(TGĐA) - Bằng cách dàn dựng theo cảm xúc chủ đạo của những người thân đi tìm mộ các liệt sĩ, bộ phim được đạo diễn - NSƯT Dư Kim Hoàng đan xen tinh tế từ các tuyến nhân vật: Dòng ký ức miên man trong cuốn nhật ký của người liệt sĩ vô danh; Lời kể của gia đình liệt sĩ; Chiến sĩ tìm hài cốt đội K73; Các kỷ vật của chiến sĩ chưa biết tên tìm được ở xã Chantrea, huyện Chatrea, tỉnh SvayRiêng - Campuchia cùng một số hình ảnh tư liệu, tiếng động, âm thanh làm cho người xem đau nhói theo hành trình băng rừng, vượt suối đi tìm hài cốt các chiến sĩ.
Nỗi lo về cách phát hiện vấn đề của phim tài liệu | |
Phim Tài liệu 'Chư Tan Kra' được lựa chọn để trình chiếu nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 |
Song có lẽ điểm nhấn đầu tiên của bộ phim lại là chất giọng đọc mộc mạc, trầm ấm, đầy xúc động của chính đạo diễn về dòng nhật ký… như đã trở thành chiếc cầu nối cho cuộc hội ngộ giữa quá khứ và hiện tại của lòng người…
…Thứ bảy, ngày 30/8/1969. Ôi, tôi biết nói gì vì những ngày chinh chiến trên mảnh đất Nam Bộ đau khổ và ác liệt này. Nay là lần đầu tiên tôi buộc chặt xuống mảnh đất Long An đầy gian khổ và ác liệt ấy, ngày đâu chỉ có thấy những tiếng của máy bay phi pháo gào rú. Tất nhiên không thể tránh khỏi sự hi sinh mất mát trong đó có cả những người mới chào đời được 17,18 năm trời đã phải vĩnh biệt đời về bên kia thế giới mà không bao giờ có sự sinh tồn. Hay có những người ba bốn mươi đã có những đàn con khờ dại đang ngày đêm mong ngóng... Nhưng đâu có còn biết, có còn nghe thấy tiếng tha thiết yêu thương của người vợ yêu thương với những đêm đông lạnh giá hay những ngọt bùi mông lung mong ngóng mình.
Thật tôi rất đau buồn khi người bạn của tôi ban nãy còn gặp nhau, còn chia nhau điếu thuốc, hay cùng nhau ngồi ăn chung một mâm cơm. Đến giờ người bạn ấy không còn nữa, không còn bên tôi và không còn bên những người yêu khi miền Nam giải phóng…
Ngày anh đặt bút viết (30/8/1969) chứa đựng tất cả lý tưởng, tấm lòng yêu quê hương, đất nước và tình đồng đội, cùng dự báo về niềm tin khẳng định ngày miền Nam giải phóng, ngày đất nước hòa bình… Và thời khắc lịch sử hào hùng ấy đã có được sau gần 6 năm (30/4/1975), còn anh lại chưa kịp ghi tên mình cùng dòng địa chỉ quê hương, trên trang nhật ký cuối cùng…
Qua từng trích đoạn lời kể đan xen của hai chị em Kim Anh và Ngọc Hoa (em nữ liệt sĩ Thanh Vân đi tìm mộ) cùng hình ảnh kỷ vật chiếc radio đã rỉ sét được chuyển cảnh hình ảnh người phát thanh viên và tiếng nhạc hiệu vang lên “Đây là Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn giải phóng, phát đi từ Sài Gòn - kính chào đồng bào ruột thịt yêu quý… Giờ phút lịch sử và xúc động này hồi 11h30 ngày 30/4/1975 Thành phố anh hùng và vinh quang của chúng ta đã được giải phóng…”; Các hình ảnh kỷ vật: Cuốn sổ nhỏ đã ố vàng qua thời gian bị phân hủy gần một phần ba; 3 cây bút bi, 1 cây viết máy; Cái ví; Đôi dép cao su mòn gót chỉ còn 2 quai… Càng làm cho người xem trào dâng trong xúc động, tưởng nhớ đến các anh vô cùng…
Đội K73 ra đời tháng 6/2001 tại rốn lũ Đồng Tháp Mười, với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia qua các thời kỳ tại địa bàn các tỉnh Svây Riêng, Kandal, Kong Pong Spư, Pray Veng và thủ đô Phnôm Pênh.
Với tâm nguyện quyết đưa toàn bộ các di hài liệt sĩ về nước, cán bộ, chiến sĩ Đội K73 đã hành quân bộ hàng ngàn ki lô mét đường rừng, đến hàng trăm bản làng trên những địa bàn hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, mùa khô không có nước…
Hình ảnh các chiến sĩ trong đội K73 hành quân bộ hàng ngàn km qua nhiều khu rừng lạnh lẽo với tinh thần - tìm “Càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt”… Rồi những nhát cuốc, xẻng trên nền đất cứng khô cằn, thậm chí các anh còn dùng cả 10 ngón tay miết, hốt từng vốc đất dài theo thi thể hài cốt. Bởi các anh không dám dùng các phương tiện khác sẽ ảnh hưởng tới hài cốt đồng đội. Họ cùng nâng niu, trân trọng nhẹ nhàng vì sợ lỡ va chạm, các mảnh xương của đồng đội sẽ vỡ ra. Có khi các anh cùng bật khóc và mừng không thể diễn tả, bởi khi đã tìm được một ngôi mộ đầu tiên, sẽ là cơ hội đề tìm ra được các mộ của đồng đội tiếp theo.
Hơn 18 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đội K73 đã quy tập được 2.079 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 159 liệt sĩ biết tên và địa chỉ, giúp các anh được đoàn tụ cùng gia đình.
Ước tính vẫn còn khoảng 5.000 bộ hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy, và các anh quyết tìm kiếm cho đến khi đưa được liệt sĩ cuối cùng về với đất mẹ. Để không còn một người con Việt nào phải gửi thân bên kia biên giới...
Kết phim là hình ảnh đầy ý nghĩa… động tác máy lia nhẹ kỷ vật cây súng AK rỉ sét hoàn toàn, trên nền nhạc mộc đầy lắng đọng của tiếng đàn bầu (ca khúc Đất nước lời ru). Cùng với các kỷ vật trên, sẽ không cho phép chúng ta được quên các anh. Hãy làm thế nào để đưa tất cả hài cốt các anh về quê hương. Hãy yên nghỉ các anh nhé trong lời ru của mẹ. Tổ quốc, nhân dân, đồng đội mãi mãi tự hào, tri ân các anh.
Thượng tá Trần Chí Công |
Xin ghi lại bài thơ Quê hương (của liệt sĩ chưa biết tên) làm lời kết bài viết. Nếu có ai biết bài thơ hay thông tin của đồng đội nào, xin liên hệ tới thượng tá Trần Chí Công, đội trưởng đội K73, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An; ĐT: 0868531571.
Quê hương
Tại buổi con lên đường xa mẹ
Cùng anh em sang Lào (ngày đêm) bước vào Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Sơn mây biển chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình đành phải bước gian nguy
Mấy tháng rồi đêm nghỉ ngày đi
Giày vẹt gót áo sờn vai thấu lạnh
Chiều Trường Sơn sáng rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình
Khói lam chiều giăng muộn lá bớt xanh
Con bướm nhỏ đậu bên đình xưa nhỏ quá
Tuy con vào đất người xa lạ
Thương miền Nam cùng là một quê hương
Vẫn thương bóng dừa xanh, vẫn những con đường.
Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp: Phim Tài liệu là phải có số phận nhân vật! (TGĐA) - Trường Sơn - một thời hoa lửa, từ lâu đã trở thành nguồn cảm ... |
Phim Tài liệu 'Chư Tan Kra' được lựa chọn để trình chiếu nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 (TGĐA) - Bộ phim Tài liệu Chư Tan Kra sẽ được phát sóng nhân kỷ ... |
Vũ Liên