(TGĐA) - Khi nền điện ảnh nước ta còn chưa định hướng mục tiêu phát triển cụ thể, nhất là ngành làm phim hoạt hình, thì đã có các bạn trẻ tự mình tìm tòi để đạt được ước mơ. Khuê Nguyễn – cô sinh viên năm 3 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đã cùng những người bạn làm ra bộ phim hoạt hình 4 phút từ nguyên liệu rác thải. Hãy cùng TGĐA tìm hiểu về hành trình thú vị này.
|
Xin chào Khuê Nguyễn, lý do gì khiến bạn nảy ra ý tưởng làm phim từ những nguyên liệu rác thải?
Khi đang theo học tại trường Sân khấu Điện ảnh, mình có được các giảng viên giới thiệu về cuộc thi “Màn ảnh xanh” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cùng với Netflix tổ chức. Là một người yêu phim hoạt hình, cũng như có mong muốn thay đổi nhận thức của công chúng về một ngành điện ảnh bền vững, cũng như làm nghệ thuật song song bảo vệ môi trường, mình đã lên ý tưởng cho một bộ phim hoạt hình thể loại stop-motion.
Ban đầu chỉ có mình và bạn Mẫn Nhi (đóng vai trò sản xuất), nhưng đặc thù của thể loại này là cần đến bàn tay có nhiều người để tạo hình nhân vật cũng như bối cảnh, nên mình cố gắng đi nhờ cậy những người quen biết. Như là người chị họ học mỹ thuật, hay một người anh là cựu học sinh trường kiến trúc, chưa kể tới rất nhiều con người khác để chuẩn bị các khâu rất nhỏ.
Bạn có thể giới thiệu qua về câu chuyện của bộ phim Vượt thành Axima được không?
|
Với thời lượng 4 phút, Vượt thành Axima lấy bối cảnh tại thời kỳ hậu tận thế, ngàn năm sau khi con người phải ở dưới lòng đất, chạy trốn ô nhiễm, thiên tai. Max - nhân vật chính của phim, một cậu bé luôn mơ về một vùng đất có màu xanh. Nơi Max sống là không gian trong lòng đất: xám xịt, u tối và lạnh lẽo. Phim kể về hành trình “vượt thành” cứu mầm cây của Max - từ dưới lòng đất khám phá thế giới bên trên. Lúc này, không có con người, sự sống đã bắt đầu xuất hiện trên mặt đất, mầm xanh mọc mơn mởn trên những đống rác. Hành trình của Max trong phim dù mông lung, đầy khó khăn nhưng vô cùng đáng mong đợi và ý nghĩa.
Để nhân vật trong phim có thể chuyển động một cách mượt mà, các bạn đã làm thế nào?
Chúng mình dùng cách xoắn thanh thép để làm khung xương cho nhân vật, kết hợp với đất sét. Lúc đã hình thành khung xương cho nhân vật, thì phải đảm bảo độ cứng và chắc chắn, nếu xoắn vào quá nhiều thì thép sẽ bị gẫy, nên phải rất cẩn trọng nếu không muốn làm lại từ đầu.
Sau đó, các nhân vật sẽ được sử dụng kỹ thuật riêng để “nhích” từng chuyển động. Mỗi một chuyển động, dù là rất nhỏ của nhân vật sẽ được chụp lại bằng một hình ảnh, sau đó ghép các hình vào với nhau sẽ được chuyển động hoàn chỉnh.
Vậy còn bối cảnh thì sao?
Cá nhân mình nghĩ rằng khi khán giả nhìn vào bộ phim, sẽ thấy có tính kết nối với bản thân, bởi những nguyên vật liệu mà chúng tôi dùng để làm nhân vật hay bối cảnh, hoàn toàn có thể nhìn ra được đó là từ cái gì.
|
Giả dụ những ngọn núi được làm bằng rất nhiều báo cũ, dùng keo sữa để cố định, sau đó sơn màu đen. Hay nền đất được làm từ bãi cà phê đi xin được, sau đó rang lên cho có màu. Ngoài ra có những bức tường trong phim được làm từ xốp, nhưng được tạo hình thêm cho sống động nhờ “hỗn hợp” báo trộn với xỉ than đã được xay nhuyễn… Thực sự chúng mình đã phải đi rất nhiều bãi rác để thu thập nguyên liệu làm phim.
Để có được 4 phút phim như vậy, ê-kíp của các bạn đã tốn bao nhiêu tiền của cũng như thời gian?
Toàn bộ công đoạn sản xuất từ lúc bấm máy là 1 tháng nhưng nếu tính cả công đoạn tạo ra bối cảnh cũng như nhân vật, chúng tôi mất tổng cộng 3 tháng. Về kinh phí, chúng mình hoàn toàn xác định sẽ tự túc bỏ tiền để làm phim, nhưng may mắn được lọt vào top 9 của cuộc thi “Màn ảnh xanh”, nên cũng được tài trợ một số tiền kha khá để bù lại phần kinh phí đã bỏ ra. Ngoài ra nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí làm phim, hãy cố gắng tìm những người có chung đam mê, như vậy gánh nặng về tiền bạc sẽ được giảm đi một phần đáng kể.
Là một người trẻ và đang muốn khẳng định bản thân trong ngành làm phim hoạt hình. Bạn có lo ngại khi nước ta vẫn chưa thực sự có nhiều sân chơi, cũng như cuộc thi để giúp đỡ và nâng tầm tài năng trẻ?
|
Mình nghĩ rằng, do điều kiện của nước ta như vậy nên các nhà làm phim trẻ tự mình phải nhìn xa hơn. Mình có những người bạn cũng đã thường xuyên gửi dự án của mình tới những quỹ điện ảnh nước ngoài và cũng được nhận kinh phí hỗ trợ, hay cơ hội được tham dự các liên hoan phim.
Các quỹ nước ngoài tỏ ra đặc biệt thích với những tác phẩm mang đậm màu sắc dân tộc, nên mình cũng không mấy lo ngại cho lắm. Cũng bởi riêng về thể loại hoạt hình tái chế, trên thế giới vẫn đang rất ít.
Hiện tại nguồn thông tin cũng đã “mở” hơn rất nhiều, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tra cứu được cách thức gửi phim ra nước ngoài. Cái khó nhất là làm sao để dự án của chúng ta mang lại màu sắc riêng và có thể cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên chuẩn bị vốn tiếng Anh thật tốt để dễ dàng thuyết trình trước các giám khảo.
Bạn đưa ý tưởng đặc biệt về bản sắc dân tộc trong Vượt thành Axima hay không?
|
|
Dĩ nhiên là có, như trang phục nhân vật cậu bé trong bộ phim được lấy ý tưởng từ người Mông. Thật ra, lúc đó chúng mình tình cờ đọc được một bài báo có hình ảnh cậu bé người Mông, sau đó đã quyết định đưa hình ảnh đó vào bộ phim của mình.
Hiện tại, Khuê Nguyễn cùng những người bạn của mình vẫn đang miệt mài theo đuổi niềm đam mê làm phim hoạt hình từ vật liệu tái chế, bằng việc thành lập Sở Thú Studio. Vậy Sở Thú Studio sẽ được định hình phong cách riêng ra sao?
Mình không dám tự nhận “làm phim xanh” như một điều gì quá to lớn. Chúng mình chỉ đang cố gắng “xanh” từ những bước nhỏ nhất. Mình hi vọng có thể truyền cảm hứng để mọi người bảo vệ môi trường từ những thói quen đời thường của mình: hạn chế mua đồ mới, tận dụng đồ cũ; không sử dụng túi nilon hoặc chủ động mang bình nước cá nhân…
Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Vượt thành Axima vinh dự đạt được Hạng mục Giải Ba tại Cuộc thi Phim ngắn “Màn ảnh xanh”, tổ chức bởi Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) kết hợp cùng Tập đoàn Netflix. Phim đã nhận về những đánh giá tích cực thì giám khảo về phần hình ảnh cũng như câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa. Hiện tại, Khuê Nguyễn cùng các bạn của mình đã thành lập Sở Thú Studio với mong muốn nhận về sự quan tâm của khán giả và các nhà tài trợ tới phim hoạt hình làm từ nguyên liệu tái chế. Vào tháng 10, Sở Thú Studio cũng đã tổ chức chương trình "Giao lưu Điện ảnh Xanh và Hoạt hình tái chế” tương đối thành công và thu hút một lượng lớn khán giả trẻ tham gia. Khuê Nguyễn chia sẻ thêm, sẽ sớm đưa Vượt thành Axima lên các nền tảng video để khán giả có thể dễ dàng theo dõi. |
Anh Vũ