(TGĐA) - Với kỳ 3 của Xem gì mùa Covid, TGĐA muốn dành ưu ái cho những khán giả tuổi teen đang phân vân không biết nên xem phim gì những ngày ở nhà không ra đường.
(Nóng) Nam diễn viên Ji Chang Wook dương tính với Covid-19 | |
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh chung tay vì cộng đồng với dự án âm nhạc 'Thương lắm Sài Gòn' |
Xem Kỳ 1 tại đây và Kỳ 2 tại đây.
Mùa Covid trải qua rất nhiều bức bối và khó chịu trong lòng vì phải ở nhà tuân thủ giãn cách, chắc chắn khán giả teen sẽ không khỏi buồn tay chân. Tuy nhiên trước khi đợi có thể ra ngoài, vậy thì còn chờ gì mà không thưởng thức 7 bộ phim học trò dưới đây làm chúng ta nhớ về bạn bè và thời đi học:
10 điều em ghét về anh (10 things I hate about you, 1999)
10 điều em ghét về anh của đạo diễn Gil Junger được nhớ đến như một trong những tác phẩm về tuổi học trò được ưa thích nhất của điện ảnh Mỹ. Bộ phim đồng thời là bệ phóng cho sự nghiệp và tên tuổi của các diễn viên Larisa Oleynik, Julia Stiles, và đặc biệt là Heath Ledger và Joseph Gordon-Levitt sau này.
Là một chuyển thể hiện đại từ một vở kịch của đại văn hào Anh Shakespeare, 10 điều em ghét về anh là một bộ phim này đầy hài hước với lời thoại tung hứng táo bạo, cùng diễn xuất tinh tế và câu chuyện tình yêu tuổi học trò ngọt ngào, đáng yêu. Trong bộ phim này, phân cảnh Heath Ledger biểu diễn bài hát nổi tiếng Can’t take my eyes off you (Không thể rời mắt khỏi em) tặng Julie Stiles và nhảy nhót trong sân trường trung học, để rồi bị bảo vệ trường đuổi bắt vì tội gây náo loạn có thể nói là một trong những đoạn phim được yêu thích nhất trong các tác phẩm điện ảnh về tuổi học trò.
Những cô nàng lắm chiêu (Mean Girls, 2004)
Khác với nhiều phim tuổi học trò, Những cô nàng lắm chiêu là một tác phẩm không mấy “trong sáng” vì phim khắc họa nạn bắt nạt, hiện tượng kéo bè kết phái và các mánh khóe…lừa giai, chơi đểu nhau của các nữ sinh lắm chiêu trong trường trung học.
Bộ phim là một thành công về mặt thương mại, đồng thời được số đông các nhà phê bình đánh giá cao nhờ tính trung thực, sự hài hước và tươi mới trong kịch bản phim, góp phần đưa những gương mặt trẻ thời bấy giờ như Lindsay Lohan, Rachel McAdams, Amanda Seyfried trở nên nổi tiếng. Đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Linsay Lohan vào thời kỳ “hoàng kim” của cô với hàng loạt dự án phim teen vào những năm 2000, cho đến khi nữ diễn viên này dính vào hàng loạt bê bối về lối sống dẫn đến sự xuống dốc thảm hại của sự nghiệp trong hiện tại.
Hãy nói điều gì đó... (Say anything… 1989)
Lloyd Dobler không mấy quan tâm đến học hành, không có ý định vào đại học, không có mục tiêu thực tế cho sự nghiệp tương lai, nhưng lại trót yêu cô bạn cùng trường với tất cả sự chân thành của mối tình đầu. Đáp lại, Diane Court cũng yêu Lloyd, nhưng vì quá kính trọng cha mình - người phản đối Lloyd khá kịch liệt, nên vẫn do dự về mối quan hệ giữa hai người, khiến chuyện tình cảm của họ không được xuôi chèo mát mái.
Hãy nói điều gì đó… được coi là một trong những bộ phim kinh điển về tình yêu tuổi học trò trước ngưỡng cửa trưởng thành. Đây cũng là một trong những bộ phim tiêu biểu nhất của đạo diễn tài năng Cameron Crowe, người đứng sau thành công của các tác phẩm Jerry Maguire, Almost Famous, hay gần đây nhất là We Bough a Zoo.
Hội điểm tâm (The Breakfast Club, 1985)
Ra mắt năm 1985, Hội điểm tâm của cố đạo diễn John Hughes vẫn được coi là một trong những tác phẩm thành công nhất về tuổi mới lớn. Bộ phim kể về một buổi phạt cấm túc kéo dài gần chín tiếng đồng hồ trong đó một học sinh giỏi mẫu mực, một hoa khôi, một học sinh cá biệt, một vận động viên thể thao và một cô gái khép kín bị một thầy giáo giữ lại trong thư viện trường để suy nghĩ về những hành vi sai trái của mình.
Sau quãng thời gian bên nhau, trải qua những cãi vã, trêu đùa, nhóm học sinh vốn chẳng hề thân thiện với nhau dần trở thành những người bạn. Họ chia sẻ những rắc rối tuổi mới lớn, những bí mật riêng tư mà bình thường ai cũng giữ kín cho riêng mình. Bộ phim được giới phê bình đánh giá là nồng ấm, hài hước, và miêu tả sâu sắc cuộc sống nội tâm tuổi học trò.
Ngày nghỉ của Ferris Bueller (Ferris Bueller’s Day Off, 1986)
Là một tác phẩm khác cũng rất thành công của John Hughes (đồng thời là biên kịch phim) khi lọt top những bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất năm 1986 tại Mỹ, đồng thời được giới phê bình đánh giá cao.
Phim là câu chuyện về một ngày trốn học của nam sinh cuối cấp Ferris Bueller, khi cậu này giả ốm và lôi kéo cậu bạn thân nhất Cameron Frye đi chơi cùng mình trên chiếc xe Ferrari sành điệu của bố cậu bạn. Mặc dù cả thế giới đều tưởng rằng Ferris đang ốm liệt giường nên tới tấp bày tỏ tình thương mến thương với Ferris, thậm chí còn quyên góp tiền giúp cậu chữa bệnh “hiểm nghèo”; nhưng có hai người lại nhìn trúng “tim đen” của cậu học sinh ham chơi này - cô chị gái của cậu và một ông thầy ở trường trung học.
|
Không chỉ là một bộ phim vui nhộn, dễ thương về tuổi học trò, Ngày nghỉ của Ferris Bueller còn được ví như một bức tình thư mà đạo diễn John Hughes dành cho thành phố Chicago, trong đó ông đã dành rất nhiều thước phim đẹp cho thành phố này trong hành trình trốn học đi chơi của nhân vật chính.
Bức thư tuổi mới lớn (The Perks of being a Wallflower, 2012)
Charlie là một nam sinh nhút nhát chỉ biết đứng một mình trong đám đông, chẳng được ai chú ý đến cho tới khi cậu kết bạn với cặp anh em Patrick và Sam, những học sinh cuối cấp ở trường trung học. Hai người bạn chào đón cậu vào thế giới đầy sôi động của họ, để từ đó Charlie mở lòng mình hơn với mọi người và phần nào thoát khỏi cuộc sống cô lập của một anh chàng rụt rè.
Là một bộ phim tuổi học trò nhưng Bức thư tuổi mới lớn được khen ngợi bởi chiều sâu tâm lý mà bộ phim chuyển tải. Đó những xung đột nội tâm và nỗi lòng “biết tỏ cùng ai” của nhiều cô, cậu học trò.
Đạo diễn của bộ phim - Stephen Chbosky cũng chính là tác giả của cuốn sách mà bộ phim chuyển thể - tác phẩm cùng tên về tuổi học trò từng lọt vào danh sách những ấn phẩm bán chạy nhất của New York Times vào năm 1999 đã được xuất bản với 31 thứ tiếng.
Và loạt phim về cậu bé phù thủy Harry Potter (2001-2011)
Dù chủ đề chính của Harry Potter là câu chuyện về cuộc đấu tranh của cậu bé Harry Potter chống lại những thế lực hắc ám trong thế giới phù thủy, nhưng loạt phim đình đám này lại được đặt trong bối cảnh học đường với những vui buồn, hờn giận, yêu ghét rất gần gũi của tuổi học trò. Điểm nhấn xuyên suốt của loạt phim là quá trình trưởng thành của Harry Potter cùng tình bạn cảm động của cậu với hai người bạn thân Hermione Granger và Ron Weasley.
Loạt phim Harry Potter là một thành công lớn về thương mại, một phần vì tác phẩm được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh J.K.Rowling, đồng thời quy tụ một dàn diễn viên ấn tượng từ những cái tên còn rất trẻ đến các tên tuổi kỳ cựu trong giới diễn viên Anh. Bộ phim còn được gửi gắm cho hàng loạt đạo diễn có tiếng như Chris Columbus, Alfonso Cuarón, Mike Newell, và David Yates.
Với 8 phim lẻ được sản xuất lần lượt trong 10 năm, Harry Potter trở thành series phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại, vượt xa cả những loạt phim đình đám khác như phim về 007 hay Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao).
Ngoài những bộ phim được liệt kê, khán giả yêu phim không thể quên những góc cạnh khác của thế giới học đường được các nhà làm phim Hollywood chuyển tải thành công trên màn ảnh rộng như vấn đề giáo dục giới tính trong American Pie hay Juno; hành trình khám phá bản thân của chàng công tử nhà giàu ở ngôi trường tư nghèo trong Charlie Bartlett; thế giới vũ đạo và âm nhạc trong Step up hay High School Musical 3; chuyện nàng nữ sinh một phút hóa công chúa trong Princess Diaries... Và còn nhiều, còn nhiều những thuở học trò đáng nhớ khác được ghi nhận trong tâm trí mỗi khán giả yêu phim. |
(Nóng) Nam diễn viên Ji Chang Wook dương tính với Covid-19 | |
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh chung tay vì cộng đồng với dự án âm nhạc 'Thương lắm Sài Gòn' |
Minh Thi