sự kiện điện ảnh, quảng bá Điện ảnh Việt Nam ở trong và ngoài nước…. Đó là những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động, công tác hội trong thời gian tới.
Để khép lại cuộc trò truyện này, xin ông chia sẻ một chút về công việc của Hội trong thời gian tới?
Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2 vừa diễn ra diễn ra ngày 23/12/2021 đã ra Nghị quyết về chương trình công tác của Hội thời gian tới; trong đó đặt nhiệm vụ đầu tiên là kiện toàn các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội và các ban chuyên môn nhiệm kỳ IX để sớm triển khai đồng đều các công tác nghiệp vụ của Hội. Việc thành lập Văn phòng liên lạc của Hội tại TP. Hồ Chí Minh và “Câu lạc bộ Điện ảnh - Truyền hình” cũng đang được xúc tiến. Tiếp đó, khi có kinh phí hỗ trợ sáng tác giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khẩn trương tổ chức thẩm định kịch bản của hội viên (hiện tập trung số lượng khá lớn tại Văn phòng Hội), mở một số trại sáng tác kịch bản chuyên sâu cho phim truyện điện ảnh, phim hoạt hình và các chi hội có nhu cầu, các lớp tập huấn làm phim phóng sự, tài liệu cho người làm phim truyền hình tại khu vực Bắc Sông Hồng, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hãng phim của Hội cũng đã tổ chức được 2 kịch bản phim truyện điện ảnh về đề tài Chiến tranh - Hòa bình - Tình yêu và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc tham gia kế hoạch sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước của Ngành. Ban Chấp hành cũng sẽ tiếp tục có ý kiến tới các cấp lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng tiêu cực hiện nay tại Hãng phim truyện Việt Nam giai đoạn sau cổ phần hóa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, anh chị em hội viên tại chi hội và có giải pháp khả thi để Hãng tiếp tục phát triển. Văn phòng Hội đã triển khai những hoạt động bước đầu cho Giải thưởng Cánh diều 2021 khi vừa gửi đi thông báo về Giải thưởng và đang tích cực tìm đối tác phối hợp tổ chức lễ trao giải vào trung tuần tháng 3 năm 2022...
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, tôi thay mặt Ban Chấp hành Hội xin gửi đến toàn thể Quý Cô, Bác, Anh, Chị hội viên lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công và đặc biệt là an toàn sức khỏe trong mùa dịch. |
Xin cảm ơn ông!
Chi hội các Hãng phim TP.HCM bầu bổ sung Chi hội trưởng và Chi hội phó nhiệm kỳ 2020 - 2025 (TGĐA) - Sáng ngày 4/1/2022, tại câu lạc bộ Đoàn viên quận 1, TP.HCM, Chi ... |
Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh kết nạp thêm 34 hội viên mới (TGĐA) - Năm 2020 là năm Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh có nhiều ... |
Gia Hoàng