| Cao Hùng nằm ở phía Nam, là thành phố lớn thứ 2 ở Đài Loan | |
Quãng giữa năm 2010, tôi thực hiện công việc tổ chức triển lãm du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho Tổng cục Du lịch Đài Loan. Họ mang đến năm vũ công nam trong trang phục thổ dân đảo với những tua những ngù và khuôn mặt sơn phết dữ tợn. Mỗi lần họ dậm chân, chuông lại rung lên leng keng, tua ngù ve vẩy. Các nghệ nhân Đài Loan cũng trình diễn màn nặn tò he cho khách đến tham quan. Bột nặn tò he của họ khi khô có thể tồn tại vĩnh viễn, không bị chuột gặm hoặc lên meo như tò he bột nếp nhà mình. Nghệ nhân còn làm kẹo đường với đủ hình thù ngộ nghĩnh. Họ múc đường mật nóng chảy rót thành hình công phượng lên một mặt kim loại. Khi đường nguội, cứng lại, sẽ thành một chiếc kẹo, ăn không ngon lắm nhưng nhộn mắt. Thứ ngon nhất của họ là các loại bánh. Bánh gì tôi chẳng biết tên, chỉ biết từ thuở bé đến giờ chưa được nếm loại bánh xốp nào ngon thế, là kiểu bánh pateso có nhân đậu. Mà chỉ được ăn có một chiếc, vì khi họ mời ăn bánh, tôi ngán ngẩm nhìn những chiếc bánh bọc giấy thô sơ. Ấy là bánh kẹo của Pháp mình còn thờ ơ, đằng này lại mời ăn bánh kẹo dân tộc. Mới đành lịch sự cầm tạm một chiếc. Tối ấy về khách sạn, đói quá giở bánh ra ăn tạm. Sau khi ăn hết sạch cả vụn bánh mới chợt nhớ ra hội chợ triển lãm đã tan mất từ chiều. Thành thử lần này đến Đài Loan, một trong những mục tiêu số 1 của tôi là “truy tìm” chiếc bánh ngon nhất trần đời ấy.
Trước khi ra sân bay, tôi nhấc máy quay số của nhà văn Trang Hạ, người từng có quãng thời gian dài làm phóng viên thường trú tại Đài Loan. Đại ý tôi hỏi nên đi đâu, làm gì ở Đài Loan. Trang Hạ thấy tôi bảo đi Đài Loan thì reo lên cứ như thể tôi về thăm quê của cô ấy. Có ba thông tin tôi cần lưu ý từ Trang Hạ, ấy là thời tiết ở Đài Bắc và Hà Nội luôn chênh nhau đúng 1 độ (Tất nhiên Đài Bắc lạnh hơn). Thứ hai, đến Đài Loan thì nên đi thăm chợ đêm và xem múa. Thứ ba, ngày Tết người Đài Loan vẫn mở cửa hàng cửa hiệu như bình thường. Hai thông tin đầu làm tôi buồn rầu. Ấy là vì hôm đó mùng 2 Tết, người Hà Nội đi bộ lễ chùa cũng phải mặc áo đơn áo kép. Nhà văn Trang Hạ, người có thể coi thông thổ Đài Loan như dân địa phương mà chỉ gợi ý được mỗi khoản chợ đêm và xem múa thì ắt chuyến đi này vô vị mất rồi. Chợ đêm thành phố nào chẳng giống nhau, bày biện mấy thứ hàng hóa tầm tầm trên những xe đẩy hàng ngoài trời rồi nói thách gấp ba. Tôi cũng không có ý định bay một quãng đường xa thế để xem múa. Nói lời cảm ơn Trang Hạ, tôi ra sân bay và đến Cao Hùng vào tối mùng 2 Tết.
| ẩm thực chạy trong Phật Quang Sơn | |
Người Đài Loan, mọi thứ ở Đài Loan rất khác với Hồng Kông, Macau và Trung Hoa đại lục. Ấy là vì họ có vẻ hiếu khách hơn (hay tôi luôn có cảm giác như thế đối với các cư dân sống trên những hòn đảo), tất cả đều sạch sẽ, vệ sinh hơn và người dân tuân thủ luật pháp cũng tốt hơn. Vừa xuống sân bay, con gái tôi được một nhân viên hải quan tươi cười phát cho phong bao lì xì. Ấy là quà tặng đầu năm cho các hành khách nhí. Vừa được nhận xong thì lại bị mất một thứ khác. Là lúc gom xong hành lý gửi, xe đẩy của tôi đã bị một chú chó nhỏ mặc áo an ninh sáp đến gần. Vừa đánh hơi, chú khuyển có vẻ khẳng định trong túi xách tay của tôi có thứ gì đó bị nghiêm cấm. Hai nữ nhân viên an ninh đề nghị tôi mở túi xách ra. Họ kiểm tra rồi thu mất một túi quýt và nho tươi, là đồ lộc cúng đêm ba mươi, giờ mang đi theo để ăn vặt. Họ vứt túi hoa quả vào sọt rác, xong thưởng cho nhân viên an ninh bốn chân một chiếc kẹo. Hèn chi lúc chờ lấy hành lý, tôi nhìn thấy rất nhiều tờ rơi và pano có hình chú chó an ninh kia ghép với hình hoa quả bên cạnh. Tiếng tăm chẳng biết nên tôi không hiểu chó nghiệp vụ và hoa quả thì có gì liên quan đến nhau. Bị mất túi trái cây rồi thì tất là hiểu: Đài Loan cũng giống như New Zealand, cấm hành khách mang trái cây ngoại quốc vào bản xứ, dù chỉ là một trái cam.
| Các nhà sư ở đây không chỉ lo việc kinh kệ mà còn kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên... | |
Người Đài Loan sạch sẽ, ở đâu cũng thấy người đeo khẩu trang, từ sân bay cho đến nơi công cộng, cho dù chẳng tìm thấy rác thải, bụi bẩn ở đâu.
Người Đài Loan văn minh, nhiều bận giữa các ngã tư đông đúc, đèn giao thông không có nhưng các lái xe đi lại rất trật tự như có một cảnh sát viên vô hình đứng trên bục, thảy đều có ý thức nhường đường cho nhau, điều chủ yếu chỉ thấy ở châu Âu.
Không như những phần lãnh thổ còn lại của Trung Hoa, nơi mà 1 tỷ dân dường như xa lạ với ngoại ngữ, người Đài Loan có thể nói tiếng Anh rất tốt.
Khách ngoại quốc đến xứ lạ hay mắc bệnh quan sát rồi cộng dồn lại và đưa ra kết luận. Tôi cũng vậy, ngần ấy thứ khiến tôi cảm mến Đài Loan, cho dù có đi hết chiều dài hòn đảo cũng không thấy điều chi thú vị cho lắm ngoài… chợ đêm như gợi ý của Trang Hạ.
| Môt trong những món ăn đường phổ ở chợ đêm Liu-Ho | |
| Một góc chợ đêm Liu-Ho sầm uất ở Cao Hùng | |
Lo là trời lạnh, nhìn bản đồ thời tiết trên mạng lại thấy mưa ở Cao Hùng, nhưng thực tình hôm sau trời nắng to, rất may mắn để đi thăm Phật Quang Sơn. Có lẽ nơi thú vị nhất đảo Đài Loan là khuôn viên Phật giáo này. Phật Quang Sơn là một quần thể tôn giáo mang tính... công nghệ. Bên ngoài, kiến trúc Phật Quang Sơn vẫn theo lối truyền thống với một pho tượng Phật khổng lồ và hai hàng bảo tháp, nhưng vào trong, tưởng đâu như đang tới thăm trung tâm trình diễn công nghệ Panasonic Risupia chứ không phải là chùa. Thứ nhất là kiến trúc nội thất của Phật Quang Sơn không hề giống chùa mà giống một trung tâm thương mại hay rạp chiếu phim nhiều hơn với các nhà hàng và quán ăn nhanh, cà phê ngay lối cửa vào. Bên trong sảnh, một ông tượng Di Lặc có thể cử động được miệng để nói những lời răn bằng tiếng Quan thoại. Với dáng điệu của một kẻ nhà quê ngớ ngẩn, tôi đi vòng quanh tượng Phật xem tại làm sao một bức tượng bằng chất liệu cứng lại có thể cử động được cơ miệng nhoay nhoáy như thế. Sau khi không thể kết luận được, tôi đành bỏ sang gian thờ. Gian thờ này không có tượng Phật, bát hương, hay bất cứ đồ trang trí nào khác cho bệ thờ mà chỉ là một màn hình phẳng tụt sâu vào trong tường, trên hiện hình Đức Phật. Người ta xóc thẻ để chọn quẻ bằng cách nhấn lên bàn phím cảm ứng bên dưới, vậy là màn hình hiện ra các kết quả rủi may trong năm mới của khổ chủ.
| Xóc thẻ xin thẻ bằng công nghệ ở Phật Quang Sơn | |
| Một góc Phật Quang Sơn | |
Tiểu sử ngôi chùa và các câu chuyện về Phật giáo không được dán lên tường như chùa thường mà thể hiện bằng các hình ảnh không gian ba chiều ngoạn mục. Bình yên - Thịnh vượng – May mắn – An lành: người ta bốc thăm bằng cách cho đèn laze xanh đỏ chiếu chữ tự động trên một mặt phẳng mica trắng rồi các thí chủ chạm tay vào đâu thì gắp trúng điều ấy. Tóm lại là hoa cả mắt vì công nghệ nhà chùa. Tầng trên cùng cũng có nhiều phòng chiếu phim 4D với các chủ đề nhà Phật. Phòng cầu nguyện có tượng Phật nằm khổng lồ bằng sứ trắng, an lành trong tiếng cầu kinh ngân nga như tiếng hát. Có hàng trăm bộ bàn ghế gỗ bọc nệm da sang trọng với cuốn kinh in tiếng Quan thoại được đặt sẵn trên giá đỡ để khách vãn cảnh chùa ngồi cầu nguyện, sám hối. Phòng cầu nguyện ốp gỗ, phù điêu chạm nổi, lung linh dưới những ngọn đèn chùm tỏa ánh vàng như khách sạn năm sao. Chỉ riêng việc ngồi như thế nào trên bộ bàn ghế cầu nguyện đa chức năng ấy cũng khiến tôi trở thành kẻ quê kệch ngớ ngẩn lần thứ hai. Những tòa bảo tháp phía bên ngoài không phải để trang trí, cũng không làm nơi lưu trữ kinh kệ hoặc hài cốt các bậc cao tăng mà trở thành nhà hàng tiệc cưới (tiệc chay thôi), rồi phòng y tế, phòng trưng bày, quầy bán đồ lưu niệm… Các nhà sư ở đây không chỉ lo việc kinh kệ mà còn kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên, người bán hàng, chỉ dẫn giao thông, bảo vệ, lễ tân phát tờ rơi bằng cả tiếng Trung - Anh… Các ni cô lễ tân đều còn rất trẻ và tươi cười, niềm nở với khách đến tham quan. Trang phục cà sa của nhà sư bảo vệ có thêm mấy vạch phản quang và chiếc còi. Sư bảo vệ đứng ngay bãi đậu xe tuýt còi inh ỏi để hướng dẫn chỗ đỗ cho khách.
| Nhóm vũ công nam mặc quần loe ở đám rước Phật | |
Tôi có điều may mắn khi đến Đài Loan, ấy là may làm sao mùng 3 Tết cũng trùng vào lễ rước ở quần thể Phật Quang Sơn. Quãng 11 giờ trưa, đám rước từ trên dốc đồi đi xuống, rầm rộ trong tiếng nhạc vui tai. Có vài chục xe rước cả thảy. Trong chùa đã ngộ nghĩnh làm vậy thì đám rước cũng thú vị không kém. Đầu tiên là những người mặc hình nộm chú tiểu đi đầu, rồi đến Phật bà Quan âm đóng giả, nhóm các thiếu nữ mặc váy kẻ ca rô kiểu Scotland đi kèm đội trống mặc áo nhà binh có tua ngù vàng, đội mũ phớt kiểu hoàng gia Anh quốc nhưng dưới mặc soọc trắng và xỏ giày thể thao. Rồi tiếp một đoàn thiếu nữ mặc trang phục dân tộc đi trước một xe chở tượng Phật Di Lặc. Sau màn múa lân là một nhóm vũ công nam mặc quần loe, áo đuôi tôm kim tuyến màu xanh nước biển, đội mũ phớt vàng nhảy múa theo điệu nhạc La tinh, theo sau là tốp thanh niên mặc đồng phục áo pull vàng in hình trái táo xanh như đội tình nguyện đang tham gia Team Building Game (Trò chơi theo nhóm). Cái đám rước có cả Phật cả vũ công, cả sư sãi và đội kèn trống, cả linh vật và thiếu nữ mặc đồng phục thể thao hớn hở trong tiếng kèn trống linh đình này giống lễ hội Carnival hơn là đám rước nhà Phật. Xung quanh người ta cũng tận dụng bán tiền xu cho du khách để khách thả vào chiếc liễn cầu tài lộc trước xe rước của ông Di Lặc.
| Tháp long hổ nhìn từ trên cao | |
Ngoài Phật Quang Sơn ra thì Cao Hùng còn có Tháp Long Hổ là hai ngọn tháp sặc sỡ hình rồng và hổ được dựng trên hồ nước, cạnh đó là một khu chợ trời với những món hàng tầm tầm và đồ ăn vặt, ngày lễ đông đúc đến nỗi đi hết một vòng thì chóng mặt. Trên khuôn viên bờ hồ có người phụ nữ trung niên chơi đàn oóc và hát những bản tình ca cũ kỹ với chiếc hộp các tông trước mặt mong nhận được chút tiền ủng hộ của du khách. Ngoài ra còn có nhóm nhảy teen và những người làm ảo thuật lặt vặt, cũng cùng chung mục đích ấy, nhưng không mấy người thưởng ngoạn. Tết ở Cao Hùng là vậy.
| Tháp long hổ ở Cao Hùng | |
Cao Hùng cũng chỉ có ngần ấy điểm vui chơi, bên cạnh chợ đêm Liu-ho sầm uất.
| Hình ảnh lễ rước ở quần thể Phật Quang Sơn | | "Tôi có điều may mắn khi đến Đài Loan, ấy là may làm sao mùng 3 Tết cũng trùng vào lễ rước ở quần thể Phật Quang Sơn. Tuy nhiên, cái đám rước có cả Phật cả vũ công, cả sư sãi và đội kèn trống, cả linh vật và thiếu nữ mặc đồng phục thể thao hớn hở trong tiếng kèn trống linh đình này giống lễ hội Carnival hơn là đám rước nhà Phật"... |
| Macau: Las Vegas phương Đông (TGĐA) - Được mệnh danh là “Las Vegas phương Đông”, Macau thực sự đã trở thành ... |
| Đảo quốc Sư tử: Muốn gì cũng có, chỉ có rác là khó! (TGĐA) - Chúng tôi ăn tối xong lúc bảy rưỡi thì trời mới xâm xẩm tối. ... |