Người đưa “Làng tôi” ra nước ngoài bằng Xiếc

(TGĐA) - Một sân khấu rực sáng với hàng hàng cây tre làm đạo cụ, trong tiếng nhạc dân gian réo rắt của ba miền. Làng tôi có tính chất đơn giản nhưng rất đẹp của một vở diễn được dàn dựng như một công trình kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa, và trên đó các nghệ sĩ nhào lộn liên tục biểu diễn vũ điệu xiếc trong trang phục nâu sồng Bắc bộ.

o_c_cho_v_Lng_ti_ch_yu_l_nhng_thanh_tre_nn_v_di_la

Nguyễn Nhất Lý là con người có số phận đặc biệt. Ông nội anh là một đại địa chủ của Nam bộ. Và vì vậy bố anh được gia đình cho sang Pháp học từ bé vào những năm 30 của thế kỷ trước. Là người yêu nước, ông thân sinh của anh đã tham gia vào phong trào cộng sản ở Pháp. Vì thế, Nguyễn Nhất Lý, sau khi sinh ra ở Pháp, năm 3 tuổi anh đã cùng toàn thể gia đình quay trở lại Việt Nam để xây dựng tổ quốc với tình yêu nước nhiệt thành của thân phụ anh. Ngày đó con đường đi từ Pháp quay trở về Việt Nam không hề đơn giản. Cả gia đình anh đã đi từ Pháp qua Tiệp rồi Nga, xuyên qua Siberi dằng dặc để trở về Việt Nam. Anh đã có một tuổi thơ như bao trẻ con Việt Nam khác, cũng đi sơ tán, cũng đội mũ rơm đi học dưới máy bay giặc Mỹ, và những cảm nhận về một nông thôn Việt Nam ấm áp thanh bình thơm mùi rơm rạ sau lũy tre làng. Sau khi tốt nghiệp trường Xiếc ở Việt Nam năm 1985, anh trở lại Pháp và tiếp tục theo học trường nhạc tại Pháp. Sau 20 năm sinh sống tại Pháp, anh quyết định chuyển về tổ quốc lập nghiệp.

Trả lời câu hỏi vì sao lại quay trở lại Việt Nam, con người mang hai dòng máu Pháp - Việt này mỉm cười nói: “Vì bố tôi đặt tên tôi là Nguyễn Nhất Lý. Có nghĩa là chỉ có một con đường. Một Tổ quốc - Việt Nam”.

_DSC9809

Năm 2009 vở diễn đã được ra đời với sự tham gia của hơn 100 nghệ sỹ xiếc trên nền sân khấu lớn. Đạo cụ là những thanh tre giản dị, nón, dải lụa, xe đạp… Vở diễn được thực hiện dưới ánh sáng và âm nhạc dân gian ba miền nhằm tái hiện cuộc sống nông thôn Việt Nam. Trên nền nhạc, kèm theo những tiếng tre gõ lách cách chúng ta sẽ được thấy một góc sinh hoạt làng xã của nông thôn Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Đó là những nghệ sĩ xiếc mặc quần áo nâu sồng kiểu Bắc Bộ biểu diễn các động tác uốn dẻo, nhảy cầu, thực hiện các vũ điệu xiếc với những thanh tre. Trên sân khấu có dựng hai nhà sàn: Nhà sàn Tây Nguyên và nhà sàn Thái nhằm thể hiện bản sắc văn hóa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sân khẩu có một vỡ diễn lớn như vậy nhằm thể hiện văn hóa Việt qua cây tre. Cây tre lần đầu tiên được đưa vào nghệ thuật như một tên riêng biểu lộ cho tâm hồn Việt.

Đạo diễn Nhất Lý tâm sự rằng khi dàn dựng ở Hà Nội là bao gồm hơn 100 nghệ sỹ nhưng sau này khi lưu diễn nước ngoài chỉ còn 14 nghệ sỹ (Vì điều kiện kinh tế ra nước ngoài không thể đưa được nhiều người) Do đó khi lưu diễn ở nước ngoài anh cho để rất nhiều thân tre trên sân khấu tượng trưng cho nhân vật.

Đạo diễn nói: Sau khi vở diễn thử nghiệm thành công có rất nhiều ý kiến cho rằng nên phiên dịch hoặc có chữ ở trên sân khấu để cho các bạn nước ngoài hiểu khi xem vở diễn. Nhưng thực tế đến khi biểu diễn ở nước ngoài thì khâu thuyết minh đã trở nên không cần thiết. Các bạn quốc tế xem đều hiểu hết và cảm nhận những ý đồ của vở diễn. Chứng tỏ “Làng tôi” đã đi tới tâm hồn của họ không cần qua ngôn ngữ. Đó chính là nhờ sân khấu nhạc cộng với vũ điệu xiếc và những đạo cụ thân tre tạo nên một bản Giao Hưởng bằng hình ảnh mô tả nông thôn Việt Nam.

Đạo diễn Nhất Lý cho biết trước khi vở diễn được thử nghiệm ba ngày, anh và đồng nghiệp đã nghiền ngẫm và thấy rằng không thể tìm được cái tên nào khác hay hơn cho vở diễn ngoài từ “Làng tôi”.

Và cuối cùng vở diễn Làng tôi với 14 nghệ sỹ xiếc Việt Nam với những đạo cụ là thanh tre đã có chuyển chu du lưu diễn nhiều nơi trên hành tinh này như: Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hồng Kông, Hunggari… Họ đã thông qua vở diễn gửi tới nhân dân thế giới thông điệp của Tâm hồn Việt, Nông thôn Việt được minh họa bởi những thân cây tre cứng rắn và chai sạn màu sương gió của đồng bằng Bắc bộ.

Trong chuyến lưu diễn ở Pháp (6/2009), một tùy viên của sứ quán Trung Quốc sau khi xem biểu diễn đã nói vui với anh Nhất Lý: “Nếu các đạo diễn Trung Quốc được xem vở này họ sẽ tự vẫn”. Đạo diễn Nhất Lý cho rằng đây là một lời khen về sự độc đáo của ngôn ngữ vở diễn.

Mùa xuân Quý Tỵ tới, anh Nhất Lý bật mí cho biết sẽ có một vở diễn mới ra đời biểu diễn ở thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung và ý tưởng chưa được công bố. Xin chúc anh và toàn thể diễn viên của đoàn sẽ dành được thành công trong buổi công diễn.

Nguyễn Thiên Việt