Nhật Bản - cái nhìn từ Việt Nam: Dấu ấn từ những thước phim

(TGĐA Online) - Chúng ta đã từng được thưởng thức qua nhiều bộ phim của đồng nghiệp trong và ngoài nước trên truyền hình và điện ảnh về con người, nét văn hóa của đất nước xứ sở hoa Anh đào… nhưng từ “cái nhìn” của hai đạo diễn NSƯT Dư Kim Hoàng và Nguyễn Hoàng Nhật Bản – cái nhìn từ Việt Nam vẫn thật lạ và rất riêng biệt.

Với mong muốn mang đến cho khán giả Việt Nam hiểu thêm về đời sống văn hóa của người nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam có nhiều người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc trong đó có người Nhật Bản, TFS đã lên ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu về đời sống văn hóa của Nhật Bản. Tháng 12/2013 được sự giúp đỡ và hỗ trợ của Hãng Tin Nihon Denpa News Nhật Bản, đoàn làm phim đã lên đường sang Nhật để ghi hình cho bộ phim tài liệu Nhật Bản – cái nhìn từ Việt Nam. Phần 1 của bộ phim gồm 6 tập mang 5 chủ đề chính về kinh tế văn hóa xã hội mới nhất hiện nay Tàu điện ngầm Tokyo (1 tập), Người cao tuổi ở Nhật Bản (1 tập), Nông nghiệp Nhật Bản (1 tập), Kimono (2 tập), Đạo đức người Nhật (1 tập).

PhimtlNB

Bộ phim được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - Hãng phim TFS thực hiện với sự hợp tác của Hãng tin Nihon Denpa News Nhật Bản (NDN). Hãng tin NDN đã có mối quan hệ với Việt Nam từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngay từ đầu những năm 1960, của thế kỷ 20, Hãng tin NDN đã có bộ phận thường trú tại Hà Nội. Nhiều phóng viên, biên tập viên của hãng đã ghi lại được những hình ảnh, tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh được NDN cung cấp rất nhiều phim tư liệu có giá trị như: Cuộc phỏng vấn Bác Hồ năm 1966, Phim Việt Nam thống nhất (1975-1976 )… Những tư liệu này, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời trình chiếu phục vụ cho khán giả nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 và Ngày Thống nhất đất nước 30/4. Các bộ phim không chỉ có giá trị rất lớn mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem trong cả nước.

Riêng về chuyến đi thực tế thực hiện bộ phim tài liệu Nhật Bản – cái nhìn từ Việt Nam tại Nhật, đoàn làm phim thực sự rất nể phục và học tập về cách bảo quản tư liệu của hãng tin tư nhân ở Nhật Bản.

Đất nước của xứ sở hoa Anh đào từng là điểm đến những chí sĩ yêu nước từ những năm đầu của thế kỷ 20 như Cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông Du. Trải bao sóng gió thăng trầm, đất nước Nhật Bản hiện nay theo chúng tôi vẫn là tấm gương sáng cho sự phát triển kinh tế ,văn hóa xã hội cho đất nước ta.

Ở người Nhật khoan thai và vội vã, mạnh mẽ và nhu hòa, nghiêm cẩn và thơ mộng, khắc kỷ và phóng túng, tinh tế và khí phách, truyền thống cổ xưa và kỹ thuật hiện đại... Tất cả những điều tưởng chừng khó tương hợp đó đều hòa quyện trong mỗi con người Nhật Bản.Đừng ai thắc mắc vì sao một dân tộc làm ra những cổ máy nhanh nhất thế giới lại chịu mất hơn nữa giờ đồng hồ chỉ để mặc một mảnh vải có tên là Kimono.

Đi trên đất nước Nhật Bản đoàn làm phim cảm nhận rõ sự hoàn hảo của các công trình phục vụ công cộng phục vụ con người và "Vì con người" vì mọi người trong xã hội phát triển.

Tập phim Tàu điện ngầm Tokyo giới thiệu về Tokyo Metro, đây là một trong những hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới với chiều dài gần 200km, có gần 300 nhà ga tại hầu hết mọi nơi trong thành phố Tokyo, năng lực chuyên chở đến 2,8 tỷ người mỗi năm. Hệ thống metro còn mở ra cho cư dân thủ đô Nhật Bản một không gian sống khác, nơi chỉ thiếu ánh nắng mặt trời, còn lại họ có thể tìm thấy mọi thứ vốn có trên mặt đất. Bên dưới Tokyo, một trong những đô thị sầm uất nhất thế giới, còn có một Tokyo khác, chói sáng, lộng lẫy và nhộn nhịp không kém thành phố bên trên. Tập phim không chỉ phản ánh sự hiện đại của hệ thống tàu điện ngầm của Nhật Bản mà còn cho thấy văn hóa đi tàu điện ngầm như thế nào của người Nhật. Một nét văn hóa chúng ta cần học tập khi hệ thống tàu điện ngầm của chúng ta được đưa vào sử dụng.

Tập phim Người cao tuổi ở Nhật Bản cảm nhận về cuộc sống của người cao tuổi ở Nhật Bản. Dù có thể vượt qua mọi thách thức về công nghệ, Nhật Bản vẫn chưa thể chiến thắng quy luật sinh học đang từng năm tháng lão hóa dân số của một quốc gia mà tỷ lệ người già cũng ở mức quán quân như số robot của họ. Tập phim này sẽ phản ánh đến khán giả truyền hình về cách thức mà Nhật Bản đã làm được trong việc hiện thực hóa một xã hội vừa bảo đảm được sự tôn nghiêm của người già, vừa giúp các cụ sống vui, sống khỏe. Bởi sống lâu chưa chắc đã phước, nếu sống trong cô đơn, buồn khổ. Có thể nó, để đánh giá sự phồn vinh của một quốc gia, có thể dựa vào các chỉ số kinh tế. Nhưng để đánh giá mức độ văn minh của một đất nước, phải nhìn vào cung cách đối xử với người già, tàn tật và trẻ em. Rõ ràng, Nhật Bản không chỉ là một quốc gia phồn vinh, môi trường, chính sách xã hội tốt mà còn là một xã hội văn minh bậc nhất.

Tập phim Nông nghiệp Nhật Bản cung cấp cho khán giả truyền hình về diện mạo của người nông dân Nhật. Diện mạo ấy khá khác biệt so với hình dung chung về nông dân châu Á. Có vẻ quá nhiều thành tựu về công nghiệp xe hơi, điện tử, robot... đã lấn át kỳ tích về nông nghiệp của quốc gia này.Trước khi trở thành một trong vài nước công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật cũng là một nước nông nghiệp với tỉ lệ nông dân trong tổng dân số tương đương Việt Nam. Nhưng nay không hề có cảnh chân lấm tay bùn, không có vẻ lam lũ một nắng hai sương thường thấy ở cư dân làm nông nước này. Sự tất bật của nông dân Nhật thể hiện ở quang cảnh sôi động khi họ phân phối nông sản ở các hệ thống hợp tác xã, siêu thị... để đáp ứng nhu cầu lương thực của một quốc gia đất chật người đông.Tập phim sẽ cung cấp cho khán giả hiểu thêm về các chính sách hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản để cho ngành nông nghiệp phát triển.

Tập phim Kimono giới thiệu về văn hóa trong trang phục truyền thống của người Nhật. Lịch sử đất nước, lịch sử mỗi dòng họ cũng có thể đọc được qua chiếc huy hiệu gia tộc thêu trên áo kimono, giúp nó thêm lý do để trở thành một báu vật gia truyền. Trên thế giới, ít có bộ quốc phục nào phải mang nhiều sứ mệnh như vậy.Điều đầu tiên, kimono là quần áo, đồng nghĩa với cuộc sống hằng ngày của con người.Thứ hai, kimono đi cùng với lịch sử. Lịch sử ở đây không chỉ đơn giản là lịch sử của nhân loại mà còn là lịch sử của phụ nữ. Thông qua những người thu thập và tìm hiểu lịch sử của những bộ kimono để lưu lại cho thế hệ sau, những người có tâm huyết muốn nghiên cứu về kimono đã truyền đạt đến với thế giới rằng, phụ nữ Nhật Bản đã có ý thức như thế nào về cái đẹp và rất công phu sáng tạo để thể hiện cái đẹp của mình trong kimono.

Tập phim Đạo đức người Nhật giới thiệu đến khán giả truyền hình về tính cách của người Nhật Bản truyền thống và hiện đại. Người Nhật có một nguyên tắc là: Đúng giờ, đúng hẹn trong công việc cũng như trong các hợp đồng mua bán. Trong một xí nghiệp hoặc công ty, tiền lương và thu nhập của chủ và nhân viên không chênh lệch nhiều, điều này hoàn toàn khác với nhiều nước trên thế giới. Họ làm việc vì con người, vì Nhật Bản vì vậy mà chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy hàng hóa sản xuất trong nội địa tốt hơn hàng xuất khẩu, và mỗi khách hàng nhìn thấy bất kỳ một sản phẩm nào mang dòng chữ "Made in Japan" thì lòng tin của họ vào chất lượng sản phẩm gần như tuyệt đối. Tinh thần Nhật Bản, đạo đức Nhật Bản đã được giáo dục nhuần nhuyễn cho lớp trẻ từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ em đi học được khuyến khích đi bộ, kế đến là đi phương tiện công cộng hoặc đi xe đưa đón của nhà trường, cha mẹ không dùng xe cá nhân đưa con đến trường. Ngay từ nhỏ, những trẻ em không hề thấy sự phân biệt đẳng cấp ngay từ ngày đầu tiên đến trường.Làm được như Nhật Bản là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới này.

Đại diện cho Hãng tin NDN Nhật Bản chia sẻ về các đồng nghiệp Việt Nam : Người Nhật chúng tôi luôn có đức tính cần cù chăm chỉ, vậy mà chúng tôi rất ngạc nhiên vì các bạn lại còn chăm chỉ cần cù hơn. Về nghiệp vụ, khi thực hiện một cảnh phim, các bạn quay nhiều lần, nhiều góc máy. Đặc biệt trong cách dựng, các bạn thật nhiều sáng tạo, rất chuyên nghiệp. Với kết quả khả quan ở 5 phần phim này, chúng tôi không chỉ chiếu ở hai nước Nhật –Việt mà sẽ còn chiếu ở một số nước trên thế giới và tiếp tục sẽ thực hiện những dự án đề tài phong phú khác.

Phim được phát sóng từ ngày 1 đến 6/03/2014 trên hai khung giờ 7h00 (kênh HTV9) và 13h00 (kênh HTV Thuần Việt).

Hồng Liên