(TGĐA) - Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của gia đình nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ (29/8/1988 – 29/8/2018), chương trình nghệ thuật Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào lúc 20h00 ngày 26/8 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Những hoạt động chào mừng 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ |
|
Với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về 2 nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè và khán giả, đêm thơ nhạc Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại do báo Dân Việt, Nhà hát Tuổi trẻ và VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam cùng phối hợp tổ chức.
Chương trình gồm 3 phần, phần 1 là những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của 2 tác giả. Phần thứ 2 là những hồi ức đẹp nhất, những kỷ niệm lần đầu được kể về hình ảnh của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong trí nhớ và tình yêu bè bạn. Phần 3 là trích đoạn vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn.
Đêm nghệ thuật có sự tham gia của đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Châu, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Lê Minh Khuê, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Lê Tâm, ca sĩ Tùng Dương, NSND Vương Hà, ca sĩ Ánh Tuyết, các nghệ sĩ đoàn kịch và đoàn ca nhạc Nhà hát Tuổi trẻ…
Tổng đạo diễn chương trình do NSƯT Chí Trung đảm nhận cùng các phó đạo diễn gồm NSƯT Trọng Thủy, đạo diễn NSƯT Sỹ Tiến. Kịch bản đêm diễn: Nhà báo Lưu Quang Định, nhà báo Lưu Minh Vũ và nhà báo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến.
|
Đêm diễn sẽ được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào ngày 29/8/2018.
Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai út Lưu Quỳnh Thơ đã ra đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc khi đang trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội. Khi ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ 40 tuổi, nhà thơ Xuân Quỳnh 46 tuổi, cháu Lưu Quỳnh Thơ 13 tuổi. 30 năm đã qua đi. Hình ảnh yêu thương của Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ vẫn sống mãi trong trái tim người thân, bè bạn.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa (1968) và các tập thơ tiếp sau này như Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993)..
Từ 1978 đến 1988, giai đoạn này nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ. Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Người tốt nhà số 5, Ngọc Hân công chúa, Linh hồn của đá, Ông vua hóa hổ, Chiếc ô công lý, Ông không phải là bố tôi, Điều không thể mất, Ai là thủ phạm, Chuyện tình bên dòng sông thu, Tin ở hoa hồng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng…
Nhà thơ Lưu Quang Vũ vinh dự được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Nhà thơ Xuân Quỳnh - người vợ đã gắn bó với nhà thơ Lưu Quang Vũ trong 15 năm đỉnh cao của sự nghiệp cho đến cuối đời. Bà sinh năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Nhà thơ Xuân Quỳnh bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam.
Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung, Nhà xuất bản Văn học, 1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974); Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978); Sân ga chiều em đi (thơ, 1984); Tự hát (thơ, 1984); Hoa cỏ may (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994); Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994); Hát với con tàu; Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)… Ngoài ra, bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982); Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985); Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981); Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984); Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986); Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995); Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)…
Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào, năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh... Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (4/1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.
Nhà thơ Xuân Quỳnh được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2017.
Những hoạt động chào mừng 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ |
Trí Anh