(TGĐA) - Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập và hiện đang là CEO của Sconnect Việt Nam – cái tên đang khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam trên thị trường quốc tế chia sẻ với Thế giới điện ảnh.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn: Cần có nhiều sân chơi 'công bằng cho các bạn trẻ đam mê hoạt hình! | |
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? |
|
Khi mới thành lập Sconnect, anh và các đồng nghiệp đã trải qua những khó khăn ra sao?
Năm 2014, Sconnect khởi điểm chỉ với 8 thành viên. Do loại hình kinh doanh dựa trên sáng tạo nội dung số vẫn còn mới khi đó, nên đội ngũ chúng tôi thiếu đi tầm nhìn, thiếu nguồn vốn và đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn. Mỗi nhân sự buộc phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức năng khác nhau.
Giai đoạn đầu, Sconnect tận dụng 4 lợi thế: nguồn nhân lực Việt trẻ trung, sáng tạo và nhiệt huyết; sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0 với Internet; cơ hội học hỏi, phát triển từ đối tác lớn trên thế giới cùng cơ hội cân bằng năng lực và thu nhập của người Việt với quốc tế.
Sconnect đã học hỏi rất nhiều từ đối tác Google, thông qua hệ thống kiến thức, tài nguyên tri thức Google chia sẻ với các nhà sáng tạo. Qua nhiều dự án khác nhau, Sconnect đã đúc rút được công thức để phát triển đội ngũ: nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo. Trước khi sáng tạo, đội ngũ cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết. Sáng tạo phải dựa trên nền tảng của sự hiểu biết, kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế.
Anh đã làm thế nào để tạo ra được một môi trường làm việc khoa học nhưng vẫn khiến cho nhân sự của mình dồi dào cảm hứng sáng tạo?
Chúng tôi luôn tạo động lực để mỗi cán bộ, nhân viên trong công ty muốn cống hiến cho công việc. Cảm hứng làm việc sẽ luôn được giữ như 1 ngọn lửa được nhen nhóm và bùng cháy mãi khi mỗi người thật sự tìm ra mục mục tiêu trong công việc của mình. Do đó mỗi “Sconnecter” luôn giữ được cảm hứng làm việc, hiểu rõ trách nhiệm của mình và hướng đến những giá trị tốt đẹp với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Sconnect gần đây được biết đến với phim hoạt hình Wolfoo – nổi tiếng trên thế giới. Anh đem Wolfoo tiếp cận với khán giả quốc tế ra sao? Ban đầu anh có nghĩ đưa phim ra thị trường nước ngoài là bất khả thi?
|
Định hướng ban đầu của Sconnect sẽ tập trung vào thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường “khó tính” với tiêu chuẩn cao như Mỹ, Canada với mục tiêu đưa Wolfoo trở thành “ngôi sao” trên thị trường hoạt hình toàn cầu.
Sconnect có phương châm: “Đôi khi sự lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực”, một khi chinh phục được thị trường nước ngoài thì quay trở lại Việt Nam phát triển sẽ dễ dàng hơn. Khi Wolfoo có kênh YouTube tiếng Việt, chỉ trong nửa năm, kênh có thể đạt hàng triệu lượt theo dõi
Môi trường số tuy khắc nghiệt nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho người Việt học hỏi, phát triển năng lực và tạo ra những sản phẩm không thua kém bạn bè quốc tế. Ngoài ra, tham gia thị trường số cũng giúp đội ngũ sáng tạo ở Việt Nam có thu nhập đáng kể. Vì mỗi phút phim được phát ở thị trường Mỹ luôn được trả tiền cao hơn so với Việt Nam.
Việt Nam vốn không có tên tuổi trong làng hoạt hình thế giới. Khi tham gia vào các sự kiện quốc tế, Wolfoo đã không ít lần nhận được sự bất ngờ vì là sản phẩm của Việt Nam. Điều này càng thôi thúc chúng tôi tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng thị trường thế giới.
Năm 2018, Google áp dụng đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA) và ban hành chính sách đặc biệt áp dụng riêng nội dung cho trẻ Youtube Kids. Chúng tôi đã kết nối với các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đồng thời thiết lập đội ngũ Quản lý chất lượng (Quality Assurance) để kiểm duyệt sản phẩm theo từng khâu dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng và được cập nhật, cải tiến liên tục. Đấy là cách mà chúng tôi thực hiện để đưa Wolfoo tiếp cận với khán giả quốc tế. Nếu chỉ chạy theo xu hướng thị trường, thuần vì lợi ích kinh doanh thì chúng tôi đã không đầu tư nhiều chất xám như vậy.
Anh có thể chia sẻ thêm về công nghệ thực hiện Wolfoo?
Wolfoo đang được sản xuất trên công nghệ 2D với màu sắc bắt mắt, nét vẽ đơn giản dễ dàng giúp các bé từ 3 – 8 tuổi có những bài học về hình khối, màu sắc.
Đội ngũ chúng tôi cũng liên tục cải tiến quy trình sản xuất để tối ưu hơn. Tiếp theo ê-kíp chọn cách sản xuất phim 2D bằng Bone animation, khác với việc vẽ tay Frame by Frame. Việc chuyển động xương này giúp người diễn kiểm soát mọi chuyển động của nhân vật bằng xương và cũng rút ngắn thời gian rất nhiều so với việc làm 2D thông thường.
Đội ngũ các khâu đều cần hiểu rõ vai trò của nhau và cách thức phối hợp. Biên kịch cần hiểu hình ảnh như thế nào thì nhân sự phụ trách khâu Art sẽ vẽ được, hành động như thế nào thì nhân sự phụ trách Animation sẽ diễn được. Nhân sự phụ trách khâu Art cũng sẽ hiểu hình ảnh như thế nào thì diễn đẹp được, và nhân sự của các khâu luôn tự trau dồi cho nhau về các kiến thức chuyên môn. Nhân sự Art gợi ý hình ảnh để nhân sự biên kịch sáng tạo, biên kịch gợi ý hành động và xử lý tình huống cho nhân sự phụ trách diễn hoạt,....
Anh nghĩ sao khi hiện nay các studio hoạt hình với khả năng sáng tạo dồi dào chưa được khán giả Việt biết đến?
Gần đây Việt Nam được xướng tên nhiều trong các cuộc thi sắc đẹp, thể thao và trí tuệ trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên những sản phẩm công nghệ số như hoạt hình, phim ảnh... chưa nhận được nhiều sự chú ý. Suy từ câu chuyện của Wolfoo, chúng tôi đánh giá:
Chúng ta đang thiếu những bộ phim lớn để khẳng định được vị thế của hoạt hình Việt trong lòng công chúng. Với tâm lý chung là nhiều người xem chưa biết đến và không nghĩ rằng các sản phẩm phim hoạt hình tại Việt Nam lại có thể phát triển như vậy nên cũng làm hạn chế khả năng phổ biến cũng như kinh doanh các sản phẩm này trên chính thị trường quốc nội.
Nhiều bộ phim nổi tiếng của nước ngoài đều có sự góp mặt của người Việt như phim Oggy, phim bom tấn Marvel, Penthouse... Điều này chứng tỏ nước ta có nguồn nhân lực dồi dào với năng lực chuyên môn không thua kém các studio nước ngoài và cần nhận được sự quan tâm, khuyến khích nhiều hơn. Bên cạnh đó, đa phần các studio phim hoạt hình vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất, mà quên mất tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh.
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất và kinh doanh tài sản trí tuệ tại Việt Nam cũng đảm bảo được tính sáng tạo, độc lập và nguyên mẫu của các sản phẩm trí tuệ, do đó có rất nhiều lợi thế để phát triển mà không lo sợ các vấn đề về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn đang trong thời gian kiện toàn nên chưa bảo vệ tối đa được quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp chưa tự tin phát triển tại thị trường trong nước.
Sconnect Academy thường xuyên khai giảng các khóa học sản xuất phim hoạt hình. Những bạn trẻ đam mê làm phim hoạt hình sẽ được tiếp nhận những gì từ các khóa học này?
|
Chúng tôi đưa vào phương pháp đào tạo thực chiến, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, ngoài việc được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao nhằm phát triển tư duy, học viên còn thường xuyên được hướng dẫn thao tác, thực hành ngay trong từng buổi học. Đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, quản lý của Sconnect - những người trực tiếp tạo ra các sản phẩm chất lượng cao trên thị trường quốc tế. Sau khóa học, học viên có thể tự tin ứng tuyển vào làm việc tại Sconnect hoặc các doanh nghiệp làm phim hoạt hình, lĩnh vực giải trí liên quan...
Hiện tại, “đầu ra” cho phim hoạt hình Việt thường là các nền tảng trực tuyến, hoặc chiếu trên TV, theo anh như vậy đã gọi là “ổn” hay chưa?
Mô hình phát triển kinh doanh phổ biến nhất của các studio hoạt hình trên thế giới đều gắn với nền tảng truyền hình. Các bộ phim chiếu trên màn ảnh rộng sẽ có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Để nâng tầm ảnh hưởng và tạo ra thêm giá trị, chắc chắn, việc mở rộng hoạt động kinh doanh, phát sóng đa nền tảng là điều chúng tôi mong muốn.
Sconnect đang chủ yếu phân phối nội dung qua nền tảng Internet như Youtube, Facebook và TikTok. Năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai dự án WOA GO TV với mục tiêu phát triển sản phẩm phim hoạt hình dài tập với tiêu chuẩn cao, được nâng cấp từ dòng sản phẩm ngắn tập để chinh phục các đài truyền hình quốc tế, không chỉ giới hạn hoạt động trên nền tảng giải trí nhanh mà còn tiến tới các kênh trả phí, truyền hình...
Xin cảm ơn anh!
“Ngành hoạt hình dù mới nhưng là ngành nghề đang rất ‘nóng’, bởi vì công nghệ đa phương tiện vẫn đang là xu hướng của hiện tại và tương lai” – CEO Tạ Mạnh Hoàng. |
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn: Cần có nhiều sân chơi 'công bằng cho các bạn trẻ đam mê hoạt hình! (TGĐA) - Là giảng viên phụ trách ngành Hoạt hình thuộc khoa Thiết kế Mỹ ... |
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? (TGĐA) – Đó là câu hỏi cũng như sự chung tay tìm lời giải đáp ... |
Thu Huế