(TGĐA) - Không chỉ chia sẻ về dự án Hoa nhài sau hơn 10 năm kể từ khi bộ phim Đừng đốt về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ra mắt, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh còn có những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc về tình hình của điện ảnh Việt Nam hiện nay, kể từ khi Luật điện ảnh cũng như cơ chế thị trường được vận hành…
30 năm phim 'Cô gái trên sông': Những kỷ niệm khó quên | |
Hé lộ lý do thành công những bộ phim chiến tranh của NSND Đặng Nhật Minh |
|
Hơn 10 năm kể từ sau bộ phim Đừng đốt mới thấy ông trở lại với một bộ phim mang tên Hoa nhài. Ông có thể chia sẻ một chút về dự án này của mình được không?
Hoa nhài do một hãng phim nhỏ ở Huế - nơi tôi sinh ra - sản xuất. Họ thấy tôi lâu không làm phim nên muốn tạo điều kiện để tôi được làm, đỡ nhớ nghề. Kinh phí cho phim cũng khá là hạn hẹp, mới đủ để quay và sơ dựng, đang còn chờ huy động thêm tiền để làm hậu kỳ. Được cái, Hoa nhài không phải do nhà nước đặt hàng, nên cũng chẳng bắt buộc phải ra đúng dịp kỷ niệm nào nên không bị áp lực gì.
Tôi làm phim này bởi thấy báo chí, rồi phim ảnh… phản ánh nhiều về những mặt tiêu cực của người Hà Nội, “chất Hoa nhài” của người Hà Nội dường như không còn. Tôi muốn chứng minh điều ngược lại. mặc dù bây giờ người tứ xứ đổ về khiến người Hà Nội không còn như xưa… Hoa nhài là câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ giữa con người với nhau trong vòng xoáy của cuộc sống đô thị hiện nay: Một em bé đánh giày từ nông thôn ra; Một ông thợ cắt tóc với vợ là người từ làng bánh cuốn Thanh Trì; Một ông giáo già người Hà Nội gốc dạy hát cho các em trong dàn đồng ca khiếm thị… Họ, vẫn giữ được cái cốt cách của “người Tràng An” như trong câu ca dao xưa: “Chẳng thơm cũng thể Hoa Nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Có thể nói, những dự án phim như Hoa nhài thời nay quả là hiếm. Điện ảnh tràn ngập những bộ phim giải trí và thiếu khuyết hẳn những bộ phim cần phải đào bới, tìm kiếm những tầng thông điệp ẩn dưới hình ảnh, câu chuyện. Nếu để đánh giá về điện ảnh Việt khoảng chục năm đổ lại đây, ý kiến của ông thế nào?
Muốn đánh giá về điện ảnh Việt khoảng 10 hay 20 năm đổ lại đây thì phải hiểu xem nó được chi phối bởi những yếu tố nào. Theo tôi, có hai yếu tố: một là việc chúng ta chính thức bước chân vào WTO, hai là Luật điện ảnh được ban hành năm 2006. Khi không còn được nhà nước bao cấp và điện ảnh, trên văn bản đã được ký kết với WTO, được coi như một thứ hàng hóa thì đương nhiên nó phải có một cách vận hành khác với nền điện ảnh trước đó.
|
Điện ảnh Việt Nam ngày nay vận hành giống như tất cả các nền điện ảnh trên thế giới hay trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Philipines, Singapore… tức là được vận hành theo cơ chế thị trường. Mà đã thị trường, thì phải lấy lợi nhuận làm đầu, là điều tất yếu. Hiện điện ảnh Việt 90% là phim do tư nhân sản xuất. Trước đây, nhà nước còn đặt hàng phim kỷ niệm những ngày lễ lớn nhưng gần đây chắc thấy không hiệu quả nên ngừng. Tư nhân tự bỏ vốn làm phim thì phải chạy theo thị trường, phải có lãi, là chuyện đương nhiên.
Nhiều người nhận xét rằng, chính vì chúng ta mải mê chạy theo thị trường, chạy theo thị hiếu khán giả mà phim Việt giờ không còn sâu sắc như ngày xưa, thậm chí không còn “đem chuông đi đánh xứ người” với nhiều giải thưởng vượt biên giới quốc gia như nền điện ảnh trước?
Cũng có nhiều người hỏi tôi là sao ngày xưa phim kinh phí ít, kỹ thuật nghèo nàn mà lại có phim hay, phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Theo cá nhân tôi nghĩ: Ngày xưa làm phim, không bị áp lực về mặt doanh thu, phải chiều thị hiếu của số đông khán giả. Nhà nước không yêu cầu buộc phải mang về lợi nhuận. Các nghệ sỹ ăn lương nhà nước, đi làm phim hưởng công tác phí, làm xong phim lại còn có ít nhuận bút. Người nghệ sỹ không bị chi phối bởi điều gì, thậm chí cả về mặt thời gian. Nghệ sỹ chỉ biết dốc lòng dốc sức làm cho phim hay theo mức độ đam mê nghề và lương tâm của mình. Có lẽ vì như thế nên trước đây mới có những tác phẩm chất lượng.
Còn thời kỳ này, một bộ phim làm ra có vô vàn áp lực. Người làm phim không thể nói tôi làm bộ phim vì “tôi thích” nữa mà phải đổi thành vì “khán giả thích”. Đừng gọi “khán giả” một cách chung chung mà phải phân định một cách thực tế và khoa học. Thời xưa, khán giả mê phim là những người lớn tuổi 30-40-50 hay 60, họ là những người cầm tiền trong gia đình và muốn xem những bộ phim sâu sắc về cuộc đời, về tâm tư tình cảm con người hay hiểu về những người sống cùng thời đại. Trẻ em lúc đó thì chỉ xem phim giá rẻ ở rạp Kim Đồng hay miễn phí ở các bãi chiếu phim thôi. Còn bây giờ khán giả Việt chủ yếu là lớp trẻ tuổi từ 16-25, con nhà khá giả và chỉ muốn xem phim giải trí, không giải trí thì không xem. Khi khán giả bỏ tiền mua vé thích phim giải trí, vui vẻ thì phim ảnh làm ra đương nhiên cũng phải giải trí vui vẻ. Lứa khán giả này thực chất đang định hướng cho điện ảnh Việt Nam.
Chúng ta thường nói là phải dung hòa giữa tính giải trí và tính nghệ thuật, nhưng đó là chuyện ta mong vậy thôi chứ làm được khó lắm. Vừa rồi có phim giải trí ra rạp thu hơn 200 tỷ nhưng giải Cánh Diều lại trắng tay. Được cái này mất cái kia .
Ai làm mà chả muốn phim mình hay nhưng khả năng đến đâu lại là chuyện khác, phim Nhà nước đặt hàng cũng vậy thôi. Tôi ngạc nhiên thấy điện ảnh Thái Lan cũng vận hành theo cơ chế thị trường giống chúng ta mà mấy năm trước họ có giải Cành cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes. Chúng ta nên hỏi họ kinh nghiệm xem sao.
Một số ý kiến cho rằng, nếu chúng ta cứ thả lỏng và nuông chiều thị hiếu khán giả thì nền điện ảnh Việt cứ mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí còn có thể đi xuống. Bản thân ông suy nghĩ thế nào trước ý kiến này?
|
Nếu chỉ phục vụ lớp khán giả 16-25 tuổi như hiện nay thì điện ảnh Việt Nam cũng chỉ thế này thôi. Tôi nghĩ chúng ta nên có biện pháp để nâng cao trình độ xem phim của khán giả trẻ. Tôi luôn thắc mắc, học sinh của chúng ta, trong giáo trình phổ thông được học văn học, được tiếp cận nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thậm chí cả sân khấu… nhưng tại sao điện ảnh lại không? Ngay Lê Nin cũng từng nói: “Điện ảnh là bộ môn quan trọng nhất trong các loại hình nghệ thuật” cơ mà? Nâng cao trình độ thẩm mỹ điện ảnh cho đối tượng khán giả trẻ này thì tự nhiên điện ảnh cũng phải nâng cao theo, đó là quy luật tất yếu.
Thời bao cấp, chúng ta có mô hình CLB điện ảnh ở các rạp chiếu. Ở đó, khán giả được xem các phim đặc sắc, được tiếp cận nhiều thể loại phim, được bình – phân tích phim cũng như giao lưu với các đoàn phim, nghệ sỹ… Điều này giúp nâng cao trình độ khán giả lên, đa dạng nhu cầu thưởng thức cũng như khiến họ gần gũi hơn với điện ảnh, với nghệ sỹ. Hiện nay, mô hình này tôi không thấy. Nên chăng, chúng ta nên phục hồi nó.
|
Phần nhiều phim Việt hiện vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng hàng năm, nhà nước vẫn rót tiền làm phim thông qua phương thức đặt hàng đấu thầu làm phim – đặt cơ hội cho các hãng tư nhân và nhà nước ngang nhau. Để phát huy tốt thể loại phim nhà nước đặt hàng thì theo ông, nên làm thế nào?
Muốn phim hay thì kịch bản phải tốt. Trước đây, mỗi khi nhà nước có chủ trương làm phim, thì các ban bệ ở dưới chọn ra một kịch bản phù hợp để làm và rất ít khi có hiệu quả. Theo tôi, phải thông tin công khai cho mọi người biết, kịch bản phải thi với nhau, thậm chí 10 chọn lấy 1 thì mới hy vọng có phim hay. Khâu này rất quan trọng nhưng bấy lâu nay nhà nước không quan tâm. Thông qua một kịch bản dở thì dù đạo diễn có giỏi mấy cũng không thể có phim hay.
Kinh phí theo ông có cần phải tăng lên? Bởi nhiều đạo diễn kêu rằng, kinh phí nhà nước chưa đủ lớn để làm trọn vẹn phim hay…
Có không ít phim nhà nước đầu tư khá nhiều tiền nhưng hiệu quả lại không tương xứng. Kinh phí là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là quyết định.
Với những bộ phim sử thi bom tấn thì sao? Ngoài kinh phí phải lớn thì một câu hỏi thắc mắc là: chúng ta lịch sử hào hùng còn có Hai Bà Trưng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung… với những cuộc chiến tưởng tượng đã thấy lên phim hay như trận đánh trên sông Bạch Đằng hay hàng ngàn thớt voi đại chiến quân Thanh… tại sao đến giờ chưa làm được?
Để làm những phim loại này, phải có kinh phí cực lớn. Câu hỏi đặt ra là: ai là người sẽ bỏ tiền ra sản xuất? Tư nhân thì khó rồi. Bởi bỏ kinh phí lớn thế thu hồi vốn ở thị trường Việt Nam rất mạo hiểm. Ngoài ra còn là việc ai có đủ tầm và có kinh nghiệm đạo diễn những phim như thế?
Nền điện ảnh của một đất nước phải dựa trên cái tiềm lực của quốc gia đó. Với một đất nước thu nhập bình quân đầu người là hơn 2000 USD mà lại đòi làm phim bom tấn như một quốc gia có thu nhập bình quân hàng chục ngàn đô là điều không thể. Điện ảnh phải tương ứng với mặt bằng quốc gia chứ không phải thích làm những phim bom tấn đến đâu thì làm. Cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài nếu muốn làm. Trước mắt tôi thấy điều này chưa khả thi.
Giải thưởng ngoài sự tôn vinh thì luôn mang đến sự khích lệ cho các nhà làm điện ảnh. Tuy nhiên gần đây, nhiều ý kiến cả báo chí lẫn chuyên môn cho rằng, các Ban giám khảo của nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước chưa tôn vinh đúng người, đúng tác phẩm, rằng là nên thay đổi cách thức chấm giải cho phù hợp, ví dụ như cách thức Oscar làm hay mời BGK nước ngoài… Cá nhân ông, từng làm trưởng BGK nhiều LHP, ông nói gì về điều này?
Không có LHP nào trên thế giới trao giải xong lại nhận được đồng thuận của tất cả mọi người cả. Lúc nào mà chả có tranh cãi. Tôi chỉ nghĩ, giải thưởng không nên bị chi phối bởi áp lực đồng tiền, minh bạch và công tâm, thế thôi. Trên Tạp chí TGĐẢ có đăng ý kiến của một đạo diễn Nga rất hay và chính xác: Phim được giải này giải nọ chưa nói lên điều gì. Quan trọng là 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa người ta có muốn xem lại nó không? Bởi vậy đừng quá coi trọng các giải thưởng. Thời gian và người xem mới là vị Giám khảo công tâm nhất. Giải Oscar thì các bạn biết đấy, nó thông qua mấy ngàn phiếu bầu được phát cho các thành viên của viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh Mỹ. Thời đi làm phim Người Mỹ trầm lặng với đạo diễn Phillip Noyce, ông ấy nói với tôi rằng đúng đợt mình phải bầu Oscar. Tôi hỏi: Ông đang đi làm phim thế này bầu kiểu gì? Ông ấy nói: có thể qua tin nhắn cũng được. Tôi lại hỏi: Thế ông có xem hết các phim không? Phillip Noyce cười trả lời: Làm sao xem hết được, tôi cứ thấy phim nào báo chí nói đến nhiều thì bầu thôi. Thế đấy, giải thưởng nào cũng có sự lỏng lẻo hay góc khuất của nó…
Xin cảm ơn ông!
Luật điện ảnh ra đời từ năm 2006 nhưng càng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu thực tế, bất cập với tình hình điện ảnh trong nước. Quả thực không có luật nào mà chỉ một thời gian ngắn lại kiến nghị sửa đổi, rồi lại kèm theo văn bản nghị định hướng dẫn v.v.…nhiều như luật điện ảnh. Tôi nghĩ cần phải có hội thảo bàn về luật điện ảnh do chính phủ chủ trì, đúc kết xem sơ hở đâu thì làm lại lần nữa triệt để cho kín kẽ. Luật gì thì luật, điều cốt lõi là phải bảo vệ và phát triển nền điện ảnh dân tộc, đó là điều quan trọng nhất. |
30 năm phim 'Cô gái trên sông': Những kỷ niệm khó quên (TGĐA) - Tôi vẫn còn nhớ đinh ninh cảnh quay đầu tiên của phim Cô ... |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Vinh quang từ Amiens (TGĐA) - Giữa tháng 11 vừa qua, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh đã ... |
Gia Hoàng