(TGĐA) - Black Panther: Wakanda Forever dĩ nhiên không thể đạt được đỉnh cao như phần đầu tiên nhưng nó cũng không hề là một bộ phim tệ, với màn tri ân xúc cảm dành cho nam diễn viên quá cố Chadwick Boseman.
'Black Panther: Wakanda Forever' – Còn lại gì khi 'nhà vua' đã mất? | |
‘Black Panther 2’ được dự đoán sẽ phá hai kỷ lục doanh thu lớn |
Black Panther: Wakanda Forever (2022) Tựa Việt: Chiến binh báo đen: Wakanda bất diệt Đạo diễn: Ryan Coogler Diễn viên: Letitia Wright Lupita Nyong'o Danai Gurira Winston Duke Tenoch Huerta Angela Bassett TGĐA chấm điểm: 7,2/10 |
Black Panther: Wakanda Forever là bộ phim cuối cùng trong Phase 4 của Vũ trụ điện ảnh Marvel, kế tiếp Thor: Love and Thunder - một trong những phim Marvel thất bại và tệ hại nhất thập kỷ. Thế nên, nó được đặt kỳ vọng rất nhiều, nhất là đây còn là màn tưởng nhớ tới Chadwick Boseman, nam diễn viên làm nên thành công vang dội của Black Panther (2018), nhưng đã không may qua đời vì căn bệnh ung thư khi phần 2 đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên.
Wakanda còn lại khi nhà vua đã mất |
Khi Wakanda không còn Vua T'Challa, mọi trọng trách về chính trị, an ninh của dân tộc được đặt lên vai Nữ hoàng Ramonda, người đã có câu nói như "găm sâu" vào não của tất cả chúng ta: "Ta là Nữ hoàng của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, gia đình ta đều đã mất, ta chưa cống hiến mọi thứ sao?". Trong khi đó Shuri - em gái của T'Challa vẫn còn bộc lộ những điểm yếu và bối rối trước sự ra đi bất ngờ của anh trai. Dù vậy, mối đe dọa đất nước vẫn đang lớn dần, khi Chính phủ Mỹ tỏ rõ thái độ muốn gây hấn với Wakanda để chiếm lấy tài nguyên Vibranium. Điều này còn vô tình khiến cho Wakanda xung đột với Talokan, vương quốc dưới lòng biển với dự dẫn dắt của Namor - kẻ có sức mạnh phi phàm và là một trong những dị nhân đầu tiên ở thời cổ đại.
Sự ra đi đột ngột của của Chadwick Boseman đã buộc đạo diễn Ryan Coogler phải thay đổi kịch bản, có lẽ anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng nên không khí tang thương, bao trùm suốt gần 3 tiếng phim. Có những đoạn hội thoại rất dài, những câu nói về sự mất mát và nhớ nhung tới vị vua quá cố, làm nổi bật văn hóa ý niệm của Wakanda: "Cái chết không phải là kết thúc". Tuy nhiên, nó cũng góp phần xây dựng sự trưởng thành của Shuri, khi đó chỉ là một cô gái nhỏ có rất ít kỹ năng cận chiến và chủ yếu đắm mình trong việc nghiên cứu. Đến khi Wakanda đã chịu quá nhiều mất mát, Shuri buộc phải chuyển mình nhưng quá trình này sẽ bất hợp lý nếu diễn ra quá nhanh. Cho nên, sự tính toán của Ryan Coogler với nhân vật Shuri là vừa đủ, mặc dù bản thân Coogler hay tất cả chúng ta đều phải chấp nhận, cô gái đó chưa thể toát ra cái "uy" của người trị vì.
Không khí đau buồn ngập tràn bộ phim |
Kể cả vậy, khá đáng khen cho màn thể hiện của Letitia Wright khi bên cạnh nhân vật Nữ hoàng Ramonda đã được Angela Bassett diễn xuất quá xuất sắc và hùng hồn, thì vai diễn Shuri cũng xứng đáng được tán dương và không hề quá tệ so với những ý kiến trái chiều. Ở Wright toát ra sự gắng gượng và gồng mình cho một vị trí vốn dĩ không phải của Shuri, tuy nhiên về phía cuối, công chúa của Wakanda mới tỏa ra dòng xúc cảm da diết với nỗi nhớ anh trai, khiến nhân vật Shuri rất "đời" và "thật", như không hề có sự xa cách với người xem.
Letitia Wright đã diễn một Shuri trưởng thành và xúc cảm |
Namor cũng là kẻ phản diện thú vị, có mục đích và tư tưởng lớn lao, không hề một màu và thiếu chiều sâu như những nhân vật phản diện khác của nhà Marvel. Sức mạnh của Namor không chỉ đến từ gen đột biến có được khi mới lọt lòng, mà đó còn là nỗi ấm ức của cả một dân tộc phải chịu cảnh áp bức từ bao thế kỷ trước. Tiếc rằng, trận chiến cuối phim giữa hai vương quốc Wakanda và Talokan chưa được xây dựng quy mô và quá hấp dẫn, làm giảm đi đáng kể tầm vóc của Namor. Nhưng suy cho cùng đây vẫn là một nhân vật chất lượng và có tiềm năng khai thác ở phần sau. Với nhân vật Namor, bộ óc "thiên tài" đạo diễn Ryan Coogler không chỉ xây dựng nét đặc trưng văn hóa châu Phi qua hình tượng dân tộc Wakanda, mà vương quốc Talokan dưới lòng biển cũng gợi nhớ về những bộ tộc thiểu số trên thế giới.
Namor là kẻ phản diện thú vị |
Về màn tri ân với Chadwick Boseman, sẽ làm nhiều người không khỏi liên tưởng tới Paul Walker trong Furious 7 (2015), tuy nhiên Wakanda Forever thể hiện tinh tế, không quá sướt mướt và có chiều sâu hơn rất nhiều. Từ việc logo Marver Studios quen thuộc mỗi cảnh đầu phim được thiết kế ngập tràn hình ảnh của Boseman, tới chủ đích dành những phút im lặng để tưởng nhớ nam diễn viên quá cố. Việc dùng sự ra đi của Chadwick Boseman như hình thức PR cho phim hay không là ý nghĩ của mỗi khán giả, nhưng chắc chắn khó thể phủ nhận Chadwick Boseman quan trọng với ê-kíp Black Panther thế nào, và khi xem bộ phim đến tận after credit, bạn sẽ hiểu rõ điều đó.
Như vậy không có nghĩa Black Panther: Wakanda Forever không có những điểm trừ. Điểm trừ đầu tiên chính là khâu biên tập phim, một số trường đoạn cắt cảnh khá "cụt" và không hợp lý, làm cho người xem thông thường dễ sinh ra trạng thái chán nản. Nhiều cảnh phim có lẽ cũng không đảm bảo độ sáng, hoặc là do một số rạp chiếu chưa đáp ứng đủ yêu cầu về thông số kỹ thuật để chiếu phim một cách rõ nét hơn. Bù lại, phần diễn xuất và âm nhạc tuyệt hảo đã khỏa lấp đi phần nào loạt điểm trừ đó.
Bạn nghĩ sao về Black Panther: Wakanda Forever?
‘Black Panther 2’ cán mốc 180 triệu USD, trở thành phim có doanh thu mở màn cao thứ 2 trong năm 2022 | |
Doanh thu mở màn ‘Black Panther 2’ nhăm nhe phá vỡ kỷ lục 9 năm của ‘Hunger Game’ |
Anh Vũ