Kỹ xảo điện ảnh: Hãy đặt lòng tin

Nhắc đến kỹ xảo, công chúng yêu điện ảnh thường liên tưởng ngay tới những siêu phẩm, những quả bom tấn, được thực hiện bởi những chuyên gia hiệu quả đặc biệt nổi tiếng nhất Hollywood. Họ đã từng tuyên bố: “Các nhà biên kịch cứ việc đẩy trí tưởng tượng đến tận cùng, việc của chúng tôi là biến những điều không thể thành có thể”. Và như cây đũa thần của bà tiên nhiều quyền phép, kỹ xảo điện ảnh đã trở thành công cụ đắc lực giúp những người làm phim tạo nên muôn vàn điều kỳ diệu.

(TGĐA) - “Các nhà biên kịch cứ việc đẩy trí tưởng tượng đến tận cùng, việc của chúng tôi là biến những điều không thể thành có thể”. Và như cây đũa thần của bà tiên nhiều quyền phép, kỹ xảo điện ảnh đã trở thành công cụ đắc lực giúp những người làm phim tạo nên muôn vàn điều kỳ diệu.


Từ Dị nhân X-men tới Người mèo,Người dơi hayNgười nhện… những cuộc chiến chống lại người ngoài hành tinh, những chú khủng long thời tiền sử, quái vật khổng lồ do bị đột biến gien trong quá trình nghiên cứu…khán giả nghệ thuật thứ bảy đang bị cuốn hút bởi những màn phô diễn kỹ xảo của các nhà làm phim Hollywood. Kỹ xảo điện ảnh đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển như vũ bão. Đơn giản bởi lẽ nó cho phép con người làm được những điều tưởng như nằm ngoài sức tưởng tượng

Cảnh trong phim Người dơi

Đó là chuyện xứ người, còn với nền điện ảnh nước nhà, hiệu quả hình ảnh đặc biệt, hay khâu kỹ xảo, vẫn là khái niệm gì đó khá mông lung, chưa có được hình hài rõ nét. Những thể loại phim cần tới sự trợ giúp của kỹ xảo cũng chỉ được các đơn vị đầu tư sản xuất với số lượng quá ít ỏi. Phim kinh dị, phim hành động, giả tưởng, phim phiêu lưu mạo hiểm cũng chỉ mới manh nha xuất hiện trong ý tưởng của một vài đạo diễn ưa mạo hiểm và thích khám phá những miền đất lạ. Đã có một thời gian, dư luận từng rộ lên với dự án Khách sạn không đèn của chàng tân binh Bá Vũ, với sự góp mặt dự kiến của ca sỹ trẻ Quách An An và Nguyễn Như Đan Huyền - cô con gái diễn viên Như Quỳnh. Thuyết phục được một nhà đầu tư yêu điện ảnh chấp nhận bỏ ra khoản tiền 2 tỷ, những tưởng Bá Vũ sẽ sớm cho khán giả có cơ hội thưởng thức phim kinh dị 100% nội địa đầu tiên. Nhưng rồi theo thời gian, Khách sạn không đèn không thấy sáng đèn và dần chìm vào quên lãng, nghe đâu vì đạo diễn chỉ giỏi “nổ” chứ không giỏi làm, và cũng cả bởi những hạn chế nhãn tiền của khâu làm kỹ xảo trong nước (bởi nếu mang ra nước ngoài làm dịch vụ thì số tiền 2 tỷ xem ra chẳng bõ bèn gì!).

Dư luận vừa lắng dịu, công chúng lại được tiếp nhận một luồng thông tin mới. Cùng với sự trở lại Việt Nam của đạo diễn Lê Hoàng Hoa – người từng ghi dấu ấn với serie phim hành động nổi tiếng một thời Ván bài lật ngửa, ông dự định triển khai dự án phim ngắn 5 phút mang cái tênMột nửa của phía bên kia. Trong phim, ông đạo diễn cố gắng đưa một số cảnh sử dụng kỹ xảo, ví dụ như gương mặt xinh đẹp của Minh Thư dần mang vẻ đáng sợ gớm ghiếc của một cái đầu lâu ra sao. Mục đích được chính ông tâm sự: “Tôi muốn thành lập một công ty, trong đó có chức năng làm kỹ xảo, với mong muốn các nghệ sỹ có thể thực hiện được công đoạn này ngay trong nước, với chất lượng tương đương, chứ không phải ôm những khoản ngoại tệ lớn ra nước ngoài làm dịch vụ”. Mong muốn bao giờ cũng đẹp, nhưng cũng chẳng hiểu vì lý do gì mà đến giờ này ý định đó vẫn giậm chân tại chỗ.

Phim Đẻ mướn

Nói một cách công bằng, chúng ta đã biết đến và sử dụng yếu tố kỹ xảo trong các bộ phim từ rất lâu, nhưng tiếc rằng nói chỉ dừng lại ở mức sơ khai. Phim chiến tranh cần nhiều máy bay, xe tăng… mà không có điều kiện quay thực ư? Dùng kỹ xảo. Phim có cảnh ô tô lật nhào, bốc cháy đùng đùng như một bó đuốc ư? Làm kỹ xảo. Nói chung, nếu khéo sử dụng, kỹ xảo sẽ giúp điện ảnh Việt Nam che dấu được nhược điểm ít tiền, không đủ kinh phí dàn dựng những đại cảnh. Nhưng chỉ có điều, do máy móc và nhân lực sử dụng chúng còn nhiều hạn chế nên tính chân thực của những hình ảnh đó vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Vài năm trở lại đây, số lượng hãng phim tư nhân ra đời ngày càng nhiều, tăng với tốc độ chóng mặt. Dòng phim thương mại, mang yếu tố giải trí là đối tượng số 1 mà họ muốn hướng tới. Và như một hệ quả tất yếu, vai trò cũng như sự cần thiết của kỹ xảo trong điện ảnh là vấn đề được đặt ra một cách vô cùng nghiêm túc. Nhưng bởi thiếu niềm tin vào đội ngũ chuyên gia kỹ xảo trong nước, giải pháp khả thi luôn được các đơn vị này chọn lựa là kiếm một công ty nước ngoài để “chọn mặt gửi vàng”. Còn nhớ với bộ phim Khi đàn ông có bầu, chỉ một cảnh ca sỹ Phương Thanh đạp xích lô bay mà Hãng phim Phước Sang đã phải tốn khoản tiền không nhỏ tại Thái Lan chỉ để đơn thuần xóa hết những dây dợ treo chiếc xích lô trong cảnh quay. Còn đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung - người đã từng được một đơn vị chuyên làm kỹ xảo trong nước tài trợ sấp xỉ 200 triệu đồng, cũng là kinh phí thực hiện hoàn toàn phần hiệu quả hình ảnh đặc biệt cho bộ phim mang màu sắc giả tưởng Một chuyến phiêu lưu (từng được đánh giá cao với giải Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc)- vẫn đành phải chọn các công ty nước ngoài cho những dự án làm phim kế tiếp (Đẻ mướn I, II; Võ Lâm truyền kỳ; Bộ lạc siêu nhí…). Nếp nghĩ chỉ thực hiện khâu hậu kỳ ở nước ngoài mới giúp bộ phim được đóng con dấu chất lượng kỹ thuật đã ăn sâu vào trong tiềm thức một bộ phận lớn các nhà làm phim trong nước. “Phim cần kỹ xảo ư, đề nghị cấp kinh phí cho tôi ra nước ngoài”.

Phim X-men

Với các hãng phim quốc doanh, cùng những dự án làm phim hoành tráng, nhiều tiền, việc ôm phim sang nước bạn lại càng đơn giản. Ký ức Điện Biên (đầu tư 13,4 tỷ), Hà Nội mười hai ngày đêm (đầu tư 7 tỷ) cũng đã phải tiêu một khoản không nhỏ cho việc làm kỹ xảo. Kết quả thì chẳng mấy khả quan, cảnh máy bay không chiến trên bầu trời Hà Nội được một số nhà phê bình đánh giá trông chẳng khác gì trò chơi điện tử; còn với Ký ức Điện Biên, khói lửa dường như đã lấn át cả câu chuyện tình vượt qua chiến tuyến.

Hãng phim truyện I cũng đã cố gắng sử dụng kỹ xảo để giúp nâng cao hiệu quả nghệ thuật cho các tác phẩm của mình. Từ Trò đùa của Thiên Lôi, với cảnh sét đánh khá ấn tượng đến cây cầu được ghép nối bởi những thớt voi thoắt ẩn thoắt hiện trong bài ca đoàn kết Việt – Lào Cầu ông Tượng, từ Lưới trời đến Sống trong sọ hãi… Đối tác của Hãng là một vài công ty chuyên về kỹ xảo trong nước, và hiệu quả mà sự hợp tác đó đạt được cũng được người trong nghề giành cho những đánh giá khả quan.

Vào những ngày này, hàng loạt dự án làm phim lịch sử chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi cũng đang liên tục được khởi động. Hãng phim truyện I có Trần Thủ Độ và người tình, Hãng phim hoạt hình Việt Nam có Những đứa con của Rồng, Ba lần giải phóng Thăng Long. Một dự án phim truyện nhựa quy mô rất lớn mang tên Thái tổ Lý Công Uẩn cũng đang chuẩn bị vào guồng. Đưa vào sản xuất hàng loạt phim lịch sử, ngoài vốn kinh nghiệm sản xuất thể loại này còn khá non nớt, ngoài vốn hiểu biết về các triều đại lịch sử còn khá nghèo nàn, ngoài nỗi lo thường trực về sự thiếu thốn trường quay, kinh phí…, những nhà làm phim còn phải đối mặt với những khó khăn tiềm ẩn trong khâu thực hiện kỹ xảo. Chiếu dời đô vang lên không thể thiếu cảnh rồng vàng uốn lượn trên bầu trời thành Đại La, những bậc vĩ nhân trong lịch sử khi chào đời không thể thiếu những huyền tích đã từng lưu truyền trong dân gian, những trận giao tranh không thể vắng đại quân và một số lượng lớn voi ngựa… tất cả chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ bàn tay phù thủy của những chuyên gia hiệu quả đặc biệt. Có thể coi chùm phim lịch sử lần này như một cơ hội, để các đơn vị làm kỹ xảo trong nước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho mình. Và để giúp họ có được cơ hội đó, mong rằng đông đảo những người làm điện ảnh nước nhà hãy mạnh dạn đặt lòng tin.

Bảo Ngọc