(TGĐA) - Với một cốt truyện không mới và khá khu biệt nhưng với lối kể chuyện tiết chế đầy tính nữ của mình, Sasha Chuk không chỉ thành công khi đưa Fly me to the Moon (Nguyện ước vĩnh cửu) từ trang sách lên màn ảnh một cách thuyết phục mà còn khiến tất cả những câu hỏi đan xen của nhân vật trong phim chạm tới cảm xúc của mọi người xem ở bất kỳ đâu trên thế giới. Fly me to the Moon vừa chiếu ở Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ II và giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kang Ren Wu hạng mục Phim châu Á dự thi.
Năm 1997, Yuen và một thời gian sau là em gái của mình - Kuet, cùng mẹ từ Hồ Nam chuyển đến Hồng Kông để đoàn tụ cùng người cha đã nhập cư trước đó. Tuy nhiên, nghèo đói, rào cản ngôn ngữ, sự kỳ thị ở trường học và đặc biệt là tác động đến từ người cha nghiện ngập, ăn cắp vặt, luôn lâm vào cảnh tù tội khiến gia đình nhỏ luôn xung đột và ly tán. Mỗi người, đều vật lộn với cuộc sống riêng, tự chữa lành những tổn thương trong tâm hồn cũng như cố gắng hàn gắn quan hệ đan xen bằng cách thức riêng cho đến ngày người cha Kok Man qua đời…
Đạo diễn Sasha Chuk kể Fly me to the Moon thành 3 mốc thời gian, mỗi mốc kéo dài 10 năm từ năm 1997 đến 2017, tưởng như rời rạc nhưng lại rất hợp lý. Giai đoạn đầu từ năm 1997 khi Yuen cùng mẹ bắt đầu đến Hồng Kông sinh sống, là giai đoạn “Tiếp nhận thụ động”: Nơi Yuen cảm nhận được cả 2 mặt của cuộc sống như sự nghèo đói, cãi vã, sự kỳ thị quanh môi trường sống; thấy tình cảm của cha nhưng cũng thấy ông là kẻ nghiện ma túy, ăn cắp vặt và phần nào đó ảnh hưởng tới bản thân khi cô bé cũng bắt đầu ăn cắp một chiếc đồng hồ của bạn hay lúc mới lớn có xu hướng bị những chàng trai như cha mình thu hút.
Cảnh ba bố con trong bừa ăn chung lần thứ 2 sau khi người bố ra tù |
Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2007 khi người cha được ra tù, giai đoạn này có thể gọi là “Thỏa hiệp và phản kháng”. Đây là giai đoạn Yuen cùng em gái đã bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở Hồng Kông, ảnh hưởng cả tới tình cảm lẫn sự nghiệp tương lai. Sự xuất hiện của người cha vừa ra tù và tái nghiện đã đẩy mối quan hệ lên tới cao trào. Đỉnh điểm, khi Kok Man trong cơn vật thuốc, điên cuồng lục lọi trộm tiền của các thành viên trong gia đình và tuyệt vọng cầu xin, Kuet đã lựa chọn vay tiền chị cứu bố và chôn trong lòng ý niệm cứu rỗi ông. Còn Yuen, thỏa hiệp cho bố tiền nhưng kể từ đó, mối quan hệ đã hoàn toàn lạnh nhạt. Sự phản kháng đó đã đưa tới quyết định ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của cô sau này: chia tay người yêu có hành vi ăn cắp vặt giống bố, lựa chọn cuộc sống tự lập, không lập gia đình mà chỉ có bạn tình.
Giai đoạn 3 là giai đoạn “chữa lành” của mối quan hệ giữa 3 cha con khi Kok Man một lần nữa vào tù rồi khi ra tù thì quyết định về quê sinh sống. Đây là giai đoạn cô đơn nhất của từng nhân vật. Có thể nhìn thấy dụng ý của đạo diễn trong từng khuôn hình, tương tác quan hệ hay bối cảnh. Mỗi người tưởng đều đang chữa lành cho bản thân trong thế giới riêng nhưng thực chất đều là đang trả lời, tìm kiếm giải pháp cho sự rạn vỡ từ lâu trong mối quan hệ gia đình đã khắc sâu vào tâm hồn của từng thành viên.
Fly me to the Moon có điểm đáng khen là dung hòa được khán giả yêu thích phim nghệ thuật lẫn thị hiếu. “Vừa vặn” - là thứ đáng khen nhất khi đạo diễn Sasha Chuk xử lý 3 giai đoạn tưởng chừng như ngắt đoạn này thành một tác phẩm đánh động tới người xem. Nhiều phim về đề tài gia đình đạo diễn thường chọn đẩy bi kịch lên cao trào để khán giả có thể khóc cười luôn ngoài rạp. Fly me to the Moon thì đưa cảm xúc ở khoảng điểm vừa tới, như nữ đạo diễn Sasha Chuk đã chia sẻ sau khuôn khổ buổi chiếu ở Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ II rằng, cô muốn dành 2-3 điểm lẽ ra phải đẩy đó cho khán giả về nhà tự ngẫm, hơn là khóc cười ngoài rạp rồi sẽ phai nhạt đi. Và đó cũng chính là ý niệm để đạo diễn điều tiết cho toàn bộ tác phẩm.
Sasha Chuk - cô gái 9x đa tài "cân" cả đạo diễn, biên kịch và diễn viên |
Chuyển thể từ truyện ngắn của chính bản thân, Sasha Chuk vừa là biên kịch, là đạo diễn lại kiêm cả diễn viên khi thể hiện Yuen ở giai đoạn trưởng thành nên cô nắm bắt được tiết tấu câu chuyện mà mình muốn kể cũng như cái gì đáng để phô cho khán giả xem và cùng suy ngẫm. Bối cảnh không nhiều nhưng chỉ cần một vài cảnh điểm nhấn như ánh nhìn của cô bé Yuen theo những đôi giày trắng, hay bối cảnh nén chặt của căn phòng tạm bợ, vài con ngõ chật hẹp… là Sasha Chuk đã tái hiện cho khán giả thấy một Hồng Kông vừa chân thực, vừa ám ảnh nhưng cũng đầy ẩn ý. Âm nhạc cũng vậy, việc sử dụng một hợp âm theo suốt những cảnh tâm trạng cũng mang đến thứ cảm xúc không dồn nén mà đầy dấu hỏi – tựa như ánh nhìn thờ ơ che giấu sự rạn vỡ cần được chữa lành của Yuen khi trưởng thành.
Khung cảnh chật hẹp của gia đình tại Hồng Kông |
Diễn xuất trong phim thực sự là điểm nhấn. Sự vừa vặn tiếp tục được thể hiện qua sự tương tác của các nhân vật với nhau đủ để khán giả nắm bắt câu chuyện nhưng cũng đủ nhận ra sợi dây kết nối gia đình ẩn hiện, lúc đậm lúc mờ. Nó ẩn ý về việc không chỉ cái bóng của người cha – nam tính độc hại - phủ lên cuộc đời hai người con mà còn cả cái cách mà họ gắn kết với tâm hồn của cha mình thông qua mối quan hệ gia đình.
Diễn xuất của Sasha Chuk vai người chị lúc trưởng thành, Angela Yuen vai cô em gái lúc trưởng thành và đặc biệt là Kang Ren Wu (Ngô Khảng Nhân) vai người cha thực sự là bộ ba tam giác giằng kéo nhau không thể tách rời. Kang Ren Wu cho thấy khả năng diễn xuất bậc thầy khi tiết chế mọi cảm xúc qua ánh mắt, đó là sự đơn độc kể cả trong lúc điên cuồng, lúc áy náy, hay trống rỗng vô hồn. Là ngọn nguồn tội lỗi trong gia đình nhưng cũng là nạn nhân của cuộc sống, như câu nói của người chú ở quê nói với Yuen: “Chú không hiểu Kok Man lấy can đảm ở đâu khi rời Hồ Nam một mình tới Hồng Kông lập nghiệp, bởi từ nhỏ anh ấy là người nhút nhát, luôn sợ hãi và bị bắt nạt”.
Kang Ren Wu với diễn xuất đỉnh cao |
Đó cũng là điểm nhấn để đạo diễn Sasha Chuk cài cắm các chi tiết đắt giá móc nối 3 mốc thời gian trong phim, móc nối tất cả các quan hệ của các thành viên vào một cụm từ “gia đình”. Khi Yuen ăn trộm chiếc đồng hồ và bị mẹ mắng, cha cô đã bảo “Cha sẽ cho con chiếc đồng hồ đặc biệt nhất” và cắn vào cổ tay cô để vết răng lưu lại như hình “đồng hồ”. Và khi người bạn tình của Yuen - vì sợ cô chia tay, cũng đã cắn vào tay như nhắn nhủ về thời gian không thể quên, cô đã bật khóc và quyết định rời xa. Vết cắn đó là biểu tượng của sự bất lực, như cái cách cha cô đã ám ảnh vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ. Ông thực sự muốn cô đến Hồng Kông với cuộc sống là bữa sáng ở sảnh khách sạn cùng xíu mại và xì dầu, được lên thang máy trên cao ngắm nhìn toàn thành phố về đêm…
Nhưng điều đó, chỉ được thực hiện lần thứ 2 khi cô em kết nối khi ông ra tù. Còn lần thứ 3, chỉ còn trong tiếc cuối với lời nhắn cuối cùng trước khi chết dành cho cô. Tình yêu của cha dành cho cô, cũng như cô dành cho cha – đau và ám ảnh như vết cắn đó vậy.
Tôi cứ thắc mắc mãi rằng vì sao tên tiếng Anh của bộ phim là Fly me to the Moon (Hãy cùng tôi bay tới mặt trăng) và khi tìm hiểu thì mới hiểu dụng ý của đạo diễn. Ngoài tính biểu tượng về tính nữ bao dung qua hình ảnh mặt trăng hiền dịu thì mối quan hệ của các nhân vật như chu kỳ vận hành không ngừng của mặt trăng. Nhân vật cô chị tên là Yuen – ẩn ý về sự viên mãn, cũng như cách cô đến Hồng Kông lúc mọi thứ đang hạnh phúc, tròn đầy, nên luôn khao khát những tháng ngày hạnh phúc đã qua, không vượt qua day dứt để hàn gắn. Còn cô em gái Kuet - nghĩa là thiếu thốn, người đến sau, khi gia đình đã tổn thương, cô như vầng trăng khuyết luôn tìm cách lấp đầy, tình cảm là sợi dây kết nối với cha với người chị của mình.
|
Gia Hoàng