Biên kịch Vũ Tùng chia sẻ kinh nghiệm 'chém gió' trong sitcom 'Công sở kế'

(TGĐA) - Có thể nói sitcom Công sở kế đang tạo nhiều điểm nhấn thú vị cho người xem khi tiên phong phản ánh những góc khuất, hậu trường của nghề truyền thông. PV TGĐA đã có cuộc trao đổi với biên kịch Vũ Tùng và anh đã dốc "sạch trơn" tâm huyết… kể về tác phẩm đầu tay của mình.

Điểm danh 5 nhân vật nữ có tính cách gai góc, hài hước trong 'Công sở kế' Điểm danh 5 nhân vật nữ có tính cách gai góc, hài hước trong 'Công sở kế'
Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid

Từ một đạo diễn phim tài liệu, động lực nào khiến anh "rẽ" bút viết kịch bản phim truyền hình về một xã hội thu nhỏ được gói gọn trong giới truyền thông, lại theo thể loại hài - trào phúng? Đây là một trong những đề tài từ trước tới nay ít ai đề cập?

Tôi theo ngành báo hình đã hơn 20 năm, làm thời sự, chuyên đề cũng nhiều, nhưng gắn bó nhất là với mảng phim tài liệu. Tôi cũng đã tham gia viết kịch bản và sản xuất nhiều phim ngắn. Song, những năm gần đây, do yêu cầu công việc, tôi tham gia hoạt động và có quan hệ công việc với nhiều công ty truyền thông, đồng hành với nhiều công ty tổ chức sự kiện của người trẻ khởi nghiệp. Tôi đã gặp nhiều mẫu người, chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị trong giới này, biết chuyện hậu trường của giới cả cái hay lẫn cái dở.

Ví dụ: Ai cũng có thể xem hình ảnh lễ hội, đêm ca nhạc trực tiếp hay trên ti vi, nhưng mấy ai biết những người tổ chức đêm diễn đó cực thế nào, phải chuẩn bị clip minh họa ra sao, chuẩn bị nếu sân khấu ngoài trời gặp mưa thì có phương án gì? Nếu lỡ đêm diễn thất bại thì hậu quả ra sao. Đời sống của các bạn ấy trong cái nhịp căng thẳng, đi đêm về hôm như thế sẽ ra sao? Và cả chuyện “lốp by”, đi đêm giành dự án của nhau... Tôi nghĩ đó là một mảng khá hấp dẫn, nhưng không hiểu sao lâu nay lại ít được giới làm phim để ý khai thác. Có lẽ vì người trong cuộc ngại nói về mình chăng? Mà phản ánh những thực tế này, trong đời vốn đã khá sôi động, có nhiều khía cạnh rất hài thì phải chọn một hình thức phim phù hợp. Thế là tôi bắt tay viết kịch bản phim hài.

Biên kịch Vũ Tùng chia sẻ kinh nghiệm 'chém gió' trong sitcom 'Công sở kế'
Biên kịch Vũ Tùng (bên phải)

Theo anh 50 câu chuyện mang tính thời sự về đời và nghề trong giới truyền thông - sự kiện khi lên phim đã thể hiện bao nhiêu phần trăm sự thật ban đầu của kịch bản… Và anh đã tạo sự "khác biệt" cũng như cân bằng thế nào cho nội dung bộ phim để hạn chế thấp nhất… những ý kiến trái chiều?

Cần nói rõ là series phim Công sở kế của chúng tôi không có tham vọng nói đầy đủ thực tế hoạt động và hậu trường của giới truyền thông - sự kiện vốn rất phong phú. Tôi chọn một nhánh nhỏ là những kế mưu, những câu chuyện hài hước của những người trẻ khởi nghiệp trong ngành này, ở một công ty có quy mô vừa thôi, khoảng hai, ba chục người. Cho nên, Công sở kế lấy bối cảnh một công ty truyền thông có tên Khabico (viết tắt hai từ "khác biệt"). Theo chuỗi hoạt động làm TVC quảng cáo, tổ chức lễ hội, làm kênh youtube… vốn sôi động của những người trẻ khởi nghiệp, phim sẽ phản ánh những góc khuất hậu trường nghề truyền thông.

Mỗi chuyện đều có một hạt nhân sự thực, vốn tổng hợp từ nhiều câu chuyện thực tế rồi hư cấu, (trong đó có cả những câu chuyện tôi từng là nhân vật trong cuộc), nhưng mọi chuyện đều được nhìn với góc nhìn hài hước (phim hài mà). Song, những chuyện xảy ra với công ty ấy, những con người ở đấy, tuy cụ thể, nhưng lại mang nét chung của rất nhiều công ty đang khởi nghiệp trong nghề này hiện nay, và cả ở các công sở khác nữa: chuyện mất dự án thiếu tiền trả lương, chuyện buôn bán trong văn phòng, chuyện đàm tiếu, nói xấu sau lưng, thậm chí đem bí mật dự án công ty bán cho đối thủ… thì chắc chắn không chỉ Khabico trong phim mà rất nhiều công ty gặp.

Như trong các nhân vật, có một gương mặt là Liên "thần soi" (diễn viên Hà An). Cô này hay soi chuyện người khác và đem ra "tám" với nhiều phiên bản sai sự thực, khiến các khổ chủ chỉ biết kêu trời... Nếu nói có một tỷ lệ nào đó giữa sự thực và hư cấu, thì có thể nói là chúng tôi dựa trên nguyên tắc “bảy thực, ba hư”, chỉ sắp xếp tình tiết, thậm xưng một chút cho hài thôi. Hơn nữa, thực tế công sở thì phong phú, ngồn ngộn, mà thời lượng một bộ phim sitcom chỉ có hạn, đồng thời lại phải có chất hài, nên chúng tôi cũng chỉ chọn những vấn nạn, kế mưu thường gặp nhất, có yếu tố hài để khai thác, chứ không thể đào sâu, nói kỹ được hết mọi thứ.

Ý kiến trái chiều thì tôi nghĩ là lúc nào cũng có, nhưng từ sự tôn trọng thực tế trong kịch bản (dù có từ góc nhìn hài hước), hy vọng là đa số công chúng cũng như người trong giới truyền thông - sự kiện sẽ đón nhận câu chuyện và nhân vật của Công sở kế.

Biên kịch Vũ Tùng chia sẻ kinh nghiệm 'chém gió' trong sitcom 'Công sở kế'

Cái khó của người viết kịch bản là phải luôn tạo những phân, trường đoạn kịch tính, cao trào và sau đó có những nút mở giải quyết hoàn toàn hợp lý, logic cho người xem lý thú chấp nhận. (Đây cũng là điểm hạn chế của nhiều bộ phim ở nước ta). Khai bút Công sở kế với anh có nhiều áp lực không?

Thực ra, là người làm phim nhiều năm, và cũng viết truyện nữa, tôi hiểu rất rõ áp lực của chuyện tạo kịch tính trong phim, nhất là phim hài. Tập mở đầu phim “Anh hào Khabico tụ hội” thực ra là tập khó nhất, vì phải làm sao trong một thời lượng ngắn, vừa giới thiệu được tính cách các nhân vật, vừa bảo đảm chất hài. Tôi phải viết, sửa tập này dăm ba lần mới vừa ý. Còn mạch các câu chuyện khác, bên cạnh việc bảo đảm hạt nhân ý nghĩa của câu chuyện, chúng tôi cũng bám sát nguyên tắc của phim hài tình huống, cố gắng tạo những tình huống bất ngờ, những cái kết vừa logic, vừa bất ngờ và hài hước. Đó là sự hài hước bật lên từ tình huống, từ tính cách nhân vật, chứ chúng tôi không đi theo hướng chọc ngoáy cười bằng hình thể nhân vật.

Lại ví dụ, trong phim có tập “Bạn hãy giải tỏa strees”. Nhân vật Hoàng “mặt lạnh”, giám đốc công ty, một hôm bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thiền, quyết định yêu cầu nhân viên cả công ty tập thiền định, im lặng, tắt hết điện thoại để đạt trạng thái cân bằng. Nghe rất có lý. Nhưng cái kết là sau khi tập xong, các nhân viên giở điện thoại ra, thì có vô số việc quan trọng đã bị bỏ lỡ, có người bị người yêu giận đòi bỏ. Cao điểm là nhân viên lễ tân báo với Hoàng, vì anh tập thiền định không chịu nghe máy, đối tác lớn nhất của công ty đã hủy hợp đồng. Thế là, thay vì an định thân tâm, cả công ty sôi sùng sục, kẻ khóc, người thẫn thờ. Tiếng cười bật lên từ đó.

Biên kịch Vũ Tùng chia sẻ kinh nghiệm 'chém gió' trong sitcom 'Công sở kế'

Ở thể loại phim hài, trào phúng việc sử dụng ngôn ngữ thoại lại càng khó và “đắt’… Anh đã đầu tư thế nào cho thoại ở các tuyến nhân vật đủ cả các yếu tố hài, duyên, thâm, sâu…?

Tôi có cái may là có hơn 20 năm làm báo, đi rất nhiều và gặp cũng nhiều dạng người khác nhau, trong đó có nhiều bạn trẻ, nên cách nói, cách dùng từ, cả cách “chém gió” của các bạn tôi biết cũng nhiều. Hơn nữa, tôi cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu những tác phẩm truyện hay facebook của các bạn trẻ kết nối với tôi. Gần như là tôi có cả một "sổ tay chém gió". Từ đó, tôi cố gắng chắt lọc sao cho ngôn ngữ các nhân vật vừa tự nhiên, vừa hoạt nhất, duyên nhất có thể. Tôi lại có lợi thế kiêm luôn vai trò giám đốc sản xuất, nên ra hiện trường, khi diễn viên thoại, có gì không thuận miệng hay quá lố, chúng tôi chỉnh lại một lần nữa.

Cảm nhận của anh sau khi xem những tập phim trong thời gian hậu kỳ? Có phải chỉnh sửa nhiều cùng đạo diễn hay nhà sản xuất không?

Phim khi hậu kỳ, từ bản thô ban đầu, chúng tôi chỉnh sửa cũng nhiều, thêm hiệu ứng, nhạc sao cho phù hợp nhất để bản phim vừa có nhịp tiết tấu nhanh, không lê thê mà vẫn bảo đảm chất hài. Cảm nhận cá nhân của tôi là phim sẽ khá vui, đem lại được tiếng cười cho khán giả.

Với Công sở kế sẽ là phép thử hiệu quả cho những dự án tiếp theo của anh?

Ngay ở kết phim này, nhân vật chính Hoàng “mặt lạnh” giao công ty cho Vy "keo kiệt" (Phó giám đốc), cùng người yêu là Ngân “đả nữ” ra nước ngoài để học hỏi tiếp về truyền thông 4.0. Cái kết đó vừa bảo đảm mạch phim là những người yêu chân thành sẽ mãi bên nhau, vừa là dự báo trước kịch bản câu chuyện phần hai (nếu có) là họ sẽ trở lại, khác biệt hơn nữa, độc đáo hơn nữa với những câu chuyện mới thời truyền thông 4.0. Vì tôi quan niệm, công sở, chính bản thân nó giống một câu chuyện sitcom nhiều tập, mỗi ngày nảy sinh một tứ mới, một chuyện mới mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Về phim tài liệu, tôi đang viết kịch bản về những nhân vật mở cõi của thời Chúa Nguyễn, với sự nhìn nhận mới của các nhà nghiên cứu lịch sử. Chưa kể, những câu chuyện tình người mùa dịch Covid-19 này, cũng làm nảy sinh nhiều ý tưởng phim, cả tài liệu lẫn phim truyền hình. Nhưng bây giờ phải lo chống dịch đã…

Biên kịch Vũ Tùng chia sẻ kinh nghiệm 'chém gió' trong sitcom 'Công sở kế'

Chân thành cảm ơn anh và mong anh tiếp tục thành công.

Biên kịch Vũ Tùng, từng học ngành ngữ văn tại Đại học Quy Nhơn, sau khi làm phim cho một số đài truyền hình, anh học tiếp ngành Báo chí – Truyền hình ở Học viện Báo chí Tuyên truyền và tham dự một số chương trình ngắn hạn của Hội Điện ảnh Việt Nam. Anh đã thực hiện khoảng hơn 100 phim tài liệu về đề tài văn hóa - lịch sử, chân dung nhân vật cũng như nhiểu phim ngắn phát ở nhiều Đài truyền hình trên cả nước và đoạt một số giải thưởng. Trong đó là series phim tài liệu 6 tập Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long, đạt giải A của Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ ba (2006-2011) do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Phim tài liệu Làng Võ sông Côn (3 tập) (đồng đạo diễn – tác giả kịch bản với nhà báo Binh Nguyên) đạt hai giải Vàng tại Liên hoan phim tài liệu các Đài PT-TH toàn quốc do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức ở Lâm Đồng năm 2012. Phim tài liệu Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc (10 tập) do anh chủ trì nhóm tác giả viết kịch bản và làm tổng đạo diễn. Phim phát hành hai thứ tiếng Việt - Anh và đã đạt giải Nhất thể loại phim tài liệu tại Liên hoan phim Phật giáo quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Đại lễ Vesak 2014 tại Ninh Bình...

Điểm danh 5 nhân vật nữ có tính cách gai góc, hài hước trong 'Công sở kế' Điểm danh 5 nhân vật nữ có tính cách gai góc, hài hước trong 'Công sở kế'

(TGĐA) - Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và trên cả ...

Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid

(TGĐA) - Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chẳng biết giới công ...

Vũ Liên