Chiều ngày 31/03/2022, tại không gian trang trọng và ấm cúng ở Đại sứ quán Pháp, ông Nicolas Warnery – Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã thay mặt Bộ Văn hóa Pháp trao tặng cho NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật cho những đóng góp của ông trong việc góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa đất nước Việt Nam và Pháp.
|
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật do ông Nicolas Warnery – Đại sứ Pháp tại Việt Nam thay mặt Bộ Văn hóa Pháp trao tặng |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938, là một trong những gương mặt đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. Ít ai biết, trước khi nổi danh với hàng loạt bộ phim nghệ thuật, ông từng làm công tác dịch thuật tiếng Nga tại Fafilm Việt Nam, trường Điện ảnh rồi sau đó mới chính thức theo đuổi con đường đạo diễn khi đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam. Sau một số tác phẩm đầu tay như Chị Nhung (đồng đạo diễn, 1973), Những ngôi sao biển (1974), Ngày mưa cuối năm (1976), NSND Đặng Nhật Minh thực sự tạo phong cách, được biết đến, gây tiếng vang bằng những bộ phim tự biên kịch và đạo diễn của mình về thân phận con người. Các bộ phim nổi tiếng dưới hình thức này phải kể đến như Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt… Với những tác phẩm của mình, NSND Đặng Nhật Minh đã định hình một phong cách làm phim nghệ thuật cực kỳ riêng biệt, cá tính, đi sâu vào khai thác thân phận con người một cách tinh tế nhân văn. Cá nhân cũng như các tác phẩm của ông không chỉ gây tiếng vang ở Việt Nam mà còn cả trên bản đồ điện ảnh thế giới thông qua các giải thưởng lớn như Bông sen vàng, Cánh diều vàng, LHP Châu Á-Thái Bình Dương, LHPQT Moskva, LHPQT Rotterdam, LHPQT Fribough, LHPQT Fukuoka, LHPQT Amiens… Đặc biệt, năm 2008, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của ông còn được kênh CNN của Mỹ bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại và năm 2010, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh của Mỹ còn tổ chức buổi tôn vinh ông, ghi nhận những đóng góp của NSND Đặng Nhật Minh với điện ảnh Việt Nam. Năm 2011, NSND Đặng Nhật Minh còn vinh dự được nhận giải thưởng điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung, được trao trong khuôn khổ LHPQT Gwangju ở Hàn Quốc. Ở tuổi 83, NSND Đặng Nhật Minh vẫn chưa thôi suy nghĩ về làm phim, hiện ông vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ phim Hoa nhài, xoay quanh câu chuyện về những con người Hà Nội xưa “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
| Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của NSND Đặng Nhật Minh được kênh CNN của Mỹ bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại | |
Trong buổi lễ trao Huân chương, ông Nicolas Warnery – Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh phía nước Pháp ghi nhận những đóng góp của NSND Đặng Nhật Minh không chỉ ở những tác phẩm nhân văn của mình được công chiếu tại Pháp, những bộ phim hợp tác như Mùa ổi hay liên kết điện ảnh hai nước trong thời ông làm Tổng thư ký Hội điện ảnh Việt Nam mà cả từ những ngày đầu khi ông còn làm phiên dịch tiếng Pháp cho các nhà làm phim sang Việt Nam. Đáp lại thịnh tình này, NSND Đặng Nhật Minh cũng phát biểu lời cảm ơn của mình bằng tiếng Pháp trước khi tự phiên dịch lại bằng tiếng Việt cho các quan khách Việt Nam.
| NSND Đặng Nhật Minh phát biểu tại buổi lễ | |
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, nhiều quan khách đến tham dự cũng dành nhiều lời chúc mừng cho NSND Đặng Nhật Minh. Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và PGS - TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cũng có bài phát biểu ngắn gọn chúc mừng NSND Đặng Nhật Minh.
| Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ | | PGS - TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam chia sẻ những câu chuyện về NSND Đặng Nhật Minh | | NSND Đặng Nhật Minh nhận hoa chúc mừng từ Tạp chí Thế giới điện ảnh | |
Là một trong 4 Huân chương cấp Bộ của Pháp, Huân chương Nghệ thuật và Văn học được Bộ Văn hóa Pháp bắt đầu trao tặng từ năm 1957 cho các cá nhân nổi bật trong sáng tác nghệ thuật và văn học, hay có đóng góp làm tỏa sáng nghệ thuật và văn học ở Pháp và trên thế giới. Nhiều văn nghệ sĩ ở Việt Nam thông qua hoạt động, tác phẩm của mình đã góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa đất nước Việt Nam và Pháp đã được nhận Huân chương này có thể kể đến như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Ngô Tự Lập, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, bà Nguyễn Ngọc Lan - Viện trưởng Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. HCM, bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam…