Sống

Cõng lừa

(TGĐA) - Người ta thường đưa ra rất nhiều định nghĩa về sự từng trải. Sau này thì tôi cũng có một định nghĩa riêng: Người từng trải là người có khả năng nhìn thấu sự vật như những gì vốn có của nó, là người sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt để nhìn cuộc đời một cách bình thản và an yên. Ví dụ có vài câu chuyện về cái thời 'chưa từng trải' của tôi là như thế này. 

cong lua Tài xế giảng đạo
cong lua Ác mộng ngày Tết

Một lần nọ, cô bạn thân của tôi bảo:

Cậu có một sai lầm vô cùng lớn là cậu biết nấu ăn mà không bao giờ tự vào bếp nấu ăn cho chồng cho con.

Tôi vô cùng ngạc nhiên bảo rằng:

Tại sao tôi lại phải vào bếp khi mà tôi có một osin vô cùng khéo tay và thân tín. Nó không những nấu ngon hơn tôi mà còn ngon hơn cả nhà hàng. 365 bữa thì hầu không bữa nào trùng món với bữa nào. Chưa kể còn… sạch sẽ hơn tôi nữa. Tôi chỉ rửa rau ba nước nhưng nó rửa rau tận năm nước lận. Vậy tôi trả lương cho nó để tôi ngồi nấu cho nó ăn ấy à. Thời gian đấy tôi làm việc khác chứ.

cong lua

Không được, osin có giỏi đến đâu cũng chỉ sơ chế thái thịt rửa rau thôi, còn mình phải tự tay đứng nấu. Người chồng nào cũng thích nhất là vợ nấu ăn ngon, không thì họ chán vợ lắm, cậu không chịu nấu là chồng cậu chán cậu cho coi. Như tôi đây, tôi tự tay nấu ăn ông chồng tôi thích lắm. Ngày nào về cũng háo hức hỏi xem hôm nay tôi nấu món gì. Tôi thấy lo cho cậu lắm.

Đàn ông thích ăn ngon, nhưng không có nghĩa là phải nhìn thấy chính tay vợ nấu thì mới yên tâm. Và tôi thấy vô số đàn ông chán vợ mà chạy theo nhân tình vì nhiều lý do nhưng chưa bao giờ có lý do cô nhân tình ấy nấu ăn ngon cả. Thậm chí trong trường hợp tệ nhất là đàn ông từ giã cả vợ lẫn con để cho cô nhân tình một danh chính ngôn thuận thì trong những câu chuyện có thật mà tôi được biết ấy, tôi lại toàn thấy bà vợ nấu ăn ngon hơn cái bà từng là nhân tình giờ hóa thành vợ.

Nhưng ít lâu sau thì tôi cũng bắt đầu tự đứng bếp, không phải vì nghe lời bạn tôi về sự quyến rũ của đàn bà đứng bếp mà vì cô osin của tôi đi lấy chồng mất rồi. Thấy vậy một cô bạn khác của tôi bảo:

Sao cậu lại đi nấu ăn thế, thuê người giúp việc theo giờ về nấu rồi để đàn ông rửa bát cho mình chứ cứ nấu nướng thì hết ngày còn làm được việc gì nữa.

Tôi cải chính:

Không phải tôi không có người nấu ăn theo giờ. Có một chị cũng làm được vài buổi rồi nhưng bất tiện lắm, vì cứ bốn giờ người ta đến, tôi đang chạy đâu đó lại phải phóng về mở cửa cho người ta. Rồi có hôm đến giờ ấy thì mẹ con nhà này bỗng nổi hứng xuống ngay tầng dưới ăn pizza mà người ta trót đến rồi thì mình lại phải ăn cơm.

cong lua

Vẫn không được, dù gì thì vẫn không được, cậu là nhân sự cao cấp, không thể đụng chân đụng tay làm mấy cái việc ấy được. Người trí lớn phải làm việc lớn, nên dành thời gian làm việc khác. Như tôi mà bữa nào osin đi vắng là chồng phải tự mà vào bếp nhá, hoặc đi ra ngoài kiếm đồ về cho tôi ăn. Không thì tôi nhịn, tôi ăn bim bim. Đàn ông chẳng quan trọng nhất là sex đấy còn gì, anh ta phải làm tất, đổi lại được vợ cho thăng hoa trên giường thì chả sướng hơn à. Tôi thấy lo cho cậu lắm.

Khổ quá, ngày xưa nhà tôi đông người ăn đủ hai bữa nên bày biện nhiều món mới phải vất vả, chứ giờ nhà ít người, lại chỉ ăn bữa tối, ngay dưới chân nhà có siêu thị bán đầy đủ đồ ăn sơ chế tinh tươm về chỉ việc nấu. Một bữa tốn30 phút đến một tiếng là xong. Mà tôi làm việc máy tính lâu mỏi mắt, đứng nấu một lúc cho nhúc nhắc chân tay, thư giãn như thiền, cũng đỡ stress mà. Với lại ông chồng cậu đã kiếm tiền nuôi mấy đứa con ăn học tới gần hai tỷ một năm, giờ bắt anh ta về nhà nấu cơm rửa bát nữa thì làm xong anh ta lăn ra ngủ chứ còn sex làm sao được.

Nhưng không thể yên được, cô ấy vẫn bảo lưu nhận định là không thể vui vẻ gì với việc nấu bếp, dù chỉ là 30 phút cũng có thể làm nên việc lớn. Và một người như tôi, mà theo cô ấy là rất đặc biệt, chỉ nên ngồi ghế cao ba trượng, có chỉ tay điều hành cũng chỉ dùng một ngón thôi chứ không được chỉ tay năm ngón cho đỡ vất vả bốn ngón còn lại.

cong lua

Ấy là việc cái bếp, còn việc tình cảm mới nan giải chứ. Tôi mà có quen gã nào, thì cũng vẫn cùng là gã ấy, mà bạn bè tôi có thể chia thành hai phe. Phe thứ nhất sau hồi phân tích, bình luận, chứng minh thì sẽ rút ra một kết luận mà tựu chung tôi nắm được ý đồ rằng tôi là kẻ ăn may, là thánh nhân đãi kẻ khù khờ, là ngu si hưởng thái bình, là há miệng chờ sung mà cuối cùng sung cũng rụng cho thật. Rằng đời sao có người lại sướng đến thế. Được người ta khen sướng mà tự ái, mà ức đến không ăn nổi cơm.

Phe thứ hai cho rằng tôi như hoa như ngọc, như nữ thần ngồi trên chiếu trúc (mà nếu tôi là quần áo giày dép thì dẫu không phải loại hàng thửa cả thế giới chỉ có ba chiếc thì cũng được xếp chung tủ với Louis Vuitton, Hermes), chưa kể còn vô cùng duyên dáng đáng yêu, thông minh tốt bụng, nhưng đến lúc cần quyết định lựa chọn thì cực độ ngớ ngẩn, đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm, nói thì hay mà làm thì dở, trong khi đáng nhẽ giờ tôi không ngự trên nóc Everest thì cũng phải đỉnh Montblanc rồi. “Hãy coi cô X cô Y kia, chả đáng xách dép cho cậu nhá, mà bồ cô ta kinh không”. Được khen sánh ngang với Louis Vuitton mà tôi ức không uống nổi nước.

Còn cái hồi mới sáng tác nữa chứ, tôi hay gửi gắm bản thảo cho các nhà văn gạo cội thẩm định để xin một lời khuyên. Có lần tôi đưa bản thảo cho ba chuyên gia hàng đầu của làng văn. Ai cũng khen câu chuyện hay, chỉ còn mỗi một chi tiết chưa ổn.

cong lua

Nhà văn A bảo phần đầu thì tốt rồi nhưng cái kết chưa hay, không nên để nhân vật bị đầu độc thế, phải cho hắn sống để hắn chết dần chết mòn vì cắn rứt lương tâm. Nhà văn B bảo phần kết tuyệt lắm rồi nhưng phần đầu hơi dở, không nên cho nhân vật trôi dạt sang xứ người thế. Nhà văn C bảo đầu và kết cực nhuyễn rồi, nhưng đoạn giữa chưa có cao trào, cần phải cho kẻ bất lương kia chết bất đắc kỳ tử ngay từ giữa truyện. Mỗi lần vậy tôi đều phản ứng yếu ớt: “Nhưng mà em thấy mọi người bảo…”. Kỳ lạ thay cả ba chuyên gia đều nói với tôi một câu giống hệt nhau:

Mọi người là ai? Em cần phải xem cái người bình văn cho em là đối tượng thế nào, có đủ tư cách và thẩm mỹ hay không, hay là chính văn của anh ta cũng dở.

Cái hồi còn “chưa từng trải”, tôi bắt đầu bị tẩu hỏa nhập ma, trong đầu lúc có núi lửa lúc lại sóng thần. Cơm ăn không ngon, nước uống không tiêu, nửa đêm ngủ cũng giật mình, hai giờ sáng hoảng hốt tung chăn dậy vo gạo nấu cơm, vo được một nửa chợt nhớ ra mình là “nguyên khí quốc gia”, lại đổ gạo ướt vào vò đắp chăn ngủ tiếp. Lúc sáng tác thì nhớ nhớ quên quên, cho nhân vật chết tận hai lần, một lần cao trào một lần kết truyện.

cong lua

Sau này “từng trải” rồi, thấy thiên hạ cãi nhau không phân thắng bại trên mạng xã hội, bỏ cơm bỏ việc để lý luận, phân tích, chứng minh, tầm ngôn trích cú, dẫn chứng hùng hồn, ai nói cũng có lý như nhau, thì chợt mỉm cười nhớ lại.

Một ngày nào đó người ta đưa ra lời khuyên cho bạn, hay bình xét một vấn đề về bạn, thì đấy không phải người ta sai, mà người ta chỉ đúng trong trường hợp của họ, trong hoàn cảnh của họ, trong nhận thức, thẩm mỹ, định nghĩa và trải nghiệm đã có của họ, chứ không phải đúng trong trường hợp của bạn, càng không đúng trong trường hợp của tất cả những người khác.

Nếu cả hai cùng chứng minh một định đề mà ngay từ đầu định lý không giống nhau thì dù chứng minh đủ chín năm chín tháng cũng không bao giờ cho ra cùng một đáp số. Hoặc có thể họ đúng, nhưng đúng ở một lát cắt phiến diện nào đó thôi, chứ không hề chính xác về mặt tổng thể. Mà để bắt bệnh kê đơn, đến bác sĩ cũng còn cần tới vô số xét nghiệm chỉ số máu, nước tiểu và kết quả siêu âm, chụp chiếu…/

cong lua
Giờ nghĩ lại tôi mới chợt nảy ra một ý rất thú vị, rằng tại sao lúc ấy mình không mời những cô bạn kia, hoặc các nhà văn ABC nọ một bữa trưa để họ tự tranh luận với nhau về chủ đề ấy, còn mình rút lui phía sau đóng vai khán giả ngồi xem như xem phim, như thế có thú hơn là dại dột đóng vai nhân vật rồi tranh luận mà rước bực vào mình. Nhưng mà nói thế cho oai, chứ giờ thi thoảng tôi vẫn biến mình thành kẻ “chưa từng trải”, vẫn đôi lúc sa đà vào tranh luận vô bổ, mà nếu không thế thì tôi đã là Hodja - nhà triết học lỗi lạc và uyên bác người Thổ Nhĩ Kỳ, người được mệnh danh là triết gia của mọi triết gia rồi.
cong lua Những người giàu túng thiếu
cong lua Phong cách sống: Thói quen