Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'

(TGĐA) - Hoàng Nhuận Cầm là một người đặc biệt. Anh luôn mang đến cho mọi người những điều bất ngờ. Ngay đến sự ra đi của mình, anh cũng làm mọi người không tin được!

Thông tin về lễ viếng Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm Thông tin về lễ viếng Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm
Giới chuyên môn nói gì về Giới chuyên môn nói gì về "Em chưa 18"

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm từng làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Truyền hình Việt Nam, cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam, song với Tạp chí Thế giới Điện ảnh, anh là người bạn rất thân thiết.

Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'
Bức ảnh Hoàng Nhuận Cầm ưng ý nhất do phóng viên tạp chí Thế giới điện ảnh chụp

Hoàng Nhuận Cầm thường đến Tạp chí với tác phong trẻ trung. Các phóng viên trong Tạp chí Thế giới Điện ảnh gọi Tổng Biên tập Đinh Trọng Tuấn và tôi là “chú”. Nhưng ai cũng gọi Hoàng Nhuận Cầm là “anh”, dù anh hơn tuổi chúng tôi. Và anh luôn tự hào, hãnh diện khi được mọi người gọi anh là “nhà thơ trẻ”. Có lần, tại Tạp chí, một người hâm mộ thơ anh là Trần Hán Phương, từ Vũng Tàu ra. Anh Phương muốn được Hoàng Nhuận Cầm ký tặng tập thơ. Cầm lớn giọng: “Mày còn tập thơ nào của tao không? Mang lại đây!”. Anh gửi tôi mấy cuốn thơ của anh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Anh ký tặng bạn đọc với thái độ rất trân trọng. Tôi nhớ ngày trước khi được anh tặng sách. Ngồi bên quán trà phố Lý Thường Kiệt, anh lôi một nắm bút màu. Rồi nắn nót viết “Thân mến tặng bạn”. Chữ anh nắn nót như chữ học trò. Sau đó, anh vẽ một trái táo. Trên cuống có hai lá rất điệu. Rồi anh chia trái táo làm đôi. Nửa bên trái, lại chia làm hai phần. Bên trên ghi ngày. Bên dưới ghi tháng. Phía phải ghi năm. Rồi ký tên tác giả. Mỗi thao tác, anh lại thay một cây bút. Nhìn lời đề tặng, tôi như ngắm bức tranh nhiều màu sắc. Hình như ở Việt Nam, chỉ có Hoàng Nhuận Cầm mới có cách tặng thơ như vậy. Trân trọng thơ. Trân trọng sách. Trân trọng người đọc.

Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'
Một giây phút phiêu bên thuốc lào của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Mấy chục năm liền, anh là người cộng tác viên ruột của Tạp chí. Anh đến với Tạp chí từ khi còn có thể rít gần chục điếu thuốc lào, đến khi chỉ còn rít vài điếu, rồi đến lúc chỉ dám rít một điếu, và đến ngày chỉ cầm điếu cho khỏi nhớ. Và sau cùng, không thể hút được nữa. Căn phòng nhỏ của Tạp chí còn lưu giữ ảnh các tao nhân mặc khách đến hút thuốc lào. Đạo diễn Đặng Nhật Minh ngồi thong dong, khói tràn kính trắng. Nhà văn Trần Hoàng Bách đặt điếu lệch một bên đầy kiểu cách. Đạo diễn Vũ Phạm Từ nâng điếu, mắt mở to như thực hành một nghi lễ. Và Hoàng Nhuận Cầm, thong thả thở làn mây trong tiếng nhạc róc rách…

Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhà báo Đinh Trọng Tuấn ở chân cột cờ Lũng Cú

Anh chị em Tạp chí đều rất quý mến anh Cầm. Các cuộc gặp mặt đầu năm, liên hoan cuối năm hay các dịp lễ, mọi người đều gọi mời anh cùng đi. Có anh, cuộc vui thêm tưng bừng. Rồi những ngày thường, khi khách về vãn, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc lại đưa ra ý kiến: “Bốn anh em Tổng hợp họp mặt cho vui đi!”. Thế là cả nhóm lại ra phố. Những ngày đầu, anh còn ăn được, uống được. Rồi sau, anh không ăn, chỉ uống. Sau nữa, anh không uống được bia, chỉ nhấm nháp ly nước ngọt. Rồi nước ngọt anh cũng không khoái nữa. Chỉ nước trắng. Bạn bè giục anh ăn. Lần nào anh cũng nói: “Món ăn ngon nhất là gương mặt bạn bè”. Bây giờ, nếu chúng tôi ngồi lại, mọi người lại trầm ngâm nhắc đến anh.

Nhiều tác phẩm của anh được bồi đắp bên bàn trà Tạp chí. Ngày anh viết kịch bản về “Mùa hẻ đỏ lửa Quảng Trị 1972” chưa thành, anh về tạp chí với gương mặt buồn. Sau nhiều tuần trà, Tổng Biên tập Đinh Trọng Tuấn góp ý: “Sao ông không lấy tên một trong những bài thơ của ông đặt tên cho kịch bản? Về nội dung kịch bản này, tôi thấy ông nên lấy tên Mùi cỏ cháy”. Cả bọn vừa bất ngờ vừa vui mừng vì cái tên rất gợi đó. Còn cái khung kịch bản, tôi tặng anh cái tứ của truyện ngắn Bức tượng, kể lại ngày chúng tôi giã từ Hà Nội, ra Biên giới thế nào. Thật trùng hợp với bốn nhân vật Hoàng-Thành-Thăng-Long trong kịch bản của anh. Rồi còn có những ngày, anh đến đột ngột. Yêu cầu bọn tôi im lặng, để nghe anh đọc bài thơ mà anh thức suốt đêm qua hoàn thành. Anh tin cảm giác thẩm thơ của nhà ngôn ngữ học Đinh Trọng Tuấn.

Rồi những ngày anh nhận làm Biên tập cho kịch bản của tôi được Hãng phim của anh nhận làm. Cả tối hôm trước, anh gọi điện thoại, nhắc từng chi tiết. Hôm sau, 7 giờ sáng đã thấy anh ngồi đợi trong sân 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Anh ngồi lặng im dưới bóng cây sanh, nét mặt lo âu. Khi tôi phóng xe vào, anh lại rạng rỡ ngay. Không kịp ăn sáng, anh cầm kịch bản phóng lên Thụy Khuê ngay. Tôi chưa thấy người Biên tập nào chăm sóc biên kịch tận tình như anh.

Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'
Nhà biên kịch, nhà thơ Đoàn Tuấn và nhà biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Rồi những ngày chúng tôi theo đạo diễn Trần Tuấn Hiệp lên đồn Biên phòng Simacai làm phim tài liệu. Đêm ngủ trong căn phòng nhỏ, có tôi và anh. Tôi ái ngại cầm cánh tay anh. Giật mình. Không có gì, ngoài da bọc xương. Rồi đêm ngủ, anh ho. Anh có ý nén lại, sợ làm tôi mất ngủ. Nhưng là anh em, cùng là lính, cùng dân khoa Văn, lại là đồng nghiệp, sao nỡ trách nhau cái chuyện nhỏ của tuổi già? Chỉ thương anh, một người rất tài hoa, nhưng lại không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Tự chăm sóc từ cái mặc đến cái ăn. Dường như, tất cả tâm hồn và trí lực của anh đều dồn hết cho nghệ thuật.

Anh Hoàng Nhuận Cầm ơi, 'Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào…'
Hoàng Nhuận Cầm trong một buổi đọc thơ ở Hà Giang

Anh Cầm ơi! Kỷ niệm của anh với Tạp chí chúng tôi còn rất nhiều. Ngày trước, năm 18 tuổi, anh viết những câu thơ đầy âm nhạc: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ…”. Bây giờ, anh đã đi một chặng đường dài. Và vòng đời của anh đã khép lại. Anh đã ra khỏi cuộc đời, trở về với đất. Như đúng linh cảm của anh: “Một mai chết thật âm thầm/ Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru…’’. Cỏ sẽ nở hoa. Và như một thi sỹ đã viết: “Hoa mọc lên/ Cánh bướm vờn bay/ Phải vất vả bao nhiêu/ Mới thanh thản nhường này”.

Thông tin về lễ viếng Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm Thông tin về lễ viếng Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm
Giới chuyên môn nói gì về Giới chuyên môn nói gì về "Em chưa 18"

Đoàn Tuấn

Vĩnh biệt nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: