(TGĐA) - Trong hình dung của tôi, NSND Đào Bá Sơn không chỉ là người nghệ sĩ, nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt, ông như người “lãng tử” luôn muốn thả trôi mình vào những xúc cảm nghệ thuật bằng con mắt nhân ái độ lượng và là con người tài hoa với nỗi niềm rất riêng trong điện ảnh.
Á hậu Băng Khuê dừng chân tại 'Gương mặt điện ảnh 2018' | |
'Gương mặt điện ảnh 2018': 'Anh chồng biến thái' Hữu Tài được điểm cao nhất đêm thi |
Chân dung NSND Đào Bá Sơn |
Phong thái lãng tử độc nhất!
Tôi từng có hai lần được tiếp xúc với NSND Đào Bá Sơn, một lần may mắn được hộ tống ông trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn để chuẩn bị tham gia họp báo Lễ trao giải Ngôi sao xanh 2019, khi ông là thành viên của Hội đồng nghệ thuật. Lần thứ 2 là trong Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX. Lần nào cũng vậy, dáng người cao ráo, khuôn mặt trầm ngâm với chiếc mũi cao, cùng với đó là hình ảnh luôn đội chiếc mũ flat-cap đã thành “thương hiệu” của NSND Đào Bá Sơn, khiến tôi luôn nhận ra ông dù ở bất cứ đâu.
Tổng Biên tập Đinh Trọng Tuấn – người bạn thân thiết của ông thường nói với tôi, ngày xưa Đào Bá Sơn hay được mời đóng vai Tây, khiến tôi liền lục lại những thước phim cũ và gần như không hề nhận ra, khi Đào Bá Sơn vào vai rất “mượt” những Trung uý Smith trong Chom và Sa, hay Thiếu tá Jean trong Tự thú trước bình minh, rồi vai Đại uý Snaider trong Tình không biên giới. Đào Bá Sơn từng tâm sự: “Không giết người cũng cướp của, đốt làng phá xóm, hãm hiếp... riết về sau mình sợ không muốn đóng những vai đó. Một nỗi sợ hãi nữa là mình phải nhuộm tóc, phim nào cũng phải nhuộm tóc vàng.
Đạo diễn Đào Bá Sơn trong một vai ông Tây |
Thời đấy làm gì có thuốc nhuộm như bây giờ, phải nhuộm bằng oxy già. Mình rụng tóc rất nhiều cũng chính vì vậy. Thật ra hồi đó nhận được vai Mỹ, vai Tây gì cũng mừng lắm, nhưng đến vai thứ 5, thứ 6 thì bắt đầu mình chán. Nhiều lúc nhìn vào trong gương, tôi mơ ước mình có khuôn mặt thật Việt. Mình tìm hiểu xem có cách gì để tóc mình đừng xoăn, chiếc mũi mình tẹt xuống thì sẽ rất nhiều vai chính. Nếu hồi đó có chỉnh sửa mũi, chắc tôi sẽ đi chỉnh liền cho mũi tẹt xuống, tóc thẳng ra, với hy vọng mình có những vai người Việt. Ngày xưa nếu được khen đẹp trai thì được nhưng nói tôi giống Tây thì mình đau lắm”.
Qua nhiều năm, tôi mới gặp lại ông, vẫn phong thái đó nhưng là một trong những đại biểu của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI. Ông vẫn chăm chú lắng nghe và học hỏi, luôn luôn quan sát vì cái “tình” của ông với điện ảnh vẫn mãi luôn còn đó. Với tôi, ông giống như người “lãng tử” với bàn chân không biết mỏi, đi qua thời đại khi điện ảnh đổi thay từng ngày.
NSND Đào Bá Sơn luôn mang vẻ lãng tử bất kể giai đoạn nào trong cuộc đời |
Điện ảnh và những nỗi niềm riêng
Câu chuyện NSND Đào Bá Sơn tới với điện ảnh ra sao, rằng ngày đó ông được một người bán kẹo kéo “xúi” thi vào trường điện ảnh vì thấy “tướng tá được”, hay đến khi đỗ rồi, mẹ ông không ủng hộ vì cho rằng “xướng ca vô loài” đã được nhiều cây viết khai thác ngày này qua tháng nọ. Thế nên, tôi chọn bắt đầu câu chuyện với Đào Bá Sơn bằng thơ Haiku, một thể thơ ngắn nổi tiếng của Nhật Bản, rất được người nghệ sĩ gạo cội yêu mến. Cũng là cái duyên bởi mẹ tôi là thành viên của CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM, nơi Đào Bá Sơn vẫn thường sinh hoạt.
Đào Bá Sơn cho rằng, điện ảnh và thơ Haiku có những nét tương đồng, bởi một bài thơ Haiku hay chỉ cần vỏn vẹn đôi ba dòng để toát lên hàm ý sâu sắc trong đó, thì một bộ phim điện ảnh cũng không cần phải thể hiện hay trưng ra quá nhiều vẻ ngoài đẹp đẽ mà quan trọng nhất là, mang đến những giá trị sâu thẳm ra sao.
Ông có có ngẫu hứng đọc cho tôi một bài thơ Haiku do chính mình sáng tác về mẹ:
“Trên đó có giao thừa không mẹ
Nhang tàn nến tắt
Cánh bướm chập chờn bay”.
Sau đó ông nói về những đêm giao thừa chẳng còn hình bóng mẹ, còn tôi cứ rưng rưng nước mắt. Có lẽ bởi Đào Bá Sơn luôn có thể biến nỗi đau của mình thành tác phẩm. Ông chưa từng muốn lảng tránh nỗi đau, vì ông cho rằng: “Tôi cũng không biết tại sao nữa, nhưng những người đàn bà mà tôi chứng kiến nỗi khổ đầu tiên trong cuộc đời của tôi đó là mẹ tôi, rồi người kế tiếp là chị tôi. Đến khi lớn lên, cảm nhận được xung quanh mình rất nhiều nỗi đau của những người phụ nữ và kể cả những nỗi khổ đau của chính mình gây ra cho những người đàn bà thân yêu của mình. Khi nhận được kịch bản hay đề tài thì tôi thường có khuynh hướng khai thác sâu về nỗi khổ đau, những bất hạnh của họ. Bên cạnh đó bao giờ tôi cũng luôn thể hiện khát vọng sống, một khát vọng yêu thương, một khát vọng với tất cả những gì tốt đẹp, trong trẻo nhất”.
Hồi ông làm phim Long Thành Cầm Giả Ca cũng vậy, với đủ những áp lực từ kinh phí, bối cảnh thành Thăng Long, hay trăn trở lẫn băn khoăn làm sao để tô điểm lên hình tượng đại thi hào Nguyễn Du trong lòng mỗi chúng ta. Chịu đủ mọi lời rèm pha, ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, tạo ra một Nguyễn Du như bản thân định sẵn từ trước.
Nguyễn Du của Đào Bá Sơn có thể không là hoàn hảo nhất, nhưng là hình tượng Nguyễn Du mà chúng ta đều cần, với nỗi xót xa chân thành của nhân vật về những kiếp người bất hạnh, nhất là người phụ nữ có thân phận long đong, bị vùi dập bởi lề thói phong kiến bất công. Đến giờ phút này, người trẻ chúng tôi vẫn khao khát có những bộ phim như Long Thành Cầm Giả Ca để biết thế nào lịch sử, là những gì xưa cũ cả trăm năm. Có một điều mà hiếm ai biết, Long Thành Cầm Giả Ca được thực hiện trong 17 tháng, một khoảng thời gian có lẽ là “không tưởng” với bối cảnh lịch sử được chăm chút kỹ lưỡng mà khó phim Việt nào có thể sánh kịp.
Phim Long Thành Cầm Giả Ca |
Tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội
Đào Bá Sơn luôn nói, ông nhớ Hà Nội lắm! Bởi đó là nơi ông lớn lên với những góc phố nơi có ông bán kẹo kéo, có bà bán bánh cuốn và đặc biệt là trường điện ảnh nuôi dưỡng giấc mơ nghệ thuật của ông. Nơi đây còn có những người bạn không chỉ trong nghệ thuật, mà còn thân thiết với ông từ thuở vỡ lòng đều đã sáu, bảy chục tuổi. Ông hay nói với họ rằng mình là kẻ có lời nhất, bởi không gì tuyệt vời hơn đối với một người con xa xứ như ông, là được tìm về một phần tuổi thơ của mình mỗi khi gặp lại bạn bè. Ông thích thưởng thức tô bún ốc giữa trời lạnh Hà Nội, hay ngồi uống bia hơi tán gẫu. Ông tâm niệm có lẽ mình đã trả được cái ơn với Hà Nội như hồi làm xong Long Thành Cầm Giả Ca, nhưng nỗi nhớ với mảnh đất thủ đô vẫn luôn căng đầy trong trái tim người nghệ sĩ tài hoa, thôi thúc ông tiếp tục những xúc cảm trong nghệ thuật.
Đợt gần nhất NSND Đào Bá Sơn ra Hà Nội, là đang diễn ra Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Với ông, ngày hội lớn này vẫn còn gì đó chưa “đủ”. Bởi như ông từng nói với tôi: “Liên hoan phim là nơi tôn vinh các tác phẩm, các nghệ sĩ, nhưng đó cũng phải là nơi giao lưu nghệ sĩ với với khán giả. Tại sao khán giả tới rạp, thích xem phim không thể đến Liên hoan phim? Hãy làm cách nào đó để trở thành một ngày hội mà ở đó, từ đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên… có dịp lắng nghe khán giả muốn gì, thích gì nhất!”.
NSND Đào Bá Sơn dành khoảng thời gian dịp Tết vừa qua để nghỉ ngơi, để ra Tết có thể tiếp tục công việc giảng dạy. Ông cũng mong nền điện ảnh Việt qua mỗi năm sẽ tiếp tục trẻ hóa, cho ra nhiều tác phẩm chất lượng và phục vụ thị hiếu đang ngày một đi lên của khán giả. |
'Gương mặt điện ảnh 2018': 'Anh chồng biến thái' Hữu Tài được điểm cao nhất đêm thi | |
Minh Hằng làm giám khảo 'Gương mặt điện ảnh 2018' |
Quỳnh Anh